Françoise Barré-Sinoussi: “Nghiên cứu giống như bước vào Dòng Kín”

41

Françoise Barré-Sinoussi: “Nghiên cứu giống như bước vào Dòng Kín”

Tôi sẽ không đến được đây nếu…, nhà siêu vi trùng học Françoise Barré-Sinoussi đã cống hiến đời mình cho khoa học, đặc biệt là khi bắt đầu có bệnh sida mà bà là người đồng phát hiện ra vi-rút.

lemonde.fr, Solenn de Royer, 2021-04-25

Năm 1983, nhà siêu vi trùng học Françoise Barré-Sinoussi đã đồng phát hiện ra virus sida, năm 2008 bà nhận Giải Nobel y học. Tính tình kín đáo và có tinh thần đòi hỏi nghiêm khắc, sau khi cựu chủ tịch Pierre Bergé qua đời, bà là chủ tịch hội Hành động vì sida (Sidaction). Bà dành toàn bộ sự nghiệp của mình cho Viện Pasteur. Ở tuổi 73, bà đã nghỉ hưu. Khi bắt đầu xảy ra dịch Covid-19, bà có trách nhiệm tư vấn cho chính phủ về các phương pháp điều trị chống coronavirus, đứng đầu một Ủy ban phân tích nghiên cứu và chuyên ngành (CARE).

Tôi sẽ không đến được đây nếu…

Nếu từ khi còn nhỏ tôi không bị khoa học lôi cuốn. Ở trường, tôi học rất dễ dàng và rất nhanh về tất cả những gì thuộc khoa học tự nhiên, tôi rất dở môn triết hoặc ngôn ngữ. Tôi là đứa bé nhút nhát và dè dặt. Cha mẹ đưa tôi đi nghỉ hè ở Auvergne, tôi ngồi hàng giờ để ngắm núi non, động vật và côn trùng… Tôi thích quan sát, tự đặt câu hỏi, cố gắng tìm hiểu. Tôi không biết những chuyện này đưa tôi đi về đâu. Nhưng đó là một sức hút cực mạnh.

Cha mẹ của bà đóng vai trò nào trong niềm đam mê sinh vật sống này không?

Gia đình tôi không có ai là bác sĩ hay nhà nghiên cứu. Cha tôi là nhân viên khảo sát đo đạt tòa nhà. Cha tôi mất bố rất sớm do hậu quả chiến tranh. Một mình bà tôi nuôi bốn con, ban đêm bà làm dây chuyền để kiếm sống. Còn phía bên ngoại thì ông ngoại tôi là thợ làm mỏ than, còn bà tôi làm việc trong nhà máy sản xuất pho-mát. Mẹ tôi không làm việc. Bà cũng rất mê khoa học tự nhiên. Bà có ảnh hưởng đến tôi không? Tôi không biết. Dù sao bà luôn là chỗ dựa vững chắc của tôi. Tôi là con một. Dù hoàn cảnh kinh tế như thế nào, tôi luôn được chiều chuộng. Tôi được nuôi dưỡng với những giá trị nhân văn trân trọng. Quan tâm đến người khác và trung thực là những đức tính có ý nghĩa rất lớn với cha mẹ tôi.

Bằng cách nào và khi nào, bà tham gia vào khoa học?

Tôi không học y khoa ngay từ đầu, vì tôi nghĩ những năm tháng học lâu dài sẽ tốn tiền và là gánh nặng cho cha mẹ tôi. Thật là ngớ ngẩn, vì hóa ra những năm học khoa học của tôi cũng dài như vậy! Trước khi có bằng, tôi tự hỏi liệu mình có đang đi đúng hướng hay không. Tôi đã gặp khó khăn khi đi thi. Tôi không thấy mối liên hệ giữa những gì chúng tôi được dạy và nghiên cứu. Tôi do dự thi vào một trường kỹ thuật viên phòng thí nghiệm, nhưng tôi được khuyến khích nên học tiếp đại học. Tôi đặt ra một điều kiện: cùng lúc tôi được làm việc trong phòng thí nghiệm để có thể hiểu được sự hữu ích của những gì chúng tôi được dạy.

Làm thế nào bà tìm thấy một phòng thí nghiệm chịu nhận bà?

Tôi đã mất một năm. Tôi viết cho tất cả phòng thí nghiệm công và tư, nhưng không ai trả lời. Cuối cùng, nhờ một cô bạn cùng học ở thời đại học, tôi tìm được một phòng thí nghiệm. Ông Jean-Claude Chermann, người đứng đầu đơn vị vi-rút học tại Viện Pasteur, đã nhận tôi thực tập bán thời gian để tôi có thể tiếp tục đi học. Đó là một bước ngoặt quan trọng cho tôi! Sau đó bán thời gian chuyển thành toàn thời gian. Tôi luôn nói với các sinh viên, tôi là tấm gương xấu: Tôi ít đến trường đại học, bạn bè đem bài vở về cho tôi, tôi học buổi tối, ban đêm… Và tôi để cả ngày để làm việc ở phòng thí nghiệm. Những gì tôi học, cuối cùng cũng có ý nghĩa.

Sau khi học xong, bà có ở lại phòng thí nghiệm của ông Jean-Claude Chermann không?

Có, tôi làm luận án cấp Quốc gia với ông trong 3 năm, thay vì 5 năm đến 10 năm. Tôi làm việc cật lực. Ông Jean-Claude thúc đẩy tôi. Ông hiểu, tôi có thể cống hiến rất nhiều cho khoa học, bỏ qua cuộc sống riêng tư của tôi, bỏ qua tất cả để theo đuổi các dự án. Tôi có một căn phòng rất nhỏ (gọi là căn phòng của người giúp việc) bên cạnh phòng thí nghiệm ở Marnes-la-Coquette (Hauts-de-Seine). Tôi ngồi cả ngày ở chiếc nệm rơm (bàn làm việc), ban đêm thì tôi làm việc cho luận án án án của tôi.

Nghiên cứu khoa học có giống chút nào giống như một người khi họ theo một tôn giáo không?

Điều đó đúng hoàn toàn. Khi tôi nhận các sinh viên muốn vào làm trong phòng thí nghiệm của tôi, đó là một trong những điều tôi nói với họ để thử họ. Nghiên cứu cũng giống như vào Dòng Kín. Mình phải sẵn sàng hy sinh. Nhưng trên tất cả, đó là một lựa chọn.

Bà đã lựa chọn không có con…

Tôi không hình dung tôi có con. Tôi sẽ mang hai mặc cảm tội lỗi: không săn sóc con đủ và không cống hiến cho khoa học đủ. Tôi không muốn sống giằng co như vậy, tôi sẽ không chịu đựng nổi. Chồng tôi hiểu tôi. Anh là kỹ sư âm thanh tại Đài phát thanh Pháp và làm việc vào cuối tuần hoặc ban đêm. Chúng tôi cùng quyết định và anh luôn nâng đỡ tôi. Dù điều này không phải lúc nào cũng dễ dàng. Chẳng hạn trong thời gian bệnh sida bắt đầu phát, chúng tôi không còn đi nghỉ hè nữa. Bạn bè chúng tôi không hoàn toàn. Một vài người nói với anh ta: “Nhưng làm thế nào bạn chấp nhận cuộc sống do Françoise dẫn dắt?”  Anh đã trả lời: “Việc này không phải của bạn, đó là cuộc sống của vợ tôi, còn tôi, cuộc sống này rất hợp với tôi…” Ngày đám cưới, dự trù là vào buổi trưa, tôi còn đến phòng thí nghiệm. Khoảng 11 giờ, chồng tương lai của tôi điện thoại cho tôi: “Em có nhớ hôm nay là ngày gì không? Em có đến không?” Tôi đã không nhìn đồng hồ!

Năm 1983, bà là người đầu tiên khám phá một loại vi-rút mới, vi-rút HIV. Có giây phút nào phấn khích khi bà sắp đạt mục tiêu không?

Không. Khoa học là từng bước, các giả thuyết đưa ra và các giả thuyết này có thể có hoặc không có câu trả lời. Đồng thời, đó cũng là vấn đề khẩn cấp. Những người trẻ tuổi chết trong hoàn cảnh kinh khủng. Những người hiến máu bị nhiễm vi-rút lại đi cho máu… Tôi nhớ một cuộc hội thảo ở San Francisco năm 1984. Vào cuối bài thuyết trình của tôi, một bác sĩ tìm tôi và hỏi tôi liệu tôi có chịu gặp một bệnh nhân không. Chúng tôi vào phòng chăm sóc đặc biệt và tôi thấy một người đàn ông sắp chết, ông gầy thảm thiết, mắt lồi ra và đang thở oxy. Ông cố gắng nói với tôi điều gì đó, tôi hiểu qua đôi môi mấp máy của ông, ông nói với tôi “cám ơn bà”… Ông đang sắp chết, làm sao ông có thể cám ơn tôi?, tôi nói với ông. Khi đó ông cầm tay tôi và ông nói thêm: “Không phải cho tôi, nhưng cho những người khác.” Tôi vẫn còn chảy nước mắt khi tôi nghĩ đến bàn ông trong tay tôi.

Khi vi-rút đang giết chết hàng loạt người, làm sao bà có thể sống trong những năm tháng này?

Rất đau lòng. Chúng tôi cảm thấy bất lực. Chúng tôi gắn bó với những bệnh nhân mà mình thấy họ như đã chết. Chúng tôi cố gắng hết sức mình để tiến về phía trước càng nhanh càng tốt, đồng thời tự nhủ, mình phải thực tế, mình không thể kiếm ra một cái gì đó trong một sớm một chiều. Về mặt tâm lý, đó là điều vô cùng khó khăn. Năm 1996, sau khi có các loại retrovirus, những phân tử đầu tiên cuối cùng có thể sống được, một số người trong chúng tôi đã bị kiệt sức và trầm cảm. Tôi đã không nhận ra nó ngay lập tức. Các đồng nghiệp và bạn bè bác sĩ, được cô thư ký của tôi báo động đã bắt tôi phải trị liệu. Tôi đã không thể làm cho thẳng hàng hai chữ, tôi mất ngủ hoàn toàn… Các dấu hiệu ở đó. Tôi phải đối diện với sự thật, tôi không khỏe chút nào. Tôi phải mất một năm để hồi phục hoàn toàn.

Năm 1983 bà khám phá vi-rút sida. Nhưng năm 1988 Viện Pasteur từ chối không cho bà thành lập một phòng thí nghiệm độc lập.

Khi ông Jean-Claude Chermann rời đi, tôi muốn thành lập một đơn vị nghiên cứu độc lập về mặt hành chính, như thế sẽ làm cuộc sống chúng tôi dễ dàng hơn. Họ đòi tôi phải nộp hồ sơ. Sau nhiều tháng thảo luận, đơn xin bị từ chối. Bốn năm sau, năm 1992, khoa vi-rút học mà tôi dự phần được các chuyên gia nước ngoài đến thăm, họ rất ngạc nhiên: họ hỏi tại sao phòng thí nghiệm này chưa được thành lập, cuối cùng thì phòng thí nghiệm này đã hoàn thành. Tôi đã rất khó khăn trong giai đoạn này. Sự từ chối này, vào năm 1988, là để đặt lại vấn đề vai trò của tôi trong việc khám phá vi-rút. Tôi đã nản lòng. Nếu một mình tôi, tôi đã bỏ cuộc. Nhưng tôi có một nhóm tin tưởng tôi. Tôi không thể để họ thất vọng.

Theo bà, việc bà là phụ nữ có đóng một vai trò nào đó trong việc từ chối này không?

Có. Nhưng, khi nhìn lại, tôi không hối tiếc những gì đã xảy ra, nó đã cho phép tôi rèn nên một lớp vỏ. Tôi tự nhủ: từ nay sẽ không có chuyện gì chạm được đến tôi, tôi sẽ chứng tỏ cho các bạn thấy, nhóm tôi và tôi có khả năng làm được! Trong cuộc sống của tôi, câu “bạn sẽ thấy!” là một động lực. Bắt đầu với cha tôi. Khi tôi còn ở tuổi vị thành niên, giữa hai cha con đã có những giây phút rất hung bạo. Cha tôi cho rằng, một phụ nữ phải lấy chồng, có con và ở nhà như mẹ tôi. Ông không vui lắm khi thấy cuộc đời tôi rẽ sang một hướng khác, dù ông rất tự hào nhưng không khi nào ông tỏ cho tôi thấy. Vào cuối đời cha tôi, tôi nói với ông: “Con phải cám ơn cha. Cha là một trong những người đầu tiên con muốn nói: ‘tôi sẽ cho bạn thấy một người phụ nữ có thể làm được gì!’ Theo một cách nào đó, con đạt được mục đích là nhờ cha.”

Đâu là chỗ đứng của phụ nữ trong khoa học?

Vào những năm 1970, khi tôi bắt đầu, mọi thứ rất phức tạp với phụ nữ, họ thường bị giáng xuống cấp dưới. Các vị trí cấp cao, chẳng hạn giám đốc nghiên cứu, hầu hết do nam giới đảm nhiệm. Nhưng mọi thứ đã thay đổi. Chúng tôi chưa hoàn toàn ngang hàng, nhưng chúng ta đang đi đúng hướng.

Năm 2008, bà nhận Giải Nobel y khoa cùng với nhà siêu vi trùng học Luc Montagnier, người điều hành phòng thí nghiệm. Bà nhận tin này như thế nào?

Tôi đang ở Campuchia, nơi tôi đến đó hai hoặc ba lần trong một năm để làm việc trong các chương trình nghiên cứu. Tôi đang họp thì điện thoại reo. Cô Danielle Messager, nhà báo của France Inter, người cùng làm việc với chồng tôi. Cô nói với tôi: “Françoise, tôi gọi cho bà để báo tin!” Tôi không hiểu cô muốn nói tin gì. Khi cô nói, tôi được giải Nobel, tôi không thể tin được, tôi gác máy. Nhưng ngay lập tức, điện thoại của tôi lại reo và nó reo liên tục.

Bà đã nghĩ gì khi biết mình được giải Nobel?

Trước hết tôi nghĩ đến chồng tôi đã qua đời vài tháng trước đó. Tôi đã quyết định đi Campuchia, vì tôi không muốn ở Paris một mình trong ngày kỷ niệm 30 năm đám cưới sắp tới. Việc công bố giải Nobel rơi vào ngày kỷ niệm này! Mẹ chồng tôi rất sùng đạo nên bà xem đây là một dấu hiệu. Tôi không tin vào Chúa hay thế giới sau cái chết, nhưng lúc đó tôi rất giao động và xúc động. Mãi sau này, tôi mới biết, hàng năm khi giải Nobel công bố, trong căn phòng thông tin của Đài phát thanh, chồng tôi thường đến xem danh sách những người được giải vừa mới công bố. Và dĩ nhiên, anh không bao giờ nói với tôi chuyện này.

Điều gì đã thay đổi giữa nhà nghiên cứu trẻ ngày xưa và người phụ nữ lớn tuổi bây giờ, khi kết thúc quá trình khoa học lâu dài này?

Tôi đã mất đi sự nhút nhát của mình, tôi có được tự tin. Cứ nhận những thử thách thì rồi mình sẽ vững lên nhiều. Vào cuối sự nghiệp, tôi có cảm tưởng không có gì có thể chạm đến tôi được nữa. Trong mọi trường hợp, tôi đã học được, không bao giờ thể hiện ra bên ngoài những điểm yếu nhỏ nhất.

Covid-19 có làm sống lại trong bà các kỷ niệm xấu của bệnh sida không?

Trong nhiều năm, trong cộng đồng y khoa chúng tôi, chúng tôi biết có một căn bệnh truyền nhiễm mới sẽ đến trước mũi chúng ta do dân số di chuyển, do biến đổi khí hậu… Chúng tôi đã không được lắng nghe. Mặc dù nó không cùng một loại vi-rút, nhưng có những điều chúng ta đã học được với bệnh sida mà chúng ta không xem trọng khi đối diện với Covid-19, chẳng hạn như những vấn đề liên quan đến xã hội dân sự trong các quyết định.

Bà có luôn nghĩ những giờ cống hiến trong phòng thí nghiệm và không quan tâm đến các chuyện khác có đáng giá không?

Tôi đã tự hỏi mình câu này khi chồng tôi bệnh. Tôi biết anh ấy sẽ chết. Chúng tôi tự nhủ khi về hưu, chúng tôi sẽ dành một ít thời gian cho bản thân, chúng tôi sẽ đi du lịch… và rồi máy chém rơi xuống. Lúc đó, tôi cố gắng ít đến phòng thí nghiệm hơn. Nhưng anh đã làm cho tôi hiểu, tôi phải tiếp tục cuộc sống của tôi, rằng điều này cũng sẽ tốt cho anh. Bây giờ tôi hiểu, anh đã đúng.

Tôi đang ở vào thời kỳ cuối cuộc đời, và tôi không hối tiếc. Tôi đã gặp những con người tuyệt vời, tôi học hỏi được nhiều điều từ người khác, tôi hy vọng mình đã đóng góp được điều gì đó, và những nhà nghiên cứu trẻ do tôi đào tạo, tôi xem họ như con tôi, đó là gia đình do chính tôi tạo nên. Sống cho chính mình, tôi thấy không có lợi. Sống cho các giải thưởng, các danh dự cũng không có lợi. Cho người khác là hướng đi, là ý nghĩa mà tôi đã cố gắng in lên đời mình.

Marta An Nguyễn dịch

Bài đọc thêm: Magda Hollander-Lafon: “Duy chỉ một cái nhìn cũng có thể cứu một con người”