international.la-croix.com, Robert Mickens, 2021-03-13
Đức Phanxicô trong một buổi tiếp kiến chung ở Hội trường Phaolô VI
Có lẽ nhiều người công giáo khó có thể nhớ được tình trạng hỗn loạn của Giáo hội – đặc biệt là Vatican – ngày 13 tháng 3 năm 2103 khi tu sĩ Dòng Tên người Ý-Argentina, Jorge Mario Bergoglio bước ra ban công Đền thờ thánh Phêrô trong tư cách tân giáo hoàng mới được bầu.
Hầu hết có lẽ sẽ chỉ nhớ tiếng reo hò phấn khích khi họ được thông báo có một người 76 tuổi được bầu làm tân giám mục Rôma và đã chọn tên là Phanxicô, một tên chưa từng ai trong số 265 giáo hoàng trong suốt hơn 2.000 chọn.
Có lẽ các giáo hoàng khác không bao giờ dám chọn tên này vì sẽ bị liên kết ngay với vị thánh được yêu mến nhất, tận căn nhất lịch sử, vị thánh nghèo của thành phố Assisi.
Có lẽ họ nghĩ sẽ không phù hợp nếu một giáo hoàng chọn tên có vẻ lãng mạn và lý tưởng về một Giáo hội nghèo nàn, yếu ớt và dễ bị tổn thương, tuyệt đối đơn sơ và tự do một cách nguy hiểm; có vẻ như thường xuyên có nguy cơ bị tách rời khỏi thể chế hàng ngàn năm lịch sử của Giáo hội La Mã.
Người ta nói, có lẽ Bergoglio nghĩ ngài sẽ chọn tên Gioan XXIV nếu được bầu trong lần mật nghị năm 2005, lần bầu Đức Bênêđictô XVI. Và có lẽ là tên Gioan trong lần này khi số phiếu đang kiểm cho thấy ngài sẽ được bầu.
Một cái tên được chọn theo chương trình chủ định
Nhưng ngài đã chọn tên Phanxicô. Có vẻ như ngài có cảm hứng bất ngờ khi hồng y người Brazil Claudio Hummes nói với ngài, ngay sau khi cuộc bầu cử kết thúc, xin ngài đừng quên người nghèo.
Có lẽ việc hồng y Hummes là tu sĩ dòng Phanxicô nên đã thúc đẩy Đức Bergoglio kết hợp với Phanxicô Assisi.
Dù lý do là gì, giáo hoàng đầu tiên có tên là Phanxicô đã cho thấy, trong tám năm qua rằng việc lấy tên này thực sự là một lựa chọn có chủ định.
Dù ở tuổi 84, bị chậm lại do “hành trang” hạn chế của tuổi đời, giáo hoàng vẫn tiếp tục quở trách Giáo hội, giống như nhà tiên tri trong Cựu ước, từ bỏ tiện nghi thoải mái và an ninh giả tạo của các cấu trúc và cách thức làm việc lạc hậu của mình.
Giống như thầy giáo ở trường trung học, ngài dùng phương pháp sư phạm lặp đi lặp lại để từ từ truyền đạt chương trình đơn giản nhưng triệt để của mình về việc thay đổi tâm lý hoặc luân lý trong Giáo hội.
Ngài cố gắng giải thoát người công giáo khỏi chủ nghĩa giáo quyền, khỏi chủ nghĩa tinh hoa, những người không muốn thay đổi bất cứ điều gì đáng kể có thể làm họ mất kiểm soát hoặc giảm bớt ảnh hưởng của họ trên đường lối Giáo hội.
Cải cách chức giáo hoàng và “Giáo hội nghèo cho người nghèo”
Một số hồng y tham dự mật nghị năm 2013 đã nói, họ tìm một giáo hoàng có thể dọn dẹp mớ hỗn độn tài chính và cáo buộc tham nhũng ở Vatican, đã trở nên một sự bối rối rất lớn đối với Giáo hội và cản trở sứ mệnh của Giáo hội trên toàn cầu.
Nhưng Đức Phanxicô đã làm được nhiều điều hơn là tìm cách cải cách tài chính, ngài đã cải tổ chức vụ giáo hoàng. Đó là điều mà dường như ít hồng y nào mong chờ ở ngài.
Và rõ ràng có nhiều giáo sĩ – các linh mục trẻ vừa chịu chức cho đến các giám chức lớn tuổi ở các cấp cao hơn trong hàng giáo phẩm – không hài lòng với nỗ lực của vị giáo hoàng này trong việc mang lại “một Giáo hội nghèo cho người nghèo”
Họ lo lắng ngài thích một Giáo hội gặp vấp váp khi đặt các câu hỏi mới và tham gia vào cuộc đối thoại với những người bên lề, hơn là một Giáo hội có tất cả các câu trả lời và giáo hoàng là để cho những người mong chờ để chỉ tuân theo các quy tắc đã được thiết lập sẵn.
Những người chỉ trích Đức Phanxicô cũng gặp phiền toái khi ngài sẵn sàng gặp các nhà lãnh đạo tôn giáo khác – ngay cả ngoài kitô giáo -, không phải để bảo vệ tuyên bố của Giáo hội công giáo, rằng đó là đức tin “chân chính” nhưng là một cách giải trừ điều này, dù chúng ta có những tín ngưỡng khác nhau, nhưng chúng ta là anh chị em của Thiên Chúa duy nhất.
Tình hữu nghị toàn cầu và hòa bình thế giới
Những nỗ lực không mệt mỏi của ngài trong việc thúc đẩy tình hữu nghị và hòa bình toàn cầu trên tinh thần anh chị em, tinh thần huynh đệ tương ái, là đóng góp duy nhất của ngài cho một thế giới chao đảo một cách nguy hiểm trên bờ vực tự hủy do chủ nghĩa dân tộc không lành mạnh, do ích kỷ, lòng tham, không tin tưởng vào những người khác biệt và tin rằng việc chinh phục hoặc tiêu diệt những người bị cho là mối đe dọa là điều chính đáng.
Đức Phanxicô đã làm được nhiều điều trong năm qua để giúp Giáo hội và thế giới của chúng ta tiếp nhận hơn, nhân ái và hòa bình hơn. Ngài nêu lên các vấn đề cấp thiết phải “chăm sóc cho ngôi nhà chung của chúng ta” và sự cần thiết phải đưa ra một giải pháp thay thế khả thi cho một “nền kinh tế đang tiêu diệt”.
Ngài là một trong những nhà lãnh đạo uy tín nhất trên chính trường toàn cầu, để bảo vệ quyền và phẩm giá cho người nghèo, người bị bỏ rơi như người tị nạn và người nhập cư. Và ngài kêu gọi tín hữu công giáo dấn thân sâu đậm hơn vào những điều cốt yếu mang tính Phúc âm trong đức tin của họ, thay vì ám ảnh với những quy tắc do con người đặt ra.
Giáo hoàng không hoàn hảo. Đối với nhiều quyết định có tư duy tiến bộ, táo bạo và tiên tri mà ngài đã thực hiện, đôi khi ngài cũng làm chúng ta thất vọng vì không đủ táo bạo hoặc tiên tri. Ngài đã làm những chuyện làm xáo động và gây hoang mang ở tầm mức rộng lớn của những gì mà người công giáo cho là hợp pháp.
Nhưng sự hoàn hảo không phải là điều mà người ta nên mong chờ từ một giáo hoàng. Đúng hơn, đó là lòng tốt, dịu dàng và đức tin kiên trì. Và chúng ta nên mong chờ giáo hoàng cho thấy ý nghĩa của việc trở thành môn đệ của Chúa Giêsu – làm thế nào để “yêu Chúa hết lòng, hết sức, hết trí khôn và… yêu người như mình vậy”.
Trong tất cả những điều này, Đức Phanxicô đã là tấm gương và là một khích lệ lớn lao cho mọi người. Ngài đã chỉ cho chúng ta thấy cách chúng ta có thể sống niềm vui Tin Mừng.
Triều giáo hoàng của ngài là món quà cho Giáo hội và cho thế giới. Mong rằng chúng ta sẽ là người thừa kế xứng đáng di sản của ngài mà ngài sẽ tiếp tục rèn giũa trong những tháng và những năm sắp tới, chúng ta hy vọng .
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Ở thời điểm tám năm của mình, liệu Đức Phanxicô có giảm nhiệt độ không?
Tám hình ảnh nổi bật của tám năm triều giáo hoàng Đức Phanxicô