Nước Mỹ: Thần chiến tranh Odin đấu với Chúa Giêsu?

398

Nước Mỹ: Thần chiến tranh Odin đấu với Chúa Giêsu?

cath.ch, Raphaël Zbinden, 2021-01-17

Trong số những người ủng hộ ông Trump xâm lược Điện Capitol vào ngày 6 tháng 1 năm 2021, sự hiện diện của những người tôn thờ tân-ngoại giáo gây chú ý. Các “thần linh” luân phiên đang gia tăng trong phái cực hữu của Mỹ, đi đôi với việc bác bỏ kitô giáo và các giá trị của nó.

Jacob Chansley, Người theo Thần chiến tranh Odin,  vào Điện Capitol ngày 6 tháng 1 năm 2021 | © AP Ảnh / Manuel Balce Ceneta / Keystone

Một trận chiến của “những đứa con của Ánh sáng” chống lại “những đứa con của Bóng tối.” Đó cũng là cách cựu sứ thần Maria Vigano nhìn thấy những chống đối chính trị tăng mạnh trong những năm vừa qua tại Mỹ. Dù sao cựu sứ thần và là đối thủ lớn của Đức Phanxicô cùng chia sẻ quan điểm với ông Trump trong bức thư ông gởi tổng thống tháng 6 năm 2020, khi có các cuộc biểu tình Cuộc sống người Da đen đáng tôn trọng “Black Lives Matter” đang diễn ra sôi nổi.

Cựu sứ thần xem tổng thống Trump, người sẽ rời Nhà Trắng ngày 20 tháng 1, là người đi đầu trong cuộc chiến chống lại phong trào toàn cầu nhằm phá hủy các giá trị kitô giáo và Giáo hội công giáo. Đối với ông, “những đứa con của Bóng tối” đại diện cho những đối thủ của tỷ phú Trump bao gồm các lực lượng “cánh tả” trên toàn cầu, từ phong trào “Black Lives Matter” đến đảng Dân chủ, kể cả những tín hữu kitô “hiện đại”.

Một cướp biển viking tại Capitol

Không muốn đưa ra lời phê phán về quan điểm này, cuộc tấn công vào Điện Capitol đã đưa ra một số dấu chỉ về danh tính của “những đứa con của Ánh sáng.” Chắc chắn những người nổi dậy có nguồn gốc rất đa dạng. Nhìn các biểu ngữ có tên Chúa Giêsu, chắc chắn là có các tín hữu kitô có mặt trong đám đông. Nhiều người trong số họ đến từ các nhóm giáo phái phúc âm cực đoan, vốn luôn ủng hộ mạnh mẽ ông Donald Trump.

Một số người biểu tình ở Điện Capitol mang biểu ngữ nhắc đến Chúa Giêsu | © Brett Davis / Flickr / CC BY-NC 2.0

Nhưng ít nhất một trong những người tham gia vào giai đoạn lịch sử này – được cho là biểu tượng nhất – không phải là tín hữu kitô. Ông Jacob Chansley, kẻ gây rối khét tiếng đội mũ lưỡi trai sừng trâu – đã xuất hiện trên các phương tiện truyền thông khắp thế giới – thực sự là người theo “chủ nghĩa Odin” (https://vi.wikipedia.org/wiki/Odin), vị thần chiến tranh của Đức. Một phiên bản tân-ngoại giáo của tôn giáo Bắc Âu cổ đại, tôn giáo ủng hộ quyền tối cao của người da trắng và có quan hệ chặt chẽ với chủ nghĩa tân-Quốc xã. Một trong những người cùng phe với ông Jacob Chansley ở Điện Capitol vừa bị bắt, mặc một chiếc áo thun có dòng chữ “Trại Auschwitz”, (một trại tập trung giết người do thái ở Ba Lan).

Mặt trời đen của Đức quốc xã

Sự nổi dậy của loại tín ngưỡng cổ đại này đã có từ thế kỷ 19. Vào giữa thế kỷ 20, chế độ Đức Quốc xã trong Đệ tam Quốc xã là một trong những “người phục hồi” chính cho các tín ngưỡng Bắc Âu. Họ thấy đây là công cụ để đoàn kết người dân Đức đằng sau một huyền thoại chung, nhất quán, cọng thêm với ý thức hệ phân biệt chủng tộc và hiếu chiến. Nhà vô địch của phong trào này không ai khác là Heinrich Himmler (https://vi.wikipedia.org/wiki/Heinrich_Himmler), người chủ trương “giải pháp cuối cùng” là tiêu diệt người do thái ở châu Âu. Lâu đài Wewelsburg, trụ sở chính của Đức quốc xã ở Westphalia, là “ngôi đền” của tôn giáo mới này. Các biểu tượng của loại thần bí quốc xã này vẫn còn thấy ở các bức bích họa mô tả mặt trời đen.

Biểu tượng thần bí của quốc xã về mặt trời đen vẫn còn thấy ở Wewelsburg

Theo nhà sử học người Mỹ William L. Shirer, kế hoạch của Đức quốc xã là tiêu diệt kitô giáo ở Đức và thay thế bằng chủ nghĩa ngoại giáo cổ đại của người Đức. Các nhà lãnh đạo Đức Quốc xã khác có những thái độ khác nhau đối với kitô giáo và ngoại giáo. Nhưng nhiều người xem kitô giáo là mối đe dọa cho ý thức hệ Đức Quốc xã. Nhà sử học người Anh Allan Bullock viết trong quyển sách Hitler hay Cơ chế của Bạo quyền (Hitler or the Mechanisms of Tyranny, 1952): “Theo Hitler, kitô giáo chỉ là tôn giáo của những người nô lệ; ông đặc biệt ghét đạo đức của kitô giáo.” Dưới con mắt của nhà độc tài, giáo huấn của kitô giáo là cuộc nổi loạn chống lại quy luật chọn lọc tự nhiên thông qua đấu tranh và sinh tồn của những người mạnh khỏe nhất.

Một kitô giáo làm suy yếu phương Tây?

Một sự đối lập giữa các nguyên lý của kitô giáo và các ý thức hệ cực hữu đã tồn tại sau sự sụp đổ của Đệ tam Đế chế. Vào thời hậu bán thế kỷ 20, một số trí thức làm sống lại giả thuyết cho rằng kitô giáo làm suy yếu nền văn minh phương Tây. Trong một bài báo năm 2001, nhà viết xã luận người Mỹ Sam Todd Francis, được cho là “nhà triết học-vua” của cánh hữu cực đoan, đã viết: “Kitô giáo ngày nay là kẻ thù của phương Tây và của chủng tộc đã tạo ra nó.”

Những ý tưởng tương tự xuất hiện từ các bài viết của triết gia và nhà viết xã luận người Pháp Alain de Benoist, một tư tưởng gia nổi bật về bất bình đẳng chủng tộc và chủ nghĩa ngoại giáo. Ông viết trong quyển sách Làm thế nào có thể là người ngoại giáo? (Comment peut-on être païen? (1981): “Trong kitô giáo, tôi không chấp nhận tính phổ quát (‘dân của Chúa’ không lẫn lộn với bất kỳ dân tộc nào), khi để mặc chính nó, đã ngăn cản nó đảm nhận một chiều kích bản sắc.”

“Các hình thức phân biệt chủng tộc của chủ nghĩa tân-ngoại giáo đang vượt lên các phiên bản truyền thống tôn giáo đơn thần của ý thức hệ về quyền tối thượng của người da trắng” – Mattias Gardell

Nhiều nhà tư tưởng học khác, ở Mỹ và trên thế giới, tuyên bố những ý tưởng của chủ nghĩa phổ quát kitô giáo không phù hợp sâu xa với những ý tưởng bất bình đẳng, cái mà người ta gọi là “alt-right”, một phong trào cực hữu đi biểu tình thường mang cờ Liên minh miền Nam hay Đức quốc xã. Phong trào mờ ám này của Mỹ lẫn lộn với chủ nghĩa người da trắng thượng tôn, được xem là những kẻ xúi giục chính gây ra các sự kiện ở Điện Capitol.

Theo ông Matthew Rose, nhà khoa học chính trị, thạc sĩ nghiên cứu ở Viện Berkeley, (Bermuda) thì phong trào “alt-right” là phong trào “chống kitô giáo” sâu đậm. Ông viết: “Không phải qua việc can thiệp hay nói bóng gió xa gần mà qua tuyên xưng.” Năm 2018, ông viết trong một bài báo, “các tư tưởng gia chính của phong trào “alt-right” của họ cho thấy rõ ràng có sự phủ nhận kitô giáo của họ và mong muốn cải hóa tín hữu để họ xa tôn giáo này.”

Ngoại giáo hóa đang tiến hành

Từ vài năm nay, những người ủng hộ nổi bật của hệ tư tưởng này đã kêu gọi việc áp dụng loại tín ngưỡng tân-ngoại giáo, chủ yếu là người Bắc Âu, thay cho kitô giáo. Đó là trường hợp của Frazier Glenn Cross Jr., người đã viết vào năm 1999: “Tôi muốn thấy 100 triệu tín hữu kitô Aryan ở Bắc Mỹ chuyển qua tôn giáo do chính chủng tộc của họ thành lập và thực hành trong hàng ngàn thế hệ trước khi người do thái phát minh ra kitô giáo: chủ nghĩa Odin”.

Thần Bắc Âu Odin phổ biến trở lại trong phái cực hữu của Mỹ | Carl Emil Doepler (1824-1905)

Xu hướng “ngoại giáo hóa” của phe cực hữu Mỹ dường như đang gia tăng trong những thập kỷ gần đây. Năm 2003, giáo sư Nghiên cứu Tôn giáo So sánh người Mỹ Mattias Gardell lưu ý rằng, “các hình thức phân biệt chủng tộc của chủ nghĩa tân-ngoại giáo đang vượt lên các phiên bản truyền thống đơn thần của ý thức hệ về quyền tối thượng của người da trắng.” Quy chiếu vào nhận xét này, năm 2018 nhà khoa học chính trị và nhà văn Boston Shannon Weber đã viết: “Ngày nay các hình thức kỳ thị chủng tộc tân-ngoại giáo vẫn còn phổ biến, trong khi những người chủ trương người da trắng thượng tôn khai thác sự bất ổn chính trị được nuôi dưỡng bởi việc chống người di dân, chống người tị nạn ở châu Âu, cũng như việc nổi dậy của chủ nghĩa kỳ thị dưới thời của tổng thống Donald Trump tại Hoa Kỳ”.

Những “đứa bé” không quá “sáng sủa”

Cần lưu ý, ông Frazie Glenn Cross Jr. chủ yếu được biết đến qua vụ ám sát ba người, trước một trung tâm do dhái, ở Kansas năm 2014. “Chiến binh thiêng liêng” của Điện Capitol Jacob Chansley bị bộ Tư pháp Hoa Kỳ điều tra về tội muốn bắt cóc và giết các dân biểu.

Trong văn bản của Dự án Megiddo, được tiến hành cho đến cuối thế kỷ 20, Cục Điều tra Liên bang Mỹ gọi những người theo chủ nghĩa Odin là những người “phân biệt chủng tộc” và các thành viên của tổ chức này có khả năng thực hiện các hành động khủng bố ở Hoa Kỳ.

Ngược với kitô giáo, chủ nghĩa Odin không cấm giết người. Như vậy, chúng ta có nên sợ, qua trung gian của chủ nghĩa ngoại giáo cực hữu này dẫn đến những vụ “trở lại” mới và sự chấp nhận bạo lực xã hội thậm chí còn lớn hơn không? Nếu không ai có thể khẳng định được điều này, thì dù sao cũng phải lưu ý, trong số những “người con của Ánh sáng” được cựu sứ thần Vigano ca ngợi, có một số “cừu đen” nào đó.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: “Giáo hội là chính trị, không tránh được”