Adèle Van Reeth: “Triết lý là cùng lên một chiếc thuyền”
lepelerin.com, Catherine Escrive, 2020-07-
Cô Adèle Van Reeth, 38 tuổi, là nhà sản xuất chương trình Các con đường Triết lý trên đài phát thanh Văn hóa Pháp nói về đời sống bình thường. Cô kể hành trình cuộc tìm kiếm triết học Tay trong tay với độc giả để tìm sự thanh thản hàng ngày. Gặp gỡ với người phụ nữ khôn ngoan và đầy sức sống.
Trong thời gian cách ly, khán giả muốn khuây khỏa với đời sống tù túng, họ tìm lối thoát ở chương trình Các con đường Triết lý trên đài phát thanh Văn hóa Pháp. Ảnh © Damien Grenon.
Thế nào là đời sống bình thường?
Adèle Van Reeth: Đó là thực tế trong những gì sống thật và trần trụi nhất: thói quen, công việc gia đình. Chúng ta khám phá ra nhiều lớp phủ của giải trí, cuộc sống hàng ngày không bao giờ buông bỏ chúng ta. Dù bạn ở đâu, chiều kích cuộc sống này đưa chúng ta về thân phận con người hữu hạn và phải chết. Cho dù chúng ta cố gắng như thế nào để sống còn, để biến đổi bản thân, chúng ta luôn bị đưa về với cuộc sống bình thường. Điều này cấu thành chúng ta nhưng chúng ta lại khó khăn khi đối diện với nó.
Trong thời gian cách ly, chúng ta đã sống một khoảnh khắc phi thường. Nhưng không phải tất cả chúng ta đều được trở về đời sống bình thường đó sao?
Đúng, đó là nghịch lý và trớ trêu của tình trạng cách ly: chúng ta tất cả đều thấy mình trong bốn bức tường, bị thu hẹp vào cuộc sống gia đình. Câu nói của Pascal, “Tất cả bất hạnh của con người đều xuất phát từ một chuyện, đó là chúng ta không biết nghỉ ngơi trong một căn phòng”, câu này đã được trích dẫn rất nhiều trong lúc này. Nhưng điều này không có nghĩa là tất cả chúng ta đều học cách nghĩ về cuộc sống tĩnh lặng này. Con người chúng ta rất giỏi trong việc tránh nhìn thẳng vào sự việc!
Tuy nhiên, tìm được khôn ngoan trong đời sống bình thường có thể mang lại hạnh phúc. Đó có phải là đời sống của người kể chuyện trong quyển sách của cô không?
Cô ấy thực sự luôn quan tâm đến hạnh phúc và niềm vui ở cõi thế này. Và cô ấy đang tìm cách để thực hiện điều này qua các sách triết học. Đôi khi cô ấy rất hụt hẫng. Cuốn sách này là một bản văn chiến đấu. Đó là người phụ nữ muốn cảm thấy mình hạnh phúc bất cứ đâu mình ở. Nghe có vẻ trong trắng ngây thơ nhưng tôi nghĩ thực sự rất khó cho nhiều người trong chúng ta.
Ở phần đầu cuốn sách, người kể chuyện nghĩ rằng đam mê là phương thuốc duy nhất để chống sự bình thường…
Nhưng nhanh chóng cô nhận ra chuyện này không đơn giản. Bởi vì khi gặp giông bão, chúng ta có thể bám vào đời sống trong nhà và thói quen hàng ngày. Không có gì an tâm hơn khi sống nỗi đau mênh mông trong cuộc sống có trật tự. Đây là lý do vì sao có một số người không đi tìm cảm giác mạnh, nhưng tìm sự ổn định trong đời sống bình thường. Thậm chí có thể tìm niềm vui trong nhịp điệu lặp đi lặp lại, cùng một cử chỉ, cùng một công việc mỗi ngày. Thực chất đi tìm cảm giác mạnh là đã có được sự ổn định ban đầu. Muốn mọi thứ trở nên mãnh liệt gần như là một điều xa xỉ.
Hình © Damien Grenon
Liệu triết học giúp con người sống tốt hơn không?
Cũng có thể được, nhưng một “đời sống tốt hơn” có nghĩa là gì? Tôi luôn hoài nghi khi khẳng định triết học là một loại thuốc mà chỉ cần uống là lành các vấn đề của mình. Triết lý là một công việc lâu dài, thường tẻ nhạt, đôi khi đau đớn. Triết lý không phải là áp dụng một số công thức để phát triển cá nhân.
Như vậy phải là bậc thầy, nhà thông thái mới tìm được khôn ngoan?
Hoàn toàn không phải vậy! Học cách triết cũng giống như học ngoại ngữ. Nó khó khăn vì nó không phải là bẩm sinh. Cũng giống như học toán, học y, học vẽ. Miễn là triết học đến được với chúng ta, việc học sẽ là một nguồn vui. Tất cả mọi người, dù tiến trình của họ như thế nào họ cũng có thể học triết.
Để triết lý, có phải là từ bỏ một hình thức thụ động không?
Triết lý khi tôi thực hành nó, đúng. Tôi không bao giờ xem triết lý là chuyện tất nhiên. Thực hành triết học là nhận ra chúng ta luôn trên con đường trở thành. Hành động biến đổi này là biện minh tối hậu cho sự tồn tại. Tôi không nghĩ cuộc sống có bất kỳ một ý nghĩa nào được đưa ra trước. Nhưng nếu chúng ta có thể xây dựng một cái gì đó với những gì mình nhận ban đầu, thì khi đó triết lý thực sự mang trọn ý nghĩa của nó.
Chương trình Các con đường Triết lý của cô gieo từng hạt sỏi để mỗi người có thể lần theo suy nghĩ này phải không?
Vâng, hình ảnh có vẻ đúng với tôi. Nhưng khi các hạt sỏi này quá nhiều nó sẽ thành ngọn núi! Trong các chương trình của tôi, tôi đề nghị thiết lập một liên kết giữa các bài viết, tác phẩm, một mặt là các tác giả, mặt kia là khán giả. Tôi cũng nhắm đến những người nghĩ công việc này không phải là của họ. Như thử tôi thảy một sợi dây ra cho khán giả. Một khi khán giả nắm được thì sợi dây này làm cho chúng ta đứng vững, để cùng nhau mạnh mẽ.
Liệu triết học có phải là một người bạn đồng hành không?
Đây thực sự là mối quan hệ tôi có với các bản văn và các tác giả triết học. Nó không phải là người giúp đỡ, cũng không phải là người đỡ đầu. Nó chính là bạn đồng hành. Ngay cả đôi khi tôi hành hạ nó, không phải lúc nào tôi cũng đồng ý với họ, nhưng tôi cảm thấy mình ít đơn độc khi biết có họ ở đó. Và tôi có thể hỏi ý kiến họ bất cứ khi nào tôi muốn hoặc tôi cần.
Cô có ngang hàng với họ không?
Có, tôi duy trì một mối quan hệ rất ngang hàng với các tác giả và thính giả. Tôi đặt các câu hỏi mà tôi nghĩ các câu hỏi này sẽ hình thành trong đầu mỗi người. Trong triết học, chúng ta ở trong cùng một chiếc thuyền. Đây cũng là bước đi của tôi trong cuốn sách này. Khi thực hiện cuộc điều tra về đời sống bình thường của người kể chuyện, tôi nghĩ đến các câu hỏi mà tất cả chúng ta đều đặt.
Trong thời gian cách ly, cô tiếp tục viết các chương trình ở nhà. Đâu là vai trò của đài phát thanh trong giai đoạn này?
Một vai trò quyết định. Mối dây ràng buộc giữa người sản xuất và thính giả vô cùng mạnh mẽ. Cách giọng nói đi đời sống mật thiết của chúng ta là cách duy nhất. Bạn có thể nghe thấy nhiều điều trong giọng nói, cả những gì người ta không muốn nói! Trong thời gian cách ly, sự quan tâm và sức mạnh của đài phát thanh đã được nhân lên vì phương tiện truyền thông quý giá này là mối liên kết với thế giới bên ngoài. Chúng tôi đã làm việc trên các chủ đề thích hợp với hoàn cảnh. Mọi người đều muốn đào sâu để thoát tình trạng tù túng.
Chỉ riêng trong tháng 4 năm 2020, các chương trình phát sóng của cô đã có 3,18 triệu lần nghe, những con số không thể có được trên đài Văn hóa Pháp. Cô đánh giá thành công này như thế nào?
Điều này cho thấy chúng ta có thể nói về triết học mà không cần ở trong bản thân. Đây luôn là tiến trình của tôi. Tôi chú ý để tạo một sự gần gũi thực sự với thính giả của tôi. Cũng gần gũi như khi tôi nói ở ngôi thứ nhất trong quyển sách gần đây của tôi. Nói “tôi” là thể hiện một khuynh hướng triết học thực sự. Cách tốt nhất để chạm vào sự thân mật với thính giả là vào thế giới của họ.
Đằng sau hậu trường
Adèle Van Reeth – Triết gia, nhà sản xuất chương trình trên đài phát thanh, và bà Catherine Escrive, người viết chuyên mục. Hình © Damien Grenon
Bây giờ là 10h30 sáng thứ ba tháng sáu và chúng tôi có cuộc hẹn tại Sélect, quán cà phê nổi tiếng trên đại lộ Montparnasse, nơi các biên tập viên, nghệ sĩ và các nhà trí thức gặp nhau. Cô Adèle Van Reeth đi xe đạp đến, ấm áp tươi cười. Thanh thản, cô gọi chai nước khoáng và sẵn sàng trả lời các câu hỏi của tôi. Một giờ phỏng vấn trôi qua nhanh chóng, cuộc nói chuyện với cô thật hấp dẫn. Nhiều khách hàng tiệm cà-phê nhận ra cô, họ nói: “Cảm ơn chương trình phát sóng của cô!” Cô trả lời họ với nụ cười thấm đậm đơn giản.
Marta An Nguyễn dịch
Bài đọc thêm: Tìm hiểu chính mình, chữa lành nội tâm… có nên dè chừng với sự phát triển cá nhân không?