Vatican chuẩn bị như thế nào cho chuyến đi Irak của Đức Phanxicô
Đức Phanxicô đang chuẩn bị đến thăm Irak từ ngày 5 đến ngày 8 tháng 3, báo La Croix điều tra ‘hậu trường’ việc chuẩn bị chuyến đi đặc biệt này.
la-croix.com, Loup Besmond de Senneville, Rôma, 2021-03-01
Irak chuẩn bị đón Đức Phanxicô ở thành phố Qaraqosh. ZAID AL-OBEIDI / AFP
Đây là cuộc chuẩn bị trong nhiều tháng, lúc nào cũng căng thẳng vì chuẩn bị trong tình trạng không chắc. Chuyến thăm ba ngày, từ thứ sáu 5 tháng 3 đến thứ hai 8 tháng 3, Đức Phanxicô đến đất nước mà từ nhiều năm nay, không có nguyên thủ nước ngoài nào đến thăm, chuyến tông du đã lên kế hoạch để ngài đến thăm các thành phố Bagdad, Erbil, Mosul, Qarakosh, đồng bằng Ur và Nadjaf
Chuyến đi được thông báo bất ngờ ngày 2 tháng 1 nhưng trên thực tế đã được lên kế hoạch từ lâu. Từ khi được bầu chọn, Đức Phanxicô chưa bao giờ giấu ước mong đến Irak của mình, các vị tiền nhiệm của ngài, Đức Gioan-Phaolô II và Đức Bênêđictô XVI đều mong được đến thăm Irak.
Các ghi chú cuối năm 2019
Từ cuối năm 2019, có nghĩa là trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, sứ thần Tòa Thánh tại Irak đã thực sự tham khảo chính thức với các đối tác ở địa bàn Irak. Theo các nguồn tin của báo La Croix, nhiều ghi chú đã được đưa đến văn phòng sứ thần, nơi các phác thảo hoặc đề xuất cho các cuộc gặp nếu Đức Phanxicô đến thăm.
Nhưng từ tháng 2 năm 2020, đại dịch lan rộng khắp thế giới, vì thế các chuyến tông du đã khép lại ngay lập tức. Tòa thánh hủy chuyến đi Malta dự tính vào tháng năm. Người đứng đầu lo các chuyến tông du thì đã được Đức Phanxicô bổ nhiệm làm sứ thần Tòa Thánh ở Lisbon và hai cộng tác viên khác làm việc với ngài được chuyển đến các bộ khác của Giáo triều.
Một “nhóm nhỏ đi khám phá” vào tháng 11
Cuối mùa thu 2020, mọi việc bắt đầu tiến hành. Theo như báo La Croix được biết, bị Đức Phanxicô thúc dục, văn phòng phủ Quốc vụ khanh cử một “nhóm nhỏ đi khám phá” Irak để đánh giá xem liệu một chuyến tông du có thể được hay không để lên chương trình. Nhóm nghiên cứu, sau đó được Đức ông Dieudonné Datonou, nhà ngoại giao người Benin của giáo triều, đưa đến Baghdad và Mosul.
Trong bảo mật tối đa, các sứ giả đầu tiên của Vatican này cũng đến Nadjaf, thành phố linh thiêng của đạo chiite ở Irak để đánh giá khả năng có thể có cuộc gặp của Đức Phanxicô với ayatollah Al Sistani hay không. Nhưng các thành viên trong văn phòng giáo chủ chiite cao cấp này không biết những người trong nhóm này là ai, và các viên chức Vatican cũng không nói rõ họ mong muốn có một cuộc gặp của Đức Giáo hoàng với giáo chủ.
Vài tuần sau, ngày 2 tháng 12, Vatican thông báo về chuyến đi sắp tới của Đức Phanxicô đến Irak, thành phố Nadjaf không có tên trong các nơi Đức Phanxicô sẽ đến. Do kết quả thất bại của họ, các chuyên gia của Vatican cho rằng một cuộc gặp với ayatollah là không thể. Và do đó đã bỏ khả năng này ra khỏi chương trình.
Căng thẳng giữa Baghdad và Rôma
Ở Najaf, khi những người thân cận với ayatollah phát hiện không có cuộc họp nào được lên lịch, họ ngạc nhiên và họ nhấc điện thoại lên, gọi cho các nhà chức trách công giáo mà họ thường liên lạc. Đối với họ, không thể có chuyện Đức Giáo hoàng đến Irak mà không gặp ayatollah Al Sistani. Và họ dàn xếp để thay đổi chương trình của Vatican.
Cuộc họp sau đó được hồng y Thượng phụ Louis-Raphael Sako chính thức công bố trong cuộc họp báo được tổ chức vào cuối tháng 1. Phải nói trên địa bàn, Thượng phụ Babylon, hồng y người Can-đê đã nhanh chóng tự cho mình là người đối thoại chính của tòa sứ thần và của bộ ngoại giao Irak để tổ chức chuyến viếng thăm của Đức Phanxicô. Một chuyến thăm mà ngài hết sức cân nhắc với Đức Phanxicô, đến mức làm cho Vatican khó chịu, một số người cảm thấy mình bị hồng y Sako “vặn tay” gây áp lực quá mức cho chương trình.
Trong suốt quá trình chuẩn bị chuyến đi, ban tổ chức đã phải tính đến các rủi ro về sức khỏe và an ninh, đặc biệt là ở Irak. Trong những ngày gần đây, một phái đoàn gồm 14 người, tất cả đều từ Vatican đã đến Irak để chuẩn bị các khâu cuối cùng, đặc biệt là về mặt hậu cần. Một số hiến binh Vatican sẽ có mặt ở Irak để phối hợp bảo vệ an ninh với lực lượng an ninh Irak.
Về mặt sức khỏe, 65 thành viên trong phái đoàn của giáo hoàng và 75 nhà báo đi cùng đều đã được chích ngừa, nỗi sợ của Đức Phanxicô và phái đoàn là sự tụ tập nguy hiểm của giáo dân có nguy cơ cho sức khỏe và an ninh.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Năm điểm cần biết về chuyến đi Irak của Đức Phanxicô
Hình ảnh các nơi chuẩn bị đón Đức Phanxicô
Nhà thờ chính tòa Mosul nơi trước đây đã bị quân khủng bố phá tan tành.