Không có các việc của lòng thương xót, đức tin sẽ chết

210

“Không có các việc của lòng thương xót, đức tin sẽ chết”

Trong thánh lễ chúa nhật lòng thương xót Chúa cử hành ở đền thờ Santo Spirito, Sassia, Đức Phanxicô giảng: “Không có các công việc của lòng thương xót, đức tin của chúng ta sẽ chết.”

cath.ch, Jacques Berset, 2021-04-11

Trong bài giảng của ngài, Đức Phanxicô cảnh báo: “Một đức tin nửa vời, nhận mà không cho đi, một đức tin không có công việc của lòng thương xót là một đức tin chết. Anh chị em muốn có bằng chứng Chúa đã chạm đến anh chị em, anh chị em hãy kiểm xem, anh chị em có quan tâm đến các vết thương của người khác hay không.” Khẳng định mình được lòng thương xót Chúa chạm đến thì đến lượt mình cũng phải có lòng thương xót, không được thờ ơ trước các đau khổ của người khác. Ngài nhấn mạnh, muốn là chứng nhân của lòng thương xót, đức tin phải sống động.

Không phải theo chủ nghĩa cộng sản, nhưng là thuần túy theo kitô giáo

Đức Phanxicô giải thích, những người đầu tiên được hưởng lòng thương xót Chúa là các môn đệ, vì Chúa Kitô đã ban cho họ ơn thứ nhất là ơn bình an, cho họ lòng tin tưởng, đưa họ “từ hối hận sang sứ mạng”. Ơn thứ hai là ơn tha thứ, Chúa đã tỏ lòng thương xót của Ngài qua ơn của Đức Chúa Thánh Thần trong bí tích tha thứ. Ơn thứ ba Ngài ban cho các môn đệ và nhân loại, Chúa Kitô đã thực hiện qua các vết thương của Ngài. Qua đó, “cứu rỗi được chữa lành, bởi vì đó là những kênh giữa Ngài và chúng ta, tuôn lòng thương xót của Chúa trên các đau khổ của chúng ta”.

Đức Phanxicô giải thích, các ơn này đã làm cho các môn đệ có lòng thương xót và đã làm thay đổi cuộc đời của họ. Đức Phanxicô trích sách Tông đồ Công vụ – “không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung.” – ngài thốt lên: “Đây không phải là chủ nghĩa cộng sản, đó là thuần túy kitô giáo!”.

Đây là thánh lễ lòng thương xót Chúa lần thứ nhì – sau năm 2020 – được Đức Phanxicô cử hành ở Nhà thờ Santo Spirito ở Sassia, cách Vatican vài trăm mét. Vì lý do cách ly, chỉ có khoảng 80 người tham dự thánh lễ này.

Trong gian giữa của ngôi nhà thờ nhỏ Lòng thương xót Chúa có một nhóm nhỏ là tù nhân từ các nhà tù dành cho phụ nữ ở Rôma, Regina de Cỉli, Rebibbia và Casal del Marmo. Các nữ tu của Bệnh viện Mercy, các y tá của Bệnh viện Santo Spirito ở Sassia, người khuyết tật và một gia đình người di cư từ Argentina hiện diện trong thánh lễ.

Những người tị nạn từ Syria, Nigeria và Ai Cập cũng tham dự thánh lễ, gồm hai thành viên Ai Cập của Giáo hội Coptic, và một tình nguyện viên người Syria của cơ quan Caritas, thành viên của Giáo hội Công giáo Syria.

Theo bước chân Thánh Faustina, Đức Phanxicô cử hành thánh lễ với “các nhà truyền giáo của lòng thương xót”. Đây là những linh mục được Đức Phanxicô ủy quyền ban phép giải cho các tội theo trách nhiệm của Tòa Thánh trong năm 2015, Năm Thánh Lòng Thương Xót.

Sứ mạng của họ được nối tiếp trong tông thư Lòng thương xót và Nỗi khốn khổ (Misericordia et misra, 2016) và được giao cho Hội đồng Giáo hoàng đặc trách Phúc Âm hóa thực hiện. Chủ tịch Hội đồng là hồng y Rino Fisichella cùng đồng tế với Đức Phanxicô.

Ngày 30 tháng 4 năm 2000, Đức Gioan-Phaolô II đã thiết lập ngày chúa nhật lòng thương xót Chúa nhân ngày phong thánh cho Thánh Faustina. Chúa Kitô đã hiện ra với thánh nữ và xin thánh nữ loan truyền lòng sốt mến với Lòng thương xót Chúa và xin ngày lễ này được cử hành trọng thể vào chúa nhật đầu tiên sau lễ Phục Sinh.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: “Không có gì cần thiết hơn lòng thương xót”

Lòng Thương Xót Chúa: quyển sách làm Đức Phanxicô giao động

Hình ảnh thánh lễ Lòng thương xót Chúa, Đức Phanxicô cử hành ngày chúa nhật 11 tháng 4 ở Đền thờ Santo Spirito, Sassia.