Khám phá đời sống nội tâm với các Giáo phụ sa mạc
rcf.fr, Véronique Alzieu, 2019-07-19
Nhà phân tâm học Jean Guilhem Xerri, chuyên gia về các Giáo phụ sa mạc thời thế kỷ thứ ba và thứ tư ở các sa mạc vùng Ai Cập
Theo bước chân của các Giáo phụ sa mạc, nhà phân tâm học Jean-Guilhem Xerri, “chuyên gia về đời sống nội tâm” của các tín hữu kitô trong những ngày đầu kitô giáo mời gọi chúng ta khám phá lại nội tâm của mình.
Giáo phụ Antôn (251-356): “Khi con cá ở ngoài nước quá lâu, chúng sẽ chết. Các tu sĩ cũng vậy, khi họ ở ngoài tịnh cốc quá lâu hay khi họ bỏ thì giờ la cà với người ngoài đời, họ sẽ mất đi sự bình yên trong sâu thẳm tâm hồn họ. Chúng ta hãy như con cá. Chúng nhanh chóng quay về biển. Chúng ta cũng nhanh chóng quay về tịnh cốc để không lơ là cảnh giác trong lòng.”
Dù chúng ta có là tu sĩ hay không, chúng ta cũng có tịnh cốc của mình: tịnh cốc nội tâm của chúng ta. Một nơi chúng ta thường coi thường. Vậy, quan trọng là chúng ta phải đến thăm nom nó!” “(Tái) sống lại từ nội tâm!” (Re)vivez de l’intérieur, nxb. Cerf), đó là tựa đề quyển sách mới nhất của nhà phân tâm học Jean-Guilhem Xerri. Quyển sách khuyến khích chúng ta chú ý đến nội tâm của mình theo bước chân Giáo phụ sa mạc, các chuyên gia về đời sống nội tâm trong những ngày đầu của kitô giáo.
“Một con đường chắc chắn”
Tác giả Jean-Guilhem Xerri cho chúng ta biết, con đường nội tâm mà truyền thống kitô giáo đề xuất là con đường thường bị lãng quên, nhưng lại là con đường chắc chắn. Một con đường an toàn vì các câu châm ngôn của các Giáo phụ (và cả Giáo mẫu) của sa mạc là thành quả kinh nghiệm của họ và họ đã đồng hành với nhiều người. Một “di sản được thành lập dựa trên kinh nghiệm” thực sự và đã nuôi dưỡng “một truyền thống thần nghiệm của đời sống nội tâm trong hàng thế kỷ và hàng thế kỷ.”
Các Giáo phụ sa mạc có còn thích ứng với thời buổi bây giờ không?
“Không có gì ngày nay khám phá mà lại mâu thuẫn với những gì đã được các Giáo phụ sa mạc xác nhận.” Nhà sinh học y học Jean-Guilhem Xerri nhận xét, các Giáo phụ sa mạc đã phát hiện ra sự tồn tại của các bệnh tâm sinh lý, các bệnh về cơ thể có ảnh hưởng trên tâm hệ và ngày nay chúng ta khám phá nhờ khoa học thần kinh.
Cơ thể, tâm hệ, tinh thần
Giữ ba chiều kích của bản thể chúng ta cùng với nhau – cơ thể, tâm hệ, tinh thần – là điều cần thiết khi chúng ta sống “trong chế độ văn hóa chỉ chú ý nhiều đến cuộc sống cơ thể và tâm hệ” Nhưng với các Giáo phụ sa mạc, đời sống chúng ta thực sự có ba chiều kích:
– Cơ thể giúp chúng ta tiếp xúc với thế giới bên ngoài qua các giác quan;
– Tâm hệ, nơi chốn của cảm xúc, nơi “tiếp nhận ba chức năng: tìm kiếm, tình yêu, đấu tranh” : “Tìm kiếm là tương quan đến khả năng thông minh lý tính, tình yêu liên quan đến ham muốn và đấu tranh liên quan đến nội lực”;
– Tinh thần là “tương quan với tâm hệ và với cái vô hạn.”
Tác giả Jean-Guilhem Xerri giải thích: “Đối với các Giáo phụ sa mạc, đời sống tinh thần có ba chức năng. Trước hết, đó là “nơi tự do tối thượng của chúng ta”, nơi chúng ta quyết định những gì chúng ta làm bằng trí tuệ, bằng sức lực, bằng khát vọng yêu và được yêu. Đời sống tinh thần còn có ý nghĩa: “Các giác quan thiêng liêng giúp chúng ta tiếp cận phần thực tại ngoài thực tế này”, một thực tại thuộc thứ trật thiêng liêng. Cuối cùng, tinh thần là “nơi của chính bản thể chúng ta, nơi chúng ta có thể tiếp xúc với cái vô hạn: cái mà truyền thống kitô giáo gọi là Thiên Chúa”
Marta An Nguyễn dịch
Bài đọc thêm: Jean-Guilhem Xerri: “Tâm hồn chúng ta không thay đổi. Nhưng có chuyện làm nó rối loạn, có!”
Các Giáo phụ sa mạc đáp ứng cho việc đi tìm ý nghĩa của ngày nay
“(Tái) sống lại từ nội tâm!” (Re)vivez de l’intérieur, Jean-Guilhem Xerri, nxb. Cerf)