Linh mục Lombardi: Sứ mệnh của Đài phát thanh Vatican trong việc phục vụ Giáo hoàng
Đức Phanxicô và Linh mục Federico Lombardi tại Vatican ngày 21 tháng 2 – 2019. (ANSA)
vaticannews.va/fr, Federico Lombardi, 2021-02-04
Trích bài báo được Linh mục Federico Lombardi, cựu giám đốc Đài viết nhân dịp kỷ niệm 90 năm thành lập Radio Vatican, bài viết được đăng trên tạp chí Dòng Tên Văn minh Công giáo, La Civiltà Cattolica.
Ngày 12 tháng 2 năm 2021, đúng 90 năm kể từ ngày Đức Piô XI khánh thành Đài với câu tuyên bố nổi tiếng của ngài, “Hỡi các tầng trời, xin nghe…”. Đài phát thanh do chính ông Guglielmo Marconi (1874-1937) người Ý xây dựng, ông là nhà phát minh ngành truyền thanh. Đài được giao cho Linh mục Dòng Tên Giuseppe Gianfranceschi quản trị, cha là giám đốc đầu tiên của Đài.
“Sứ mệnh” của Đài phát thanh Vatican rõ ngay từ đầu: là công cụ phục vụ Giáo hoàng trong sứ vụ loan báo Tin Mừng cho thế giới và hướng dẫn cộng đồng hoàn vũ của Giáo hội công giáo. Sứ mệnh này đã được duy trì theo thời gian và được các Giáo hoàng tái khẳng định nhiều lần, đảm bảo bản sắc mạnh mẽ của Đài. […]
Tiếng nói của Giáo hoàng
Đài phát thanh Vatican […] ra đời năm 1931, trong bối cảnh Nhà nước thành phố Vatican đang khẩn trương xây dựng. Đài phát thanh do ông Marconi xây dựng, người đi đầu trong công nghệ thời bấy giờ và có khả năng cung cấp dịch vụ điện báo và đài phát thanh hoàn toàn độc lập với nước Ý. Nhờ các làn sóng ngắn, trong một “khoảng không gian” còn ít các kênh truyền cồng kềnh, với công suất còn thấp nhưng Đài vẫn có thể được nghe trên các lục địa khác. Vào thời kỳ đầu, Đài phát thanh Vatican là công cụ mà qua đó người công giáo trên khắp thế giới lần đầu tiên có thể trực tiếp nghe tiếng nói của Giáo hoàng. […]
Những năm 1930 là những năm của quyền lực toàn trị. Các quan điểm của Đức Piô XI rất can đảm, và Giáo hội được tin tưởng.
Nhu cầu có các chương trình bằng các ngôn ngữ khác nhau để hướng dẫn và nâng đỡ tín hữu ở các nước Âu châu gia tăng nhanh chóng. Năm 1934, ở tuổi 34, linh mục Filippo Soccorsi được bổ nhiệm làm giám đốc Đài phát thanh, sau khi Linh mục Gianfranceschi sớm qua đời, không chỉ cống hiến hết mình trong việc cải tiến các cấu trúc kỹ thuật – như thiết lập các ăng-ten mới ở Vườn Vatican, được biết đến với tên gọi “Ngón tay của Giáo hoàng” mà còn nhanh chóng nắm bắt được kỳ vọng phát triển của Đài nhờ nội dung các chương trình.
Vì thế, vào năm 1936, Hiệp hội Phát thanh Vatican đã được Liên minh Phát thanh Quốc tế thừa nhận tính chất đặc biệt của Đài và cho phép Đài có các chương trình phát thanh không giới hạn ở một địa lý nào. Do phương tiện còn hạn chế, Linh mục Soccorsi đã xin các tu sĩ Dòng Tên từ các quốc gia khác nhau hợp tác vào ban biên tập, viết bài và trình bày các bản văn. Các băng truyền bằng tiếng Đức rõ ràng đặc biệt quan trọng trong thời gian này.
Trong bi kịch chiến tranh: vì hòa bình và tình đoàn kết với những người đau khổ
[…] Năm 1939, trước chiến tranh, các chương trình phát sóng thường bằng tiếng Ý, Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ba Lan, Ukraina và Litva đã làm cho Đài là điểm tham chiếu của Giáo hội, đóng một vai trò quan trọng trong việc tố cáo bạo lực, nâng đỡ các nạn nhân và những người chống đối, khuyến khích giáo dân hy vọng. Những “thông điệp vô tuyến” của Đức Piô XII trong thời gian chiến tranh được cả châu Âu chờ đợi và lắng nghe vẫn còn là những thông điệp nổi tiếng. Ngài là tiếng nói cao nhất, là người có quyền lực nhất, người đã vượt trên các bên tham chiến trong những năm khủng khiếp đó, để kêu gọi công lý và hòa bình.
Nhưng trong chiến tranh, Đài phát thanh Vatican cũng trở nên nổi tiếng với nhiệm vụ khác: công cụ nền tảng cho cam kết lớn lao mà Đức Piô XII muốn cùng với “Văn phòng Thông tin của Bộ Ngoại giao”, thành lập đầu năm 1939, để tìm kiếm thường dân và quân nhân bị mất tích, thông báo cho gia đình họ và trong trường hợp có thể, có được ít nhất một kỷ niệm, một liên hệ tốt đẹp. […]
Đài phát thanh Vatican dành các chương trình đặc biệt loan tin các vụ mất tích và phát đi các thông điệp ngắn gọn của gia đình cho các tù nhân, tên của tù nhân đã được giọng “kim” của người đọc tin đánh vần từ từ từng chữ. Các chương trình phát sóng phát 70 giờ mỗi tuần, với cao điểm là 12-13 giờ mỗi ngày. Từ năm 1940 đến năm 1946, tổng cộng có 1.240.728 tin nhắn đã được phát đi trong 12.105 giờ truyền. Trong một vài trường hợp, các chương trình được phát qua loa phóng thanh trong các trại tù. Rất nhiều người cám ơn dịch vụ này. Và đã có rất nhiều lời chứng nói lên lòng biết ơn đối với công việc này. Đó là một trong những trang đẹp nhất của lịch sử của Đài phát thanh Vatican.
Tiếng nói của “Giáo hội thinh lặng”
Khi chiến tranh kết thúc, Đài cùng với các chương trình phát sóng tạo bầu khí tái thiết đạo đức và thiêng liêng trong các quốc gia bị tàn phá bởi cuộc xung đột trong thời gian chuẩn bị Năm Thánh vĩ đại 1950, một thời kỳ mang sức sống mới cho Giáo hội.
Trong thời gian này, một phần lớn Đông Âu nằm dưới sự áp bức của các chế độ cộng sản và Giáo hội công giáo trở thành mục tiêu của những cuộc đàn áp khắc nghiệt ở nhiều quốc gia. Đó là một thách thức lịch sử đối với Đài, trên thực tế Đài là cách duy nhất để giáo dân nuôi dưỡng mối quan hệ của họ với Giáo hoàng và với Giáo hội hoàn vũ, để đức tin của họ được nâng đỡ.
Mặc dù nguồn lực còn hạn chế, các chương trình bằng ngôn ngữ của các nước Đông Âu ngày càng nhiều hơn và dài hơn. Vào cuối những năm 1940, chương trình bằng tiếng Ba Lan – cùng với tiếng Ý, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Đức, luôn là một trong những ngôn ngữ phát thanh chính – sau đó các ngôn ngữ khác được thêm vào như tiếng Séc, Slovak, Hungary, Litva, Latvia, Nga, Croatia, Slovenia, Ukraina, Rumani, Bungari, Belarus và trễ hơn là tiếng Albania.
Trong nhiều thập kỷ và trong suốt thời kỳ bị áp bức, các chương trình của Đài đã là giờ hẹn thường xuyên và an toàn cho các tín hữu, tu sĩ, linh mục và giám mục bị tước quyền tự do diễn tả và sống đức tin của họ.
Có vô số câu chuyện để kể trong những năm này. Ở một số quốc gia và trong một số thời kỳ đàn áp khắc nghiệt, việc nghe Đài Vatican bị cấm tuyệt đối và gặp nhiều rủi ro: người nghe có thể bị các bản án nặng nề, có thể bị tù, thậm chí – trong một số trường hợp – bị lên án tử hình. Đối với một số ngôn ngữ, như tiếng Ba Lan hoặc tiếng Slovak, lượng thính giả rất cao, nhưng cũng có một số ngôn ngữ ở những nơi người công giáo chiếm thiểu số, người nghe không nhiều, nhưng nguyên tắc hướng dẫn các cha ở Đài và theo ý của Giáo hoàng, không phải ở lượng thính giả đông, nhưng ở hoàn cảnh cần thiết của thính giả.
Đây là lý do vì sao các ngôn ngữ truyền đến các nước Đông Âu luôn quá nửa số ngôn ngữ của Đài phát thanh Vatican. Sau nhiều năm, khi các bức tường đã sụp đổ, cuối cùng lòng biết ơn của các tín hữu và người dân đã được nói lên rất cảm động, trong năm đầu tiên sau khi chế độ Xô Viết sụp đổ, hơn 40.000 bức thư từ Ukraina đã gởi đến Đài hoặc Nhà nước Albania tặng huy chuơng danh dự cho công việc của Đài phát thanh Vatican. […]
Truyền thông bằng hiệp thông
Năm 1970, ban biên tập và các phòng thu của Đài phát thanh Vatican chuyển đến Palazzo Pio, đối diện với Castel Sant’Angelo, nơi có đủ không gian cho trụ sở chính của đài trong nhiều thập kỷ. Năm 1973, Linh mục Roberto Tucci […] kế nhiệm Linh mục Martegani trong việc điều hành chung. Chúng ta đang ở thời gian trước Năm Thánh 1975 và Đài được huy động toàn bộ. Điều này không chỉ để phát sóng trực tiếp các lễ kỷ niệm, các buổi tiếp kiến và sự kiện lớn của giáo hoàng, nhưng đồng thời cung cấp thông tin đầy đủ bằng tất cả các ngôn ngữ không những cho Giáo hội hoàn vũ mà còn cho giáo dân hành hương đến Rôma từ khắp nơi trên thế giới. […]
Vào nửa sau của những năm 1970, thời gian này Linh mục Pasquale Borgomeo làm giám đốc các chương trình năng động và sáng tạo, và Linh mục Félix Juan Cabasés là người đứng đầu “Văn phòng Biên tập Trung ương”, sau này là “Dịch vụ Tài liệu”. Cơ quan đầu tiên duy trì các mối quan hệ quốc tế quý báu của đài, đặc biệt là với Liên minh Phát thanh-Truyền hình Châu Âu (EBU); cơ quan đã để lại dấu ấn lâu dài trong việc tổ chức tài liệu và chương trình biên tập. […]
Như thế Đài phát thanh Vatican đã đạt được sự trưởng thành, với chất lượng báo chí và chuyên môn ngày càng cao, làm cho Đài, từ Rôma, trở thành nhịp đập trái tim trong giao tiếp hàng ngày của Giáo hội hoàn vũ – một “truyền thông bằng hiệp thông” như Công đồng mong muốn, mà còn là tác nhân chính tích cực trong thế giới rộng lớn hơn của truyền thông công giáo và giáo dân về đời sống của Giáo hội. […]
Marta An Nguyễn dịch