Các linh mục vẫn còn quá cô lập khi đối diện với sự suy sụp tinh thần

351

Các linh mục vẫn còn quá cô lập khi đối diện với sự suy sụp tinh thần

la-croix.com, Melinée Le Prio, 2020-09-06

Gần đây ở Pháp có vụ hai linh mục tự tử. Báo La Croix đã tìm hiểu về tình trạng cô đơn mà các linh mục đã thu mình lại khi gặp khó khăn tâm lý.

Đối diện với tình trạng khó khăn của mình, một số linh mục quay về với đức tin để giải quyết vấn đề thay vì đi trị liệu.

“Chúng ta, những người lãnh đạo, chúng ta có nghe thấy nỗi khổ của họ không?” Đức Giám mục Marc Stenger, giáo phận Troyes công khai viết trên Twitter nói lên nghi ngờ của mình về hậu quả hai vụ tự tử của hai linh mục ở Pháp vào ngày 21 và 23 tháng 8, tại các giáo phận Langres và Metz.

Hai hoàn cảnh rất khác nhau, trường hợp đầu là của linh mục Jacques Amouzou, hai năm trước đây linh mục đã bị một phụ nữ mà cha hướng dẫn thiêng liêng tố cáo cha có hành vi không phù hợp. Linh mục thứ hai là cha Thierry Min, 50 tuổi, người năng động và tương giao với nhiều người, nhưng cha cảm thấy mình quá cô đơn. Đức Giám mục Stenger biết rõ cha Min, các linh mục đồng hữu cho biết vào tháng 7 họ có đi bộ với cha và không thấy cha có điều gì báo trước cho biết sẽ có một thảm kịch như vậy xảy ra.

Nếu nguyên do đưa đến tình trạng suy sụp tâm lý của một số linh mục là do tinh thần (làm việc quá sức, ở trong giai đoạn khô khan thiêng liêng, khoảng cách giữa ơn gọi lý tưởng hóa và cuộc sống hàng ngày bị coi là vô ơn, các khó khăn liên hệ gần với bậc sống độc thân, hình ảnh linh mục bị suy thoái bởi những vụ bê bối tình dục …) , thái độ của đa số các linh mục khi đối diện với các khó khăn này là họ chia sẻ với nhau: một im lặng nặng nề, và đôi khi là sự cô lập chết người.

Các chứng nhân bất lực

Linh mục Raymond, người bị kiệt sức năm 2015 ở vùng núi Lyonnais cho biết: “Tình trạng suy sụp gặm nhấm tôi, tôi sống thu mình lại. Tôi có mối quan hệ rất thân tình với giáo dân, nhiều giáo dân đơn giản gọi tôi là ‘Raymond’ như người nhà, nhưng tôi nhận thấy họ không phải là bạn thân. Tôi cảm thấy tôi lắng nghe họ nhiều hơn là họ lắng nghe tôi”. Một linh mục khác cũng có cảm nhận này, năm 2016 linh mục bị đau nặng, bây giờ cha nhận thấy, “cái bẫy đối với một linh mục là cho nhiều hơn nhận”.

Khó để biết điều này là do thái độ của giáo dân đối với địa vị của linh mục chung chung hay đây là do tính khí của từng người. Bà Marie, 72 tuổi, từ nhiều năm nay là nhân chứng cho tình trạng “bất lực” của cha xứ của bà: “Tôi cố giúp cha, nhưng cha là người có cá tính mạnh, cha không thích người khác can thiệp vào việc của mình. Tôi để ý thấy cha chìm trong công việc nhưng một cách bất bình thường, nhưng tôi không phải là người có thể giúp cha”. Bà Marie là cựu thư ký của giáo xứ. Sau này khi cha xứ đi nghỉ vài tháng, thỉnh thoảng bà Marie cho cộng đoàn một vài tin tức của cha, nhưng lúc nào cũng “mơ hồ”.

Tầm quan trọng của việc giữ “kín đáo” này như nằm trong thứ trật của Giáo hội Pháp, khó khăn để có được tin tức về các vấn đề tế nhị này. Linh mục René Pennetier, cố vấn cho hàng giáo sĩ của giáo phận Nantes giải thích: “Công khai đưa ra tình trạng suy sụp của các linh mục không phải là cách để giúp họ đứng dậy. Khi nói đến trầm cảm, để cẩn thận chúng tôi thường nói do mệt mỏi”.

“Xem các linh mục “trước hết là con người chứ không phải là linh mục”

Bà Marie-Françoise Bonicel, nhà tâm lý học đã tư vấn cho một số linh mục lấy làm tiếc: “Giữa các linh mục cũng vậy, đôi khi họ cũng khó chia sẻ với nhau. Bây giờ đa số các giáo phận đều khuyên họ nên gặp nhau trong các “nhóm đời sống” khi họ không sống tình anh em chung mái nhà trong đời sống hàng ngày, nhưng các cuộc thảo luận này chỉ chủ yếu nói đến các khó khăn liên quan đến chăm sóc mục vụ, chứ không nói đến đời sống cá nhân”. Bà nhận thấy ở họ ước ao tìm câu trả lời “trong đức tin hơn là trong trị liệu” dù bây giờ việc nhờ đến chuyên gia tâm lý dường như ngày càng được các thế hệ linh mục hoặc chủng sinh trẻ dễ chấp nhận hơn.

Tuy nhiên, cảnh giác là trách nhiệm của giám mục, nhưng không phải tất cả các linh mục đều có phản xạ quay về với bề trên của mình. Bà Blandine Girard, nhân viên giao tế xã hội của hàng giáo sĩ ở giáo phận Lyon cho biết: “Cũng như trong một công ty, điều này rất tế nhị.” 25 trên hàng trăm giáo phận ở Pháp có dịch vụ này.

Bà Blandine Girard là tín hữu nhưng không giữ đạo, bà ở bên ngoài thể chế giáo sĩ, bà nhấn mạnh đến sự cần thiết phải phân biệt đồng hành tâm linh, xã hội và tâm lý cho các linh mục đang gặp khó khăn. Bà giải thích: “Vì cá nhân tôi, tôi không tham gia vào đời sống Giáo hội, vì thế trước hết tôi xem họ như những con người, chứ không phải là linh mục”.

Thái độ này đã giúp cho linh mục Raymond ở vùng núi Lyon thoát ra khỏi sự cô lập của mình năm 2015, linh mục cho biết: “Bà Blandine đã nói với cấp trên của tôi, tôi cần phải nhập viện và bà đã làm các tiến trình cần thiết. Với bà, tôi không phải là một trường hợp cần giải quyết nhưng là một người cần được lắng nghe”.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Đức Giám mục Marc Stenger: “Sự tuyệt vọng của một linh mục là một điều gì đó đặc biệt đáng buồn”

Giáo hội Pháp xúc động sau vụ tự tử của hai linh mục