Vatican muốn dứt phép thông công những người mafia
la-croix.com, Loup Besmond de Senneville, 2021-05-11
Chân phước cho Rosario Livatino, thẩm phán bị mafia Sicily ám sát năm 1990
Sau những tuyên bố gần đây của Đức Phanxicô, Tòa Thánh công bố việc thành lập một nhóm làm việc về việc dứt phép thông công những người mafia. Các thành viên của nhóm gồm những nhân vật người Ý nỗ lực hết mình để chống mafia như thẩm phán Giuseppe Pignatone hay Tổng giám mục Sicilia, Michele Pennisi.
Chiếc áo của thẩm phán Rosario Livatino mặc trong vụ ám sát năm 1990 được trưng bày tại Nhà thờ Agrigento ngày chúa nhật 9 tháng 5 năm 2021 trong lễ phong chân phước cho ông. Fabio Peonia / AP
Đây là thông báo được đưa ra vào một ngày mang tính biểu tượng, ngày chúa nhật 9 tháng 5. Vatican thông báo thành lập nhóm này khi lễ phong chân phước cho Rosario Livatino, một thẩm phán bị mafia Sicily ám sát năm 1990, đang được cử hành vào ngày này.
Được bộ Phát triển Toàn diện thành lập, nhóm này do nhà văn Vittorio Alberti làm chủ tịch, tập hợp các nhân vật cấp cao, tất cả đều nổi tiếng trong cuộc chiến chống mafia. Nhóm gồm có bà Rosy Bindi, cựu chủ tịch Đảng Dân chủ Ý, các linh mục Luigi Ciotti và Marcello Cozzi, cũng như của Tổng giám mục Sicilia, Michele Pennisi và của thẩm phán chống mafia Giuseppe Pignatone, người đã trở thành chủ tịch tòa án Vatican tháng 10 năm 2019. Ngoài ra còn có tổng tuyên úy các nhà tù Ý, linh mục Raffaele Grimaldi, và Giám mục Ioan Alexandru Pop, thành viên của Hội đồng Giáo hoàng về Văn bản Lập pháp.
“Văn hóa mafia là văn hóa của sự chết”
Thành phần này chứng minh cho thấy Vatican rất xem trọng vấn đề này, trong những tháng gần đây, giáo hoàng đã không ngừng dấn thân chống mafia. Ngày 21 tháng 3, nhân ngày tưởng niệm và cam kết tưởng nhớ các nạn nhân vô tội của mafia, ngài đã tuyên bố: “Các cấu trúc tội lỗi, trái ngược với Phúc âm của Chúa Kitô đã nhầm lẫn đức tin với việc thờ ngẫu tượng”.
Vào thời của mình, Đức Gioan-Phaolô II cũng đã lên tiếng chống lại những hình thức này, ngài đã phát biểu trong một bài diễn văn nổi tiếng ngày 9 tháng 5 năm 1993 trong chuyến thăm Sicily: “Xin anh chị em dứt khoát từ bỏ văn hóa mafia, đó là văn hóa của cái chết, hoàn toàn vô nhân đạo, phản đạo đức, kẻ thù của nhân phẩm và sự chung sống giữa con người với nhau.”
“Mafia không dính gì đến Tin Mừng và vì thế không dính gì đến Giáo hội”
Ông chủ tịch Vittorio Alberti giải thích trên Vatican News: “Chúng tôi nhận ra, trong Học thuyết Xã hội của Giáo hội, trong giáo luật, trong sách giáo lý, không có vấn đề dứt phép thông công với người mafia.”
Ông muốn thiết lập một “giáo điều cụ thể” của Giáo hội về vấn đề này. Ông nói tiếp: “Đó là dứt khoát loại bỏ bất cứ thỏa hiệp nào của đạo công giáo với những người mafia. Mafia không dính gì đến Tin Mừng và vì thế không dính gì đến Giáo hội. Ông nhấn mạnh, trên hết, người công giáo không thể thích ứng với một tổ chức mafia nào: “Điều quan trọng đối với chúng tôi là khẳng định một lần và mãi mãi rằng không thể vừa thuộc về mafia vừa thuộc về Giáo hội.”
Chống tham nhũng trong Giáo hội
Việc Vatican công bố nhóm làm việc này, trên thực tế, đây là một trong những việc Đức Phanxicô cam kết làm để chống nạn tham nhũng trong Giáo hội. Kể cả ở Vatican. Vì thế trong những tháng gần đây, ngài đã có nhiều tự sắc để tăng cường cuộc chiến chống mafia ngay chính trong giáo quyền. Tháng 10 năm 2020, ngài đã mở rộng quyền hạn của Cơ quan thông tin tài chính (AIF) của Tòa thánh, và quyền hạn của Tòa án Vatican trong việc chống rửa tiền.
Tháng 4, ngài bắt buộc tất cả những người có trách nhiệm của Tòa thánh phải khai lợi tức, trong đó họ phải hứa không giữ “trực tiếp hoặc gián tiếp”, tham dự vào bất cứ “một công ty nào có trụ sở chính ở một thiên đàng trốn thuế”.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch