Chúng ta hãy dám tin

97

Chúng ta hãy dám tin

croire.la-croix.com, Gilles Donada, 2020-11-17

Các cuộc tấn công, cách ly, đại dịch… Trong lúc này niềm tin của chúng ta bị thử thách nặng. Triết gia Martin Steffens mời chúng ta tìm lại sự táo bạo dám tin dù như thế nào, trong quan hệ của chúng ta với người thân xa gần.

Phỏng vấn giáo sư triết Martin Steffens, giáo sư triết học, tác giả nhiều tác phẩm thiêng liêng và là người viết chuyên mục cho báo La Croix.

Giáo sư định nghĩa như thế nào về lòng tin?

Martin Steffens: Tin tưởng là cảm nhận mọi sự sẽ diễn ra như chúng ta hy vọng. Chúng ta có thể tin tưởng ở một người. Nhưng trên tất cả, tin tưởng là một hành động. Chúng ta không chỉ nói “có tin tưởng” mà chúng ta còn nói “tôi tin tưởng”. Chẳng hạn, tôi tin ở con trai tôi, cho đến ngày nó từ trường về như giờ quy định với mùi thuốc lá nồng nặc… Lòng tin của tôi bị tổn thương, thậm chí bị tan vỡ… Tuy nhiên, tôi có thể quyết định nói với con: “Cha không thể đi theo con suốt đời. Cha tin con. con hãy mạnh lên và đừng đi con đường này…” Khi tôi trao niềm tin, tôi để người kia có trách nhiệm với chính họ. Và tôi trở nên trách nhiệm với trách nhiệm của họ.

Ý giáo sư muốn nói là gì?

Chúng ta lấy một ví dụ khác. Tôi có người thân nghiện rượu, sau bốn ngày kiêng không một giọt rượu, anh nói với tôi: “Tôi sẽ không bao giờ uống rượu nữa”. Tôi tin tưởng anh và quay về với công việc của tôi mà không hỏi thăm tin tức bạn, như thế tôi  đẩy bạn tôi vào bẫy. Tôi để bạn tôi một mình đối diện với lòng tin tôi đã đặt vào anh. Vì tôi là người tạo ra sự tin tưởng này nên tôi phải có trách nhiệm. Sự tin tưởng bao gồm việc theo dõi. Chúng ta không thể bỏ rơi người kia với tự do mà chúng ta cho họ.

Niềm tin được xây dựng theo thời gian…

Đúng, đó là một quan hệ. Vì vậy chúng ta phải chấp nhận “mất thì giờ”. Chúng ta không bao giờ là người đáng tin cậy ngay lập tức, chúng ta cần thời gian để trở nên. Chúng ta có thể bị cám dỗ để tận dụng tự do có được để làm bất cứ điều gì thoáng qua trong đầu… Cách này cách kia, chúng ta phải chấp nhận thất bại bằng cách dùng thì giờ cần thiết để dệt (lại) dệt lòng tin này. Cuối cùng, đó là cách tốt nhất để khôi phục lòng tin nhanh hơn!

Làm thế nào để vượt lên những thất bại và cảm giác bị phản bội?

Bằng cách tha thứ, nói cách khác bằng cách tin lại vào người kia. Chắc chắn điều này không làm được ngay lập tức, nhưng đây là một tiến trình đôi khi rất dài. Và đó là con đường tốt để biến đổi nơi chia cắt thành nơi gặp gỡ. Nhận niềm tin sau thất bại là khôi phục lại niềm tin. Cũng vậy với Chúa, Đấng đã tin tưởng ở chúng ta. Ngài không bao giờ tuyệt vọng vì chúng ta dù cho chúng ta có làm gì đi nữa. Đây là chuyện kỳ diệu đối với tôi. Nếu Ngài ban cho chúng ta tài năng (Ngài ban cho tất cả chúng ta), tôi có thể dựa vào lòng tin này của Chúa để sinh lợi cho cuộc sống của tôi.

Ngày nay với những cuộc tấn công, với cách ly, lòng tin của chúng ta đang bị lung lay…

Đúng, hy vọng của chúng ta bị tấn công. Nhưng nếu tương lai, như một phần mở rộng cho các dự án của chúng ta là bất định, thì tương lai vẫn còn rộng mở. Bởi vì tương lai chính là thứ đến với chúng ta khi chúng ta không lường trước được. Tin tưởng vào tương lai, đó là có lòng tin. Như linh mục tiến sĩ Maurice Bellet đã viết: “Cuộc sống sẽ là những gì Chúa ban tặng”. Có một cuộc chiến thiêng liêng ở đây.

Cuộc chiến thiêng liêng này là gì?

Đó là cuộc chiến chống lại nỗi kinh hoàng và nỗi sợ hãi có thể nhận chìm chúng ta. Tôi thấy điều này nơi các học sinh của tôi, các em bị xuống tinh thần. Các em sợ mang vi-rút về nhà. Giãn cách phải được tôn trọng và sự cô lập gia tăng. Tôi tin chúng ta phải đấu tranh để giữ các mối quan hệ của mình: chúng mong manh, chúng đòi hỏi vì chúng không còn được xem là điều hiển nhiên. Chúng ta phải tiếp tục gặp nhau, bằng xương bằng thịt, với những biện pháp phòng ngừa thông thường. Tầm nhìn xa sẽ không đủ vì lòng tin được xây dựng với thời gian, trong sự gần gũi nhau, trong sự vô dụng của thinh lặng chia sẻ với nhau, chứ không theo hẹn. Chúng ta không nên ngại vì các mối quan hệ bị giảm, nếu không chúng ta bị vàng vọt.

Lòng tin đi đôi với sự thận trọng?

Tất nhiên! Ngày nay từ này dính với với tôn trọng các rào cản. Tôi thấy sự thận trọng dưới một khía cạnh khác. Đối diện với sự thận trọng do sợ, tôi thích một sự thận trọng lành mạnh hơn là… thận trọng lo sợ. Nói cách khác tôi phải thận trọng một cách hợp lý để nó không ngăn tôi gặp người thân của tôi.

Giáo sư có thể nói rõ hơn?

Quá thận trọng thì sống thu mình, sợ hãi mọi thứ thì sa vào vệ sinh thái quá, như thế không còn là thận trọng nữa! Khi Chúa Giêsu nói ông Phêrô đi theo Ngài thì ông tin tưởng đi theo dù ngay khi đó ông không biết những gì sắp xảy đến… Ông có thể nói “không” và ông sẽ đi bên cạnh ơn gọi của mình. Lòng tin tưởng là phải dám: điều này có nghĩa là mình phải dám chấp nhận rủi ro làm một cái gì đó để kiểm chứng, liệu chúng ta có đúng hay không để lao vào.

Giáo sư thấy bây giờ có các rủi ro nào?

Mất niềm tin vào tương lai. Không có gì được viết trước và Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta trong thử thách. Xã hội chúng ta đang chìm vào tình trạng mất lòng tin ở Nhà nước (sau khi bắt đầu có các quyết định của chính phủ) và với khoa học (các bác sĩ và chuyên gia nhận ra họ không biết từ đâu mọi thứ này đã dẫn chúng ta đi). Hai thần tượng hiện đại, nhà nước và khoa học, đang sụp đổ. Bây giờ là lúc trả lại vị trí xứng đáng cho chúng. Chỉ duy nhà nước và khoa học không đủ để mang lại cho chúng ta hạnh phúc như mối quan hệ và sự bình an mà Chúa hứa ban cho chúng ta. Ngày nay chúng ta ít tin tưởng và ít xác quyết hơn, nhưng chúng ta thấy rõ hơn sợi dây tinh tế này, về tình yêu và cầu nguyện mà chúng ta nắm giữ.

Marta An Nguyễn dịch