Máng cỏ “khủng khiếp” của năm 2020 tại Quảng trường Thánh Phêrô
cath.ch, Bernard Hallet, 2020-12-18
Máng cỏ bằng gốm Abruzzo gây bực tức | © Vatican Media
Máng cỏ bằng gốm Abruzzo được dựng ở Quảng trường Thánh Phêrô ngày 11 tháng 12, không ngừng gây sóng gió. Các cư dân mạng bày tỏ sự bực bội của mình trên các trang mạng xã hội, còn du khách thì không giấu được thất vọng, họ lạnh nhạt nhìn.
“Hoàn toàn lương dân”, playmobil khổng lồ”, “Dark Vador”, các so sánh không mấy hứng thú về các nhân vật trong máng cỏ phản ánh sự bực tức đang lan tràn trên các phương tiện truyền thông xã hội với máng cỏ trang trí khá xa hoa.
Tại Quảng trường Thánh Phêrô, máng cỏ bị chào đón lạnh nhạt, một nữ du khách cho biết: “Tôi không thích máng cỏ này chút nào, nó không liên quan gì đến kitô giáo”, người khác thì mong chờ “một cái gì hùng vĩ hơn”. Lấy cảm hứng từ xác ướp Ai Cập, các bức tượng hình trụ bằng gốm sứ cao hai mét, không mang tính cách diễn tả, trong số đó lại có một chiến binh vui nhộn và cả một phi hành gia làm một số giáo dân “xấu hổ.”
“Một máng cỏ kinh khủng”
Nhà báo chuyên gia Vatican Aldo Marria Valli nói thẳng, “một máng cỏ kinh khủng làm trẻ em sợ hãi và chắc chắn chúng sẽ khóc.” Đứng trước cảnh xáo động này, Đức Phanxicô dường như khá đơn độc khi xác nhận: “Chưa bao giờ như năm nay, cây thông và máng cỏ giúp tạo bầu khí Giáng sinh thuận lợi cho việc sống với đức tin vào mầu nhiệm bản tính Chúa Kitô.”
Trên trang web Catholic Herald của Anh, nhà sử học nghệ thuật Elizabeth Lev cố gắng giải thích, bà cho thấy vào cuối năm nay “mọi người đang đi tìm một cái gì đẹp, một cái gì nâng cao tinh thần, truyền cảm hứng, đoàn kết và máng cỏ ở Quảng trường Thánh Phêrô mang lại cho họ một cái gì đó khác. Các nhân vật dị dạng trong máng cỏ không có tất cả vẻ đẹp, tỷ lệ, tính dễ bị tổn thương và rọi sáng mà chúng ta thường thấy trong máng cỏ.”
Một nhà du hành vũ trụ và một chiến binh trong số các nhân vật trong máng cỏ ở Quảng trường Thánh Phêrô
Tuy nhiên, máng cỏ tạo tranh cãi này không phải là thành quả trí tưởng tượng của một nhà thiết kế hiện đại và lập dị. Máng cỏ đến từ vùng Castelli, một ngôi làng có một ngàn dân nằm trên sườn khối núi Gran Sasso, bang Teramo miền trung nước Ý. Gốm sứ là đặc sản của làng này từ thế kỷ 16.
Chỉ một vài trong số 54 bức tượng bằng gốm được chưng trong máng cỏ này. Máng cỏ được tạo ra và thực hiện vào những năm 1960 do các sinh viên và giáo sư của “F.A. Crane”, chuyên thực hiện các tác phẩm liên quan đến chủ đề Giáng sinh.
Quy chiếu theo nghệ thuật vùng Xu-me
Dĩ nhiên máng cỏ có Thánh Gia, có ba vua, có thiên thần với đôi cánh dang rộng, nhưng cũng có nhạc sĩ chơi kèn tù và, có người thổi sáo, có cô bé chăn cừu với chiếc bình, một bé gái và con búp bê của em. Thông báo của Văn phòng báo chí Vatican cho biết: “Các bức tượng được làm bằng các các mẫu hình khuyên, xếp chồng lên nhau, tạo thành các bức tượng bán thân hình trụ, gợi lên khía cạnh đương đại với các quy chiếu của nghệ thuật cổ – ví dụ người Xu-me vùng nam Lưỡng hà và Ai Cập. Như thế nhà du hành vũ trụ liên quan đến việc chinh phục Mặt trăng.
Lần triển lãm máng cỏ đầu tiên là ở Castelli tại sân nhà thờ làng tháng 12 năm 1965, sau đó Giáng sinh năm 1970, máng cỏ được triển lãm tại các chợ Trajan ở Rôma và vài năm sau ở Giêrusalem, Bê-lem và Tel Aviv.
Chắc chắn vì đại dịch và năm sắp kết thúc đã làm căng thẳng đầu óc. Một điểm thất vọng là sự tương phản nổi bật với máng cỏ năm 2019 được khắc bằng gỗ rất cổ điển, các nghệ nhân đã làm việc hàng trăm giờ và đã được chào đón nhiệt tình.
Một công việc không thể thực hiện được trong năm nay vì cuộc khủng hoảng sức khỏe. Do đó, Vatican đã chọn một tác phẩm đã được điêu khắc vào những năm 1970. Một phong cách có lẽ hơi lệch cho 50 năm sau.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Máng cỏ của Vatican, Đức Phanxicô và nghệ thuật như dấu chỉ mục vụ