Đức Phanxicô đau thần kinh tọa và cuộc chiến đấu của ông Gia-cóp

63

Đức Phanxicô đau thần kinh tọa và cuộc chiến đấu của ông Gia-cóp

Đức Phanxicô trong buổi Kinh Truyền Tin ngày 1 tháng 1-2021 tại Dinh Tông Tòa Tòa Thánh

Một sự trùng hợp mang tính biểu tượng cho thời buổi hiện nay

fr.zenit.org, Anne Kurian-Montabone, 2021-01-02

Vào ngày cuối năm 2020, Đức Phanxicô bị đau thần kinh tọa nên đã không chủ sự các nghi thức truyền thống cuối năm và đầu năm. Ông Andrea Monda, giám đốc báo L’Osservatore Romano thấy trong cuộc khủng hoảng này là một sự “trùng hợp ngẫu nhiên” mang tính biểu tượng cho thời điểm hiện tại.

Cơn đau thần kinh tọa của Đức Phanxicô không phải là chuyện mới lạ, nhưng ông liên tưởng cơn đau của ngài trong những ngày này với cuộc chiến của ông Gia-cóp với Chúa (Sách Sáng thế 32, 23-33): một “sự kiện bí ẩn” vì sau đó ông Gia-cóp bị đánh vào khớp xương hông và phải đi khập khiễng.

Ông Andrea Monda viết, trước cuộc đấu tranh, ông Gia-cóp “ở lại một mình“, năm 2020 là “đêm dài của nhân loại, con người thấy mình cô độc, phải chiến đấu với một cuộc chiến gay go” chống coronavirus. Ông nhớ lại hình ảnh Đức Phanxicô đơn độc một mình ngày 27 tháng 3, ở Quảng trường Thánh Phêrô khi ngài cử hành buổi cầu nguyện một mình, xin cho đại dịch được sớm kết thúc, “một mình, trong mưa, trong hoàng hôn của một buổi chiều tăm tối, trong hoang vắng của Quảng trường Thánh Phêrô”.

Ngày nay, sau thử thách sức khỏe của thế giới, “Đức Phanxicô không còn là Đức Phanxicô cách đây một năm” : bây giờ ngài như ông Gia-cóp, ngài đi khập khiễng và phải thay đổi “nhịp độ”. Bởi vì cuộc khủng hoảng “đòi hỏi, đây là thời điểm thích hợp để thay đổi, để hoán cải”.

Dấu chỉ của sự hoán cải này?

Ông Andrea Monda trả lời: Đó là mối quan hệ của chúng ta với người anh em, ông Gia-cóp đã rất lo lắng khi gặp lại người anh Ê-sau của mình, và sau cuộc chiến với Chúa, ông đã có thể làm được.

Ông kết luận: “Vào lúc khủng hoảng, lối thoát của chúng ta là xin Chúa ban sức mạnh để mở lòng ra với người khác, chăm sóc người anh em bằng cách phá bỏ xiềng xích nạn nhân hóa và thói tự mê của mình. Chúng ta được lành khi chúng ta chữa lành cho người khác.”

Marta An Nguyễn dịch