“Sứ mạng của tôi trong nhà tù ở Buenos Aires với Cha Bergoglio”
Bà Halina Rozanska de Pochylak nói kinh nghiệm của bà khi làm việc với các tù nhân. Một kinh nghiệm bà cùng chia sẻ với Giáo hoàng tương lai Phanxicô
vaticannews.va, Davide Dionisi, Vatican, 2021-04-11
Bà Halina Rozanska de Pochylak, 78 tuổi, người gốc Lviv, bà cùng cha mẹ đến Argentina trong thời Thế chiến thứ hai. Năm 8 tuổi, khi nghe tin bà ngoại qua đời khi bà bị giam giữ ở Siberia vì bà là nạn nhân của chế độ cộng sản, và đó là bước ngoặt của đời bà. Kể từ đó, bà Halina quyết định dành cuộc đời của mình để giúp các tù nhân và ngày nay, dù đã lớn tuổi, bà vẫn tiếp tục công việc của mình sau song sắt ở Buenos Aires. Bà có 3 người con và 9 đứa cháu.
Trả lời trên đài Vatican News, bà cho biết: “Tôi gặp Đức Phanxicô khi ngài còn là Bề trên Giám tỉnh Dòng Tên, tôi xem ngài là một trong những giáo hoàng vĩ đại nhất, vì ngài luôn gần gũi với tất cả những người cùng thời với chúng ta, những người đã sống cuộc khủng hoảng toàn cầu chưa từng có do đại dịch”.
Cha giải tội Bergoglio
Trong số những kinh nghiệm sâu đậm khi làm việc trong nhà tù là kinh nghiệm gặp gỡ với Đức Bergoglio: “Tôi nhớ, với tư cách giám mục và hồng y, ngài đến nhà tù để thăm các tù nhân, các tù nhân bị đối xử tệ, bị còng tay còng chân, bị bệnh sida, bị các bản án lâu năm. Khi nào ngài cũng yêu cầu tù nhân được ở trong tư thế có thể nói chuyện với ngài và ngài thường thành công. Vì thế ngài ngồi bên cạnh họ, giải tội cho họ và chưa có linh mục nào khác đã làm được như vậy. Sau khi ngài đến, đã có rất nhiều vụ trở lại.”
Bà Halina được sự hỗ trợ của ba người con: “Cách đây hai năm, chồng tôi qua đời nhưng tôi luôn cảm thấy gần gũi với chồng. Các con tôi giúp tôi một tay về cả kinh tế lẫn vật chất. Gần đây tôi cần các con giúp vì nhà nguyện trong tù cần được quét vôi lại. Con gái tôi dùng máy tính và đọc các giấy tờ của tòa án cho tôi vì con gái tôi là luật sư”.
Tình thương không có
Nhiều kinh nghiệm cá nhân đánh dấu sứ mạng của bà. Nhất là với một tù nhân bị bệnh nan y ở giai đoạn cuối, bà đã tập cho ông cầu nguyện trước khi chết. “Ông có khối u trong cổ họng và khi nào cũng xin tôi một điếu thuốc. Tôi không hút thuộc nên tôi không có, nhưng hôm sau tôi mang thuốc lá vào cho ông. Đồng thời tôi đưa cho ông quyển Thánh Kinh. Ông nói, ông sẽ không mở sách ra vì ông không biết chữ. Nhưng ông xin tôi tập cho ông cầu nguyện và dạy cho ông đọc Kinh Lạy Cha. Khi ông đọc, tôi thấy gương mặt của ông sáng lên, ông nghĩ đến gia đình và quê hương Patagonia của ông. Nhiều lần, ông xin tôi cùng cầu nguyện với ông. Ông còn bỏ một trong những đam mê của ông là bóng đá, để xin Chúa giúp đỡ ông. Một ngày nọ, ông năn nỉ tôi đến nhà tù ngày chúa nhật, tôi phải bỏ các việc đã dự định làm với gia đình ngày hôm đó, tôi vào nhà tù và cầu nguyện với ông trong suốt thời gian tôi vào thăm. Hai hôm sau tôi vào nhà tù và những người canh tù cho biết, ông đã qua đời tối chúa nhật và ông được các bạn tù ở bên cạnh ông vào giây phút cuối”. Nói về thời kỳ sau khi mãn hạn tù, bà Halina tin chắc: “Khi một tù nhân được tự do, họ sợ và không biết làm thế nào để ứng xử trong đời sống xã hội. Họ thường mắc những sai lầm nghiêm trọng. Họ không được người khác chấp nhận và không được đảm bảo về các dịch vụ sinh tồn thiết yếu. Câu trả lời của chúng tôi chỉ có một: chúng ta hãy yêu thương họ.” Bà Halina nói tiếp: “Họ chưa bao giờ nhận được tình cảm và đó là lý do chính đã làm cho họ phạm lỗi lầm. Chúng ta phải đưa họ đến gần hơn với lời cầu nguyện dù đây là một việc rất khó khăn. Nhưng chúng ta có thể làm được điều này nhờ tình thương và sự gần gũi”.
Marta An Nguyễn dịch