Tiêu hôn là gì? Và vì sao Đức Phanxicô muốn làm dễ dàng thủ tục này?
americamagazine.org, James T. Keane, 2021-02-05
Một cuộc họp vào ngày 29 tháng 1 giữa Đức Phanxicô và các thành viên của Tòa Chưởng ấn, Roman Rota, tòa án tư pháp cao nhất của Vatican, đã đưa ra vấn đề mà Đức Phanxicô nhắc lại nhiều lần trong triều giáo hoàng của ngài: cải cách tiêu hôn. Giáo hoàng cho biết, kể từ năm 2015, khi ngài cố gắng sắp xếp hợp lý thủ tục tiêu hôn và làm sao để ít tốn kém hơn, ngài đã nhận “nhiều phản đối” trong việc cải cách của ngài.
Đức Phanxicô tuyên bố: “Gần như tất cả các luật sư mất khách hàng của mình. Ở đây là vấn đề tiền bạc.” “Ở Tây Ban Nha có một câu nói, ‘Những con khỉ sẽ nhảy múa vì tiền’ (‘Por la plata baila el mono’. Bây giờ câu này được xếp vào loại: ‘Những câu mà không giáo hoàng nào khác từng nói’).
Đức Phanxicô có ý định cải cách này từ năm 2015 để làm tiến trình tiêu hôn được “nhanh hơn, rẻ hơn và có tính cách mục vụ nhiều hơn.” Ngài thúc giục các giáo phận bỏ các khoản phí vốn được sử dụng cho ngân sách các tòa án giáo phận lo các thủ tục tiêu hôn và thiết lập một quy trình ngắn gọn, qua đó, một giám mục có thể can thiệp và chuẩn y việc tiêu hôn. Ngài cho biết, với nhiều người công giáo đã ly dị trên thế giới, chi phí và sự phức tạp đáng ngại của thủ tục tiêu hôn là một trong những lý do làm họ không bao giờ tìm cách tiêu hôn.
Đức Phanxicô nói: “Với nhiều người công giáo đã ly dị trên thế giới, chi phí và sự phức tạp đáng ngại của thủ tục tiêu hôn là một trong những lý do làm họ không bao giờ tìm cách tiêu hôn.”
Chi phí trong việc tiêu hôn khác nhau theo từng giáo phận, nhiều nơi ở Hoa Kỳ vẫn còn đắt. Tuần trước, Tổng giáo phận New York thông báo, ngoài 100 đô la phí nộp đơn xin tiêu hôn, kể từ ngày 1 tháng 2 năm 2021, họ phải trả thêm 650 đô la cho chi phí hành chính. Tổng giáo phận Los Angeles tính chi phí là 500 đô la. Tuy nhiên, trong cả hai giáo phận, chính sách là không ai bị từ chối vì không đủ tiền. Tổng giáo phận Philadelphia tính chi phí là 800 đô la, nhưng để đáp lại lời kêu gọi của Đức Phanxicô về lòng thương xót tài chính, giáo phận không tính chi phí cho những người ở trong tổng giáo phận. Trang web của giáo phận ghi rõ, “trong trường hợp này, Đức Phanxicô khuyến khích những ai có thể đóng góp sẽ bù đắp chi phí của Tòa án. Mọi đóng góp cho chi phí này đều được đánh giá rất cao sau khi hồ sơ đã hoàn thành.”
Các biên tập viên trang America viết năm 2007: “Thủ tục tiêu hôn nhất thiết phải là một tiến trình riêng tư, giải quyết các chi tiết mật thiết của đời sống vợ chồng, vì vậy rất khó để đánh giá các quyết định được đưa ra như thế nào trong các trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, điều rõ ràng là giáo hội cần giải thích tốt hơn cách nào tiến hành thủ tục tiêu hôn. Đối với quá nhiều người công giáo, tiến trình này vẫn là một bí ẩn lớn”.
Một cuộc khảo sát năm 2007 của Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng trong Söù vuï (Center for Applied Research in the Apostolate) cho thấy 85 phần trăm người công giáo Hoa Kỳ hiện đã ly dị không tìm cách tiêu hôn. Có khoảng 8% tìm cách tiêu hôn nhưng không được chấp thuận, và 7% nhận được chấp thuận. Nhiều người công giáo đã ly dị và tái hôn nhưng không tiêu hôn, dẫn đến đề xuất từ các giám mục và hồng y nổi tiếng trong Thượng hội đồng về Gia đình năm 2015 rằng Giáo hội công giáo nên thiết lập một số cơ chế cho người công giáo ly dị và tái hôn (những người không được rước lễ, như thử giáo hội cho rằng hôn nhân thứ nhì của họ đặt họ vào tình trạng tội trọng) để họ có thể rước lễ và có “đời sống trong cộng đoàn tín hữu kitô”.
Cũng như ly dị trong xã hội dân sự, tuyên bố tiêu hôn là một sự kiện hiếm hoi trong Giáo hội công giáo cho đến thế kỷ vừa qua. Thật là một trớ trêu lạ kỳ, khả thể (hoặc không khả thể) hủy bỏ bí tích hôn nhân lại đóng một vai trò to lớn trong lịch sử Giáo hội. Từ cuộc đấu tranh của vua Henry VIII với Vatican về hôn nhân không hợp lệ của ông với bà Anne Boleyn, đến việc tiêu hôn cho vua Lu-i VII nước Pháp và Eleanor của Aquitaine năm 1152 (họ là anh em họ) đến các vụ đương đại trong xã hội Hoa Kỳ của các chính trị gia và nhân vật nổi tiếng tìm cách tiêu hôn (họ thường nhận được), các cuộc tiêu hôn của người công giáo đã đóng một vai trò quá lớn trong chính trị.
Một cuộc khảo sát năm 2007 của Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng trong Söù vuï cho thấy 85 phần trăm người công giáo Hoa Kỳ hiện đã ly hôn và đã không tìm cách tiêu hôn.
Việc tiêu hôn ở Mỹ phổ biến nhiều hơn so với phần còn lại của thế giới, ngay cả bây giờ. Linh mục Dòng Tên Ladislas Orsy, S.J., luật sư giáo luật tại Trung tâm Luật Đại học Georgetown ở Washington, D.C., nói với trang America trong cuộc phỏng vấn năm 1997, 71% trong số gần 51.000 vụ tiêu hôn trên thế giới năm 1994 là ở Hoa Kỳ.
Đức Phanxicô tạo cơn bão truyền thông công giáo năm 2016 khi ngài phát biểu không chính thức tại một hội nghị ở Vatican có mặt các nhà báo, “phần lớn các bí tích hôn nhân là vô hiệu”. Sau đó, Vatican đã làm rõ, giáo hoàng đã nhầm khi dùng chữ “đa số”, ngài muốn nói “một phần” các bí tích hôn nhân là vô hiệu. Vatican ghi lại, Đức Phanxicô đã chấp thuận một cách rõ ràng sự thay đổi và “bất kỳ cách giải thích nào khác không còn có thể biện minh được”.
Thế nào là tiêu hôn
Tiêu hôn là thuật ngữ quen thuộc của Giáo hội để tuyên bố “sắc lệnh là vô hiệu”, xác định bí tích hôn nhân đã không diễn ra vào ngày cưới của hai đương sự, đã ngăn cản một hoặc hai bên đồng ý trọn vẹn cho cuộc hôn nhân.
Hội đồng Giám mục công giáo Hoa Kỳ mô tả việc tiêu hôn là “một tuyên bố của tòa án Giáo hội (tòa Giáo luật), theo đó một cuộc hôn nhân được cho là hợp lệ theo giáo luật đã thực sự thiếu ít nhất một trong những yếu tố cần thiết cho một kết hợp.”
Giáo lý Giáo hội công giáo nói, việc trao đổi sự ưng thuận giữa vợ chồng là “yếu tố không thể thiếu để ‘tạo nên hôn nhân’. Nếu thiếu sự ưng thuận thì hôn nhân không thành” (số 1626). Ngoài ra, sự đồng ý đó “phải là hành động do quyết định của mỗi bên trong hợp đồng, không có sự ép buộc hoặc sợ hãi nghiêm trọng từ bên ngoài. Không có sức mạnh nào của con người có thể thay thế cho sự đồng ý này. Nếu thiếu tự do này thì hôn nhân vô hiệu” (số 1628).
Mọi người công giáo nào được được tuyên bố tiêu hôn đều có thể được tái hôn trong nhà thờ – và bất kỳ người công giáo nào không nhận được tiêu hôn thì không thể tái hôn.
Vì thế, các tòa án giáo phận sẽ không tập trung vào việc lo cho tình trạng hay ‘tuổi thọ’ của hôn nhân, nhưng vào hoàn cảnh xung quanh việc bắt đầu hôn nhân: Đó có phải là một “đám cưới cấp tốc” vì mang thai ngoài ý muốn không? Hôn nhân có bị ép buộc bằng bạo lực thể xác hoặc bằng lời nói không? Một bên có che giấu tình trạng nghiện ngập của mình cho bên kia không? Cả hai có hiểu ý nghĩa thực sự của bí tích – lời hứa sẽ trung thành về tình dục, không bỏ rơi người phối ngẫu, cởi mở với con cái không điều kiện không? Tất cả đều có thể là bằng chứng của “sự không có hoặc khiếm khuyết của sự thỏa thuận” theo cách nói của Giáo hội. Ngày nay, tòa cũng có thể yêu cầu người xin tiêu hôn làm thử nghiệm về sức khỏe tâm thần.
Người công giáo nào được tuyên bố tiêu hôn đều có thể được tái hôn trong nhà thờ – và bất kỳ người công giáo nào không nhận được tiêu hôn thì không thể tái hôn.
Những gì không phải
Dù chúng ta đã bao nhiêu lần nghe – đùa hay không đùa – việc tiêu hôn không đơn giản là “ly dị công giáo”. Giáo huấn của Giáo hội nói, không phải hôn nhân đó không thành công, nhưng cuộc hôn nhân đó không bao giờ tồn tại theo nghĩa của bí tích.
Dù giáo hội đòi hỏi người xin tiêu hôn phải ly dị dân sự trước, nhưng Giáo hội vẫn cho rằng hôn nhân bí tích chỉ có mối liên hệ tiếp tuyến với thủ tục dân sự. Dù có những quan niệm trái ngược, Giáo hội cũng không nói người ly dị không được rước lễ; tình trạng hôn nhân của họ chỉ là vấn đề với Giáo hội nếu họ tái hôn mà chưa tiêu hôn.
Tiêu hôn cũng không phải cho rằng, con cái của một cuộc hôn nhân công giáo bằng cách nào đó là bất hợp pháp dưới mắt của Giáo hội công giáo. Quan niệm sai lầm này có thể tạo những tổn hại lớn về tâm lý trong các gia đình – và có thể đó là lý do để một hoặc cả hai đã ly dị quyết định họ không muốn làm thủ tục tiêu hôn. Trong những trường hợp như vậy, những cụm từ như “sắc lệnh vô hiệu” hoặc “thiếu ít nhất một trong những yếu tố cần thiết để có một kết hiệp ràng buộc” có thể nghe khó hiểu và gây hiểu lầm. Nhưng phép rửa tội (và các bí tích khác sau đó) hoàn toàn không bị tác động bởi tình trạng hôn nhân của cha mẹ đương sự – và phép rửa tội là bí tích đưa chúng ta vào Giáo hội.
Dù chúng ta đã bao nhiêu lần nghe – đùa hay không đùa – việc tiêu hôn không đơn giản là “ly dị công giáo”.
Việc tiêu hôn cũng không phải là tuyên bố hôn nhân không tồn tại – tuyên bố như vậy trong trường hợp các cặp vợ chồng đã kết hôn hàng chục năm sẽ là vô lý – mà chỉ đơn giản là không có cấu trúc bí tích nào cho hôn nhân. Linh mục Paul V. Garrity thuộc tổng giáo phận Boston, đã nói về điều này trong một bài báo năm 2015 trên trang America: “Tất cả các cuộc hôn nhân đều giống nhau từ bên ngoài. Khi một cuộc hôn nhân kết thúc bằng ly dị, thì thủ tục tiêu hôn cố gắng nhìn vào bên trong hôn nhân để xem những gì đã bị thiếu ngay từ đầu”.
Linh mục Garrity viết: “Khi giải thích tiêu hôn là gì, tôi thường đưa cây bút lên. Giả dụ đây là cây bút có chứa ống mực và dùng để viết. Nếu tôi rút ống mực ra, cây bút vẫn giống như trước. Nhưng đến khi thử cây bút, tôi mới thấy nó không có mực. Dù cây bút vẫn giống như bất cứ cây bút nào, nhưng khi tôi nhìn vào bên trong và thấy nó thiếu một thứ thiết yếu, tôi mới hiểu tại sao cây bút không viết được.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch