Quyết định của giáo hoàng về chức đọc sách và giúp lễ của phụ nữ: điều gì đã thực sự xảy ra?

720

Quyết định của giáo hoàng về chức đọc sách và giúp lễ của phụ nữ: điều gì đã thực sự xảy ra?

Quyết định của giáo hoàng về chức đọc sách và giúp lễ của phụ nữ: điều gì đã thực sự xảy ra? Các giám mục địa phương tiếp tục phớt lờ những nỗ lực của Đức Phanxicô nhằm tạo thay đổi trong Giáo hội công giáo

international.la-croix.com, Massimo Faggioli, 2021-02-18

Đức Phanxicô mở đầu năm 2021 qua việc thực hiện các bước quan trọng để nâng cao vai trò người phụ nữ trong Giáo hội công giáo.

Ngày 6 tháng 2, ngài bổ nhiệm Nữ tu Nathalie Becquart thuộc dòng Thừa sai Thánh Phanxicô Xaviê làm thư ký dưới quyền của Thượng hội đồng Giám mục, và nữ tu sẽ là phụ nữ đầu tiên có quyền bỏ phiếu trong các buổi họp của Thượng hội đồng.

Đây là một tin rất quan trọng của Thượng Hội đồng và đây thực sự là “điểm quan trọng trong trách vụ lãnh đạo của phụ nữ trong Giáo hội công giáo”

Nhưng Tự sắc Thần Khí Chúa, Spiritus Domini, Đức Phanxicô ban hành ngày 11 tháng 1 còn có khả năng tạo tác động nhiều hơn.

Phá vỡ căn tính thẩm quyền trong Giáo hội với nam giới

Tự sắc thay đổi Giáo luật để cho phép cả phụ nữ và nam giới được chính thức “thừa nhận một cách ổn định qua nghi thức phụng vụ quy định cho mục vụ đọc sách và giúp lễ”.

Ngài lưu ý, năm 2019, những thành viên tham dự Thượng Hội đồng về vùng Amazon đã xin có sự thay đổi này. Nhưng trong nhiều năm qua, nhiều giám mục trong các kỳ họp của các thượng hội đồng khác nhau tại Vatican cũng đã nêu lên vấn đề này.

Trong hầu hết các giáo phận trên khắp thế giới, chỉ nam giới mới được chính thức đào tạo trong việc đọc sách và giúp lễ trong nghi thức phụng vụ.

Tầm quan trọng của Tự sắc Thần Khí Chúa là phá vỡ căn tính thẩm quyền nam giới trong Giáo hội.

Như nhà thần học Ý Andrea Grillo nhắc lại, Đức Phanxicô đã nói “việc thực thi lời có thẩm quyền trong Giáo hội không chỉ dành riêng cho người nam đã được rửa tội”.

Các phương tiện truyền thông chính thống và thế tục đã nhanh chóng đưa tin.

Và bộ phận truyền thông của Vatican đã tạo ra nhiều bước phát triển mới. Báo Osservatore Romano đặc biệt giải thích tầm quan trọng của “tự sắc” trong phụ trang về thần học và phụ nữ Thế giới, Giáo hội, Phụ nữ (Donne Chiesa Mondo) số ra ngày 6 tháng 2.

Nhưng tiếng vang của tin tức này trong các Giáo hội địa phương là gì? Không nhiều, nếu không muốn nói là không có gì.

Dường như chỉ có một số ít giám mục cởi mở đón nhận “tự sắc”.

Các báo công giáo địa phương đều đưa tin về Tự sắc Thần Khí Chúa, nhưng hầu hết các hội đồng giám mục quốc gia – và ngay cả các giám mục địa phương – đều bỏ qua.

Ví dụ, Hội đồng Giám mục Mỹ (USCCB) không có thông tin gì về “tự sắc” trên trang web được cho là nhiều tin tức và được cập nhật thường xuyên, nơi người đọc có thể xem hàng trăm tuyên bố và thông cáo báo chí mỗi tháng.

Hội đồng Giám mục Ý (CEI) chỉ đăng văn bản của giáo hoàng trên trang web của họ, nhưng không làm gì để giải thích thêm hoặc thúc đẩy việc thực hiện tự sắc này.

Chỉ một số ít các giám mục dường như đón nhận và công khai hoan nghênh quyết định của giáo hoàng cho phép phụ nữ được chính thức trong chức vụ đọc sách và giúp lễ.

Một trong các giám mục này là giám mục người Mỹ Shawn McKnight của Thành phố Jefferson, bang Missouri. Trong bản thông báo trên trang web giáo phận, ngài tuyên bố: “Bản cập nhật này đảm bảo cho tất cả giáo dân – phụ nữ và nam giới – đều có thể dùng ơn Chúa đã ban cho họ vì lợi ích Giáo hội, thực hiện đồng trách nhiệm thích hợp trong việc xây dựng Nhiệm thể Chúa Kitô. Chúng tôi sẽ đảm bảo việc huấn luyện giáo lý, huấn luyện và đào tạo cho nam nữ giáo dân được kêu gọi tham gia các mục vụ này, để họ có thể trở thành người quản lý ơn Chúa một cách tốt đẹp”.

Đúng là việc thực hiện tự sắc Thần Khí Chúa sẽ mất rất nhiều thời gian. Đức Phanxicô đã xin Bộ Phụng tự và Bí tích của Vatican thực hiện cải cách bằng cách sửa đổi các nghi thức ấn định và các quy tắc kết nối.

Nhưng sau hơn một tháng, thật khó để tìm thấy bất cứ điều gì thông báo về việc chuẩn bị cho những thay đổi này.

Không phải lần đầu tiên các giám mục địa phương cự lại giáo hoàng

Điều này không có gì đáng ngạc nhiên. Chúng ta nhớ lại tháng 12 năm 2014, Đức Phanxicô đã thay đổi chuẩn mực nghi lễ rửa chân ngày Thứ Năm Tuần Thánh cho phép linh mục rửa chân cho phụ nữ và các giáo dân khác trong cộng đồng, chứ không phải chỉ riêng cho nam giới như luật Giáo hội đã quy định trước đây.

Nhưng Bộ Phụng tự và Kỷ luật Các Bí tích đã không làm gì trong 13 tháng tiếp theo.

Hồng y bộ trưởng Robert Sarah chưa bao giờ chính thức thừa nhận sự thay đổi cho đến tháng 1 năm 2016. Không có lời giải thích nào được đưa ra cho sự chậm trễ 13 tháng này.

Sự cự lại với Đức Phanxicô không chỉ ở các giám chức Vatican, mà còn ở các giám mục địa phương.

Các hội đồng giám mục và các giám mục riêng lẻ có thể và đáng lẽ phải hoan nghênh “tự sắc” mới này một cách rõ ràng hơn.

Chẳng hạn, họ đã có thể nêu bật mối liên hệ giữa việc kết hợp phụ nữ vào các chức vụ đọc sách và giúp lễ và những gì phụ nữ đã làm trong Giáo hội. Họ có thể đã công bố các chương trình sắp tới để hình thành các sứ vụ này.

Ít nhất, quyết định của giáo hoàng lẽ ra phải là lý do để chào đón. Nhưng nó đã không được. Và điều này không liên quan gì đến đại dịch coronavirus đang diễn ra.

Nó đơn giản như thể Đức Phanxicô chưa bao giờ ban hành tự sắc Thần Khí Chúa cả.

Khoảng cách lớn giữa nỗ lực của giáo hoàng và sự tiếp nhận của địa phương

Đây là vấn đề, ngay cả cho tương lai. Chúng ta tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu một ngày nào đó, giáo hoàng quyết định mở chức phó tế cho phụ nữ.

Sẽ có một cuộc nổi dậy từ các giáo sĩ từ chối thay đổi này, hay chỉ đơn giản phớt lờ tin tức như nó đang xảy ra hôm nay?

Đây là một thực tế khác: liệu quyết định đó có bị phụ nữ phớt lờ không?

Một phần, tiến trình của Đức Phanxicô nhằm mở ra mục vụ đọc sách và giúp lễ được xem là quá trễ, nhất là nguyện vọng của một số phụ nữ công giáo liên quan đến việc thụ phong.

Một phần cũng do nhận thức có một khoảng cách lớn giữa thông báo của Đức Phanxicô và thực tế tại các Giáo hội địa phương. Nhiều phụ nữ công giáo biết, những gì Đức Phanxicô quyết định cho phụ nữ trong Giáo hội, điều đó sẽ chẳng có gì khác biệt trong các giáo xứ và giáo phận của họ.

Thực tế đáng buồn là, trong môi trường Giáo hội hiện nay, tại nhiều Giáo hội địa phương, những sáng kiến của Đức Phanxicô thường bị cho là những lời tuyên bố trống rỗng, đặc biệt đối với những gì liên quan đến vai trò của phụ nữ trong Giáo hội.

Thật khó để tưởng tượng một tương lai cho Giáo hội công giáo ở các quốc gia và xã hội mà truyền thống công giáo hiện nay phần lớn được xác định qua việc Giáo hội loại trừ phụ nữ.

Thậm chí các giám mục địa phương cũng không buồn làm bộ chấp nhận những thay đổi này.

Nhà thần học người Thụy Sĩ Eva-Maria Faber đã viết trong cuốn sách quan trọng được dịch sang tiếng Anh gần đây của bà, Phụ nữ trong Sứ vụ Giáo hội (Women in Church Ministries): “Vấn đề chính là đối với họ, cả một lĩnh vực bên trong Giáo hội đã bị đóng cửa, đặc biệt là lĩnh vực tham vấn ở cấp cao và lãnh đạo cấp cao.

Tháng tư năm 2020, tôi đã viết trên trang La Croix International: “Việc thường xuyên trì hoãn những thay đổi về vấn đề này sẽ làm cho hàng loạt phụ nữ (và nam giới) công giáo xa Giáo hội hoặc thậm chí bỏ đức tin”.

Tôi nói: “Nhưng đó không phải là quyết định của tôi”.

“Nhưng của nhiều người đã có quyết định này. Đối với một số người công giáo, đây thực sự là lần gọi cuối cùng. Và với tư cách là cha mẹ, đây là nỗi sợ lớn nhất của cá nhân tôi.”

Tính đồng nghị của Giáo hội và phụ nữ công giáo cần nhau. Không có tính đồng nghị đáng tin cậy nếu không có vai trò mới của phụ nữ trong Giáo hội.

Mặt khác, nếu không có tiến trình thượng hội đồng, thì không thể hoặc ít nhất là rất khó hình dung các Giáo hội địa phương chấp nhận bất kỳ quyết định nào mà Đức Phanxicô đưa ra, kể cả quyết định về phụ nữ và mục vụ.

Cho đến khi tính đồng nghị trở thành hiện thực, tất cả các cải cách khác của Giáo hội có ít cơ hội để thực hiện.

Việc không tiếp nhận quyết định gần đây này của Đức Phanxicô về khả năng phụ nữ được chính thức đảm nhận chức vụ đọc sách và giúp lễ chỉ là một ví dụ cho sự bế tắc của Giáo hội hiện nay.

Marta An Nguyễn dịch

Bài đọc thêm: Hướng tới sự ra đời của các mục vụ mới trong Giáo hội?