Tham nhũng và “các hoàng tử của Giáo hội”
cath.ch, Carole Pirker, 2021-05-05
Sau các biện pháp chống tham nhũng của giáo hoàng, liệu có thể kết tội hồng y Angelo Becciu, người bị cáo buộc trong việc quản lý các quỹ của Tòa thánh không? | © Vatican Media
Liệu các biện pháp chống tham nhũng và những biện pháp nhắm vào hệ thống tư pháp của Tòa thánh, được giáo hoàng công bố vào ngày 29 và 30 tháng 4, có sẽ được theo dõi không? Theo ông John L. Allen Jr., tổng biên tập trang Crux, một trang web của Mỹ chuyên đưa tin về Vatican, chúng ta không nên phấn khởi.
Nhà báo John L. Allen Jr. kể lại sự việc.
Không ai ngạc nhiên vào cuối tuần trước, ngày 1-2 tháng 5, khi một phụ nữ 46 tuổi bị quản thúc vì phạm tội ăn cắp trầm trọng ở một nhà thờ nhỏ tỉnh Reggio Calabria, miền Nam nước Ý. Người phụ nữ làm việc dọn dẹp và nhà thờ là một trong các khách hàng của bà.
Bà khai với cảnh sát, linh mục đã không trả lương cho bà một số giờ làm trong tuần, vì thế bà có thói quen rút tiền trong hòm cúng dành cho người nghèo khi bà mở hòm ra để quét bụi. Bà nói số tiền này là một phần tiền lương của bà, dù bà chưa bao giờ được phép chính thức lấy, bà khẳng định mình không làm gì sai.
Câu chuyện này đến trong đầu tôi khi thấy sự thay đổi trong hệ thống pháp luật của Vatican do Đức Phanxicô đưa ra vào ngày 30 tháng 4. Một số người ca ngợi đây là một bước tiến tốt hướng tới trách nhiệm trong công việc, nhưng một số khác lại hoài nghi và chế giễu. Thật vậy, đề nghị sửa đổi giúp các tòa án dân sự thông thường của Vatican xét xử các trường hợp chống lại hồng y và giám mục. Trước đây, nếu một hồng y hoặc giám mục bị buộc tội dân sự theo luật của Quốc gia Vatican thì vụ việc phải được Tòa án Tối cao Vatican, do một vị hồng y chủ tọa xét xử.
Phán quyết này chấm dứt đặc quyền truyền thống mà các giám chức chỉ được xét xử bởi các đồng nghiệp của họ, bắt buộc họ phải tuân theo quy trình pháp lý như bất cứ công dân nào khác, dù giáo hoàng phải luôn chấp thuận một phiên tòa như vậy. Biện pháp này vừa là đòn mới nhất Đức Phanxicô đưa ra để chống nạn giáo quyền, vừa là dấu hiệu cho thấy quyết tâm chống tội phạm và tham nhũng trong hàng ngũ của mình.
Trong tầm ngắm, hồng y Angelo Becciu
Trong một vài phản hồi, câu hỏi được đặt ra là liệu Đức Phanxicô có đang nghĩ đến một vị giám mục cụ thể nào đó, người bị tình nghi thường là cựu hồng y người Ý Angelo Becciu – hoặc vì cáo buộc biển thủ công quỹ Vatican cho lợi ích các người trong gia đình, nên đã bị giáo hoàng cách chức Bộ trưởng Bộ Phong Thánh tháng 9 năm ngoái. Hoặc vì vai trò của cựu hồng y trong vụ bê bối bất động sản ở London, bắt đầu khi hồng y là thứ trưởng, trên thực tế là chánh văn phòng của Phủ Quốc Vụ Khanh.
Dù cho đến nay, các nhà điều tra của Vatican không buộc tội cựu hồng y Angelo Becciu trong bất kỳ tội danh nào liên quan đến vụ án ở London, họ đã yêu cầu dẫn độ bà Cecilia Marogna từ Ý, một phụ tá đồng hương của hồng y người Sardinia, có biệt danh là “Phu nhân của Hồng y” (yêu cầu đã bị bãi bỏ vào tháng 1 sau khi Tòa án Tối cao Ý tỏ ra nghi ngờ về tính hợp pháp của việc này).
Ba lý do để chờ đợi
Nhưng trước khi phấn khởi thì có ít nhất ba lý do để chờ và để xem. Thứ nhất là vì sao quỹ người nghèo, trong nhiều trường hợp, những người chịu trách nhiệm cho cái mà ngày nay được gọi là tham nhũng, họ không thực sự nghĩ họ làm gì sai. Chúng ta xem những cáo buộc ban đầu của giáo hoàng chống lại hồng y Becciu: bòn rút tiền vì lợi ích của một công ty xây dựng do anh trai của hồng y làm chủ để sửa chữa các tòa nhà sứ thần ở nước ngoài và chuyển quỹ từ thiện cho hai cơ sở ở Sardinia mà các người thân khác có liên quan. Trong cuộc họp báo vào ngày hôm sau, cựu hồng y Angelo Becciu đã không phủ nhận các cáo buộc, nhưng nhấn mạnh, các hành động của ngài không có gì bất thường.
Ông John Allen lưu ý, nói chung, người Ý có xu hướng tương đối hóa khi nói đến luật pháp và chuyên chế hóa khi nói đến gia đình. Thật vậy, việc lách các quy định về đấu thầu và mâu thuẫn lợi ích để giúp đỡ họ hàng, và những người thân cận được nhiều người Ý không chỉ xem là được chấp nhận, mà còn là cao thượng. Cho đến khi loại văn hóa này thay đổi, thì Tự sắc, chính tự nó cũng như cây trong rừng đổ nhưng chẳng ai nghe thấy
Liệu pháp luật có kết tội không?
Thứ hai, chất lượng của một quy trình pháp lý phụ thuộc vào quyết tâm sử dụng nó và vẫn còn phải xem liệu cựu hồng y Becciu, hay bất kỳ ai khác ở các vị trí cấp cao, có thực sự bị truy tố và xét xử hay không. Cho đến nay, thông thường là truy tố giáo dân và giáo sĩ cấp thấp hơn, còn các giám chức cao cấp thì cô lập để khỏi bị đổ lỗi – trong một số trường hợp thậm chí còn không để họ ra làm chứng. Trên lý thuyết, Tòa án Tối cao Vatican có thể đã xét xử các hồng y và giám mục kể từ khi bắt đầu các vụ án. Sự việc quyền tài phán đã được chuyển giao, không có nghĩa tự động chúng ta sẽ sớm thấy những kẻ đứng đầu.
Để so sánh, Tự sắc gần đây của giáo hoàng về trách nhiệm giám mục trong các trường hợp lạm dụng tình dục, Vox Estis, (được ban hành vào ngày 9 tháng 5 năm 2019, thiết lập các tiêu chuẩn thủ tục mới để chống lạm dụng tình dục) cho đến nay kéo theo một sự gia tăng các khiếu nại và điều tra. Nhưng chưa có những kết án nào được báo chí nói đến. Tệ nhất, các giám mục bị Vox Estis kết án đã từ chối mà không có lời giải thích chính thức nào – đơn từ chức ngày 13 tháng 4 vừa qua của giám mục Michael J. Hoeppner, giáo phận Crookston, Minnesota, là một ví dụ – nhưng đây không cùng trường hợp của một bản án pháp lý.
Đạp thắng trên sự tôn kính các giám chức cao cấp
Thứ ba, có một câu hỏi đặt ra là liệu các tòa án cấp thấp của hệ thống pháp luật Vatican, do giáo dân điều hành, sẽ có khuynh hướng nghiêm khắc hơn với các hồng y và giám mục so với một tòa án được một hoàng tử khác của Giáo hội chủ trì không? Kinh nghiệm cho thấy đa số các giáo dân có khả năng có được những vị trí quan trọng trong Vatican có khuynh hướng tôn trọng uy quyền của Giáo hội, và ưu ái cho các giám mục quyền của nghi ngờ.
Tất nhiên, tất cả các cải cách đều có thể gây hụt hẫng, chắp vá và chậm chạp, ngay cả những cải cách quyết liệt và thành công nhất, ở một thời điểm, có vẻ hứa hẹn nhưng chưa được chứng minh. Nhà báo John Allen kết luận, tương lai sẽ cho chúng ta biết, có phải đây là sáng kiến mới nhất của giáo hoàng – hay – đây cũng như thường xảy ra trong quá khứ ở Vatican, chỉ là một trường hợp khác, mọi thứ có vẻ như đang thay đổi, để trong thực tế, mọi thứ vẫn như cũ.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch