Đức Phanxicô đấu tranh để kiềm các căng thẳng bảo thủ-tự do trong Giáo hội

118
Đức Phanxicô đấu tranh để kiềm các căng thẳng bảo thủ-tự do trong Giáo hội
Đức Phanxicô trong chuyến đi đầu tiên sau đại dịch, ngài đến Iraq trong chuyến đi từ ngày 5 đến 8 tháng 3-2021.
Lập trường của Tổng thống Biden về vấn đề phá thai đào sâu các khác biệt giữa các giám mục bảo thủ Mỹ và Đức Phanxicô, ngài cũng phải đối diện với áp lực ở nước Đức tự do
wsj.com, Francis X. Rocca và Ian Lovett tại, 2021-03-20
Các nhà lãnh đạo Giáo hội Mỹ đã chống  lại việc cổ động cho các ưu tiên của giáo hoàng về công bằng xã hội và quan tâm đến môi trường hơn là chống các vấn đề khác.
Đức Phanxicô đang phải khó khăn để quản trị các giám mục quyền lực ở Hoa Kỳ và Đức, hai nhóm ở hai đầu đối lập của hệ tư tưởng, ngài cố gắng thúc đẩy chương trình nghị sự tiến bộ của mình mà không gây nguy cơ cho sự hiệp nhất của Giáo hội công giáo.
Việc bầu cử Tổng thống Biden, một người công giáo tiến bộ mà một số giám mục Hoa Kỳ muốn chỉ trích vì ông ủng hộ quyền phá thai đã làm trầm trọng thêm căng thẳng lâu nay giữa giáo hoàng và các giám mục bảo thủ Mỹ. Các nhà lãnh đạo Giáo hội Mỹ đã chống lại việc cổ động cho các ưu tiên của giáo hoàng về công bằng xã hội và quan tâm đến môi trường so với việc phản đối phá thai và bảo vệ tự do tôn giáo.
Ở cánh tả, giáo hoàng cố gắng kiềm chế các giám mục Đức – những người được khuyến khích bởi các hành động tự do hóa của giáo hoàng về các chủ đề như tình dục, đại kết và vai trò của phụ nữ – đang làm áp lực để có những thay đổi đi xa hơn những gì Đức Phanxicô cảm thấy thoải mái và những người bảo thủ cảnh báo có thể tạo ra ly giáo.
Nỗ lực gần đây nhất của Đức Phanxicô để kiềm chế người Đức được đưa ra trong tài liệu của Vatican tuần này, cấm các giáo sĩ ban phép cho các kết hiệp đồng tính, một mục vụ được một số giám mục hàng đầu của Đức ủng hộ.
Adam DeVille, giáo sư thần học tại Đại học Thánh Phanxicô ở Indiana cho biết: “Mỗi quốc gia đưa ra một loạt vấn đề khác nhau, một loạt các cuộc đấu tranh khác nhau nhưng tôi nghĩ một số động lực cơ bản là giống nhau. Trong cả hai trường hợp, tôi nghĩ giáo hoàng thực sự đang cố gắng nói, ‘nào các bạn, chúng ta cố gắng ổn định ở đây, chúng ta cùng trở lại một con đường chung.’”
Trong nhiều năm, một số ít các giám mục Hoa Kỳ liên kết chặt chẽ với Đức Phanxicô đã thúc ép phải tuân thủ nhiều hơn chương trình nghị sự xã hội của ngài. Tháng 11 năm 2019, lần cuối cùng Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ họp trực tiếp, những người theo chủ nghĩa tự do đã phản đối chống một tuyên bố trong bản hướng dẫn cử tri của Hội đồng Giám mục, cho rằng việc phản đối phá thai là “ưu tiên hàng đầu”.
Trả lời câu hỏi của báo The Wall Street Journal, Hội đồng Giám mục Mỹ cho biết: “Vận động cho người nghèo, người ở bên lề, người di cư, người bị lên án tử hình, trẻ em chưa sinh và tất cả những ai cần lòng thương xót của Chúa là trọng tâm trong sứ mệnh của Hội đồng Giám mục Mỹ và trong việc này có một sự hợp nhất không thể phá vỡ với Đức Thánh Cha.”
Sau cuộc bầu cử của tổng thống Biden, Đức Phanxicô đã phá vỡ nghi thức khi ngài gọi điện thoại để chúc mừng tổng thống đắc cử. Nhưng vào ngày nhậm chức, Đức Tổng Giám mục José Gómez của Los Angeles, chủ tịch Hội đồng Giám mục Mỹ cho biết: “Tân tổng thống của chúng tôi cam kết theo đuổi một vài chính sách có thể thúc đẩy một số tệ nạn đạo đức và đe dọa sự sống và phẩm giá con người, nghiêm trọng nhất là trong các lĩnh vực phá thai, tránh thai, hôn nhân và giới tính.”
Trong khi đó, có một số giám mục cho rằng quan điểm về việc phá thai của ông Biden làm cho ông không đủ điều kiện để lãnh nhận Bí tích Thánh Thể.
Đức Tổng Giám mục Salvatore Cordileone của giáo phận San Francisco cho biết: “Tôi không nghĩ ông nên đi rước lễ. Nếu tôi biết ông sẽ đến và có ý định dự thánh lễ, tôi sẽ nói chuyện với ông trước để làm rõ vấn đề này.”
Khi được hỏi về tuyên bố của Tổng giám mục, ngày thứ sáu, một nhân viên Nhà Trắng cho biết đó là vấn đề riêng tư.
Hồng y Wilton Gregory, người tiến bộ, tổng giám mục của Washington, D.C., là giáo phận của ông Biden cho biết tổng thống có thể tiếp tục rước lễ ở đây.
Theo giáo sư thần học Adam DeVille, sự bất đồng về cách xử lý trong trường hợp của ông Biden cho thấy một xu hướng lớn hơn: “Các giám mục Hoa Kỳ cứng rắn trên một số quan điểm, trên những con đường không hoàn toàn khác biệt, nhưng  rõ ràng là khác nhau… với những ưu tiên khác với ưu tiên của giáo hoàng”, ông lưu ý, giáo hoàng đã 84 tuổi và có lẽ sắp kết thúc triều giáo hoàng của ngài, “rất nhiều giám mục Hoa Kỳ, đặc biệt các giám mục trẻ chờ xong triều giáo hoàng của ngài.”
Trong khi đó ở Đức, các giám mục và các giáo dân công giáo tham gia vào Công nghị quốc gia nghiên cứu những thay đổi lớn trong đời sống Giáo hội kể cả việc có phụ nữ trong hàng giáo sĩ, linh mục kết hôn và thay đổi giáo huấn của Giáo hội về tình dục.
Tuyên bố của Vatican tuần này về việc giáo sĩ không được ban phép cho các quan hệ đồng giới vì Chúa “không thể ban phép cho tội”, tương phản với cách tiếp cận hòa giải của giáo hoàng với những người đồng tính, mà theo ông Sandro Magister, chuyên gia Vatican viết cho Tạp chí L’Espresso của Ý, thì đây như một thông điệp gửi đến Giáo hội Đức. Các giám mục bảo thủ ở cả Hoa Kỳ và Đức đã cảnh báo rằng Thượng hội đồng ở Đức có thể dẫn đến sự chia rẽ với phần còn lại của thế giới công giáo.
Tuyên bố của Bộ Giáo lý Đức tin đã tạo phản ứng mạnh ở hàng giáo sĩ Đức và còn ngoài biên giới Đức, cả nước Áo và Bỉ, với một số linh mục cho biết sẽ ban phép cho các cặp đồng tính dù có lệnh cấm.
Ông Magister nói: “Điều nguy hiểm với Giáo hội Đức là nếu được phép, Giáo hội Đức sẽ trở thành Giáo hội tự trị đi chệch hướng trên những điểm quan trọng của giáo điều. Điều này giải thích vì sao giáo hoàng lại bắt đầu hãm phanh.”
Ông Magister cũng nhìn thấy một lời cảnh báo đối với nước Đức trong quyết định của Đức Phanxicô vào tháng 2 năm 2020, ngài không nới lỏng các đòi hỏi của bậc sống độc thân các linh mục hoặc cho phép phong chức nữ phó tế ở vùng Amazon Châu Mỹ La Tinh, dù trước đó ngài cởi mở với những khả năng này để giải quyết tình trạng thiếu hụt linh mục nghiêm trọng ở đây.
Các văn phòng của Vatican gần đây cũng ban hành các tuyên bố quy định việc cho phép người theo đạo tin lành rước lễ hoặc cho phép giáo dân quản lý các giáo xứ trên cơ sở bình đẳng với các linh mục, cả hai ý kiến đều phổ biến với các giám mục Đức.
Theo giáo sư thần học Massimo Faggioli tại Đại học Villanova, Đức Phanxicô muốn đưa ra các thông điệp mà những người ủng hộ tiến bộ của ngài sẽ không đồng tình.
Giáo sư Faggioli nói: “Khi có những cử chỉ chào đón thì chính Đức Phanxicô sẽ thực hiện. Khi có một số tin xấu, ngài để Bộ Giáo lý Đức tin làm.”
Ông Ludwig Ring-Eifel, người đứng đầu cơ quan báo chí KNA của các giám mục Đức, cho biết, dù có sự thất vọng về phía nước Đức trong tuyên bố về các cặp đồng tính, những người tiến bộ vẫn giữ một hình ảnh cực kỳ tích cực với Đức Phanxicô. Ông Ring-Eifel tuyên bố: “Nhận thức phần nào diễn ra như thế này: Đức Phanxicô đã mở tất cả các cánh cửa mà Đức Gioan-Phaolô II và Đức Bênêđictô XVI trước đây đã tuyên bố đóng cửa với người đồng tính, về độc thân, về liên hiệp thông. Nhưng những người bảo thủ ở Vatican vẫn luôn cản đường ngài và một mình ngài thì quá yếu để hoàn thành cuộc cách mạng.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Dư âm thông cáo của Bộ giáo lý đức tin về việc chúc hôn cho các cặp đồng phái (Vatican News)
Các nguồn tin Vatican nghi Đức Phanxicô tách với lời tuyên bố của Bộ Giáo lý Đức tin về các kết hợp đồng tính
Đồng tính và Giáo hội: “Chúng ta phải thoát ra khỏi cảm tính”