Trụ vững chính mình trong Đời sống Thiêng liêng (8/10)
Chương 10 – Trích sách: Khát Khao Nên Thánh, Đi tìm một Linh đạo Kitô, The Holy Longing: The Search for a Christian Spirituality, Ronald Rolheiser
3. Họp nhau quanh nghi thức Lời Chúa và Bẻ Bánh…
“Ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp lại vì danh Ta, Ta ở giữa họ.”
a. Trong các cảnh huống của cuộc sống, hãy họp nhau lại trong nghi thức cầu nguyện
Chúa Giêsu hứa rằng, khi nào có một nhóm họp nhau cầu nguyện, Ngài sẽ ở đó với họ. Các giáo đoàn thời đầu đã áp dụng lời hứa đó theo nghĩa đen. Các môn đệ đầu tiên đã quen với sự hiện diện thể lý của Chúa Giêsu giữa họ và sau khi Ngài về trời, họ thường gặp khó khăn khi muốn biết Chúa muốn họ làm gì. Tuy nhiên, họ có một công thức đơn giản cho mỗi dịp và mỗi khó khăn, đó là lời mời gọi nhân danh Chúa Giêsu: Họ phải tụ họp quanh Lời Chúa và Bẻ Bánh, để Chúa Giêsu đến và tác động trong họ những điều mà họ không thể tự thân hoàn thành theo cách nào khác.
Là Kitô hữu ngày nay chúng ta vẫn cần giữ lời hứa này theo nghĩa cụ thể. Đời sống Kitô hữu không chỉ được xác nhận bởi việc cầu nguyện riêng, thực thi công lý và sống đạo đức. Đời sống đó được xác nhận trong cộng đoàn, qua việc họp nhau lại trong nghi thức sống Lời Chúa và Bẻ Bánh. Tuy nhiên, quan trọng là phải hiểu, đây không phải là tụ họp có tính cách xã hội, chỉ làm những gì mà việc tụ họp xã hội làm. Tụ họp quanh Lời Chúa và Bẻ Bánh là một tụ họp nghi thức và nghi thức đem lại những điều mà tụ họp xã hội thông thường không thể có, cụ thể là, năng lực biến đổi vượt xa những gì có thể hiểu và giải thích về phương diện thể lý, tâm lý, và động năng xã hội mà chúng ta đang có. Tôi ngờ điều này có vẻ trừu tượng và hơi bí truyền, vì thế cần được giải thích kỹ càng hơn.
b. Ý nghĩa của nghi thức và cuộc đấu tranh hiện nay của chúng ta với nó
Nghi thức là điều mà phần lớn chúng ta đã không còn hiểu rõ. Các nền văn hóa xưa hiểu được nghi thức và họ có ý thức để dùng nghi thức nhiều hơn chúng ta. Chúng ta, những đứa trẻ trưởng thành của thời đại Ánh Sáng, có xu hướng bất phân nghi thức mà trong đó cơ bản là chúng ta ngờ vực tất cả những gì chúng ta không thể giải thích thấu đáo hoàn toàn. Do đó, đối với chúng ta, nghi thức là đáng ngờ và phảng phất nét mê tín hay tà phép.
Tuy nhiên, ý niệm này đang từ từ thay đổi. Một cách kỳ lạ là, sự thay đổi không xảy ra trong các giáo hội cho bằng trong nền văn hóa thế tục, đặc biệt là trong phong trào Nữ Quyền, Thời Đại Mới, và Nhóm Nam Giới. Ở đây, nghi thức được tái khám phá và được sử dụng mạnh mẽ. Vì vậy, ví dụ, trong một số nhóm Nữ Quyền, để giúp một phụ nữ nạn nhân bị cưỡng hiếp hay một loại lạm dụng tình dục, họ thấy các lời khuyên chỉ giúp đỡ có mức độ, nạn nhân cần một điều gì đó mà cách chữa thể lý không làm được. Cô cần được chữa lành trong nghi thức. Do đó, họ sẽ đặt ra các nghi thức khác nhau để tẩy uế hay tái sinh và cử hành cùng với cô ấy. Trong nhiều trường hợp, nhờ những nghi thức này, nạn nhân thấy tốt hơn.
Nghi thức tác động như thế nào? Chúng ta không biết, và đó là điểm mấu chốt. Với nghi thức, chúng ta không thể giải thích cách rành rọt, ngoại suy ra nguyên tắc biến đổi, hay sao chép kết quả của nó về mặt tâm lý. Nghi thức cứ tác động! Nghi thức tác động theo cách nụ hôn, một nghi thức nguyên khai nhất trong tất cả các nghi thức. Nụ hôn làm được những điều mà lời nói không thể làm và ở đây không có gì là siêu hình để cần phải viết về chúng.
Các Nhóm Nam Giới cũng làm những điều tương tự. Đôi khi, để giúp một người đàn ông bị chấn thương thời thơ ấu, không có được tình thương, không được người cha chúc phúc, cũng như các nhóm phụ nữ, họ nhận ra lời khuyên thể lý không đủ đem lại cho anh những gì anh thật sự cần. Anh cần được chúc lành. Anh cần một nghi thức. Và cũng vậy, khi tổ chức các buổi nghi thức, anh cảm thấy tốt hơn. Vậy nghi thức tác động như thế nào? Cách thức tác động của những nụ hôn ra sao? Có một sức mạnh hàm chứa hoàn toàn vượt trên duy lý. Chỉ có ngôn ngữ lâu đời, thời tiền hiện đại – với những từ ngữ của thiên thần và ác quỷ, chúc lành và chúc dữ, và của những dòng sông thiêng liêng – có thể giúp chúng ta trong suy tưởng này; thật vậy, vì có một điều gì đó đã thực sự xảy ra trong nghi thức.
Nghi thức tốt đẹp mang đến một sức mạnh vượt ra ngoài những gì chúng ta có thể giải thích duy lý. Các nghi thức mang lại hiệp nhất trong nhóm, chữa lành, và các dạng thức khác của biến đổi, mà chúng ta không thể sắp đặt, tạo nên được. Là Kitô hữu chúng ta luôn luôn có những nghi thức như vậy. Chúng ta đơn giản có những nghi thức theo các tên gọi khác nhau – phép rửa, đặt tên thánh, chúc lành, họp nhau quanh Lời Chúa và Bẻ Bánh với nhau. Nếu đó là những nghi thức lớn, như phép rửa tội, hầu hết Kitô hữu gọi đó là Bí tích và hiểu cách trực giác rằng có điều gì hiện hữu nơi đó mà không thể giải thích duy lý cho trọn vẹn. Nếu đó là nghi thức thứ yếu, như chỉ là gặp nhau để chia sẻ Kinh Thánh, chúng ta thường không nhận ra tính nghi thức trong đó, nhưng vẫn cảm thấy sức mạnh đặc biệt trong đó.
Tôi muốn đưa ra ở đây hai ví dụ cá nhân, từ trải nghiệm của riêng tôi và từ nền tảng giáo lý của tôi, một tín hữu Công giáo La Mã, nhưng cũng có thể là ví dụ của bất cứ ai trong các tôn giáo khác. Cả hai ví dụ đều nói về sức mạnh biến đổi của nghi thức.
Trong suốt sáu năm học thần học và chuẩn bị chịu chức linh mục, tôi sống trong một chủng viện lớn. Trong những năm đó, khoảng bảy mươi người chúng tôi cùng sống với nhau dưới một mái nhà. Xuất thân từ các nền tảng, tính tình và các vấp phạm khác nhau, chúng tôi có những xung khắc tự nhiên hơn là tính tình hòa hợp. Chúng tôi đã không chọn nhau và ở một mức độ tâm lý nào đó, chúng tôi hoàn toàn là những con người tình cờ gặp nhau. Tuy nhiên, bằng cách nào đó, chúng tôi đã có thể thành lập được một cộng đoàn hòa hợp với nhau.
Có nhiều lý do tại sao tính cộng đoàn được thiết lập giữa chúng tôi, điểm cuối cùng của tất cả là vì chúng tôi cùng sống trong một mái nhà và cùng nhau làm nhiều việc. Chúng tôi cùng ăn, cùng học, cùng giải trí với nhau, với các quy định của đời sống chủng viện lúc đó, hiếm khi chúng tôi xa nhau. Hơn nữa, tất cả chúng tôi có chung một động lực chính yếu, một trọng tâm đức tin. Điều thú vị là trong tất cả những điều kéo chúng tôi gần nhau để làm chung, thì vẫn có một điều ngược lại. Hai lần mỗi ngày, trong vòng nửa giờ, tất cả bảy mươi người chúng tôi ngồi trong nhà nguyện, im lặng cầu nguyện, một thinh lặng hoàn toàn. Đó là giờ Hương nguyện. Chúng tôi bắt đầu và kết thúc bằng lời cầu nguyện chung, nhưng phần thời gian còn lại, chúng tôi chỉ ngồi thinh lặng bên nhau.
Điều gì đã xảy ra khi chúng tôi làm việc này? Cầu nguyện, đúng. Nhưng còn có điều gì hơn nữa. Khi chúng tôi ngồi với nhau trong thinh lặng, mỗi người chúng tôi đang cố gắng tập trung vào Chúa hơn là vào chính mình, ít nhất trong thời gian ngắn ngủi đó, chúng tôi có được một tinh thần cộng đoàn, một thân mật thực sự với nhau. Những dị biệt về tính tình, tư tưởng, ghen tị và giận dữ giữa chúng tôi sẽ biến mất trong một chốc lát. Trong nửa giờ đó (và thường kéo dài một khoảng thời gian sau đó), chúng tôi gắn kết với nhau hơn trong tinh thần cộng đoàn. Tại sao? Có phải chỉ vì tất cả chúng tôi cùng hướng tâm và chú tâm hơn vào lý do chúng tôi hiện diện ở đây? Đúng, chắc chắn là vậy. Nhưng còn hơn nữa. Nửa giờ Hương nguyện với nhau đó, cũng là một nghi thức, như một nụ hôn, trong thinh lặng, giúp tạo nên một sự hiệp nhất mà chúng tôi không thể có được bằng các quá trình đậm tính duy lý và biện luận hơn.
Nguyễn Kim Long dịch
(Còn tiếp)
Xin đọc thêm: Trụ vững chính mình trong Đời sống Thiêng liêng (1/10)
Trụ vững chính mình trong Đời sống Thiêng liêng (2/10)
Trụ vững chính mình trong Đời sống Thiêng liêng (3/10)
Trụ vững chính mình trong Đời sống Thiêng liêng (4/10)
Trụ vững chính mình trong Đời sống Thiêng liêng (5/10)