Linh mục Adrien Candiard: “Sự cuồng tín là dấu hiệu Chúa vắng mặt”

233

Linh mục Adrien Candiard: “Sự cuồng tín là dấu hiệu Chúa vắng mặt”

fr.aleteia.org, Domitille Farret d’Astiès, 2020-10-03

Linh mục Adrien Candiard, Dòng Đa Minh,  thành viên của Viện Nghiên cứu Đông phương tại Cairo, cha nỗ lực làm việc trong việc đối thoại với phương Đông. Cha là tác giả của một số sách trong đó có quyển “Cuồng tín: khi tôn giáo bị bệnh”, được xuất bản vào tháng 10 năm 2020.

Đâu là các cơ chế đằng sau các loại cuồng tín khác nhau trong tôn giáo? Linh mục Adrien Candiard đưa ra suy tư của cha về vấn đề này trong quyển sách mới nhất của ngài “Cuồng tín: khi tôn giáo bị bệnh (Du fanaticisme: quand la religion est malade) xuất bản vào ngày 1 tháng 10 năm 2020.

Aleteia: Sự cuồng tín là kết quả của điều gì?

Linh mục Adrien Candiard: Khi tôi bắt đầu làm việc về chủ đề này, cũng như mọi người, tôi nghĩ cuồng tín bắt nguồn từ một hình thức mộ đạo quá đáng. Nhưng bây giờ theo tôi, trái lại cuồng tín là dấu hiệu của sự vắng mặt của Chúa. Điều này có thể gây ngạc nhiên! Vì người cuồng tín tôn giáo là người nói về Chúa bất cứ đâu, trên thực tế họ thay thế Chúa bàng một đối tượng dễ tiếp cận hơn, mà họ có thể sở hữu, nhưng Chúa thì luôn cao lớn hơn mọi kiểm soát và lèo lái của chúng ta. Những gì có thể thay thế Chúa thường là các đối tượng gần gũi với Chúa: các điều răn của Ngài, sự mặc khải của Ngài, phụng vụ, v.v. Tất cả các đối tượng này tự chính nó là tốt miễn là chúng ở đúng vị trí: là con đường dẫn đến Chúa. Khi chúng ta xem các đối tượng này là cùng đích, xử lý chúng như những điều tuyệt đối, mà chỉ có Chúa là tuyệt đối thì chúng ta rơi vào tình trạng thờ ngẫu tượng.

Sự cuồng tín đương đại so với cuồng tín của các thế kỷ trước, chúng khác nhau như thế nào?

Nếu cuồng tín trước hết là cám dỗ có trong tâm hồn con người, thì nó có một sự trường tồn nhất định qua nhiều thế kỷ. Thời buổi thay đổi các phương tiện truyền bá và các phương thức hành động, điều này không phải là không có gì, nhưng về cơ bản thì không có gì thay đổi kể từ khi người Do Thái trong sa mạc lo lắng không thấy ông Môsê xuống núi Sinai, họ đã làm con bò vàng để thờ thay vì thờ Đức Chúa vô hình xa lạ đã đưa họ ra khỏi đất Ai Cập.

Nghịch lý thay, sự cuồng tín lại cho chúng ta biết một điều thiết yếu: trong trái tim con người có một chỗ đặc biệt dành cho Chúa.

Làm thế nào để phân biệt các loại cuồng tín? Một tín hữu kitô cuồng tín có khác người cuồng tín theo đạo Hồi không?

Các người cuồng tín đều có điểm chung: tất cả đều khẳng định Chúa không thể biết được nơi chính Ngài, và họ thay thế Ngài bằng một thứ khác. Nhưng họ sẽ được phân biệt qua đối tượng thờ ngẫu tượng của họ. Điều này đưa đến các hình thức cuồng tín rất khác nhau: người thì biến các câu Kinh thánh thành một tuyệt đối dứt khoát, đến mức họ từ chối việc giảng dạy thuyết tiến hóa trong trường học, rõ ràng là rất khác với một người taliban đang chuẩn bị tấn công-tự sát!

Dù vậy, làm thế nào mà sự cuồng tín vẫn có thể cho chúng ta biết điều gì đó về Chúa?

Nghịch lý thay, sự cuồng tín lại cho chúng ta biết một điều thiết yếu: trong trái tim con người có một chỗ đặc biệt dành cho Chúa. Khi chỗ này bị thứ khác chiếm đóng, dù đó có thể là tôn giáo (Kinh thánh, “đạo Công giáo chân chính”, sự bắt chước của Nhà tiên tri…) hoặc thế tục (chủng tộc, giai cấp, tiến bộ, lịch sử, quốc gia…) thì khi đó nó biến thành thảm họa.

Đâu là các nguy cơ của sự cuồng tín?

Ngoài các nguy cơ hiển nhiên, khi sự cuồng tín sinh ra bạo lực thể xác (không phải lúc nào cũng vậy!), tôi muốn nhấn mạnh, sự cuồng tín là nhà tù đối với những người sống với nó. Các thần tượng không bao giờ giải phóng chúng ta. Các thần tượng tạo ra nỗi ám ảnh, ngại ngùng, sợ hãi. Không có gì đáng ngạc nhiên về điều này: chúng có giới hạn và chúng ta lại muốn xem chúng là điều tuyệt đối.

Có một hình thức cuồng tín nào đó trong đáy lòng mỗi người không? Làm thế nào để chống lại nó?

Sự cám dỗ về ngẫu tượng đưa đến sự cuồng tín và liên quan đến tất cả chúng ta. Không phải là không có lý khi điều răn đầu tiên trong Mười Điều Răn cảnh báo chúng ta về điều này! Đời sống thiêng liêng không gì khác hơn là kiên nhẫn hủy bỏ các ngẫu tượng  bên trong của chúng ta, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần: đó là cầu nguyện, để Chúa là Thiên Chúa trong chúng ta, từ đó dần dần giải trừ các cám dỗ của sự cuồng tín. .

Sách: Cuồng tín: khi tôn giáo bị bệnh, (Du fanatisme : quand la religion est, Linh mục  Adrien Candiard, nhà xuất bản Cerf, tháng 10 năm 2020).

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch