Tại sao Chúa Kitô chọn ngư dân?
Ảnh của Jed Owen trên Bapt
americamagazine.org, Rachel Lu, 2020-07-17
Ký ức vẫn còn sống động cho đến ngày nay. Tôi khom người dưới nước, hít vào không khí mùa hè ẩm ướt. Tay phải tôi cầm con dao nhọn hoắt. Tay trái tôi nắm chặt nạn nhân đang vùng vẫy. Đằng sau năm cặp mắt nhìn chằm vào tôi. Tôi tự hỏi, làm thế nào làm cho được đây? Vậy mà mới đầu mọi sự có vẻ như dễ chịu và vô hại. Bỗng nhiên, tôi thấy một tay tôi nắm sự sống, tay kia là cái chết.
Quý vị độc giả đừng lo, tôi có giấy phép… giết. Dĩ nhiên là tôi đang nói về cá. Kinh nghiệm tôi đang kể là cố gắng đầu tiên của tôi để lưới con cá chép do năm đứa con trai tôi bắt từ bến đậu sau nhà tôi ở Minnesota. Đó là kinh nghiệm đáng lo, dù nhìn lại kinh nghiệm này dạy cho tôi một vài chuyện về cuộc sống kitô hữu của tôi. Chúa Giêsu kêu gọi đồ đệ của Ngài đi lưới người. Chúng ta có thể hiểu hơn nếu chúng ta biết phải lưới cá như thế nào.
Tôi không lớn lên trong nhà ngư dân. Gia đình tôi thích đi bộ đường dài và cắm trại nhưng chúng tôi luôn để yên hệ thực vật và động vật. Khi công việc của chồng tôi đưa gia đình về Minnesota, tôi nhận ra câu cá rất phổ thông ở đây. Căn nhà chúng tôi dần dần đầy con trai và một buổi chiều tôi thấy hàng xóm của tôi và hai con trai của ông chèo thuyền. Tôi biết giấc mơ câu cá của tôi sẽ phải chờ vì mấy đứa bé mới biết đi và lưỡi câu không được để gần nhau. Tuy nhiên tôi hy vọng rồi cũng sẽ đến lượt chúng tôi.
Chúa Giêsu kêu gọi đồ đệ của Ngài đi lưới người. Chúng ta có thể hiểu hơn nếu chúng ta biết phải lưới cá như thế nào.
Thời điểm đến trước dự trù. Cách đây bốn năm, các con trai tôi và tôi về nhà sau một buổi tập bóng đá và chúng thấy cha của chúng rất vui. Ông đã tìm được “nhà của chúng ta”. Mới đầu tôi nghi ngờ, rồi tôi xem hình. Căn nhà thì không có gì đặc biệt, nhưng nó hứa hẹn. Sân sau lài lài xuống hồ. Trong 12 tuần tiếp theo, chúng tôi làm việc cực nhọc như chưa bao giờ làm trong đời, rồi một buổi sáng kỳ diệu, chúng tôi thức dậy, với con mắt ngạc nhiên như con mắt của chim đại bàng chúng tôi nhìn các làn sóng uốn lượn. Tôi thấy như một phép lạ.
Tôi yêu cuộc sống sông hồ nhiều hơn tôi nghĩ. Tôi gần như xấu hổ khi được may mắn này. Vì sao mọi người lại không thưởng thức các thú vui siêu phàm này: buổi chiều bơi, buổi tối chèo thuyền, buổi sáng nhâm nhi ly cà phê trên ban công mát mẻ dưới bóng mát? Tôi còn thưởng thức công việc làm vườn, bỏ hàng giờ để vứt các cây cối xâm lấn từ chiếc kayak của tôi. Đối với tôi, nước là nhà. Không có nơi nào khác đã cho tôi cảm giác bình yên như vậy. Trong thời gian này, thật khó mà hình dung có một nơi nào tốt hơn để nuôi năm đứa con trai. Dĩ nhiên điều này đưa chúng tôi đến việc câu cá.
Tất nhiên chúng tôi sẽ câu. Nhưng bắt đầu từ đâu? Vì không ai trong nhà biết câu nên tôi để hàng tháng mùa đông học từ các video trên YouTube. Vào mùa xuân, cá chép đi vào vùng nông, và tôi biết thời gian đã đến. Trong một lúc anh hùng, tôi hứa sẽ làm bữa ăn với con cá đầu tiên các con tôi câu được. Trong một buổi chiều chúng bắt được chín con cá chép và bỗng nhiên tôi là người cắn câu.
Một ngư dân đi khắp thế giới, khéo léo tài tình chen mình vào một thế giới mà không con người nào có thể sinh sống.
Thật lạ, làm sao trong nhiều năm tôi mơ câu cá mà không để ý làm sao giết cá. Các bài hát lửa trại và các tờ giấy quảng cáo quyến rũ chưa bao giờ nhấn mạnh điểm này. Vậy mà tôi phải chiên chín con cá chép và nhiều con khác sau đó. Đến bây giờ, rất nhiều con cá đã qua lưỡi dao của tôi. Tôi thích đãi ăn từ hồ lên bàn và câu cá là cách đãi khách thân tình trong căn nhà bên hồ nước của chúng tôi. Nhưng tôi không bao giờ cho phép mình quên những người câu cá là… thần chết!
Một ngư dân đi khắp thế giới, khéo léo tài tình chen mình vào một thế giới mà không con người nào có thể sinh sống. Một cách nào đó người ngư dân là đại diện cho giống loài của mình, nhưng sự đụng chạm của anh không nhẹ nhàng chút nào. Anh không chú ý đến mệnh lệnh của tác giả Aliyyah Eniath, “không lấy gì, chỉ chụp hình, không để lại gì, chỉ để lại dấu chân, không được giết gì, ngoài giết thời gian”.Trong trí tưởng tượng chung, người thợ săn thường bị cho là đáng sợ và là người săn mồi, trong khi người ngư dân có hình ảnh lành hơn. Con mồi xa lạ và lạnh lẽo của người ngư phủ không tạo cảm tình nơi con người. Nhưng với người câu cá thì khác. Anh có cảm nhận dành cho con mồi đầy vảy của mình. Anh ái mộ vẻ đẹp độc nhất, siêu phàm của con cá, kể cả khi anh vung dao lên.
Chẳng người câu cá nào thành công bằng cách đứng trên thuyền mà công bố sự ưu việt của thế giới bên trên mặt nước
Vì sao Chúa Kitô chọn những người như vậy làm môn đệ đầu tiên của mình? Qua cuộc đời và lời dạy của Ngài, Chúa đã vinh danh nhiều nghề: thợ mộc, người làm vườn, người chăn cừu. Rõ ràng, Ngài đã thấy phẩm giá trong công việc chân chính nơi những người đàn ông bình thường này. Dù vậy những người đàn ông khác là các nhà chế tạo và bảo vệ. Họ nuôi sống các sinh vật và dùng hoa quả. Đó không phải là những người săn người như người ngư dân. Vậy mà Chúa chọn những người câu cá làm sứ giả đầu tiên của Ngài cho thế giới. Chúng ta không nghi ngờ lựa chọn của Ngài là có chủ ý. Chúa Giêsu nói với Thánh Phêrô, “Từ nay con lưới người”.
Tôi nghĩ về điều này khi tôi móc con trùn vào lưỡi câu, nhìn vào nước để tìm vảy cá. Đã trở lại đạo công giáo, tôi hiểu theo cách cá nhân làm thế nào phép rửa tội có thể mang lại một cảm nhận sâu sắc về sự tan vỡ và mất mát. Tin Mừng rất đẹp và cuối cùng là sống động, nhưng vòng ôm ban đầu của Tin Mừng có thể làm đau đớn. Các mối quan hệ thân thiết phải thay đổi. Kế hoạch cuộc sống từng ấp ủ phải định hình lại. Trước khi có được trải nghiệm tái sinh, trước hết chúng ta phải chết với chính mình. Một ngư dân có thể hiểu điều này. Họ đã sống bên lề, nơi mà sự sống và cái chết gặp nhau trong một vòng ôm chặt.
Ngư dân cũng biết ông phải đến với nghề của mình với trí tưởng tượng, khéo léo và một sự cảm thông sống động. Chẳng người câu cá nào thành công bằng cách đứng trên thuyền mà công bố sự ưu việt của thế giới bên trên mặt nước. Với sự quan sát cẩn thận và với kỹ năng, ông phải đến được vùng đất xa lạ, tìm thấy con cá nơi chúng ở. Các nhà truyền giáo cũng cần có khả năng này. Họ không phải là người bán hàng. Họ là người đi săn. Cần phải phân định và với lòng khiêm nhường lớn lao để mang Tin Mừng vào cuộc sống người khác. Chúng ta phải đi theo từng con đường nơi nó dẫn đến, luôn tập trung vào người khác chứ không vào bản thân mình, hiểu rằng hệ quả có thể tạo đau đớn không lường trước được. Điều này cuối cùng nằm trong tay Chúa chứ không ở trong tay chúng ta. Khi Thánh Phêrô bỏ lưới để đi theo Chúa, rõ ràng ngài không biết nơi nào chuyến đi sẽ kết thúc.
Ít điều trong cuộc sống tạo hồi hộp như khi cần câu bỗng rung trong tay cho biết cá đã cắn câu. Trong vài giây, vài phút nín thở, tôi đúng là kẻ săn mồi, hoàn toàn mải mê câu. Dù vậy cầm cần câu lên, lòng tôi tràn ngập cảm giác sợ hãi khiêm tốn. Một phần, tôi ngắm nét đẹp của con cá. Một phần, tôi ý thức được mối liên hệ kỳ lạ giữa chúng tôi. Cả hai chúng tôi yêu nơi độc đáo này, nơi gió và nước gặp nhau. Nhưng cả hai chúng tôi có hai cách khác nhau để nắm bắt. Chúng ta biết sự sống và cái chết có thể đan xen nhau chặt chẽ như thế nào. Cuối cùng, tôi là người câu cá hay là con cá? Có lẽ nhà truyền giáo tốt là người biết câu hỏi này không có câu trả lời rõ ràng.
Marta An Nguyễn dịch