Nỗi buồn và lưỡng diện tính của nó
Trích sách Bảy căn bệnh thiêng liêng, Sơ Catherine Aubin. Nhà xuất bản: Salvator – Novalis, 2019
Xin mở cho con vào, kẻo con lạc lối, con xa cách và tiêu vong!
Nỗi buồn và lưỡng diện tính của nó
Khóc vì mừng… và ăn năn
1. Nỗi buồn theo ý Chúa: một nỗi buồn bổ ích và giải thoát
U buồn là một cảm xúc mà ai ai cũng biết và thường không nhiều thì ít đã từng trải nghiệm; nỗi buồn có thể sâu lắng hoặc thoáng qua, nó có thể khiến chúng ta nấc nghẹn vì khổ não hoặc khóc oà trong vui sướng. Nỗi buồn này – mà các Giáo phụ gọi là “căn bệnh” – có hai mặt. Chẳng hạn nó thiết thực trong thời gian tang tóc, nhưng lại trở thành chướng-ngại-sống nếu nó dẫn chúng ta đến tình trạng trầm cảm. Tiếng khóc và nước mắt là những đặc trưng của buồn khổ được biểu lộ ra bên ngoài, qua thân xác một cách thấy rõ, những gì phấn khích tâm hồn và nội tâm: niềm vui được Chúa viếng thăm hay đau khổ do trống vắng và thiếu hụt.
Trong chương này, chúng ta sẽ dừng lại ở ý nghĩa của nước mắt như là dấu chỉ của những nỗi buồn muôn mặt trong cuộc sống con người, nhưng đồng thời chúng cũng mang lại phương thuốc hữu hiệu và một hình thức nào đó để nhận biết chính mình, nhận biết Thiên Chúa. Chúng ta sẽ đi một con đường khác để điều trị căn bệnh buồn bằng cách học hỏi tầm quan trọng của những giọt nước mắt các nhân vật trong Kinh Thánh, những người đã khóc thật nhiều mà không bị căn bệnh tâm linh này tác hại. Bởi “căn-bệnh-buồn” không chỉ đưa tới chỗ rơi lệ hay không; mà còn là sâu mọt gặm nhấm tâm can và là bóng tối nội tâm làm tiêu tan sinh lực, như cách diễn tả của các Giáo phụ. Để bắt đầu con đường đẫm nước mắt này, chúng ta sẽ theo bước các nhân vật trong Kinh Thánh và các thánh. Phản ứng của các ngài hữu ích cho chúng ta hơn là một bài diễn văn đầy nước mắt và tràn đầy u buồn.
Nỗi buồn của ông A-đam
Thiên Chúa của tôi, tôi tìm kiếm Ngài trong nước mắt.
Với câu hỏi của Đức Chúa: “A-đam, ngươi đang ở đâu?” (St 3, 9) sách Sáng Thế không chỉ nói về sự xấu hổ của ông A-đam và bà E-và đang “lẩn trốn Đức Chúa giữa những cây cối trong vườn” (St 3, 8) cũng không luận bàn về những giọt nước mắt của họ. Trong chủ nhật thứ nhất Mùa Chay, phụng vụ Byzantine cử hành nghi thức “địa đàng bị mất” khởi đầu bằng tưởng niệm con người bị đuổi khỏi vườn địa đàng. Lời ca nhập lễ vọng lên:
Thuở xưa A-đam ngồi ôm mặt khóc trước cửa địa đàng, ông kêu lên: “Lạy Thiên Chúa nhân từ, xin thương xót con, kẻ tội lỗi khốn cùng.” Adam than van rên xiết thật to, và tiếng nức nở của ông vọng tràn sa mạc mênh mông, bởi tâm hồn ông bị dằn xé khi nghĩ rằng: Tôi đã xúc phạm đến Thiên Chúa mà tôi yêu kính.
Ông không quá tiếc nuối địa đàng cùng vẽ mỹ miều của nó cho bằng hối hận vì đã đánh mất tình yêu của Thiên Chúa, Đấng không ngưng nghỉ lôi cuốn mọi tâm hồn về với Người.
Được giáo dục trong truyền thống phụng vụ Byzantine, Thánh Silouane thành Athos, một tu sĩ người Nga, gợi lại âm hưởng của lời ca này trong đoản khúc:
A-đam khóc, bởi do tội lỗi của ông mà tất cả đã mất an bình và yêu thương. Nỗi đau buồn của ông bao la như biển cả, và chỉ tâm hồn của những ai nhận biết Thiên Chúa và thấu hiểu lòng Chúa yêu thương chúng ta dường nào mới thấm thía được nỗi buồn này. Cả tôi nữa, tôi cũng khóc với A-đam: “Chúa ơi, con khao khát Chúa và con tìm kiếm Người trong nước mắt. Làm sao con có thể chẳng kiếm tìm Người? Người đã cho con biết Người bởi Chúa Thánh Thần, và sự nhận biết thiêng liêng này thôi thúc hồn con nức nở tìm Người.”
Nước mắt của A-đam chính là nước mắt của chúng ta một khi chúng ta đánh mất sự Dịu Dàng, niềm An Ủi và Bàn tay của Đấng dìu dắt và nâng đỡ chúng ta.
Giọt lệ ăn năn: Những giọt nước mắt của Thánh Đa Minh
Lòng thương xót của Ta! Những kẻ có tội sẽ trở nên như thế nào!
Đấng sáng lập dòng Thuyết Giáo trước tiên được biết đến và thừa nhận bởi cường độ và uy lực trong lời cầu nguyện của ngài. Các nhân chứng trong tiến trình phong thánh cho ngài đều nói rằng thánh Đa Minh là một người cầu nguyện,omo orans, một người trở thành lời nguyện sống động. Ngài cầu nguyện thâu đêm; Ngài dường như không ngủ; Ngài cầu nguyện bằng cả cử điệu: Ngài cất cao giọng, lớn tiếng, và nhất là khóc thật nhiều, đặc biệt khi trời vào đêm và trong lúc cử hành Bí tích Thánh Thể. Trong bản viết về chín cách cầu nguyện bằng những động tác của cơ thể, chúng ta thấy Thánh Đa Minh nằm dài trên mặt đất, phủ phục toàn thân, vì “Ngài đã gieo trọn thân mình xuống đất, hướng về trước, chạm tới đáy lòng ăn năn… và khóc rên thảm thiết.”
Thánh Đa Minh đã ăn năn tận sâu thẳm tâm hồn vì ngài nhận ra, hiểu thấu và dán trọn con mắt nội tâm vào tiếng khóc của Chúa Giêsu dành cho Giêrusalem: “Khi đến gần và trông thấy thành, Đức Giêsu khóc thương và nói: ‘Phải chi ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi! Nhưng hiện giờ, điều ấy còn bị che khuất, mắt ngươi không thấy được’” (Lc 19, 41-44). Đó là lý do tại sao Thánh Đa Minh rên khóc. Những biểu cảm này nói lên nỗi buồn bộc phát từ trái tim Ngài. Ngài đã xa rời Thiên Chúa bởi tội lỗi đã làm tan nát lòng ngài đến mức nước mắt trào tuôn và con tim rên rỉ: ngài sống trong cõi lòng thống hối.
Các ý nghĩa ban đầu được gán cho hai tiếng “ăn năn” làm sáng tỏ các ý nghĩa tâm linh được gán vào sau đó. Trong Vulgate (phiên bản Kinh Thánh tiếng la tinh) compunctio và com-pungere chuyển ngữ từ nguyên gốc Hy Lạp với hàm ý kích thích cảm xúc mạnh bạo. Con tim “đau xót”, xúc động và thương tích, bởi vì nó đã làm phiền lòng Chúa Thánh Thần. Như bị gai nhọn đâm thâu, cảm thức tội lỗi làm đau nhói cõi lòng. Lòng ăn năn của Thánh Đa Minh tựa nỗi thống hối của Thánh Phêrô lúc bắt gặp ánh nhìn của Chúa Giêsu khi Người bị điệu đến trước mặt các thượng tế. Phêrô chợt nhận ra sự phản bội của mình, lòng nát tan và ông khóc than thảm thiết. “Chúa quay lại nhìn ông, ông sực nhớ lời Chúa đã bảo ông: ‘Hôm nay, gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối thầy ba lần.” Và, đi ra ngoài, Phêrô khóc lóc thảm thiết’” (Lc 22, 61-62).
Phêrô và Đa Minh cảm nhận lòng ăn năn do nhận thức đau đớn về tình trạng tội lỗi của mình khi ánh sáng chân lý soi tỏ cho các ngài đâu là ý nghĩa của hành vi xúc phạm tới Chúa. Tuy vậy, lòng ăn năn này là một nỗi buồn không xao xuyến, bởi vì nỗi buồn này không triệt tiêu hy vọng vào Thiên Chúa, trái lại nó còn là lời mời và tiếng gọi của hoán cải.
Trong Hội Nghị lần chín về việc cầu nguyện, Thánh Cassien cắt nghĩa và bình luận về nguồn gốc và nhân tố của lòng ăn năn. Lòng ăn năn này có thể được khơi dậy bởi một đoạn thánh vịnh, cung giọng trầm thống của anh em, trao đổi linh đạo với một người kính tín, cái chết của một người thân hoặc hồi ức về việc chểnh mãng và lạnh nhạt với Thiên Chúa. Thánh Cassien mô tả các tâm trạng của nó và đặt câu hỏi: “Làm thế nào lòng ăn năn này nảy sinh từ đền thánh sâu thẳm của tâm hồn?” Ngài trả lời bằng cách giải thích, đôi khi nó được thể hiện bằng một niềm vui khôn tả làm bật ra tiếng la to, tiếng rên rỉ lạ kỳ hay nước mắt. Với Thánh Cassien, lòng ăn năn và nước mắt gắn kết mật thiết với nhau; thậm chí đôi khi ngài còn tự vấn về “sự ăn năn của nước mắt”, một cách nói cho thấy tương quan giữa tâm linh và cảm xúc, nội tâm bộc tả ra ngoài. Do đó, những giọt nước mắt nằm giữa trạng thái thể chất và tâm linh. Thánh Gregory Cả giải thích rằng lòng ăn năn tựa như nỗi buồn làm rơi nước mắt, vì nó “mở toang mọi ngóc ngách của trái tim”, mà cốt lõi của nó là lòng thống hối.
Vì thế, những giọt nước mắt của Thánh Đa Minh mời gọi chúng ta nhìn xa hơn, nhìn vào cái bất khả kiến trong ngài, tận tâm hồn và trái tim của ngài. Những giọt nước mắt này khơi dậy một chiều sâu ẩn sau bề mặt, mời mọc hướng về một hố thẳm khôn lường, như thể những gì nhìn thấy được một cách hữu hình chỉ là lớp vỏ của sự thể, dáng vẻ bên ngoài của một thực tại nào đó. Nước mắt của Thánh Đa Minh biểu tả một tri thức phong phú không giả tạo, vượt qua hình thức bên ngoài, tính hời hợt và sự rời rạc. Đó là nhận biết thân mình là tặng phẩm, và là tặng phẩm của tình yêu. Những giọt nước mắt này mở ra như cánh cửa nhìn vào thân phận làm người của ngài, cùng lúc thật cao cả và cũng thật mong manh. Chúng làm nhòa mắt ngài để đưa ngài đến một nhận thức khác về chính mình và đi vào một trí vực khác. Thánh nhân khóc, vì ngài không nhìn thấy gì khác ngoài vực thẳm của tự thân và sự hiện diện của Chúa Kitô, Đấng đang dõi theo và yêu mến ngài, thấy mình bất xứng trước Tình Yêu vô điều kiện và không phán xét. Ngài hiện diện với Chúa Kitô, Đấng khóc cho nhân loại, cho chính mình và cho mọi người. Nước mắt của Ngài bắt nguồn từ tình yêu cháy bỏng trong lòng vì Chúa và vì anh em. Nước mắt của ngài trở thành nước mắt của Chúa Giêsu. Và những đêm đầy nước mắt cho những người mà ngài gọi là “những người tội lỗi”, những bạn đồng hành, làm vọng lên lời cầu nguyện của ngài hay lời nguyện của Chúa Kitô trong Chúa Kitô: “Xót thương thay! Cớ gì làm chúng mang thân tội!” Nước mắt của ngài cùng lúc khải thị cho chúng ta trái tim của con người mong manh, có trách nhiệm, không ảo tưởng về chính mình này và là món quà cho ngài thấy đàng sau những dòng lệ này là Đấng viếng thăm, lưu lại với ngài và ngài cầu nguyện trong Người. Thánh Đa Minh không chỉ khóc vì tội lỗi của mình, mà còn vì tội lỗi của người anh em. Ngài cảm nhận tất cả những khốn khổ của nhân loại sa ngã và xa rời Thiên Chúa. Thánh Đa Minh khóc cho nhân loại không chỉ vì ngài cảm thấy có lỗi trước tất cả, cho tất cả, nhưng cũng bởi vì, trong lòng từ ái bao la của mình, ngài đặt mình vào vị trí của mỗi một người tội lỗi và tự nhận lấy lỗi lầm của họ. Theo cách nói của Etty Hillesum: “Con hướng trọn về Người, Chúa ơi, đôi khi nước mắt con ứa ra và đó là lời cầu nguyện của con.”
Nước mắt hòa giải: Giuse và các anh em mình
Rồi ông hôn tất cả các anh và ôm họ mà khóc (St 45,15).
Các nhân vật trong Cựu Ước cho chúng ta các chứng từ về những người đã khóc thật nhiều trước các biến cố cuộc đời họ trải qua. Trong sách Sáng Thế, hai anh em, Ê-xau và Gia-cóp gặp lại nhau sau thời gian hiềm khích. Nhưng trước đó, khi ông Gia-cóp chiến đấu cả đêm, “ông ngước mắt lên, thấy ông Ê-xau đang tiến đến… ông sụp xuống đất lạy bảy lần trước khi đến gần anh mình Ông Ê-xau chạy lại đón em, ôm chầm lấy, bá cổ mà hôn, rồi cả hai cùng khóc” (St 33, 1, 3-4). Đây là những giọt nước mắt đi cùng với hòa giải, tha thứ và là dấu chỉ cho sự thất bại của sự chết: chúng khả thể hóa một ngôn từ mới, chúng đến từ tận sâu thẳm tâm hồn.
Trình thuật Kinh Thánh sau này còn ghi lại khi Giuse được các anh của mình nhận ra, nhưng các anh vì quá ghen ghét đã toan tính loại bỏ Giuse bằng cách vội vã thông báo với cha của họ là ông Gia-cóp rằng Giuse đã chết. Giuse không thể nói với họ mà không oà lên khóc. “Ông lên giọng trong nước mắt. Ông bá cổ Ben-gia-min, em ông, mà khóc. Rồi ông hôn tất cả các anh và ôm họ mà khóc; sau đó anh em ông nói chuyện với ông” (St 45, 2, 14-15). Giuse không kiềm chế cảm xúc của mình hoặc tìm cách che giấu nó, và cuối cùng ông khóc trước mặt họ, sau đó trong vòng tay của Ben-gia-min. Chắc chắn đây là lần đầu tiên ông thấy bạo lực ông đã phải gánh chịulớn như thế nào. Chính vào lúc anh em của ông thừa nhận sai lầm và tự biết họ đang trong tình trạng vô cùng yếu đuối, ông cảm thấy nỗi đau của mình không phải để buộc tội họ, mà để hòa giải với họ. Chắc chắn nhờ những giọt nước mắt của ông hơn là những lời nói mà Giuse thành công trong việc xoa dịu anh em mình.
Nước mắt của chúng ta có vai trò trong nỗ lực kiếm tìm “chân lý” và ơn cứu rỗi. Chúng đưa ra và chuyển tải một “chân lý” về bản thân, về tương quan nhân loại và hành trình tìm kiếm Thiên Chúa mà không có sự lạnh lùng về mặt lý thuyết nào có thể đạt được. Trong số các nhân vật trong Kinh thánh, Giuse là một trong những người khóc nhiều nhất. Những giọt nước mắt này có ý nghĩa gì khi mà đoàn tụ và niềm vui mạnh mẽ hơn chia ly và sầu não? Những tiếng nức nở này trước mặt anh em, rồi trước mặt cha của mình, hòa quyện niềm vui và nỗi đau: Joseph khóc thương cho nỗi đau của mình ngay lúc vết thương của ông nhận được liều thuốc làm cho dịu lại; ông cũng khóc vì sung sướng, vì sự trùng phùng bất ngờ hơn mong đợi. Trong lòng ông sức mạnh của tình yêu đã vượt thắng cơn cám dỗ của thù hận.
Nước mắt gặp lại nhau: Maria-Mađalêna
Sao bà lại khóc? (Ga 20, 15)
Như thánh Đa Minh và Giuse, Maria-Mađalêna khóc. Bà không còn chạm được thân xác của Chúa Kitô và cảm thấy nỗi buồn do mất mát, một trạng thái tuyệt vọng. Chính bà là người hỏi: “Chúa ở đâu? Xin nói cho tôi biết ông đã đặt Người ở đâu” (Ga 20, 15). Chính sự vắng bóng của Người mình Yêu Dấu làm bà bật khóc, bà thấy mình đang đứng trước ngôi mộ trống, hình ảnh của lòng bà cũng đang trống vắng Đức Kitô. Giống như những giọt nước mắt của ông A-đam, những giòng lệ của Maria-Mađalêna trào ra từ cảm nhận sâu lắng về sự mất mát và mong muốn sâu xa được tìm gặp lại. Thoạt tiên bà bị mù quáng bởi sự đau khổ của mình và mong chờ được giữ lấy xác Chúa Giêsu. Nước mắt bà lúc này là nước mắt của tuyệt vọng, của u buồn và khao khát.
Khi Đức Kitô hỏi bà Maria-Mađalêna: “Sao bà lại khóc?” Câu hỏi của Ngài là lời mời tự vấn về bản chất của những giọt nước mắt này. Nước mắt của Maria-Mađalêna là gì? Chúng đến từ đâu? Đó cũng là câu hỏi của các bậc cha mẹ trước những đứa con đau khổ của họ, những người không phải lúc nào cũng biết tại sao mình khóc. Câu hỏi của Chúa Giêsu là lời mời để tái định vị mình, để tự đặt mình vào cảnh vực nội tại, vào tâm điểm của lòng tốt hoặc dịu dàng, như truyền thống Do Thái thường gọi. Thật vậy, nếu người ở đây, ngay lúc này, tại sao lại khóc? Những giọt nước mắt này bởi đâu? Điều làm lay động lòng Maria-Mađalêna là Tiếng Nói của Đấng không chỉ Hiện Diện vượt trên tất cả những kẻ chết mà Người còn là Nguồn An Ủi; Tiếng của Người không chỉ là ca khúc của mong đợi và tình yêu. Vì Người tìm kiếm Maria-Mađalêna trước, chứ không phải bà; chính Người đã nói với các phụ nữ, “Hỡi chị em thành Giêrusalem, đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu!” (Lc 23, 28) Chúa Giêsu phục sinh lên tiếng gọi Maria-Mađalêna giữa dòng nước mắt, giọng Người vang lên và làm rung động trái tim đang tan vỡ của người phụ nữ thân ái này.
Maria-Mađalêna giống như nhân vật Marmeladow, gã say trong tiểu thuyết Tội ác và Hình phạt của Dostoievsky, khóc khi nhớ lại Đức Kitô, Đấng mở rộng vòng tay cho những kẻ say sưa và người tội lỗi: “Và Người sẽ đưa bàn tay ra về phía chúng tôi, và chúng tôi sẽ hôn bàn tay Ngài (…) và chúng tôi sẽ khóc (…) và chúng tôi sẽ hiểu tất cả!” Mắt nhòa lệ, Maria-Mađalêna quay trở lại, vì bà hiểu ra. Bà đã thay đổi, nước mắt của bà đã chuyển hóa bà. Bà, người đã đến với tấm lòng run rẩy và trĩu nặng, lúc này đứng thẳng dậy, mắt vẫn còn đẫm lệ, nhưng đã được gột rửa và mang theo niềm vui sống. Những giọt nước mắt này trở thành ân sủng và hương liệu, chúng mang lại hoa trái. Hoa trái này không có gì khác hơn là đi loan báo và phục vụ mà bà đã nhận được như một món quà. Maria-Mađalêna cho chúng ta hiểu sức mạnh của sự chuyển hóa chứa đựng trong nước mắt. Bà, người không còn thấy gì nữa, đã chạy về và loan báo cho anh em mình: “Tôi đã thấy Chúa!” (Ga 20, 18)
Nỗi buồn theo Chúa
A-đam, Maria-Mađalêna, Giuse, Đa Minh… và Chúa. Tất cả đều khóc. Người cha trong dụ ngôn đứa con hoang đàng chắc chắn cũng đã khóc khi chờ đợi đứa con trai đã mất đi của mình trở về. Không chỉ hàm nghĩa buồn đau, nước mắt cũng nói lên lời cầu nguyện, mong mỏi và niềm vui của loan báo và phục vụ. Nước mắt là dấu chỉ của tình yêu và của những kẻ đang sống trong tình yêu, là biểu tả của niềm vui và sự lan tỏa niềm vui này. Chúng đến từ trái tim rộng mở để đón nhận Chúa và anh em của mình, chúng mở ra với sự thật về mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa và Thiên Chúa với con người. Chúng là dấu hiệu của một sự thức tỉnh và nảy sinh cho điều bí ẩn có trong mỗi một người. Chúng mang bí ẩn này đến một cái nhìn nào đó: tất cả đều học bằng nước mắt, rằng sự hữu hạn của mình hàm chứa một tình yêu vô hạn.
Cũng như thói tham ăn và keo kiệt, nỗi buồn mang theo ánh sáng và tình yêu. Có một nỗi buồn tốt và đẹp, đó là nỗi buồn của lòng thống hối, hòa giải, và đoàn tụ. Nỗi buồn “đạo đức” này hoặc nỗi buồn theo thánh ý Chúa (2 Co 7, 10) tạo ra một khoảng không gian trong lòng hầu có chỗ cho gặp gỡ và yêu thương vượt qua ngôn từ và lý lẽ. Các Giáo phụ dạy chúng ta rằng nỗi buồn này phải thường hằng. Nó được thúc đẩy bởi mong muốn kết hợp với Đức Kitô trong Thần Khí. Khi, con người càng đến gần Chúa, thì nó càng ý thức mình còn thật xa cách Ngài; con người càng tiến bước trên con đường thánh đức, thì nó càng ít có ấn tượng về các thành tựu của mình; càng nhận thức được tội lỗi của mình, con người càng thấy mình là tội nhân và cảm thấy cần phải ăn năn và than khóc cho lỗi lầm của mình. Đời sống tâm linh càng sâu, nỗi buồn theo ý Thiên Chúa càng tăng tiến.
2. Nỗi buồn tuyệt vọng
Như bóng tối của chán nản
Đời tiêu hao trong nỗi u buồn và tháng năm tàn lụi giữa tiếng thở than.
Con kiệt lực vì gặp bước khốn cùng, gân cốt con rời rã. (Tv 30, 11).
Một nỗi buồn khác nặng nề và thậm chí chết chóc dai dẳng trong lòng chúng ta, một dạng thức uể oải và chán nản mọi thứ, giống như cái bóng làm chúng ta tê liệt và suy sụp bằng cách dần dần dập tắt ý hướng tiến lên, bước tới và sinh tồn. Nỗi buồn này len lỏi vào trái tim và từ từ gặm nhấm cuộc sống hàng ngày, giống như sâu mọt gặm nhấm y phục: nếu chúng ta không chiến đấu với nó, nó có thể tìm tới và lưu lại mà chúng ta không hay biết.
Nó là nền tảng của suy thoái thần kinh và dẫn đến cảm giác cho rằng cuộc đời này là vô nghĩa, có thái độ thờ ơ xem cuộc đời dường như không ánh sáng, không hy vọng. Nỗi buồn xuất hiện như một trạng thái của tâm hồn phát sinh do chán nản, suy nhược, tâm lý nặng nề, đau đớn, mệt mỏi, tuyệt vọng, áp bức, trầm uất, thường đi kèm với lo âu. Thật đáng kể khi cả hai Thánh Vịnh như cùng lặp lại điệp khúc này: “Hồn tôi hỡi, cớ sao phiền muộn, xót xa phận mình mãi làm chi?” (Tv 42, 6.12; 43, 5) Tại sao nỗi buồn vẫn như cái bóng trong sâu thẳm tâm hồn chúng ta, như tiếng vo vo không bao giờ ngừng hành hạ chúng ta? Tùy trường hợp, chúng là những đau khổ chịu đựng một cách bất công, những mâu thuẫn thực tế trong cuộc sống, những ham muốn bị tước đoạt, ngay cả những điều cao quý nhất và công bằng nhất, cũng có thể mang đến cho chúng ta nỗi buồn.
Vài nguyên nhân gây nên hiền não
Những ước vọng không thành
Theo các Giáo phụ, nguyên nhân thường gặp nhất của phiền não là thất vọng vì một hay những mong ước không được mãn nguyện. Điều này làm dấy lên một tâm trạng bất mãn nào đó do ước vọng bị ngăn trở hay một nhu cầu không thỏa đáng. Đôi lúc sự bất mãn này cũng đến từ thất vọng trước một đợi chờ không tới. Những mong đợi và những kỳ vọng của chúng ta so với thực tại là nguyên do cơ bản khiến chúng ta mòn mỏi. Chúng ta hy vọng, chúng ta chờ đợi … Trí tưởng tượng khiến chúng ta mường tượng những gì nên xảy ra; trong 90% trường hợp, những gì xảy đến thường không như những điều chúng ta mơ tưởng, và chúng ta thất vọng, chán nản, tuyệt vọng. Thực tế và những gì nó mang đến không phù hợp với vọng tưởng của chúng ta, chúng ta bị tước mất – hay chúng ta nghĩ rằng mình bị tước mất – các kỳ vọng của mình, chúng ta khép lòng lại trước thực tại và để thất vọng và bất mãn xâm chiếm, đó là đặc thù của nỗi buồn không lành mạnh này.
Thiếu sự thừa nhận
Một nguyên nhân khác của nỗi buồn đến từ sự tìm kiếm thái quá được người khác thừa nhận. Chúng ta mong chờ vinh dự khi một tác phẩm, một bức tranh, một món ăn chúng ta bày ra được mọi người ca tụng, nhưng chẳng ai ca tụng chúng ta. Sự không được thừa nhận này để lại một khoảng trống, thậm chí là một hình thức băn khoăn. Hàng ngàn câu hỏi dấy lên: “Tôi làm chưa hoàn mỹ sao? Tôi chưa đạt tới tầm mức cao sao? Sao chẳng một ai ca tụng tôi hết?” Cũng vậy, chúng ta phiền não vì những lời lẽ xúc phạm tới mình: chúng ta ghim các lời nói làm chúng ta đau đớn hay thất vọng, và thế là nỗi buồn vây ngập chúng ta. “Tại sao họ lại nói như thế? Những chữ cay nghiệt và xúc phạm này là gì?” Rất nhiều câu hỏi, rất nhiều cánh cửa mở ra cho nỗi buồn vây hãm làm chúng ta cứ phải nghiền ngẫm. Cũng cần phải xem các diễn biến nội tâm khi mình bị tổn thương vì một lời nói, để từ đó lòng tràn ngập nỗi buồn. Tại sao chúng ta cho họ có nhiều quyền lực như vậy? Cần hỏi xem, mình mong chờ khi phục vụ. Chúng ta lấy ví dụ những người làm từ thiện: làm thế nào mà đôi khi họ cư xử như những người đòi hỏi và thất vọng, thậm chí thấy mình “bị dồn ép” và buồn bã? Lòng hẹp hòi này đến từ đâu? Chúng ta thấy rằng niềm vui làm nức lòng, nỗi buồn làm co thắt, vì thế chúng ta mới bị tù túng.
Tức giận, oán thù và tuyệt vọng
Sự tức giận, một nguyên nhân khác của nỗi buồn, được biểu lộ qua các tâm trạng khác do mong muốn trả thù, vì thế có thể làm u buồn nặng chĩu. Đương sự nghiền ngẫm, dung dưỡng lòng oán hận của mình bằng các lý lẽ, các biện minh, tâm trí bị che mờ bởi tất cả các toan tính ảo tưởng này, và nỗi buồn vây ngập. Không thể sống trong niềm vui cùng lúc với lòng oán hận và mong báo thù. Hai trạng thái này không thể chung sống với nhau. Một lần nữa, chúng ta sẽ phải chọn: dừng lại trong tử lộ của báo thù hay vươn tới một con đường khác của chấp nhận, hòa giải và tha thứ, khởi sự từ chính bản thân mình, bởi vì một nguồn căn khác của buồn phiền là sự phân hóa nội tại. Chúng ta buồn về những gì chúng ta đáng lý phải làm và chúng ta đã không làm, điều này dẫn đến sự rạn nứt trong tâm hồn chúng ta: chúng ta bị phân sẻ và chia cách. Trạng thái này làm chúng ta buồn, chúng ta không liên kết cũng không thống nhất, nhưng cảm thấy có lỗi. Trước tòa án lương tâm buộc tội chúng ta, chúng ta không thương hại hay thương xót cho chính mình. Cảm giác tội lỗi này tạo ra thêm một lần nữa nỗi buồn và sự giam hãm.
Tuyệt vọng là hình thức phiền muộn nghiêm trọng và nguy hiểm nhất vì nó có thể dẫn đến quyên sinh. Cuộc chiến thiêng liêng chống lại sự dữ trong trường hợp này mang một chiều kích rộng lớn; sách lược của tà thần sẽ làm chúng ta nghĩ rằng chúng ta có liên quan đến sự tuyệt vọng này, rằng “chẳng có gì là đáng giá nữa.” Chắc chắn tuyệt vọng là nguyên cớ nghiêm trọng nhất trên hành trình tìm về giải thoát; thật thế, nó cắt đứt mối quan hệ tin cậy với Thiên Chúa và giam hãm chúng ta trong đường hầm không lối thoát, trong con đường bất hạnh. Trí khôn không còn nhìn thấy điều cốt yếu hay hướng đi, sự phân biện không còn nữa.
Tang tóc và thử thách
Nỗi buồn đến từ thử thách, bệnh tật, tang tóc hay chia cách phải được cảm nếm và vượt qua. Trước khi chuyển sang thái trạng khác, tự thân, nỗi buồn này không xấu. Sự đau khổ tâm sinh lý đem đến phiền muộn, vì nó được kết dệt từ đau thương, bất ổn và sầu não. Nỗi buồn này phải được trải nghiệm sâu xa, trọn vẹn và toàn triệt. Dù khác quan điểm với các Giáo phụ, nỗi buồn này – nếu chỉ tạm thời – cũng không phải là điều tồi tệ. Nó giống như vượt qua cơn giông bão; chúng ta phải thu xếp và đối diện với nó để tìm lối thoát. Nỗi buồn này thậm chí có thể là một hình thức thai nghén cho một cái gì khác phong phú hơn, sinh hoa kết trái hơn. Đó là sự chuyển đổi của các mùa: sau mùa thu và mùa đông đến mùa xuân và mùa hạ, như lời Thánh Vịnh: “Ai gieo trong nước mắt sẽ gặt giữa vui mừng” (Tv 125, 5). Đôi khi nỗi buồn không thực sự được sống qua trong gian đoạn tang chế có thể dẫn đến các hệ lụy tâm lý tai hại như từ khước và phủ nhận nỗi đau. Cứ luôn nói “Mọi sự đều ổn!” có thể che giấu ý muốn không đi vào sự phức tạp bên trong của nỗi buồn và các diễn biến của lòng mình do nỗi buồn mang tới. Buồn sau một thử thách là điều tốt, vì nỗi buồn được trải nghiệm này như một đường lối có thể dẫn đến niềm vui đích thực, niềm vui bởi sự Hiện diện thường xuyên của Chúa.
3. Vượt qua nỗi buồn và hướng đến niềm vui
Một hành động rất thông minh: thống hối
Khi Thánh Silouance than khóc trên đường tìm kiếm Chúa, ngài cho chúng ta thấy ý nghĩa sâu xa của lòng thống hối, mà đầu tiên hết phải là một sự thay đổi tinh thần: thống hối không chỉ là tiếc nuối quá khứ, mà là chuyển hóa cơ bản trong quan niệm, một cách nhìn mới về Thiên Chúa, tha nhân và chính mình. Đó là “một hành động rất thông minh”, như cách diễn đạt của Mục tử thành Hermas (thế kỷ thứ hai), và một hành xử của ký ức cao cả, theo nghĩa của Thánh Âugutinô. Thống hối không phải là ân hận và động lòng thương chính mình, mà là cải biến và tái tập trung vào cuộc sống. Thống hối không phải là nản lòng hay giận ghét chính mình, mà là khẳng định “cái tôi” thực sự của mình được tác thành theo hình ảnh Thiên Chúa. Dưới cái nhìn này, thống hối là một thần khải, một đoạn đi từ tăm tối tìm về ánh sáng. Các Giáo phụ dạy chúng ta cần phải liên lỉ thống hối. Tự hối không phải là nhìn xuống, nhưng là ngước lên cao, hướng về tình yêu của Thiên Chúa; không phải là nhìn lại phía sau với những trách móc, nhưng hướng về phía trước, với tự tin; không phải nhìn những gì chúng ta đã thất bại, nhưng những gì chúng ta vẫn có thể trở thành nhờ ân sủng của Chúa Kitô. Theo nghĩa tích cực này, thống hối là một thái độ thường xuyên. Người càng ăn năn và hạ mình trước mặt Chúa, thì lòng càng rộng mở để có chỗ cho Chúa Thánh Thần, nguồn gốc của mọi niềm vui (xem Ga 5, 22).
Chúc tụng, ca hát, cảm tạ
Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi, chớ quên đi các ân huệ của Người! (Tv 102, 2)
Cũng cần nhắc lại lợi ích tinh thần của người ca hát. Tiếng hát của họ là biểu hiện của tâm hồn rộng mở. Không gì ngăn cản được lòng người đang ca hát. Vào đêm Giáng Sinh năm 1914, ngay trong u buồn và tuyệt vọng của chiến tranh, giữa các chiến hào, một sự kiện đáng nhớ mãi làm thay đổi vận mệnh của bốn nhân vật: một mục sư người Tô Cách Lan, một trung úy Pháp, một nam ca sĩ Đức và một nữ ca sĩ Đan Mạch, họ đã bắt gặp một tình huynh đệ chưa từng có giữa những người lính Đức, lính Pháp và lính Anh. Họ để vũ khí lại trong chiến hào để gặp người trước mặt, bắt tay, trao đổi cho nhau điều thuốc lá, bánh kẹo và những lời chúc. Câu chuyện thật này được kể lại trong bộ phim Mừng Giáng Sinh cho chúng ta thấy ca sĩ người Đức tối hôm đó đã thực sự hát cho các người lính Pháp. Nhà đạo diễn giải thích rằng 90% trường hợp tình huynh đệ được hình thành do mọi người ca hát, lắng nghe, hưởng ứng, vỗ tay. Văn hóa, ca khúc dân gian và âm nhạc đã làm câm lặng các họng súng và những tiếng rên than tuyệt vọng.
Nhiều cuốn sách về lòng biết ơn được xuất bản và những cuốn sách này đem lại cho chúng ta phương thuốc thực sự để điều trị u buồn. Thật vậy, lòng biết ơn làm dịu nỗi buồn. Nói lời cảm ơn mang lại lợi ích cho cả người nói lẫn người nghe.
Điều quan trọng là thể hiện lòng biết ơn của chúng ta với tất cả những người đã làm điều tốt cho mình, nó mở rộng lòng và cho phép chúng ta tìm thấy tương quan và thông hiệp tích cực với chính mình và với những người khác. Lòng biết ơn kích thích ký ức vui tươi và ngăn chặn các ảnh hưởng của buồn nản. Những điều xác thực trong lĩnh vực tinh thần được minh chứng trong lãnh vực khoa học. Nói lời cám ơn ngăn chặn những lời trách móc, phàn nàn, bất mãn và xua tan những hối tiếc, lo toan và những dịp buồn.
Và cuối cùng là chúc tụng. Chúc tụng dẫn chúng ta vào uy lực của phúc lành có thể chuyển đổi, rộng mở và làm cho chúng ta được khai sáng. Thật vậy, chúc tụng Thiên Chúa cho mọi cử chỉ, sự kiện, bữa ăn hay gặp gỡ là cách nào đó mời Ngài trở thành trung tâm của các hoàn cảnh này. Chúc tụng Chúa, Ngài không để chúng ta ở trọng tâm, Ngài để chúng ta vào đúng vị trí của mình, trong sự liên đới với tha nhân và với Chúa. Chúc tụng đưa chúng ta vàosự hợp lý của ân sủng, của ân huệ nhưng không và niềm vui.
Vun bồi ký ức mừng vui
Con hoài nhớ, và hồn con tràn ứ… niềm vui (Tv 45,5).
Niềm vui làm cho chúng ta đứng thẳng giữa cuộc đời và giữa đêm tối trong tiếng hoan ca. Niềm vui đẩy lùi và xua tan hờn ghét. Tất cả trẻ con đều vui vẻ. Chúng không biết tại sao chúng vui. Bản chất của chúng là vậy. Chúng vui vẻ vì chúng đang sống, đơn giản chỉ thế. Bước đầu tiên là hành động theo cảm giác vui vẻ bẩm sinh, vì đó là điều mà không ai có thể nói mà không có kinh nghiệm, chúng ta tìm thấy nó trong ký ức và nhận ra nó, như Thánh Âugutinô đã viết. Ký ức mừng vui là vì tương lai, để sống ngày mai, để yêu thương và phục vụ nhiệt thành hơn. Nó đem lại cho chúng ta một hoài niệm rực rỡ, sửa đổi thế giới trong chúng ta, chăm sóc Chúa trong chúng ta và chung quanh chúng ta. Niềm vui làm giãn nở nhịp thở; trái lại, giận dữ, sợ hãi và buồn bã làm nhịp thở co thắt lại.
Trau dồi tâm hồn hân hoan bởi Chúa Thánh Thần
Xin cho niềm vui đọng lại…
Chúng ta được tạo dựng cho niềm vui và, khi lòng chúng ta tràn đầy niềm vui thì có nghĩa là chúng ta đang có mặt, tôi thật sự là tôi: một hữu thể mừng vui được tạo thành cho niềm vui và từ niềm vui. Trở về lại với lòng mình, chúng ta tìm được và khám phá nguồn mạch của niềm vui: Chính Thiên Chúa là Đấng làm việc không ngưng nghỉ, người luôn hiện diện để tác tạo và tái tạo chúng ta. Vì chính bàn tay rất dịu dàng và đầy thương xót của Ngài đã an định lòng chúng ta nếu chúng ta quay lại với Ngài và để Ngài dìu dẫn. Như Thánh Gioan, chúng ta hãy tựa đầu và nghỉ ngơi trên ngực Chúa, và kín múc nguồn ẩn lộc sâu kín nhất trong tận trái tim Người. Trái tim của Chúa Kitô là nguồn mà chúng ta luôn được mời đến để thỏa cơn khát, để được uống và say sưa niềm vui của Người.
Nhưng lời mời không ngưng nghỉ vang dội tận sâu lòng này chỉ hiện thực nếu chúng ta sẵn lòng, khiêm cung và đón nhận. Chúa Thánh Thần sẽ hoạt động trong chúng ta như một nội lực hầu cư ngụ trong lòng chúng ta. Chỉ có Sức Mạnh và Ánh Sáng của Thần Khí mới thôi thúc chúng ta vào nhà hay nhập nội thất, vì Chúa Thánh Thần hành động từ bên trong, khởi sự từ nội tâm con người, và hành động của Ngài là tình yêu, phục vụ, triển nở, an bình và niềm vui. Trong tác phẩm Lời Thú Tội của mình, Thánh Âugutinô vạch cho chúng ta con đường: “Thánh Thần là ‘sức mạnh’ dẫn trái tim con người đến chốn an nghỉ và niềm vui.” Người sống trong niềm vui là sống trong Thiên Chúa. Chính trong niềm vui mà chúng ta tái khám phá chính mình và nhận chân được Thiên Chúa cho chúng ta, trong chúng ta và cho kẻ khác. Có thể nói, chúng ta được cấu thành bởi niềm vui và từ niềm vui. Chúng ta là duy nhất, là những người được mong chờ để sáng tạo niềm vui chung quanh chúng ta hàng ngày. Nó đem lại cho người khác lòng yêu mến niềm vui. Nó làm cho chúng ta hiện diện ở thế gian này và nảy sinh điều tốt nhất của bản thân chúng ta. Chúng ta hiểu vì sao Tân Ước kết hiệp chặt chẽ với niềm vui, thuốc giải độc chính cho nỗi buồn và khả năng sống khoảnh khắc hiện tại theo đúng cách: niềm vui kết hợp thời gian của con người hôm nay với thời gian của Chúa. Một cách nào đó, ai nói đến niềm vui là nói đến Thiên Chúa. Nếu Thiên Chúa là Tình yêu, thì Ngài cũng là Niềm vui, nếu chúng ta tin tưởng nơi Ngài, chúng ta được sống bởi Tình Yêu và Niềm Vui của Ngài. Tìm lại niềm vui, vun xới và học biết niềm vui, tận đích là đi vào “thói quen của Chúa”, trong cách của Ngài ở với chúng ta.
Như đối với người bại liệt, xin hãy chữa thân con bệnh tật, để con chúc tụng Thánh Danh Ngài!
Lê Quang Phúc dịch
Xin đọc: Dẫn nhập sách Bảy căn bệnh thiêng liêng
Từ kiêu ngạo đến khiêm nhường. Từ thông minh đến kênh kiệu
Dâm dục: đồi trụy? Khoái lạc và phủ nhận người khác?
Sự giận dữ “thánh”, “lạnh” hoặc “đỏ”
Trích sách Bảy căn bệnh thiêng liêng, Sơ Catherine Aubin. Nhà xuất bản: Salvator – Novalis, 2019