Các tân hồng y của Đức Phanxicô sẽ giúp ngài chọn người kế vị. Họ là ai?

454

Các tân hồng y của Đức Phanxicô sẽ giúp ngài chọn người kế vị. Họ là ai?

americamagazine.org, Gerard O’Connell, 2020-10-28

Khi Đức Phanxicô mở công nghị phong tân hồng y ngày 28 tháng 11, ngài sẽ làm nhiều hơn một chút, rất có khả năng người kế nhiệm sẽ không gạt đi di sản của ngài. Hy vọng người kế vị của mình sẽ tiếp tục con đường Giáo hội truyền giáo hội nhập và đến với giáo dân qua nền văn hóa gặp gỡ, một nền văn hóa xây dựng cây cầu, chứ không xây tường – một Giáo hội trong tinh thần đồng nghị, ít giáo sĩ hơn, trong đó giáo dân, đặc biệt là phụ nữ có vai trò lớn hơn trong việc đưa ra quyết định.

Qua bảy công nghị, Đức Phanxicô đã thay đổi thành phần của mật nghị sẽ chọn người kế vị mình. Trước hết, ngài đã tiếp tục quá trình do Đức Piô XII (1939-58) đề ra để làm cho Hồng y đoàn có tính cách Giáo hội hoàn vũ. Do đó, ngày 28 tháng 11, Hồng y đoàn sẽ có 223 thành viên của 90 quốc gia (nếu không có ai qua đời trong thời gian chờ đợi).

Ngày 21 tháng 11 năm 1970, Đức Phaolô VI ra sắc lệnh, chỉ các hồng y dưới 80 tuổi mới có quyền bỏ phiếu trong mật nghị. Vì thế Đức Phanxicô đặc biệt chú ý đến việc lựa chọn của các hồng y cử tri, ý thức một trong số các hồng y này gần như chắc chắn sẽ là giáo hoàng tiếp theo. Sau công nghị tháng 11, Hồng y đoàn sẽ có tổng cộng 128 cử tri đến từ 68 quốc gia khác nhau và từ tất cả các châu lục – 73 trong số này do Đức Phanxicô phong, 39 do Đức Bênêđictô XVI và 16 do Đức Gioan-Phaolô II.

Tính ưu việt của Giáo hội ngoại vi là chủ đề chính trong việc lựa chọn các hồng y.  Qua các hồng y địa phương để đến với các cộng đồng ở các quốc gia nghèo đói, xung đột và căng thẳng chính trị, hoặc trước đó chưa từng có hồng y như trường hợp của các nước Myanmar, Tonga, Haiti và Burkina Faso.

Tính ưu tiên của Giáo hội ngoại vi là chủ đề chính trong việc lựa chọn các hồng y của Đức Phanxicô. Qua các hồng y địa phương để đến với các cộng đồng ở các quốc gia nghèo đói, xung đột và căng thẳng chính trị.

Chẳng hạn như lần này, Đức Phanxicô đã chọn một giám mục ở Rwanda, người sẽ thành hồng y đầu tiên của quốc gia châu Phi này. Tổng Giám mục Antoine Kambanda, 62 tuổi, giáo phận Kigali, đã mất cha mẹ và năm trong số sáu anh chị em của mình trong cuộc diệt chủng khủng khiếp người Tutsis ở Rwanda năm 1994. Là giám mục, ngài đã hết sức làm việc để quê hương mình được hòa giải.

Đức Phanxicô cũng phong hồng y cho Tổng giám mục dòng Phan Sinh của giáo phận Santiago, Chilê: Đức cha Celestino Aós Braco, 75 tuổi, người Tây Ban Nha. Ngài đã khiêm tốn làm việc và với một quyết tâm giúp Giáo hội Chilê phục hồi sau vụ bê bối lạm dụng tình dục. Đức Phanxicô cũng làm cho người dân Phi Luật Tân ngạc nhiên khi phong hồng y cho Tổng giám mục José F. Advincula, 68 tuổi, giáo phận Capiz, một vùng nông thôn miền trung Phi Luật Tân, giáo phận này chưa từng có hồng y.

Đức Phanxicô còn tạo bất ngờ khác khi ngài đề cử Hồng y Cornelius Sim, 69 tuổi, đến từ Brunei, hồng y đầu tiên của quốc gia hồi giáo giàu có nhỏ với khoảng 500.000 cư dân không có quan hệ ngoại giao với Tòa thánh. Giám mục Sim là đại diện tông tòa của cộng đồng Công giáo nhỏ bé của đất nước với khoảng 20.000 tín hữu, chủ yếu là người Phi Luật Tân làm việc trong ngành công nghiệp dầu mỏ.

Ngoài ra cũng cần lưu ý, Đức Phanxicô dùng khái niệm “ngoại vi” để chỉ các vùng ngoại vi trong một quốc gia nhất định, nơi các quyền của một số thành phần người dân không được tôn trọng đầy đủ hoặc bị chà đạp. Sự lựa chọn của ngài với Tổng Giám mục Wilton Gregory, 73 tuổi, giáo phận Washington và là hồng y da đen đầu tiên ở Hoa Kỳ, có thể được nhìn theo đường hướng này, như một lời khẳng định mạnh mẽ cho người Mỹ da đen.

Điều này cho thấy Đức Phanxicô đã vô cùng xúc động trước lời chứng anh hùng của Mục sư Martin Luther King Jr. và sự lãnh đạo của mục sư trong phong trào dân quyền ở Hoa Kỳ; nhất là ngài đã nhắc đến Mục sư King trong bài phát biểu của ngài trước Quốc hội Mỹ tháng 9 năm 2015. Hơn nữa, ngài cho rằng Giáo hội phải đi tiên phong trong việc chống phân biệt chủng tộc dưới các hình thức khác nhau, như ngài đã nói trong thông điệp của mình sau cái chết của ông George Floyd.

Sự lựa chọn của ngài với Tổng Giám mục Wilton Gregory, 73 tuổi, giáo phận Washington và là hồng y da đen đầu tiên ở Hoa Kỳ như một lời khẳng định mạnh mẽ cho người Mỹ da đen.

Trong suốt bảy công nghị của mình, Đức Phanxicô đã tìm cách giảm thiểu số lượng người châu Âu trong mật nghị, vì trong thập kỷ gần đây, số lượng người công giáo ở lục địa xưa cổ này đã giảm rất nhiều. Người châu Âu vẫn là khối cử tri chiếm đa số trong ba mật nghị cuối cùng, nhưng điều này sẽ không xảy ra ở lần mật nghị tiếp theo. Họ chỉ có 60  cử tri trong số 115  cử tri trong mật nghị năm 2013, nhưng sau công nghị tháng 11, tổng số của họ sẽ chỉ còn 52 trong số 128 cử tri.

Trong triều giáo hoàng của mình, Đức Phanxicô cũng đã giảm số lượng hồng y cử tri người Ý; họ luôn là nhóm lớn nhất trong tất cả các công nghị của thế kỷ 20 và 21 và vẫn là nhóm quan trọng nhất sau công nghị lần thứ bảy, dù khối của họ đã giảm xuống. Trong mật nghị bầu Đức Phanxicô năm 2013 có 28 người Ý, nhưng vào ngày 28 tháng 11 – 2020 sẽ chỉ còn  22 người.

Giáo hoàng đã giảm các hồng y cử tri người Ý theo hai cách. Đầu tiên, bằng cách phá vỡ truyền thống, những nhân vật được chỉ định ở một vài chức vụ ở Ý (và ở các nước khác) tự động sẽ được phong hồng y sau đó. Truyền thống này được củng cố ở Ý sau Hiệp ước Lateran được ký kết năm 1929 (Hiệp ước này khôi phục lại quyền tự do hoàn toàn cho Tòa thánh trong việc đề cử các giám mục ở Ý) và do đó, ngoài vị đại diện giáo hoàng ở giáo phận Rôma còn có 8 giám mục các giáo phận khác của Ý cũng đương nhiên sẽ nhận chiếc mũ đỏ hồng y: Turin, Milan, Venice, Genoa, Bologna, Florence, Naples và Palermo.

Nhưng Đức Phanxicô đã bỏ qua các giáo phận truyền thống này như Venice và Turin, thay vào đó ngài phong các hồng y ở các giáo phận Agrigento, Perugia, Rôma  (đại diện của giáo hoàng cho giáo phận), Aquila, Bologna và Siena (nơi lần cuối có hồng y vào năm 1823).

Đồng thời, ngài cũng làm mọi người ở Rôma ngạc nhiên khi phong sáu giám mục Ý lên làm hồng y vào tháng 11 sắp tới. Ba người đã ngoài 80; ba người còn lại sẽ là cử tri: Giám mục Marcello Semeraro, 73 tuổi, cựu thư ký Hội đồng Hồng y vừa được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Phong thánh; Giám mục Augusto Paolo Lojudice, 56 tuổi, tổng giám mục Siena và là cựu giám mục phụ tá của Rôma, người được biết đến trong công việc giúp người nghèo và người bị ruồng bỏ; và Giám mục Mauro Gambetti, 55 tuổi, tu sĩ Dòng Phanxicô và là quản nhiệm Đan viện Thánh Tâm Assisi.

Trong suốt triều giáo hoàng của mình, Đức Phanxicô đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của tính đồng nghị trong giáo hội và vai trò của Thượng Hội đồng Giám mục.

Qua năm tháng, Đức Phanxicô đã gia tăng các hồng y cử tri từ Châu Phi, Châu Á, Châu Mỹ Latinh và Châu Đại Dương. Sau công nghị tháng 11, Châu Phi sẽ có 18 cử tri, Châu Á có 15 và Châu Mỹ Latinh có 24,  bao gồm Mexico và Trung Mỹ. Châu Đại Dương, bao gồm Úc, New Zealand, Papua New Guinea và Tonga sẽ có 4 cử tri.

Đức Phanxicô cũng đã tìm cách giảm số lượng hồng y của giáo triều Rôma trong lần mật nghị tiếp theo. Tại mật nghị năm 2013, các hồng y này là 39 trong số 115 cử tri; sau công nghị tháng 11, họ chỉ còn 29 trên 128.

Trong suốt triều giáo hoàng của mình, Đức Phanxicô đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của tính đồng nghị trong giáo hội và vai trò của Thượng Hội đồng Giám mục. Ngài đã chọn chủ đề cho Thượng hội đồng Giám mục tiếp theo, dự kiến tổ chức vào tháng 10 năm 2022 – “Cho một Giáo hội Thượng hội đồng: Hiệp thông, Tham gia và Sứ mệnh.” Việc ngài đặt hồng y cử tri Mario Grech, người gốc Malta làm Tổng thư ký Thượng hội đồng, đứng đầu danh sách các hồng y của ngài là một việc làm đáng kể.

Cũng cần ghi nhận, số lượng các thành viên trong các dòng thánh hiến hay các hội đoàn của đời sống tông đồ, những người là hồng y cử tri đã tăng trong triều giáo hoàng Đức Phanxicô. Tổng cộng 18 người tham gia mật nghị năm 2013, nhưng sau công nghị tháng 11, sẽ có 29 người trong số 128 cử tri.

Các thay đổi của Đức Phanxicô về số cử tri được nhìn thấy rõ ràng nhất khi chúng ta so sánh số lượng và sự phân bố địa lý của các cử tri trong lần mật nghị năm 2013 với số lượng sẽ chiếm ưu thế sau công nghị tháng 11.

Khi đưa ra các chọn lựa của mình, ngài tìm những người cầu nguyện và khiêm tốn, dấn thân sâu đậm với Chúa Giêsu, ngài không tìm những người đi tìm sự nghiệp hoặc những người có phong thái ông hoàng.

Tổng cộng có 115 cử tri từ 48 quốc gia đã tham gia mật nghị năm 2013 bầu tu sĩ Dòng Tên Châu Mỹ La Tinh đầu tiên làm giáo hoàng, 60 người là người châu Âu, trong số này có 28 người Ý; 19 là người Châu Mỹ La Tinh, gồm Mexico và Trung Mỹ; 14 là Bắc Mỹ, gồm 11 từ Hoa Kỳ và 3 người từ Canada; 11 người châu Phi; 10 người châu Á; và một cử tri đến từ Châu Đại Dương.

Để so sánh, nếu mật nghị được tổ chức ngay sau công nghị tháng 11, số cử tri sẽ là 128. Trong số này 52 cử tri là người châu Âu, gồm 22 người Ý; 18 sẽ là người châu Phi; 15 sẽ là người châu Á; 24 sẽ là Châu Mỹ La Tinh; 13 người là người Bắc Mỹ, 9 người đến từ Hoa Kỳ và 4 người từ Canada; và bốn sẽ đến từ Châu Đại Dương.

Dĩ nhiên các con số này có thể thay đổi theo thời gian khi các cử tri bước sang tuổi 80 hoặc qua đời. Số người này còn thay đổi nhiều, nếu Đức Phanxicô người đang có sức khỏe tốt tiếp tục có thêm các công nghị khác, có thể cuối năm 2021 và năm 2022. Hoàn toàn có khả năng ngài chưa tạo ra hồng y nào sẽ là giáo hoàng tiếp theo.

Dù các con số là đáng kể, nhưng theo tôi, yếu tố quan trọng nhất là chân dung những người Đức Phanxicô chọn để trao chiếc mũ đỏ. Khi đưa ra các chọn lựa của mình, ngài tìm những người cầu nguyện và khiêm tốn, dấn thân sâu đậm với Chúa Giêsu, ngài không tìm những người đi tìm sự nghiệp hoặc những người có phong thái ông hoàng.

Ngài đã chọn những người có tinh thần truyền giáo, những người đưa bàn tay ra với mọi người và lắng nghe họ, những người “có mùi chiên”, những người nhân từ, không phán xét. Ngài đi tìm những người dấn thân với văn hóa gặp gỡ, không phải những người đối đầu.

Ngài lựa chọn những người có lối sống giản dị, có tình yêu thương với người nghèo, những người chăm sóc người di cư, người bị ruồng bỏ và bị bóc lột, và những người can đảm có quan điểm ngôn sứ đứng ra bảo vệ họ khi cần. Ngài đã chọn những người tràn đầy hy vọng, không phải các nhà tiên tri của sự diệt vong.

Khi lựa chọn các hồng y cử tri có chân dung như vậy, Đức Phanxicô đang hướng đến tương lai.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch