Safa Al Alqoshy, thanh niên tuyến đầu chống Covid tại Irak chuẩn bị đón Đức Phanxicô
cruxnow.com, Elise Ann Allen, 2021-03-01
Safa Al Alqoshy, còn được gọi là Safa Al Abbia trong vòng ôm của Đức Phanxicô tại Vatican. (Nguồn: Vatican Media.)
Hai năm rưỡi trước, anh Safa Al Alqoshy đã được Đức Phanxicô nồng nhiệt ôm khi anh đến Rôma tham dự Thượng Hội đồng Giám mục về giới trẻ, anh phải rời Rôma sớm để về chăm sóc mẹ đang bệnh.
Anh Al Alqoshy nói với trang Crux: “Trong cuộc gặp ngắn ngủi, ngài nói với tôi, ‘con hãy có đức tin và ngài hứa ngài cầu nguyện cho tôi’và ngài cho biết có ngày ngài sẽ đến Irak thăm người dân và đặc biệt là các bạn trẻ”.
Bây giờ với chuyến thăm sắp tới của ngài, “ngài đã làm những gì ngài hứa”.
Đức Phanxicô sẽ là giáo hoàng đầu tiên đặt chân đến Irak, dù các vị tiền nhiệm của ngài đã nỗ lực hết sức nhưng không được vì không thương thuyết được với tổng thống Irak bấy giờ là Saddam Hussein.
Trong chuyến thăm nhanh từ ngày 5 đến 8 tháng 3 của mình, Đức Phanxicô sẽ dừng chân ở Baghdad, Erbil, Mosul, Qaraqosh, Đồng bằng Ur, theo truyền thống là quê hương của tổ phụ Abraham và thành phố Najaf, nơi ngài sẽ gặp giáo sĩ chiit hàng đầu, ayatollah Sayyid Ali al-Sistani.
Theo anh Al Alqoshy, chuyến đi của giáo hoàng là “rất, rất quan trọng” không chỉ vì đây là chuyến đi đầu tiên của một giáo hoàng đến thăm đất nước mang ý nghĩa kinh thánh quan trọng của Irak, nhưng là mang “hy vọng đến cho người dân, nói với chúng tôi ngài không quên chúng tôi, khuyến khích người dân ở lại trên đất của họ. Và sau đó có lẽ các tín hữu có tin tưởng để trở lại đất nước mình.”
Theo anh Al Alqoshy, những gì Đức Phanxicô sẽ nói trong chuyến thăm là chuyện thứ yếu, vì theo anh, việc ngài đến mới nói lên tất cả những gì ngài cần nói. Anh Al Alqoshy nói thêm: “Tôi không nhất thiết phải nghe bất kỳ thông điệp nào của ngài, chỉ có việc ngài đến Irak là thông điệp. Các giáo hoàng đã đến thăm Ai Cập, Jordan, Lebanon, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, nhưng ở đây, ở Irak, chưa có giáo hoàng nào trong lịch sử đã đến đây”.
Anh Al Alqoshy nói: “Thực tế là ngài đã nhất quyết đến đây, bất chấp coronavirus và các cuộc tấn công bằng tên lửa gần đây ở Erbil và các vụ đánh bom ở Baghdad, đó là thông điệp lớn nhất ngài đã gởi đi”.
Trong Thượng hội đồng Giám mục giới trẻ năm 2018, anh Al Alqoshy – thanh niên Irak duy nhất tham dự sự kiện – đã nhận các tràng pháo tay vang dội và nước mắt của người tham dự sau khi anh nói cảm giác lớn lên trong chiến tranh và bị bạo lực đàn áp, tác động tâm lý có thể lâu dài đối với những người trẻ tuổi.
Hiện anh là nha sĩ đang hoàn tất khóa đào tạo phẫu thuật ở Baghdad, và anh hy vọng sẽ gặp Đức Phanxicô lần thứ hai khi ngài đến sân bay, nhưng anh không chắc liệu mình có thể gặp vì coronavirus đang bùng phát ngày càng mạnh ở Irak.
Anh Al Alqoshy cho biết bệnh viện thiếu hụt bác sĩ và chuyên gia vì nhiều người trong số họ đã bị nhiễm, họ có nhiều di chứng phổi hay não, vì thế cả các nha sĩ cũng được gọi để giúp các nạn nhân bị nhiễm Covid.
Anh Al Alqoshy cho biết đây cũng chính là lý do anh không tham gia nhiều hơn vào công tác chuẩn bị cho chuyến đi.
Anh sẽ nghỉ vài ngày trước khi Đức Phanxicô đến và sẽ thử nghiệm Covid. Nếu kết quả âm tính, anh sẽ có mặt tại phi trường Baghdad để đón ngài, nhưng nếu kết quả dương tính, anh sẽ phải xem sự kiện này trên truyền hình.
Anh nói: “Tôi không mong gì hơn là có thể gặp giáo hoàng, nhưng tôi cũng không thể bỏ những người đang cần tôi phục vụ ở bệnh viện.”
Về tác động chuyến tông du của Đức Phanxicô có thể có với Irak, đất nước đã trải qua chiến tranh, khủng bố, xung đột và khủng hoảng kinh tế từ hàng chục năm nay và vẫn còn tiếp tục, anh Al Alqoshy cho biết, “điều này sẽ tạo áp lực lên chính phủ và hàng giáo sĩ” làm cho họ suy nghĩ để “cải thiện các quyền của người tín hữu kitô, để người dân được sống trong nhân phẩm, để họ và đất đai của họ được bảo vệ”.
Anh nói: “Và nếu điều này được thực hiện, thì số người di cư sẽ được giảm, mang lại hy vọng.” Anh nhấn mạnh: “Yếu tố tinh thần trong chuyến đi của Đức Phanxicô là quan trọng, nhưng các vấn đề khác liên quan đến xã hội, luật pháp và chính phủ cũng quan trọng. Vì vậy, chúng tôi hy vọng chuyến đi này sẽ tạo động lực cho cuộc sống của chúng tôi, với tất cả những vấn đề này”.
Dù hy vọng chuyến đi của giáo hoàng sẽ có tác động chính trị, nhưng anh Al Alqoshy cho biết, anh không nghĩ chính ngài sẽ quá chính trị.
Nhắc lại các cuộc thương thuyết để Đức Gioan-Phaolô II có thể đến thăm Irak, anh Al Alqoshy cho biết, vào thời điểm đó, tổng thống Hussein đã xin ngài đề cập đến một số vấn đề chính trị, điều mà ngài từ chối với lý do chuyến tông du của ngài “là vì đức tin” và vì người dân Irak, “vì vậy tôi không nghĩ các vấn đề chính trị sẽ được đưa vào.”
Khi được hỏi anh nghĩ gì về tương lai của tín hữu kitô ở Irak trước những lo lắng của nhiều người khi thấy trong những năm gần đây con số tín hữu kitô giảm sút rõ rệt và có thể sớm biến mất, anh Al Alqoshy cho biết anh không nghĩ sẽ như vậy. Anh nói: “Đây không phải là lần đầu tiên và cũng không phải lần cuối, những người thiểu số, các tín hữu kitô hay người dân Irak trải qua giai đoạn khó khăn, thậm chí nhiều năm khó khăn. Anh nói: “Trong lịch sử, Irak và Baghdad đã gặp rất nhiều vấn đề, từ những người ở gần xung quanh hay những người ở xa Irak, họ muốn chiếm đoạt sự giàu có của Irak, vì vậy tôi nghĩ tình trạng của tín hữu kitô sẽ ổn thôi.”
Anh nói tiếp: “Tín hữu kitô là một phần của Irak và những gì đang xảy ra với tất cả người dân Irak thì cũng đang xảy ra với họ, vì vậy tất cả chúng ta đều bình đẳng và cần phải cải thiện tình trạng của toàn Irak, điều này không phải là điều đặc biệt riêng cho tín hữu kitô. Tình trạng của chúng tôi ở đây rất tốt, và tôi hy vọng chuyến đi của Đức Phanxicô sẽ cải thiện một số điều quan trọng”.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Năm điểm cần biết về chuyến đi Irak của Đức Phanxicô
Tòa thánh và các Giáo hội Irak, vai trò khai phá của Đức Phanxicô