Đức tin kín đáo của Hoàng tế Philip
Tang lễ của Hoàng tế Philip, chồng của Nữ hoàng Elizabeth được cử hành ngày thứ bảy, 17 tháng 4 năm 2021, báo La Vie nhìn lại hành trình tâm linh của một người đam mê thần học.
lavie.fr/ma-vie, Pierre Jova và Alice d’Uléon, 2021-04-16
Hoàng tế Philip và mẹ, bà Alice de Battenberg, sau khi chồng là Hoàng tử André của Hy Lạp (khoảng năm 1960) qua đời, bà đã đi tu. Hình: MARY EVANS / SIPA
Ông trung thành với Triều đình cũng như với đức tin trong cõi lòng riêng của mình. Sinh ở đảo Hy Lạp Corfu, được giáo dục theo truyền thống chính thống giáo, Philip Mountbatten đã chuyển sang Anh giáo vì nghĩa vụ: trên thực tế, quốc vương Anh có tước hiệu danh dự là “thống đốc tối thượng của Giáo hội Anh giáo“ và Anh giáo là quốc giáo của nước Anh. Bà Elizabeth được Tổng Giám mục giáo phận Canterbury đăng quang năm 1953, bà là người bảo vệ Giáo hội Scotland, giáo phái Calvin.
Cung điện Mon Repos, trên đảo Corfu (Hy Lạp), nơi Hoàng thân Philip sinh ngày 10 tháng 6 năm 1921. Hình Thanassis Stavrakis / AP / SIPA
Linh mục Timothy Radcliffe, cựu Bề trên Tổng quyền Dòng Đa Minh từ năm 1992 đến năm 2001 tuyên bố: “Ông là người chính trực, với Nữ hoàng và với đất nước của mình. Đó là người bất vụ lợi, đã nỗ lực trau dồi để không lộ ra cá tính mạnh mẽ của mình.”
Một người mẹ thần nghiệm
Tuy nhiên hoàng tế không bao giờ cắt đứt với truyền thống chính thống giáo của gia đình Hy Lạp bên ngoại. Sau khi chồng qua đời, mẹ của ông là bà Alice de Battenberg đi tu. Là nhà thần nghiệm, bà sáng lập một cộng đồng tôn giáo ở đảo Tinos, Các nữ tu Marta và Marie, năm 1969 khi qua đời, bà được chôn cất ở Núi Ôliu, Giêrusalem. Vì giúp đỡ những người Do Thái Hy Lạp trong Thế chiến II, bà được trao tặng danh hiệu “Người công chính giữa các quốc gia”
Ngôi mộ của bà Alice ở Battenberg ở nhà thờ Thánh Mari-Mađalêna ở Giêrusalem. Mahmoud Illean / AP / SIPA
Trong những năm 1990, Hoàng tế Philip đã nhiều lần đến thăm Núi Athos ở miền bắc Hy Lạp, nơi một cộng hòa tu viện chính thống giáo được thành lập. Con trai của ông là Charles, Hoàng tử xứ Wales đã noi gương cha mình, năm 1997, ngay sau cái chết bi thảm của Công nương Diana.
Năm 2004, người thừa kế ngai vàng nước Anh đã đến thăm “Núi Thánh” ít nhất ba lần, bỏ tiền túi ra để sửa chữa tu viện Hilandar của Serbia bị hỏa hoạn thiêu rụi. Điều này làm cho báo tả phái The Guardian suy đoán mỉa mai: “Thái tử Charles đã tìm thấy căn nhà tâm linh thực sự của mình trên tảng đá Hy Lạp chưa?”
Trung thành với chính thống Hy Lạp?
Cũng vậy, một số người chính thống giáo cho rằng cố Hoàng tế Philip Mountbatten vẫn trung thành với Giáo hội Hy Lạp… Linh mục Timothy Radcliffe cười và nói thêm: “Ông cực kỳ kín đáo về đức tin của mình, ông biết tiếng Anh nhiều hơn tiếng Hy Lạp! Và biết tiếng Hy Lạp cổ đủ để đọc Tân Ước trong nguyên bản, và rất thích tranh luận về bản dịch với cựu Tổng giám mục của Canterbury, Rowan Williams!”
Có một điều chắc chắn: giống như thân mẫu, năm 1966, ông khởi xướng một cộng đồng tôn giáo, thành lập Nhà thờ St George, một nơi thảo luận rất khép kín, pha trộn giữa các nhà lãnh đạo chính trị và tôn giáo, để tranh luận về các vấn đề lớn của thời đại. Được đặt tên theo Nhà nguyện Hoàng gia tại Cung điện Windsor, nhà thờ St George nhà thờ dành riêng cho vị thánh bảo trợ nước Anh vẫn còn và do cựu giám mục Anh giáo David Conner đứng đầu.
Theo truyền thuyết kể (được kể từ loạt phim thành công The Crown, về chế độ quân chủ của nước Anh), Hoàng tế Philip, trong khi bị khủng hoảng hiện sinh, đã tìm lại được đức tin nhờ mục sư Robin Woods, cựu tuyên úy quân đội trong Thế chiến Thứ hai, người đã khuyên ông tạo một khoảng không gian để suy nghĩ theo mức của mình, để dấn thân một cách có hiệu quả vào xã hội.
Gìn giữ hành tinh: cuộc thập tự chinh của riêng ông
Năm 1986, hai mươi năm sau, Hoàng tế gióng lên tiếng chuông tiên tri báo động về tình trạng của hành tinh. Linh mục Timothy Radcliffe nói: “Ông đã tổ chức một hội nghị thượng đỉnh thế giới ở Assisi, tại đó các nhà lãnh đạo tôn giáo – Kitô giáo, Do Thái, Ấn Độ giáo và Hồi giáo – cam kết bảo vệ môi trường. Ông và con trai, Hoàng tử Charles đã sớm nhạy cảm với sự nguy hiểm của tình trạng ô nhiễm và thảm họa môi trường. Phần lớn con đường thiêng liêng của họ được nuôi dưỡng bởi ý thức về vẻ đẹp của thiên nhiên.”
Năm 1989, Thái tử Charles cầm bút viết một quyển sách với tựa đề thách thức: Sống còn hay Diệt vong. Thái độ của tín hữu kitô đối với Môi trường (Survival or Extinction. A Christian Attitude to the Environment). Mục sư Ian Bradley ghi nhận: “Họ đã lo lắng trước khi nhiều người quan tâm đến sự thay đổi khí hậu, sự nóng lên toàn cầu và những chuyện tương tự”. Mục sư Ian Bradley đã giảng trước Hoàng thân Philip và Nữ hoàng Elizabeth ở nhà thờ Crathie Kirk, một nhà thờ nhỏ được gia đình hoàng gia dùng làm giáo xứ của họ khi họ đến thăm Scotland.
Mục sư Ken MacKenzie trước Nhà nguyện Crathie Kirk, nơi thờ phượng của Hoàng gia ở Scotland. Ảnh Barlow Jane / PA / ABACA
Mục sư nói thêm: “Hoàng tế nói về nhu cầu cấp thiết phải đối diện với hành động của chúng ta trong tư cách là con người, điều này phải có tác động trên lương tâm của tín hữu kitô. Tôi nghĩ đó là cuộc thập tự chinh của riêng ông.”
Một giáo dân nhiệt thành và chú tâm
Theo mục sư Ian Bradley thì hoàng tế Philip Mountbatten là một giáo dân nhiệt thành và chú tâm: “Ông đã viết ra tất cả chi tiết của bài giảng. Ông cực kỳ quan tâm đến thần học, ông có một kiến thức phong phú về Kinh thánh, và đặt cho bạn những câu hỏi đủ loại về bài giảng của bạn trong bữa ăn trưa chúa nhật”, mục sư Bradley là nhà báo phụ trách mục tôn giáo của đài BBC và hiệu trưởng trường St Mary’s thuộc Đại học St Andrews, đại học lâu đời nhất ở Scotland.
Mục sư cho biết, hoàng tế Philip đã khuyến khích vợ mình nêu rõ đức tin kitô giáo của mình khi đọc lời chúc truyền thống Giáng Sinh của bà. Mục sư Ian Bradley nói: “Năm 2000, Nữ hoàng đã rất xúc động và mạnh mẽ khi nói đến đức tin kitô giáo và tác động của đức tin trên bà. Phản ứng của người xem rất tích cực. Chính Philip là người thực sự thuyết phục Nữ hoàng nói nhiều hơn về điểm này.”
Các thông điệp Giáng sinh
Kể từ đó, các thông điệp Giáng sinh của hoàng gia nổi bật với các quy chiếu theo tinh thần kitô hữu của họ, kín đáo hoặc được ủng hộ như thông điệp năm 2016: “Chúa Giêsu, Đấng đã sống phần lớn đời mình trong âm thầm và không bao giờ đi xa. Ngài đã bị nhiều người vu khống và ruồng bỏ, trong khi Ngài chẳng làm điều gì sai. Vậy mà ngày nay có cả hàng tỷ người nghe lời Ngài giảng dạy và tìm thấy ở Ngài là kim chỉ nam cho cuộc đời của họ. Tôi là một trong số họ vì gương của Đấng Kitô đã giúp tôi thấy giá trị của những việc nhỏ bé được thực hiện với tình yêu thương cao cả, bất cứ ai làm và bất kỳ tín ngưỡng nào của họ.”
Một lời chứng cảm động và đáng kinh ngạc, mà chỉ những người bạn thân của vợ chồng hoàng gia mới nhận ra phong cách của Hoàng tế Philip: thu mình, nhưng rất hiện diện.
Marta An Nguyễn dịch