americamagazine.org, Gerard O’Connell, 2021-03-06
Ayatollah Ali al-Sistani, một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất của hồi giáo shi’a gặp Đức Phanxicô ngày thứ bảy 6 tháng 3 tại Najaf, Iraq. (Ảnh CNS / Vatican Media)
Đức Phanxicô đã có cuộc gặp riêng kéo dài 45 phút với Đại Giáo Trưởng Al-Sistani, 90 tuổi, nhà lãnh đạo tinh thần đáng kính và có ảnh hưởng lớn của người hồi giáo shi’a. Cuộc gặp gỡ chưa từng có được nhiều người coi là có tầm quan trọng hàng đầu đối trong quan hệ kitô giáo-hồi giáo và hòa bình ở Iraq và các quốc gia khác.
Trong khi một số nhà lãnh đạo thế giới xây dựng liên minh cho chiến tranh, thì qua chuyến đi này, Đức Phanxicô hy vọng sẽ xây một liên minh tôn giáo quốc tế vì hòa bình, bao gồm không những tín hữu kitô và hồi giáo nhưng còn với tín hữu các tôn giáo khác.
Cuộc gặp giữa hai người kéo dài hơn dự kiến, và các nguồn tin nói với trang America cho rằng, cả bên đều “rất hài lòng” về cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo.
Đức Phanxicô đã bay từ Bagdad sáng sớm thứ bảy để đến thành phố Najaf thăm Đại Giáo Trưởng al-Sistani tại căn nhà khiêm tốn của ayatolla.
Tại ngôi nhà của ayatollah, những con chim bồ câu trắng được thả ra để chào đón ngài.
Đức Phanxicô vào thành phố trên chiếc xe Mercedes-Benz màu đen chống đạn, người dân xếp hàng dài trên các con phố hẹp vẫy cờ Vatican và cờ Iraq chào ngài. Tại ngôi nhà của ayatollah, những con chim bồ câu trắng được thả ra để chào đón ngài. Con trai của ayatolla đưa Đức Phanxicô vào nhà. Theo phong tục hồi giáo, trước khi vào nhà Đức Phanxicô cởi giày. Trong một cử chỉ tôn trọng khác thường, ayatollah đã đứng lên để chào đón giáo hoàng.
Trong khi một số nhà lãnh đạo thế giới xây dựng liên minh cho chiến tranh, thì qua chuyến đi này, Đức Phanxicô hy vọng sẽ xây dựng một liên minh tôn giáo quốc tế vì hòa bình, bao gồm không những những tín hữu kitô và hồi giáo nhưng còn với tín hữu các tôn giáo khác.
Hai nhà lãnh đạo ngồi bên một chiếc bàn gỗ nhỏ và nói chuyện nhờ thông dịch viên người Palestina của giáo hoàng.
Đại diện của hai nhà lãnh đạo đã phát biểu sau cuộc họp. Ông Matteo Bruni, giám đốc Văn phòng báo chí Vatican, cho biết: “Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự hợp tác và tình hữu nghị giữa các cộng đồng tôn giáo, vì ngài đã đóng góp cho lợi ích của Iraq, cho khu vực và cho toàn thể gia đình nhân loại qua việc nuôi dưỡng văn hóa tôn trọng và đối thoại hỗ tương.”
Ông Bruni nói, cuộc gặp gỡ là “một dịp để Đức Giáo hoàng cám ơn Đại Giáo Trưởng Al-Sistani đã lên tiếng – cùng với cộng đồng shi’a – để bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất trong bối cảnh bạo lực và những khó khăn lớn trong những năm gần đây, và vì đã khẳng định tính thiêng liêng của sự sống con người và tầm quan trọng của tình đoàn kết của dân tộc Iraq”.
Văn phòng ayatollah cũng đưa ra một tuyên bố, cho biết hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về “những thách thức lớn mà nhân loại phải đối diện trong thời đại ngày nay và vai trò đức tin vào Thiên Chúa toàn năng và các thông điệp của Ngài, cũng như cam kết theo các giá trị đạo đức cao”. Tuyên bố đưa ra một số chủ đề mà ayatollah đã nói chuyện với giáo hoàng, như “bất công, áp bức, nghèo đói, đàn áp tôn giáo và trí thức, đàn áp các quyền tự do cơ bản, thiếu công bằng xã hội, … chiến tranh, hành động bạo lực, phong tỏa kinh tế, sự ra đi của nhiều dân tộc trong khu vực và đặc biệt là người dân Palestina tại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng.”
Theo các thông tin được công bố, ayatollah nhấn mạnh “vai trò mà các nhà lãnh đạo tôn giáo và tinh thần phải đóng trong việc chống lại những thảm kịch này” và “trong việc thúc giục các bên liên quan – đặc biệt là các cường quốc – đặt ưu tiên hàng đầu cho lý trí và khôn ngoan, loại bỏ ngôn ngữ chiến tranh” và tôn trọng “quyền của các dân tộc được sống trong tự do và phẩm giá.”
Văn phòng ayatollah “khẳng định mong muốn của ngài, các công dân kitô hữu có thể sống như mọi công dân khác trong an ninh và hòa bình” và đề cập đến những nỗ lực của ayatollah để bảo vệ tín hữu kitô khi “những kẻ khủng bố” – nhóm Nhà nước Hồi giáo Tự xưng ISIS – nắm quyền kiểm soát một phần đất nước. Tuyên bố kết thúc với lời chúc Đức Phanxicô và tín hữu công giáo “bình an và hạnh phúc” và cám ơn Đức Phanxicô đã cố gắng đến thành phố Najaf.
“Thông điệp về sự hiệp nhất” ở đồng bằng Ur
Từ thành phố Najaf, Đức Phanxicô đi máy bay và xe hơi đến đồng bằng Ur, trước đây là thành phố lớn của người sumêria cách đây khoảng 5.000 năm. Dưới mái che để tránh nắng chói chang, Đức Phanxicô đã cùng các đại diện tôn giáo trong vùng, gồm các nhóm hồi giáo, kitô giáo, người yaziđi, người Mănđê Sabê. Tòa thánh Vatican cho biết, các nhà lãnh đạo do thái cũng được mời, nhưng họ không có mặt. (Không có lời giải thích nào được đưa ra.)
Buổi cầu nguyện gồm các bài thánh ca, các bài đọc từ kinh thánh và kinh Coran, lời chứng của một người hồi giáo, một kitô hữu và một người Mănđê Sabê.
Liên kết với lời kêu gọi của Tổ phụ cách đây 4000 năm, Đức Phanxicô nói: “Thiên Chúa đã xin ông Áp-ra-ham ngước mắt lên trời và đếm các vì sao. Trong những ngôi sao đó, ông đã thấy lời hứa của con cháu mình; ông đã thấy chúng ta. Ngày nay chúng ta – người do thái giáo, kitô hữu và hồi giáo – , chúng ta cùng là anh chị em. Với các tôn giáo khác, chúng ta tôn vinh Tổ phụ Áp-ra-ham chúng ta như ngài đã làm: Chúng ta ngước mắt nhìn trời và hành trình trên mặt đất.”
Đức Phanxicô nói chuyện với cử tọa khoảng một trăm người và nhà báo cũng đông như vậy: “Nơi diễm phúc này đưa chúng ta trở về nguồn gốc của chúng ta, về nguồn gốc công trình tạo dựng của Chúa, về sự ra đời của tôn giáo chúng ta. Ở đây, nơi tổ phụ Abraham đã sống, chúng ta dường như đã trở về nhà. Chính tại đây, Áp-ra-ham đã nghe tiếng Chúa gọi; chính từ đây, ngài đã bắt đầu cuộc hành trình làm thay đổi lịch sử. Chúng ta là hoa quả của lời kêu gọi và cuộc hành trình đó”.
Đức Phanxicô giải thích: “Chúa cũng truyền đạt thông điệp về sự hiệp nhất. Đấng Toàn năng trên cao mời gọi chúng ta đừng bao giờ tách mình ra khỏi anh em của mình. Sự khác biệt của Chúa hướng chúng ta về người khác, về với anh chị em của chúng ta”.
Đấng Toàn năng trên cao mời gọi chúng ta đừng bao giờ tách mình ra khỏi anh em của mình. Sự khác biệt của Chúa hướng chúng ta về người khác, về với anh chị em của chúng ta”.
Ngài nói thêm: “Tuy nhiên nếu chúng ta loại Chúa ra, thì cuối cùng chúng ta sẽ thờ phượng những thứ trên trái đất này. Của cải thế gian làm cho nhiều người không còn nghĩ đến Chúa và người khác, đó không phải là lý do để chúng ta đi trên trái đất này… Đây là sự tôn giáo đích thực: thờ phượng Chúa và yêu thương anh em mình.
Đức Phanxicô trao đổi với một nhà lãnh đạo tôn giáo trong một cuộc họp liên tôn ở đồng bằng Ur gần Nasiriya, Iraq ngày 6 tháng 3. (Ảnh CNS / Paul Haring)
Đức Phanxicô nhắc lại lịch sử đau thương gần đây của phần lớn vùng Trung Đông, ngài kêu gọi loại bỏ bất kỳ biện minh tôn giáo nào cho bạo lực, điều đã làm cho nhiều người vô tội phải đau khổ. Ngài nói: “Từ nơi này, đức tin được sinh ra, từ mảnh đất của tổ phụ Áp-ra-ham, chúng ta hãy khẳng định, Chúa là nhân từ và tội phạm thượng nhất là tội xúc phạm danh Ngài qua việc thù ghét anh em mình: “Chúng ta đừng để ánh sáng của thiên đàng bị che mờ vì các đám mây hận thù!”
Nói đến “những đám mây đen của khủng bố, chiến tranh và bạo lực” ở Iraq, ngài nhấn mạnh đến hoàn cảnh của cộng đồng người yaziđi, “họ để tang cho cái chết của nhiều người đàn ông, đã chứng kiến hàng ngàn phụ nữ, trẻ em con gái và trẻ em bị bắt cóc, bị bán là nô lệ, bị bạo hành thể xác và bị cưỡng bức cải đạo.”
“Chúng ta đừng để ánh sáng của thiên đàng bị che mờ vì các đám mây hận thù!”
Đức Phanxicô mời gọi những người hiện diện, những người đang xem trên truyền hình Iraq, “cầu nguyện cho những người đã phải chịu đựng những đau khổ này, cho những người vẫn còn bị phân tán, bị bắt cóc, để họ có thể sớm trở về nhà.” Ngài cũng xin họ cầu nguyện cho “tự do lương tâm và tự do tôn giáo được mọi nơi công nhận và tôn trọng.”
Dù đang ở đồng bằng Ur ở phía nam Iraq, trong thông điệp của mình, Đức Phanxicô cũng hướng về phía bắc, nơi ngài sẽ để ngày mai và nơi nhóm Nhà nước Hồi giáo Tự xưng đã tàn phá từ năm 2014 đến năm 2017. Ngài nói: “Khi quân khủng bố xâm chiếm miền bắc đất nước thân yêu này, họ đã cố ý phá hủy một phần di sản tôn giáo tráng lệ, gồm các nhà thờ, tu viện và nơi thờ phượng của nhiều cộng đồng tôn giáo khác nhau.”
Ngài nói thêm: “Nhưng ngay cả trong thời điểm đen tối đó, một số ngôi sao vẫn chiếu sáng. Những tình nguyện viên trẻ hồi giáo ở thành phố Mosul, nơi ISIS đặt thủ đô, họ đã giúp sửa chữa các nhà thờ và tu viện, xây dựng tình huynh đệ trên đống đổ nát của hận thù”. Các tín hữu kitô giáo và hồi giáo cùng nhau khôi phục lại các nhà thờ và nguyện đường hồi giáo.
Nhắc lại gương của Tổ phụ Áp-ra-ham, ngài nói: “Chúng ta cũng được kêu gọi bỏ lại những sợi dây, những ràng buộc, những thứ khép kín chúng ta trong các nhóm riêng, ngăn chúng ta đón nhận tình yêu thương vô bờ bến của Thiên Chúa và xem người khác là anh chị em của chúng ta. Chúng ta cần phải vượt ra khỏi chính mình, bởi vì chúng ta cần lẫn nhau.” ngài nhấn mạnh: “Sẽ không có hòa bình trừ khi các dân tộc mở rộng vòng tay cho nhau. Sẽ không có hòa bình chừng nào chúng ta xem người khác là họ chứ không phải là người như chúng ta. Sẽ không có hòa bình khi liên minh chúng ta chống lại người khác, vì liên minh của một số người chống lại những người khác chỉ làm tăng chia rẽ”.
“Sẽ không có hòa bình khi liên minh chúng ta chống lại người khác, vì liên minh của một số người chống lại những người khác chỉ làm tăng chia rẽ”.
Ngài nói: “Đại dịch Covid-19 “làm cho chúng ta nhận ra rằng không ai tự cứu mình được. Nhưng cám dỗ để rút lui khỏi người khác là không bao giờ kết thúc.”
Khi hoàng hôn đã xuống trên đám đông, Đức Phanxicô tuyên bố: “Nhân loại ngày nay, đặc biệt chúng ta, những tín hữu của tất cả các tôn giáo, chúng ta biến công cụ thù hận thành công cụ hòa bình”.
“Ở đây, chúng ta thấy mình như ở nhà, và cũng ở đây, cùng nhau, chúng ta cam kết thực hiện ước mơ của Thiên Chúa, rằng gia đình nhân loại có thể trở nên hiếu khách và chào đón tất cả con cái của Ngài; rằng nhìn lên cùng bầu trời, tất cả sẽ hành trình trong hòa bình trên cùng một trái đất.”
Một trong những người dưới tán cây với Đức Phanxicô là giáo sĩ Muder Alhilou người Iraq, là người của ayatollah al-Sistani tại Najaf, khi được trang America hỏi ông xem cuộc gặp sáng nay giữa Đức Phanxicô và Đại Giáo Trưởng Al-Sistani như thế nào, ông cho biết cho biết: “Đây là cuộc họp rất quan trọng vì nhiều lý do. Cuộc gặp làm cho Iraq thành tâm điểm chú ý của thế giới và gởi một thông điệp về tình yêu đến các nền văn hóa khác và cho tất cả những người yêu chuộng hòa bình. Hơn nữa, nó gửi một thông điệp mạnh mẽ đến cộng đồng quốc tế rằng chúng tôi muốn thúc đẩy tình yêu thương không ghét bỏ. Nó cũng nói rõ rằng chúng ta nên duy trì di sản kitô giáo ở vùng đất này.”
Vị giáo sĩ cũng nhấn mạnh, ayatollah al-Sistani có “một tình yêu rất lớn với hòa bình và lòng khoan dung, và việc ông chấp nhận gặp Đức Phanxicô là vì ông thấy ngài cũng chia sẻ tình yêu này.”
Từ Ur, một Đức Phanxicô không mệt mỏi đã trở về Baghdad. Chiều hôm đó, ngài cử hành thánh lễ theo nghi thức Can-đê tại nhà thờ Thánh Giuse, nơi chung quanh là khu vực quân sự kiên cố để bảo vệ an ninh cho ngài.
Ngày mai, ngài sẽ đi về phía bắc đến khu tự trị của người Kurd, cầu nguyện ở thành phố Mosul và ở làng kitô giáo Qaraqosh, nơi nhóm Nhà nước Hồi giáo Tự xưng đã tàn phá nặng nề. Trước khi rời khu vực người Kurd, ngài sẽ cử hành thánh lễ tại sân vận động Erbil, thành phố thủ phủ của vùng Kurdistan của Iraq, buổi lễ trước công chúng cuối cùng trước khi ngài về lại Rôma vào sáng thứ hai.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Ở miền bắc Iraq bị tàn phá, Đức Phanxicô cầu nguyện cho “các nạn nhân chiến tranh”