Đức Phanxicô nhấn mạnh phẩm giá bất khả chuyển nhượng của mỗi người
cath.ch, Raphaël Zbinden, 2020-08-12
Trong buổi tiếp kiến chung ngày thứ tư 12 tháng 8, Đức Phanxicô nhắc lại: “Trái ngược với văn hóa theo chủ nghĩa cá nhân, người tín hữu kitô được mời gọi để nhận thức lại “phẩm giá bất khả chuyển nhượng” của con người, nền tảng của mọi đời sống xã hội. Trong buổi tiếp kiến chung hôm nay, Đức Phanxicô nói tiếp phần giáo lý được mở đầu trong buổi tiếp kiến chung tuần trước về hậu quả của đại dịch coronavirus và cách thức người tín hữu được kêu gọi để đối diện.
Ngài nói: “Đại dịch đã cho chúng ta thấy chúng ta dễ bị tổn thương và liên kết với nhau biết chừng nào. Nếu chúng ta không chăm sóc lẫn nhau, bắt đầu từ người thấp bé nhất, những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất, kể cả các tạo vật, thì chúng ta không thể chữa lành thế giới”.
Đức Phanxicô ghi nhận: “Nếu cuộc khủng hoảng sức khỏe này làm nổi bật các tấm gương tiêu biểu về tinh thần phục vụ tận tâm và quên mình, thì nó cũng đưa ra ánh sáng “các căn bệnh xã hội rộng lớn. Một cái nhìn méo mó về con người, một cái nhìn không để tâm đến nhân phẩm và tính cách quan hệ của nó. Chính cái nhìn mù quáng này đã nuôi dưỡng một nền văn hóa loại bỏ theo chủ nghĩa cá nhân và hung hăng, chỉ xem con người như một món hàng tiêu thụ”.
Đức Phanxicô nhắc lại, nhưng đức tin dạy chúng ta, Thiên Chúa dựng nên chúng ta theo hình ảnh của Ngài, ban cho chúng ta một nhân phẩm độc nhất, mời gọi chúng ta sống hiệp thông và hòa hợp với Ngài và với người anh em chúng ta, tôn trọng tạo vật (1 St 27).
Xem người anh em là một “ơn”
Vì thế người tín hữu đi theo Chúa Kitô phải quan tâm đến người anh em, không phải với cái nhìn cá nhân chủ nghĩa, nhưng với cái nhìn yêu thương và chăm sóc. “Chúng ta mong muốn nhận ra nơi mỗi người nhân phẩm của họ, bất kể chủng tộc, ngôn ngữ hay hoàn cảnh của họ”. Nhân phẩm bất khả nhượng này, vì được tạo dựng theo hình ảnh của Chúa, là “nền tảng của mọi đời sống xã hội và quyết định cho tất cả nguyên tắc hành động”.
Tham khảo hiện đại gần nhất với nguyên tắc này là Tuyên ngôn Nhân quyền “mà Thánh Gioan Phaolô II đã xác định đây là ‘hòn đá tảng thiên niên kỷ được đặt trên con đường dài và khó khăn của nhân loại’ (Diễn văn trước Đại hội đồng của Liên Hợp Quốc, ngày 2 tháng 10 năm 1979, n. 7)”, Đức Phanxicô nhấn mạnh, đây là nhận thức mới về phẩm giá của mỗi con người có tác động nghiêm trọng trên xã hội, kinh tế và chính trị.
Xem người anh em là một ơn được ban cho từ tình yêu của Chúa Cha, họ là anh em chứ không phải người xa lạ, đưa chúng ta đến “lòng trắc ẩn và sự cảm thông, chứ không đưa đến khinh miệt và thù hằn”.
Cuối cùng, Đức Phanxicô cầu nguyện xin Chúa cho “chúng ta thấy” để khám phá lại ý nghĩa của việc trở thành thành viên của gia đình nhân loại.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch