Hướng tới sự ra đời của các mục vụ mới trong Giáo hội?
cath.ch, Maurice Page, 2021-02-21
Vấn đề các mục vụ đã tạo sôi động cho Giáo hội từ khi Giáo hội mới thành lập. Đối diện với các tình huống bất ngờ của lịch sử, các mục vụ này đã phát triển rất nhiều. Tình hình đương đại đòi hỏi những sáng kiến sáng tạo mới, giữa người công giáo cũng như tin lành. Đây là nhận định được đưa ra trong hội nghị đại học trực tuyến dành cho chủ đề này vào ngày 18 và 19 tháng 2 năm 2021.
Các thần học gia nam nữ trong Giáo hội Thụy Sĩ vùng nói tiếng Đức tại Thánh lễ Đức Phanxicô dâng ở Trung tâm Hội nghị Palexpo, Geneve, Thụy Sĩ ngày 21 tháng 6 năm 2018 | © Anne Brugmer Horizont
Khi khai mạc hội nghị đại kết do phân khoa thần học của các thành phố Fribourg, Lausanne và Geneva tổ chức, Linh mục François-Xavier Amherdt đã lưu ý, dù có khác biệt khá rõ ràng trong quan niệm về mục vụ, nhưng Giáo hội công giáo và tin lành có nhiều vấn đề chung.
Vấn đề chính vẫn là mối quan hệ giữa chức tư tế chung của tất cả tín hữu và thừa tác vụ thánh hiến. Một chủ đề mà cuộc khủng hoảng lạm dụng quyền lực, lương tâm hoặc tình dục gần như luôn liên quan đến việc thực thi chức vụ sai lầm, đã trở nên trầm trọng hơn. Vị trí của phụ nữ trong Giáo hội cũng gắn liền với cuộc tranh luận này.
Tự đặt những câu hỏi thực sự
Linh mục giáo sư Luc Forestier tại Học viện Công giáo Paris, mời hội nghị đặt những câu hỏi “thực tế.” Đầu tiên, giáo sư lưu ý, suy nghĩ về các sứ vụ bắt nguồn từ thực tiễn chứ không ngược lại. Dưới góc độ nghiên cứu lịch sử, chúng ta nhận ra “sự mong manh của tính mới mẻ của kitô giáo đứng trước những áp lực của lịch sử.” Do đó, giáo sư yêu cầu có một tầm nhìn “chính trị” về sứ vụ được xem là trách nhiệm công cộng được công nhận trong Giáo hội.
“Ai có thể đại diện cho Đấng Kitô? Và ai có thể đại diện một cách hợp pháp cho Giáo hội?”
Ngay từ đầu, cuộc tranh luận đã tập trung vào hai câu hỏi: ai có thể đại diện cho Đấng Kitô? Và ai có thể đại diện một cách hợp pháp cho Giáo hội? Những câu hỏi này nảy sinh ở nhiều cấp độ khác nhau, địa phương (giáo xứ), khu vực (giáo phận) trên toàn thế giới (Giáo hội hoàn vũ).
Linh mục Luc Forestier, giáo sư tại Học viện Công giáo Paris | Ảnh chụp màn hình Youtube
Giáo hội công giáo có hai hình thức đại diện: nhập thể của giám mục trong Giáo phận và đại diện trong các hội đồng giám mục, thượng hội đồng v.v. Tất cả đều dựa trên mạng lưới vùng.
Làm thế nào để dung hòa giữa rửa tội và vùng địa lý
Nhưng ngày nay mô hình này trở thành không đúng do toàn cầu hóa và sự phát triển của nhiều mạng song song. Việc xã hội hóa người công giáo thông qua các kênh khác như các phong trào, tu viện, dòng tu, học viện đào tạo, v.v. Sự ăn khớp giữa rửa tội và địa lý trở nên khó duy trì. Trong hệ thống phức tạp này, nhu cầu về phân xử nảy sinh. Nó thường đi qua các thể chế thượng hội đồng.
Linh mục giáo sư Luc Forestier bổ sung thêm hai chủ đề gần đây. Quan hệ giữa nam giới-nữ giới và vị trí của phụ nữ trong Giáo hội đã trở thành những vấn đề lớn. Thoạt nhìn ít thấy rõ hơn, đó là cuộc khủng hoảng sinh thái và vị trí của con người trong thế giới được tạo dựng là lời kêu gọi mạnh mẽ cho tính đồng nghị hơn.
Đối diện với các biến đổi này, Giáo hội phải tránh rơi vào bẫy của một tâm lý pháo đài bị bao vây, và cũng tránh cái bẫy Giáo hội Nhà nước.
Thẩm quyền của giáo hoàng
Trong bối cảnh này, rõ ràng đặc thù của Giáo hội công giáo là vai trò của giáo hoàng. Giáo sư Luc Forestier nhận thấy có hai khía cạnh nào đó trong thái độ của Đức Phanxicô, khía cạnh chiều dọc và phân quyền từ trung tâm. Ngài thường nhấn mạnh vào tính đoàn thể và tính đồng nghị, bao gồm việc cùng nhau đi đến một mục đích chung. Nhưng đồng thời, ngài cũng không ngần ngại thực hiện việc “tái khuôn khổ”, nhắc đến thời nguyên thủy la mã “với Phêrô và dưới quyền Phêrô” (cum Petro et sub Petro).
“Mối liên hệ giữa sứ vụ và chức tư tế vẫn được đánh dấu mạnh mẽ bởi quan điểm của Công đồng Trent”
Theo giáo sư thần học Forestier, mối liên hệ giữa sứ vụ và chức tư tế vẫn còn được đánh dấu mạnh mẽ trong bối cảnh của Công đồng Trent sau cuộc Cải cách Tin lành vào thế kỷ 16. Từ đó, chức tư tế tập trung vào việc cử hành bí tích Thánh Thể và bí tích hòa giải. Sự nhấn mạnh về chức vụ linh mục của Đức Gioan-Phaolô II và Đức Bênêđictô XVI vẫn còn tồn tại với Đức Phanxicô. Trong tông huấn Querida Amazonia (2020), ngài không thảo luận về việc tái định nghĩa lại sứ vụ.
Nhưng trong tự sắc Thần Khí Chúa, Spiritus domini, tháng 1 năm 2021, ngài không hẳn chỉ mở ra một cánh cửa nhỏ cho phụ nữ. Bằng cách suy nghĩ khởi đi từ bí tích rửa tội và các đặc sủng, ngài tương đối hóa phần nào đó chức vụ tư tế. Một câu hỏi khác không kém phần khó khăn, đó là sự phân biệt giữa thừa tác vụ được nhận và con người của thừa tác viên.
Cuộc tranh luận cần nhiều thời gian mới kết thúc. Theo giáo sư Luc Forestier, nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ: các tiêu chuẩn cho các mục vụ giáo dân, cấu hình của một mục vụ thế giới, quy chế của mục vụ giáo phận, vai trò của hội đồng giám mục hoặc vai trò của phó tế đoàn.
Thánh Phaolô tông đồ duy trì sự mơ hồ
Đối diện với sự phức tạp này, giáo sư Jérôme Cottin thuộc phân khoa thần học tin lành của Đại học Strasbourg đùa vui, mục sư mừng vì mình không phải là người công giáo. Nhưng ngay lập tức, giáo sư cảnh báo chống lại hai cám dỗ trái ngược nhau: đó là cho rằng các bộ không còn phù hợp với tình trạng hiện tại và có thể biến mất, thứ hai cho rằng chúng bất biến và không cần phải điều chỉnh.
“Thánh Linh thể hiện nơi mỗi người một cách đặc biệt vì lợi ích của mọi người”
Xem lại các nguyên tắc cơ bản, giáo sư nhận thấy Tân Ước không nắm rõ từ mục vụ, gần như chỉ dùng độc quyền để nói đến phục vụ. Thánh Phaolô tông đồ đưa ra nhiều danh sách, nhưng không phải lúc nào ngài cũng nhất quán cho các phục vụ này. Ngoài mô hình giám mục (giám thị)-linh mục (cũ)-phó tế (người phục vụ) mà Giáo hội đã phát triển trong thế kỷ thứ 2 và thứ 3, hệ thống phẩm trật, giám mục – linh mục – phó tế, Thánh Phaolô còn trình bày các mục vụ phục vụ khác, chẳng hạn như các tiên tri, các tông đồ, các giáo viên, những người rao giảng Tin Mừng, mục tử nhưng không thể xác định chính xác nhiệm vụ của từng người.
Giáo sư Jérôme Cottin, giáo sư thần học thực hành tại Đại học Strasbourg | Dr
Thánh Phaolô tự gọi mình là tông đồ nhưng cũng không nêu khác biệt thực sự giữa việc phục vụ và đặc sủng hoặc ơn Chúa. Ngài nhiều lần nói đến các ơn nhận được từ Chúa Thánh Thần, nhưng lại cũng không giải thích rõ các nhiệm vụ. Theo giáo sư Jérôme Cottin, vì thế chúng ta không thể xác định thứ bậc giữa các phục vụ khác nhau này. Tuy nhiên, tất cả ơn không phải là phục vụ. Chẳng hạn, đây là trường hợp với bậc sống độc thân. Thánh Phaolô nói nhiều hơn về cộng đồng và trách nhiệm tập thể trong việc rao giảng Lời Chúa. Thánh Linh thể hiện nơi mọi người cách đặc biệt vì lợi ích của mọi người.
Theo giáo sư Cottin, điểm quan trọng cuối cùng là sự hiện diện đáng kể của phụ nữ trong nhiều cách phục vụ này và thường liên quan đến công việc của người chồng.
Cải cách xóa bỏ sự tách biệt giữa giáo sĩ và giáo dân
Khi tái khám phá lại chức tư tế phổ quát của tất cả tín hữu, các nhà cải cách đã xóa bỏ sự phân biệt giữa giáo dân và giáo sĩ. Nhưng nhanh chóng, họ đã phải nhận ra sự cần thiết phải đóng khung khám phá này. Tất cả tín hữu đều có phẩm giá như nhau, nhưng không phải tất cả đều có chức năng giống nhau. Từ đó, cộng đồng sẽ chọn những mục sư mang một sứ vụ cụ thể, một cách chủ yếu là rao giảng Lời Chúa.
“Nơi người tin lành, sứ vụ không còn tính cách vĩnh viễn”
Một đổi mới căn bản hơn nữa là sứ vụ không còn tính cách vĩnh viễn. Vì vậy, người đàn ông đã lập gia đình có thể đảm trách mục vụ một thời gian. Mục sư Martin Bucer ở Strasbourg, sau đó là mục sư Calvin ở Geneva sẽ thành lập bốn sứ vụ: các tiến sĩ, các mục sư, các phó tế và các trưởng lão. Giáo sư Jérôme Cottin kết luận, cách tiếp cận của tin lành ngày nay mời gọi sự sáng tạo từ các danh sách mở.
Một sự thay đổi của thời đại
Theo giáo sư Alphonse Borras, giáo sư danh dự tại Đại học công giáo Louvain-la-Neuve, Bỉ, chúng ta đang sống trong sự thay đổi của thời đại chứ không phải sống trong thời đại của những thay đổi. Giáo sư ví sự ra đời của các chức vụ “mới” với việc sinh đẻ qua ba giai đoạn: giãn nở, tống ra và sinh nở.
“Tình trạng ‘giới tính’ của con người là một trở ngại lớn cho sự phát triển của sứ vụ”
Trong Giáo hội công giáo, sự đa dạng của các thừa tác vụ đã bị bào do chức linh mục chiếm ưu thế. Sức nặng của các đại diện tinh thần và xã hội của giáo xứ và của linh mục vẫn chiếm ưu thế. Linh mục luôn được cho là người tiêu biểu cho sứ vụ. Linh mục là người trung gian thiêng liêng và bậc sống độc thân của linh mục có tính cách hy sinh. Mọi thứ tập trung chung quanh việc thờ phượng và cử hành bí tích Thánh Thể. Kể từ thời Trung cổ, quyền lực thứ trật ở một phía (potestas) dần dần được mở rộng thành quyền hành chính và quyền tài phán.
Linh mục Alphonse Borras, giáo sư danh dự tại Đại học Công giáo Louvain-la-Neuve | © Bernard Bovigny
Một trường hợp sinh đẻ khó khăn
Công đồng Vatican II là giai đoạn giãn nở. Giáo hội tái khám phá lại vai trò của mình trong việc phục vụ thế giới. Trong quá trình này, Giáo hội tái thành lập chức phó tế vĩnh viễn và các sứ vụ giáo dân trong chức đọc sách và giúp lễ (dành cho nam giới).
Trong giai đoạn ‘tống ra’ hiện tại, trước những diễn biến tích cực này, giáo sư Alphonse Borras thấy có một trở ngại chính, đó là ‘điều kiện giới tính’ của đương sự. Chung quanh việc này, là việc bãi bỏ chế độ độc thân của linh mục theo nghi thức la-mã, việc truyền chức linh mục cho những người đàn ông đã kết hôn (viri probati) và tất nhiên là phụ nữ được tiếp cận với chức phó tế và chức tư tế.
Giáo sư Alphonse Borras thừa nhận việc sinh ra sẽ cần một thời gian nào đó, Nhưng với tự sắc Thần Khí Chúa, Spiritus Domini của Đức Phanxicô, thánh địa đã mở cửa.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Quyết định của giáo hoàng về chức đọc sách và giúp lễ của phụ nữ: điều gì đã thực sự xảy ra?