Vụ Becciu: Bài tập lòng tin của Giáo hoàng

538

Vụ Becciu: Bài tập lòng tin của Giáo hoàng

lavie.fr, Aymeric Christensen, Giám đốc biên tập báo La Vie, 2020-09-29

Đức Phanxicô phong Hồng Y Angelo Becciu ngày 28 tháng 6 năm 2018 tại Đền thờ thánh Phêrô, Vatican. Vandeville Eric / ABACA

Sự thất sủng của một hồng y. Bằng cách đẩy Hồng y người Ý Angelo Becciu, bộ trưởng Bộ Phong thánh, một trong các cộng sự thân tín của ngài từ chức, Đức Phanxicô đã có hành vi mang ý nghĩa biểu tượng chưa từng có, nhưng cũng tạo làn sóng thực sự gây sốc ở Rôma.

Trước hết là bối cảnh. Tin tức được biết qua bản thông báo buổi tối, Hồng y bị sa thải bất ngờ trong cuộc họp làm việc với Đức Phanxicô. Một sự vội vàng gay go không liên quan đến việc ngày hôm sau báo chí Ý công bố về cuộc điều tra chống lại Hồng y, cũng không liên quan đến chuyến thăm sắp tới của các thanh tra Hội đồng Châu Âu để xác minh tính minh bạch tài chính của Vatican. Tất cả các yếu tố hội tụ vào vụ bê bối tài chính được liên kết, trong số các vụ biển thủ khác có vụ biển thủ Quỹ Thánh Phêrô. Hồng y Becciu bị nghi ngờ đã ưu đãi các anh em mình với Quỹ được cho là “quỹ của người nghèo”.

Đức Phanxicô công kích ý tưởng của một số người trong Giáo hội phục vụ mình trước khi phục vụ người khác. Thể chế không còn có thể chịu đựng là đối tượng của các nghi ngờ.

Với sự trừng phạt thẳng thắn này, Đức Phanxicô đã gởi một thông điệp rõ ràng đến toàn thể Giáo triều: từ nay, mọi việc sẽ không còn giải quyết bưng bít, chức vụ có thể bay bất cứ lúc nào. Sau nhiều năm bê bối – tội phạm tài chính hoặc tội phạm ấu dâm – đã làm uy tín của Giáo hội bị tổn hại nghiêm trọng, Đức Phanxicô đang nắm lại quyền kiểm soát và xem trách nhiệm và tính không thể chê trách của các giám chức là ưu tiên hàng đầu. Để đặt lại niềm tin ở trọng tâm, theo cách cũ của ngài, ngài đã dứt khoát phân biệt giữa bất hợp pháp và vô đạo đức: dù sao thực chất tội của Hồng y của Angelo Becciu, dù pháp lý có xác định hay không, thì Đức Phanxicô giải quyết vấn đề theo ý tưởng, có một số người trong Giáo hội phục vụ mình trước khi phục vụ người khác. Thể chế không còn có thể chịu đựng là đối tượng của các nghi ngờ.

Về điều này, Đức Phanxicô đã tạo ra một sự khó chịu ở Rôma và ngài phải chấp nhận một rủi ro nghiêm trọng. Khó chịu không phải về ý định của ngài nhưng về cách làm của ngài. Sự phủ phàng của hình phạt – Hồng y Angelo Becciu bị tước hết các quyền hồng y – mà không xét xử hoặc được biện minh ông khai – đã dấy lên các chỉ trích về việc phải tôn trọng giả định vô tội và về khả năng để cho bị cáo bào chữa. Tuy nhiên, cho đến bây giờ, Hồng y không khéo léo khi bào chữa cho sự đứng đắn của mình, cho mình “bị đối xử như kẻ ấu dâm xấu xa nhất”… Gia đình của Hồng y đã tuyên bố họ đang nạp đơn khiếu nại về tội vu khống. Sự kiện này cũng làm sáng tỏ một yếu tố ít được công chúng biết, nhưng là chủ đề của nhiều cuộc tranh luận trong nội bộ Vatican: sự cai trị thường độc đoán của một giáo hoàng quen truyền đạt hình ảnh về tính đồng nghị. Cuối cùng rủi ro là khi để cho thế giới thấy sự việc trước khi có xét xử, Đức Phanxicô đã chuyển vụ án ra bên ngoài các bức tường Vatican, phơi bày không những như bộ phim tập truyền thông mà còn có khả năng gây phản tác dụng, nếu chẳng hạn, có vẻ như đằng sau những chuyện này che giấu một vụ thanh toán nội bộ.

Nhưng không vì thế mà ngăn người kế vị Thánh Phêrô có toàn quyền tự do quyết định chia sẻ với người mà ngài mong được chia sẻ về trách nhiệm nặng nề của ngài, chia sẻ trong tin tưởng. Nỗ lực của ngài để chấm dứt mọi tham nhũng cũng phải được ủng hộ và khen ngợi. Ngài nhắc lại, sứ mệnh thiêng liêng là và phải luôn là trọng tâm các mối quan tâm của Rôma, và Giáo hội là “chuyên gia về tình nhân loại”, chỉ có thể được hiểu và chấp nhận nếu trước hết Giáo hội được mọi người công nhận là chuyên gia về lòng khiêm tốn. Nếu Tin Mừng không hứa khoác áo choàng danh dự, nhưng thay vào đó là khoác tạp dề phục vụ trong danh dự, thì gương mẫu, trong lãnh vực làm chứng là một đức tính… chủ yếu của một hồng y.

Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Dưới triều Đức Phanxicô, cuối cùng “trách nhiệm giải trình” đã băng qua sông Tiber