Sự giận dữ “thánh”, “lạnh” hoặc “đỏ”
Trích sách Bảy căn bệnh thiêng liêng, Sơ Catherine Aubin. Nhà xuất bản: Salvator – Novalis, 2019
Như Thánh Phêrô, xin hãy kéo con ra khỏi cơn sóng dữ!
Sự giận dữ “thánh”, “lạnh” hoặc “đỏ”
Giận dữ giải thoát sức mạnh của Tình Yêu…
1. Cơn giận lành mạnh và thánh thiện
Cơn giận của các thánh hay “cơn giận đức hạnh” chống tội ác
Sự giận dữ của các thánh mà chúng ta có thể dễ tiếp cận nhất là sự giận dữ của Chúa, nó làm sáng tỏ chủ đề mà các tiên tri cố gắng chuyển tải trong Thánh Kinh. Chúng ta nhớ nhiều năm trước tại Sicile, Thánh giáo hoàng Gioan-Phaolô II đã giận dữ trước hàng ngàn giáo dân và trước ống kính truyền hình: ngài chỉ tay, ngài tố giác, ngài lên án, ngài cực lực công kích những kẻ giết người vì tiền bạc và những kẻ tổ chức băng nhóm tội phạm. Cơn giận kịch liệt, mạnh mẽ, gay gắt, cơn giận của tình yêu trước bất công, tội ác và cái xấu. Cơn giận chính đáng của con người ngay thật khi đối diện với bất công. Cơn giận của tình yêu được sinh ra trong rên xiết, trong đau đớn, như tiếng rên đau của người mẹ khi sinh con. Và đây là một trong các bài thơ của Đức Karol Wojtyla:
Giận dữ càng lớn
Tình yêu bùng lên càng cao thẳm.
Giận với chính mình
Giận cho người
Giận cho cả nhân gian.
Cơn giận giải thoát cho sức mạnh của Tình yêu,
Cơn giận tố cáo sự Nguội lạnh
Xua tan sự Dè dặt
Vượt lên sự Thận trọng
Khước từ sự Tự mãn.
Tình yêu nuôi dưỡng Cơn giận
Cơn giận của Chúa: vì tình bạn muôn đời với chúng ta
Lúc lửa giận bừng bừng… (Is 54, 8)
Kinh Thánh thường nói về cơn giận của Chúa hơn là nói về cơn giận của con người: af, “sự giận dữ trong tiếng Do thái” được dùng 170 lần cho Thiên Chúa, và chỉ 40 lần cho con người. Câu hỏi đặt ra là: Ai đã làm cho Thiên Chúa nổi giận? Các nhà chú giải giải thích Chúa giận dữ khi con người không còn gần gũi với Ngài mà quay mặt đi nơi khác, sa vào lầm lạc và “tội lỗi”. Cơn giận của Thiên Chúa bùng ra, bởi vì Ngài muốn nhìn thấy tận mặt con người, Ngài đòi các cộng-sự-của Ngài phải ngẩng cao đầu. Chẳng hạn, như trong sách tiên tri Isaia:
“Lúc lửa giận bừng bừng, Ta đã một thời ngoảnh mặt chẳng nhìn ngươi,nhưng vì tình nghĩa ngàn đời, Ta lại chạnh lòng thương xót, Đức Chúa, Đấng cứu chuộc ngươi, phán như vậy. Ta cũng sẽ làm như thời Nô-ê: lúc đó, Ta đã thề rằnghồng thủy sẽ không tràn ngập mặt đất nữa, cũng vậy, nay Ta thề sẽ không còn nổi giận và hăm doạ ngươi đâu. (Is 54, 8-9)
Nếu Thiên Chúa hay nỗi giận hơn con người, là do tình bạn vô tận của Ngài dành cho con người.
“Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của Đền Thờ và Người lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi Đền Thờ” (Ga 2,15)
Kinh thánh có đầy cơn thịnh nộ của Chúa vì quả ác tàn khốc mà sự dữ mang lại. Trong Đền Thờ, Đức Kitô cũng đã hành xử y như thế:
“Gần đến lễ Vượt Qua của người Do thái, Đức Giêsu lên thành Giêrusalem. Người thấy trong Đền Thờ có những kẻ bán chiên, bò, bồ câu, và những người đang ngồi đổi tiền. Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi Đền Thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ. Người nói với những kẻ bán bồ câu: ‘Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán.’” (Ga 2,13-16).
Thái độ của Đức Kitô đã được trù liệu và Ngài hành xử rất kiên cường: Ngài xua đuổi cả người lẫn súc vật, Người lật nhào những sạp bày hàng và lên tiếng mắng la. Tuy vậy, Đức Giêsu vẫn không mất tự chủ, Ngài tuyên bố dứt khoát những lời mà sau này các môn đệ của Ngài sẽ dần hiểu được (Ga 2, 22).
Thánh Máccô tường thuật (Mc 3, 5) sự bực tức của Chúa Giêsu trong ngày sa-bát khi Ngài “giận dữ đảo mắt nhìn” những ai đang ở đó. Chúng ta thường quên rằng Đức Giêsu không nóng nảy cũng không cuồng hoảng, nhưng Ngài hay nổi giận. Ngài thường nói với chúng ta về lý do cơn giận thánh của Ngài, lành mạnh và đúng mực: nổi giận trước thái độ xem thường tha nhân, bất kính với Chúa và nổi giận trước bất công. Thế nhưng, không phải Thiên Chúa cũng như chẳng phải con người là đối tượng mà chúng ta có thể sử dụng tùy nghi cho những cơn giận dữ của mình. Cơn giận của Đức Giêsu vạch ra giới hạn và lằn ranh đỏ không bao giờ có thể được vượt qua.
Thiên Chúa của chúng ta đòi hỏi một sự hiện diện trong một cuộc gặp gỡ riêng tư, diện đối diện với Ngài ở một không gian hay một điểm hẹn khác hơn, không phải tại phiên chợ. Ơn cứu độ và sự nên thánh của con người là ưu tiên hàng đầu của Đức Giêsu: không định lệ hay luật tắc nào có thể ngăn trở con người trở nên hoàn hảo. Sự giận dữ của Đức Giêsu là mô hình và gương mẫu để chúng ta noi theo, thế nhưng chúng ta thường quên điều này. Sự giận dữ của Đức Kitô tái lập phẩm giá của con người trước Thiên Chúa, nó vượt thoát giao ước, giáo điều, các phương thức để chỉ cho chúng ta đâu là điều chủ yếu. Chúng ta không nên bối rối trước cơn giận của Đức Giêsu, những cơn giận này chỉ cho chúng ta con đường của sự sống để chúng ta có thể tìm lại và hướng đến năng lực cực mạnh này, để nó không nhận chìm chúng ta nếu chúng ta không định hướng chúng một cách đúng đắn.
Ca-in, người anh của chúng ta
Ca-in xông vào A-ben, em mình (St 4,8)
Trình thuật Thánh kinh đầu tiên về sự giận dữ được diễn tả trong bối cảnh tình nghĩa anh em và tương quan với Thiên Chúa. Trình thuật này là của chúng ta, bởi vì nó nói lên những gì đang ẩn giấu một cách đáng xấu hổ trong tận hố thẳm tấm lòng mình. Ca-in bộc tỏ cho chúng ta thấy nhu cầu được yêu thương vô điều kiện, và đau khổ phát sinh khi nghĩ rằng mình không phải là người được yêu thích nhất, được mong muốn nhất. Và mỗi người chúng ta đều ẩn giấu mong muốn sâu xa được là người yêu thích của ai đó, dưới cái nhìn này thì Ca-in thực sự là người anh của chúng ta.
Chúng ta thử đối chiếu trình thuật này với những gì thân thiết nhất của lòng mình: Ca-in là con cả “được sinh ra nhờ Đức Chúa” (c.1). Mẹ Ca-in xem con trai của mình tựa thần thánh. A-ben kế tục anh mình: “Và bà lại sinh A-ben, em của ông” (c.2). Một cái tên đầy ý nghĩa: habel có nghĩa là “sương khói”. Một người thì cày cấy, người kia thì chăn chiên. Họ nhận thức được rằng giữa hai người một ơn gọi kép được Thiên Chúa đặt định cho nhân loại tự thuở tác thành trời đất: bá chủ muông thú (St 1, 28) và canh tác đất đai (St 2, 5-15). Họ bổ túc cho nhau và có thể thay đổi nhau. Khi họ dâng lên Chúa hoa quả do tay mình làm ra, của lễ của A-ben được chấp nhận, còn lễ vật của Ca-in thì không được đoái hoài. Sao lại như thế? Phải chăng Đức Chúa thiên vị ư? Lẽ ra Ca-in phải được phần hơn vì anh là con cả. Có phải Đức Chúa bất công? Các chất vấn của Ca-in cũng là các chất vấn của chúng ta.
Tóm lại, đôi lúc chúng ta xem tha nhân như đối thủ, như người chúng ta luôn phải cạnh tranh. Thường thì người khác đánh thức trong chúng ta sự ghen tị hay sân hận do tình cảnh, do các ơn, do đặc quyền, tài năng, do nhan sắc… của họ. Trước tình huống này, phản ứng của Ca-in rất con người, bởi lẽ lòng ghen tị, với những phản kháng phát sinh từ đó là một cảm tính của con người, một động thái tự phát của con tim. Nhưng trình thuật này mời gọi và chất vấn chúng ta; Đức Chúa phán với Ca-in:
“Tại sao ngươi giận dữ? Tại sao ngươi sa sầm nét mặt? Nếu ngươi hành động tốt, có phải là ngươi sẽ ngẩng mặt lên không? Nếu ngươi hành động không tốt, thì tội lỗi đang nằm phục ở cửa, nó thèm muốn ngươi; nhưng ngươi phải chế ngự nó!” (St 4, 6-7)
Những răn dạy tuyệt vời từ Thiên Chúa của chúng ta: trong sự trân quý vô hạn đối với con người, Người gõ cửa nhà chúng ta, Ngài cho chúng ta biết được Ngài đang đứng đó và chờ chúng ta đáp trả. Đây cũng là cách Ngài thách thức Ca-in để anh nói cho Ngài lý do nào làm anh phẩn nộ, Ngài không kiềm duyệt cách biểu đạt của anh, trái lại Ngài khuyến khích anh nói lên, vì cơn giận kìm nén trong lòng sẽ làm lệch lạc tương quan với chính mình, với tha nhân và với Thiên Chúa. Vì thế Đức
Chúa nói cùng Ca-in, khẩn cầu (thiếu điều quỳ gối xuống) anh nói một lời và khi làm như vậy, Ngài cũng nói với chúng ta, với các hiềm tị của chúng ta, không phán xét cũng không lên án. Thêm vào đó Ngài đưa ra cho chúng ta phương cách để thoát khỏi các tị hiềm này: “Nếu ngươi hành động tốt.” Lời này cũng có thể được lý giải: “Đừng khép lòng lại, đừng chỉ biết tức giận, hãy hành động, hành động hướng tới, hành động khác đi, hãy mở lòng ra và thoát khỏi tâm thái đó.” Cái “hành động đúng này” Chúa không định nghĩa giùm chúng ta, Đấng luôn để chúng ta tự do khám phá phương cách để tự giải thoát mình. Trong khi đó Ngài cảnh báo thêm: để hành động đúng, Ca-in phải làm chủ, phải chế ngự cái đà này, chế ngự con thú đang chực chờ để hủy diệt này, vì anh “có thể chế ngự nó”, có nghĩa là tất cả chúng ta đều có thể định danh và lèo lái những bạo lực bốc đồng của mình không để cho nó chi phối chúng ta.
Ca-in, anh của chúng ta về mặt con người, đầy ghen tị và đố kị; anh cảm thấy bất hạnh vì A-ben được toại nguyện, được chấp nhận và hạnh phúc. Ca-in đau khổ vì những điều tốt đẹp mà em trai mình nhận được. Hạnh phúc của em mình là điều không chịu đựng nổi khiến anh phải giết em. Anh thích chết chóc hơn là chia sẻ, anh thích tự hủy trong việc sát hại em mình. Kết quả là, từ nay Ca-in không còn là mình, chẳng biết mình là ai, cũng chẳng biết tương lai sẽ thế nào, anh đã loại bỏ đi người có thể giúp anh nhận biết mình trong mê muội và lầm lạc. Anh chọn con đường chết, giống như tất cả chúng ta khi chúng ta loại bỏ kẻ khác bằng sự thờ ơ, khinh miệt, loại trừ, từ khước hay bằng những ngôn từ giết chóc. Cái chết của kẻ khác, trong mọi hình thái, cũng là cái chết của chúng ta, bởi vì qua tha nhân chúng ta thấy được chính mình. Tha nhân là một cơ hội, vì sự khác biệt của họ khai mở một không gian và phong phú hóa cuộc sống này.
Mácta, người chị của chúng ta
Mácta… tiến lại và nói: “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao?” (Lc 10, 40)
Sau Ca-in là một phụ nữ, Mácta, tiến tới trước mặt Đức Giêsu. Mácta cũng dạy chúng ta về chiều sâu của mình. Mácta đầy tràn lòng quảng đại và tinh thần phục vụ. Chắc chắn từ vài ngày này, Mácta lo nhiều thứ để chuẩn bị cho cuộc viếng thăm của Đức Giêsu, Mácta năng nổ và hăng say để không sơ sót gì. Nhiều phụ nữ, nhiều bà mẹ trong gia đình hay các nữ tu tận tụy đều nhận ra hình ảnh của mình nơi Mácta.
Trong khi thầy trò đi đường, Đức Giêsu vào làng kia. Có một người phụ nữ tên là Mácta đón Ngài vào nhà. Cô có người em gái tên là Maria. Cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy. Còn cô Mácta thì tất bật lo việc phục vụ. Cô tiến lại mà nói: ‘Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay!’ Chúa đáp: ‘Mácta! Mácta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.” (Lc 10, 38-42).
Thử tìm hiểu “Mácta trong lòng” của chúng ta qua hình ảnh Mácta, chị của Maria. Mácta thấy em gái mình có vẻ thư thái, điều này làm cô bất mãn. Maria chỉ ngồi đó, chăm chỉ lắng nghe; cuộc sống trông quá nhàn nhã. Dĩ nhiên Mácta mong Maria không thể cứ an nhàn mãi như thế, ít ra cô phải chia sẻ lo toan với mình. Mácta bực bội và nói lên sự bực bội này. Cô dám nói với Chúa Giêsu, cô dám phàn nàn với Ngài. “Tôi cảm thấy chỉ có mình tôi làm việc, không ai để ý tới, hãy xem kìa! Tôi làm việc vì cái gì? Tại sao lại là tôi mà không phải ai khác? Còn Maria kia chẳng làm gì hết!” Mácta đặt mình vào vị thế nào khi cô thốt lên như vậy? Cô đang nhìn ai? Cô đang tập trung vào cái gì? Ca-in không trông thấy em mình nữa, anh chỉ thấy nỗi khốn khổ khi nghĩ mình không tồn tại trong mắt Thiên Chúa. Hệt như thế, Mácta chỉ thấy nơi em mình một phụ nữ chẳng làm những gì cô mong muốn. Ca-in giống như Mácta có vấn đề về “con mắt”. Cả hai đều nhìn thực tại qua lăng kính khốn khổ của mình. Không ai phân định được điều gì đang xảy ra trong tương quan giữa: người này với Thiên Chúa, người kia với Đức Giêsu. Họ bị trục xuất khỏi trái tim của họ, nơi ở của Chúa Thánh Thần. Họ bị cám dỗ, và cái nhìn của họ trở thành sai lệch. Đức Giêsu lắng nghe Mácta phàn nàn, Ngài không lên án cũng không phán xét. Ngài lắng nghe cơn giận của cô và đáp lại cô bằng cách để cô chọn lựa khám phá điều “cần thiết duy nhất” này. Ca-in được mời gọi để nói về hành động chống lại em mình, và anh đã không thực hiện điều đó. Mácta tự phát nói ra sự tức giận, cảm giác bất công của mình, cô được lắng nghe mà không bị phán xét hay lên án.
Phẫn nộ để sống
Nước Trời phải đương đầu với sức mạnh (Mt 11, 12)
Trước những tình huống cực kỳ hủy hoại, sự giận dữ có thể tác động như một chức năng chống trầm uất. Chẳng hạn, đó là trường hợp của những người bị các giáo sĩ (linh mục hoặc giám mục) tấn công tình dục. Họ phải gánh chịu một hành vi bạo lực nghiêm trọng được gia cố bởi chức năng thể chế của kẻ tấn công, mà những người này lẽ ra phải là người đáng tín nhiệm và tin cậy. Tương tự như thế, cũng có các phụ nữ và nữ tu, ngay trong bí tích hòa giải – chỗ của minh bạch và chân lý – đã bị các linh mục tấn công tình dục. Những phụ nữ này không bao giờ được thấy bất cứ trừng phạt nào cho những gì mà họ miễn cưỡng chịu đựng với các giáo sĩ, những người hành động với nhận thức rằng không gì có thể xảy đến với họ. Nếu những phụ nữ này không muốn rơi vào trầm uất, họ có nhiệm vụ phản ứng: họ phải lên tiếng và chiến đấu để duy trì mạch sống trong họ. Hành vi chiến đấu của họ sẽ nên động lực duy trì sức sống để họ không bị sa vào bất động và khép kín vào nỗi buồn tủi làm mọi thứ đông cứng, để tất cả phải “dừng lại”, để không bị vô cảm, để không còn khổ não. Họ sẽ phải trả giá, và bằng vào sự giận dữ chính đáng họ có thể tống khứ khỏi lòng mình những sân hận như cảm giác phẫn nộ, những toan tính và lòng hận thù. Dám đẩy lùi những kẻ bóc lột mình là một trách vụ của cuộc sống. Và để làm được như vậy chúng ta phải biết sử dụng một hình thái bạo lực mà Đức Kitô đã dạy: “Nước Trời phải đương đầu với sức mạnh, ai mạnh sức thì chiếm được” (Mt 11, 12).
Triết gia René Girard phân tích trên mô thức cộng đồng cách thức mà sự đàn áp bằng bạo lực dẫn đến việc sinh ra các vật tế thần: “Đằng sau những nghi thức tế thần, không chỉ là mê tín, khuynh hướng chung của con người là trút bạo lực ẩn ức trong mình lên một vật thay thế, một nạn nhân thế thân […] Mọi nơi, mọi lúc, khi con người không thể hoặc không dám giận đối tượng làm họ phẩn nộ, trong vô thức, họ đi tìm người thay thế và thường họ tìm được.” Triết gia Girard lưu ý, chúng ta tìm thường tìm thấy trong các câu chuyện huyền thoại những gì xảy ra hang ngày: chúng ta “chọn” người khó coi, người xa lạ, kẻ yếu đuối, nhưng chúng ta cũng chọn những người đẹp cách khác thường, không có khuyết điểm, người giàu có, có nghĩa là những người có các phẩm chất cực đoan thường trở thành là các cột thu lôi tập thể của một cơn giận giấu kín từ lâu, thường thấy trong thần thoại thế giới. Trút giận lên một hay nhiều người vô tội chẳng giải quyết được gì. (Xem René Girad, Celui par qui le scandale arrive, Paris, nxb. DDB, 2001)
2. Giận dữ và những biểu hiện của giận dữ dưới mọi sắc màu
Giận dữ đỏ hay giận dữ đen
Các Giáo Phụ dùng chữ này để mô tả tất cả các hình thức gây hấn, ngoại vi hay nội tại, hiển lộ hay tiềm ẩn, thô thiển hay tinh tế. Nhưng tựu trung, chúng đều có chung một đặc trưng là dùng người khác làm đối tượng. Và vì vậy có giận dữ tầm thường, bình thường mà tất cả chúng ta đều có, nam cũng như nữ, đan sĩ, linh mục, tu sinh, người độc thân hay người có gia đình. Sự phẫn nộ cuồng nhiệt và hung bạo này làm chúng ta không còn là mình, nó làm chúng ta mất mặt và biến dạng; mặt chúng ta đỏ bừng lên hoặc điên cuồng giận dữ. Nó khuất phục chúng ta và vây khốn chúng ta. Kiểu nói quen thuộc mà chúng ta thường nghe thật không sai: “Nó xả xú báp.” Giận dữ điên cuồng này làm chúng ta lệch lạc lý trí và “không còn nối mạch” với thế giới bên ngoài. Nó cắt đứt suy nghĩ: “Người nóng tính làm những điều dại dột” (Cn 14, 17). Dưới ảnh hưởng của bản năng, cơn giận dữ như vậy đẩy suy tư về sự hiện diện của Thiên Chúa ra ngoài. Sự quá lố này có thể đem lại ‘lạc thú’ nhưng cũng vô cùng đau khổ. Nguy cơ lớn của cơn thịnh nộ này là đem chúng ta đến nơi chúng ta không muốn đến.
Điều gì xảy ra làm chúng ta rơi vào trạng thái này? Thường thì không có nguyên do gì đặc biệt. Nguồn gốc của động thái tai hại này có thể tìm được ở đâu? Không đâu khác ngoài chính mình. Chúng ta lấy ví dụ hai người cùng đối diện trước một tình huống giống nhau, ở bãi đậu xe, ai cũng muốn dành chỗ của mình. Một người sẽ bình thản bỏ đi không nói gì, người kia sẽ thoá mạ người lái xe, thậm chí còn muốn gây hấn. Các Giáo phụ quả quyết cội nguồn của giận dữ không bao giờ nằm ở các yếu tố bên ngoài, nó ở bên trong con người nhưng lại dùng người khác hay vật khác làm đối tượng. Do đó, nguồn gốc giận dữ phải tìm trong tâm hồn chúng ta, trong chính những thái trạng thất vọng, mong đợi hoặc đau khổ tận sâu trong lòng chúng ta. Chúng ta chịu trách nhiệm cho sự tức giận đỏ này, và không có gì có thể biện minh cho nó.
Giận dữ trắng hay lạnh
Sự tức giận hủy hoại nhất có lẽ là sự tức giận lạnh. Cơn giận được nuôi dưỡng, được giữ mãi trong lòng, sự giận dữ của báo thù, của ác tâm. Nó dường như vô hình, chúng ta không trông thấy, nhưng chúng ta nghe được nó: nó lộ diện qua những lời mỉa mai, châm biếm, đối nghịch, gièm pha, vu khống, hiềm khích hoặc ghen tuông. Hãy nhìn một gia đình họp nhau để phân chia gia tài cha mẹ vừa qua đời để lại. Chúng ta hẳn còn nhớ những lời đã thốt ra trong dịp này. Nguồn gốc của sự tức giận trắng hoặc lạnh này không bao giờ tìm thấy nơi người khác, nhưng ở chính chúng ta, trong tâm thái lệch lạc cảm thấy thèm muốn cái người khác có hoặc cái người khác là, trong chính cõi lòng phức tạp, bệnh tật và đau khổ của chúng ta.
Do đó, bên cạnh cái mà chúng ta quen gọi là “giận dữ” và các biểu hiện bên ngoài thấy rõ nhất và hung bạo nhất, các Giáo phụ phân biệt chủ yếu sự oán hận – “giận dữ được dung dưỡng”, tồn tại ở dạng nội tâm và tiềm ẩn hơn. Sự giận dữ này dựa trên ký ức về một hành vi bị xúc phạm, một sự sỉ nhục hoặc những bất công phải chịu – sự hiềm thù, ghen ghét, và tất cả các hình thức khác như oán hận, thù nghịch, ác cảm, chống đối, ngắn gọn là dã tâm. Lời nói đùa hàm ý xấu, nỗi cay đắng, các hình thức cáu giận ít nhiều về các biểu hiện của sự thiếu kiên nhẫn cũng được liệt vào trong nhóm này. Nó cũng gồm những phẫn nộ về nhạo báng, chế giễu và mỉa mai. Có thể liệt kê trong danh sách này các cảm xúc dù không lộ rõ nhưng ít nhiều nham hiểm, như lộ mặt vui, dù chỉ thoáng qua về sự kém may mắn hoặc thất vọng mà người khác phải chịu; hoặc không đau với nỗi đau của người khác, không vui với niềm vui của người khác. Ngược lại các cảm giác này thường rất tinh tế, rất sâu kín và không nhìn thấy, dù nó tác động đến các hình thức bạo lực cực đoan, như các dạng ganh đua, ẩu đả, xâm lăng, đấu chọi, tội ác hoặc chiến tranh, cũng có thể xuất phát từ sự tức giận theo nghĩa rộng nhất như quan niệm của truyền thống khổ hạnh. Vì thế chúng ta thấy đây là một phạm vi rất rộng các trạng thái và các phản ứng của con người.
Thử tìm căn nguyên của sự phẫn nộ
Thật khó xác định tất cả các nguyên nhân của sự tức giận bởi lẽ chúng nhiều vô kể. Vì thế, theo giáo huấn của các Giáo Phụ, chúng tôi sẽ chỉ lược kê một vài nguyên nhân thiết yếu. Một trong các nguồn căn của sự tức giận nằm ở chỗ chúng ta không thể thụ đắc hoặc dự phần vào lạc thú vừa tìm được và hãi sợ trước nguy cơ chúng sẽ bị đoạt mất. Sự gắn bó quá mức vào các ham muốn này là một trong căn nguyên của sự tức giận nơi chúng ta. Nguyên do này được thấy trong thư của Thánh Giacôbê Tông Đồ: “Bởi đâu có chiến tranh, bởi đâu có xung đột giữa anh em?Chẳng phải là bởi chính những khoái lạc của anh em đang gây chiến trong con người anh em đó sao?” (Gc 4, 1) Sự gắn kết này mang nhiều hình thức. Có thể do mê ăn uống: chúng ta hình dung hoàn cảnh của những người bị bỏ đói vài ngày và thái độ của họ khi thức ăn được mang đến; không chắc gì họ giữ được bình thản để chia nhau. Sự gắn bó của chúng ta có thể nhằm vào các vật dụng, các của cải giàu có, các lãnh thổ – nguồn gốc của các cuộc xung đột và chiến tranh trên thế giới – hoặc gắn liền với một hình ảnh méo mó của chính chúng ta – cứ xem phản ứng của chúng ta khi bị chỉ trích.
Thật vậy, khi chúng ta cảm thấy mất uy tín, bị đánh giá thấp so với hình ảnh tốt mà chúng ta có về mình, chúng ta đùng đùng nổi giận. Biểu hiện này cho thấy thực chất của chúng ta. Chúng ta có khuynh hướng coi mình như toàn năng, đánh giá cao hoặc thấp chính mình, tự cho mình tốt hay xấu. Vì thế, do thù hằn hay do muốn tự biện minh, chúng ta muốn khôi phục lại trước mặt kẻ xúc phạm mình cũng như trước mặt chính mình một hình ảnh nào đó. Điều cần phải làm là vừa phân biệt được cơn giận bên ngoài cũng như phản ứng tự vệ và nỗi đau thầm kín của chúng ta.
Những hệ quả của giận dữ trong tương quan với Chúa
Về mặt thiêng liêng, giận dữ với các tác động khó lường của nó sẽ ngăn không cho chúng ta có khả năng lập luận và phân định. Chúng ta sẽ không còn nhận ra cái gì là đúng cũng như thích ứng với các tác động của Chúa Thánh Thần, vì Ngài như tắt lịm trong chúng ta. Sự minh mẫn tinh thần bị che khuất trong các lựa chọn và tự do của nó, chúng ta sẽ không còn nhìn thấy sự việc một cách khách quan, nhưng qua lăng kính của cay độc và ác ý. Quyết định của chúng ta dường như được quyết định trong trạng thái này. Là tù nhân của sự hung hăng tiêu cực này, chúng ta không còn định lượng được những gì đang xảy ra. Chúng ta không còn nhận thức được thực tại hay người anh em, thay vào đó chúng ta phớt lờ, chối bỏ, loại trừ, hay phóng đại thực tại một cách bất công. Trên chính trường, những lời hoa mỹ của một số chính trị gia khơi dậy lòng căm thù người nước ngoài và người di dân, dẫn đến việc xây dựng các bức tường biên giới hoặc xua đuổi con người.
Các Giáo Phụ vẫn sosánh giận dữ với “con sâu gặm nhấm tinh thần” hay như ngọn lửa nuốt chửng mọi thứ. Cứ duy trì trong lòng sự phẫn nộ, căm giận, oán hận và ganh ghét, con người bị hao mòn và tự hủy. Dưới ảnh hưởng của các trạng thái mê muội này, con người không còn biết đến bình an, mà chỉ thấy mình rơi vào trạng thái đau khổ và lo lắng triền miên. Trên bình diện cơ bản nhất của tương quan, giận dữ chia cắt con người khỏi Thiên Chúa, làm cho con người rơi vào tình trạng đen tối. Nó tước đi sự hiện diện của Chúa Thánh Thần Thần và tạo nên chia cách; nó trở thành chướng ngại cho việc cầu nguyện vì con người trở nên không thể nhận ra sự hiện diện của Chúa Kitô trong lòng mình. Nó là vết cắt của cái chết thiêng liêng, hủy hoại đức ái và thiện ý. Sức mạnh của tâm hồn không còn khả năng nhận diện cuộc chiến tâm linh và vì thế bị tê liệt.
Trước khi trình bày một số cách để chữa lành giận dữ với sự trợ giúp của ơn Chúa, chúng ta hãy xem xét căn bệnh phức tạp này. Tức giận trước bất công là việc tốt; nó phá vỡ sự thờ ơ và khơi động tình yêu trong chúng ta. Sự giận dữ của Chúa Giêsu và của Chúa Cha là khuôn mẫu cho sự giận dữ này vì để cho một tình bạn không cùng. Nhưng có cơn giận chết chóc của Ca-in và cơn giận “trị liệu” của Mácta. Các nhân vật này dạy và nói cho chúng ta về các biến động nội tâm, nó giúp chúng ta thám hiểm sự phân chia của trái tim mình. Nhận ra, dám đặt tên cho sự xấu xa, ham muốn và hiểm ác trong lòng mình là phần việc của chúng ta.
3. Vài hướng đi, thuốc chữa hay nhận thức liên quan đến cơn giận lạnh, trắng hoặc đỏ xấu xa của chúng ta
Vào một ngày sa-bát, con trai của một giáo sĩ do thái đến cầu nguyện trong một nguyện đường khác nguyện đường của cha mình.
Khi về nhà, người cha hỏi, “Này con, con có học được thêm cái gì mới không?”
Người con thưa: “Da thưa cha có chứ!” Người cha hơi bất bình, vì tự hào mình cũng là giáo sĩ, ông nói: “Vậy ở đó họ dạy cho con gì?”
Người con trả lời: “Hãy yêu kẻ thù của mình.” Người cha như mở cờ trong bụng: “Họ cũng giảng dạy như cha thôi. Sao con lại nói con học được điều mới ở đó?”
Người con trả lời: “Họ dạy con phải yêu kẻ thù đang ở trong con, trong khi con cứ miệt mài đánh nhau với nó.”
Nói về giận dữ
Sự giận dữ có quá nhiều nguyên nhân đến nỗi khó xếp hạng một cách giản lược. Đó là lý do vì sao chúng ta không quy định được một nguyên tắc duy nhất. Với mỗi chúng ta, việc quan trọng là nhận biết được nguyên do làm hủy hoại để đừng biến mình thành nô lệ của nó, không làm ngơ để có thể điều khiển nó và không biến nó thành kẻ thù. Sự đột biến này trước hết là do sự cần thiết mình phải tự nói với mình, sau đó tự hỏi lòng: điều gì làm cho mình giận dữ? Nó làm mình giận dữ bằng cách nào? Nói gì với nó bây giờ? Nỗi khổ này là gì? Chuyển hóa hung hăng thành sáng tạo bằng cách sử dụng năng lực hàm chứa trong các xung lực hung hăng vào các mục tiêu xã hội lành mạnh.
Ở vị trí của mình, không ở vị trí của người khác, làm phần mình, trọn phần mình, là những phương thế để chống lại ham muốn và ganh đua. Đó chính là lời Chúa Giêsu giảng dạy cho Mácta lúc cô phàn nàn em mình chỉ ngồi bên chân Chúa (Lc 10, 39), để một mình cô làm việc. “Đừng để lòng ganh ghét anh em” (Lv 19, 17), vì chính tự trong lòng mà những dự tính tồi tệ và những tư tưởng xấu xa khởi xướng (xem Mt 15, 18-19; Mc 2, 21), và chúng là tiền đề cho mọi lời nói hành động của chúng ta. Chính trên tiến trình này mà chúng ta có thể làm chủ được cơn giận và tránh được hệ lụy do nó gây ra. vì thế chúng ta vần liên tục chú tâm để nhổ bỏ sự tức giận từ đááy lòng mình.
Đừng bao giờ cho rằng sự tức giận của chúng ta là không tồn tại. Điều quan trọng là xác định nó, đặt tên và lên tiếng với nó. Đó là công việc mở đầu, đôi khi đau đớn, và là nỗ lực để chúng ta có thể trung thực với chính mình. Nhận chân được hình thức cơn giận trong lòng và tìm ra những gì có thể là một hoặc nhiều nguyên nhân làm cho mình giận dữ. Nói chuyện cởi mở với một người thân biết đón nhận sự hung hăng tiêu cực này mà không phán xét. Đôi khi chỉ đơn giản nói ra sự ghen tuông và sân hận của mình cho một người thân sẽ làm dịu đi các sân si và làm cho mình bình tâm trở lại. Lời của Chúa trong câu chuyện của Ca-in và A-ben cho chúng ta các chỉ dẫn để kềm chế sự giận dữ: lời nói và suy nghĩ để đi đến chọn lựa và hành động tự do.
Dự kiến và thực hiện các hành vi tốt đẹp và quảng đại
Cho đi của cải, cho thời gian, cho cuộc sống, làm từ thiện là biểu hiện gương mặt của đức ái. Điều này tạo thành một trong các phương thuốc giải độc chính cho sự tức giận vì nó nhắm vào tha nhân. Nhắc đến lòng thù hận, Thánh Maxime viết: “Có được đức ái và có thiện tâm với người anh em là loại ra khỏi tâm hồn mình mọi hình thức của dục vọng.” Và ngài khuyên một cách chung hơn: “Chiến thắng lòng thù hận bằng đức ái”. Làm thế nào để đạt được điều này? Bằng cách thực hiện các hành động mà chúng ta không nghĩ mình có thể làm được. Chẳng hạn trao quyển sổ địa chỉ của mình cho các nhà báo trẻ mới bước chân vào nghề!
Ví dụ này là đích thực. Đó là hành động của một nhà báo xuất chúng, do tính nhân văn cũng như do tính nghề nghiệp của ông. Nhà báo này cho các sinh viên thực tập hay các nhà báo mới tập tễnh vào làm trong tờ nhật báo danh tiếng của ông quyển sổ địa chỉ riêng của mình, không dưới một trăm trang có các tên của các nhân vật uy tín. Ông làm việc này khi ông quan sát một trong các đồng nghiệp của mình đã “gần như điên” vì ganh tị, đưa các nhà báo trẻ lên giàn giáo, làm đủ cách để loại họ vì nghĩ rằng họ sẽ hơn mình. Quan sát cách ứng xử này của đồng nghiệp, ông quyết định dùng cách trên để “phản công”, xem như đây là phương thuốc chữa bệnh ganh tị mà cũng có thể tấn công đến ông: đó là chia sẻ sổ địa chỉ của mình. Ví dụ này cho thấy ai cũng phải tìm cách hành động để “dập tắt” lòng oán hận, hung hăng, cay đắng của mình; một hành động được thực hiện theo cách nguyên sơ và độc nhất trong ân sủng của Chúa. Các hành động quảng đại và nhưng không này thực sự tiêu diệt tận gốc các tị hiềm, ghen tương và oán giận của chúng ta, đưa chúng ta vào ánh sáng và niềm vui của Chúa Thánh Thần.
Tôi luyện sự dịu dàng với bản thân, sau đó với tha nhân
Này con, con của Ta (Lc 15, 31)
Các biểu lộ giận dữ khác nhau này cũng là dấu hiệu của đau khổ, giống như nỗi khổ của người con cả trong dụ ngôn Người con hoang đàng:
“Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà. Cha cậu ra ngoài năn nỉ. Nhưng cậu đã trả lời cha mình: ‘Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè. Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng?’” (Lc 15, 28-30)
Ai trong chúng ta, khi đọc dụ ngôn này, lại không cảm nhận và thấu hiểu được sự tức giận của người con cả? Sự tức giận này cũng là sự tức giận của chúng ta. Nỗi khổ của chúng ta cũng là nỗi khổ của người con cả: “Tôi đã làm tất cả, tôi đã chuẩn bị đầy đủ và không ai nói gì với tôi, không ai cám ơn tôi.” Phản ứng của người cha là phương thuốc, là mối quan tâm, là niềm an ủi dịu dàng cho chúng ta: “Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con” (Lc 15, 31).
Một sự dịu dàng chủ động
Hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng (…) và nghỉ ngơi đôi chút (Mc 6, 31).
Sự dịu dàng về mặt thiêng liêng không liên quan gì đến sự thờ ơ hay mềm yếu. Đó không phải là thái độ thụ động, nhưng là chủ động. Sự dịu dàng với mình sẽ giúp chúng ta có trách nhiệm với chính mình trong ơn của Chúa, với chuẩn mực và kiên nghị. Sự dịu dàng này cho chúng ta tiếp cận được với những gì đang áp đảo chúng ta, để nhìn vào nó mà không xấu hổ và nói với Chúa. Trong câu: “Hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng (…) và nghỉ ngơi đôi chút (Mc 6, 31), Chúa Giêsu cho chúng ta thấy sự dịu dàng của Ngài và đó là điều mà chúng ta phải làm cho chính mình: lánh khỏi tức giận, ganh tị, đặt mình vào đúng chỗ bên cạnh Ngài và trút bỏ để nghỉ ngơi trong Ngài. Sự dịu dàng là một hình thức an ủi thiêng liêng đưa chúng ta trở lại đúng đường và về với lòng mình, làm cho chúng ta dám đứng lên bảo vệ người khác, để phục vụ và giúp đỡ họ. Các Giáo phụ còn nói thêm, sự ngọt ngào này làm cho tâm hồn mạnh mẽ, đặc biệt là trước các tấn công của người khác, mang lại niềm tin vào lời cầu nguyện và tạo thành nền tảng cho sự phân định thiêng liêng.
Nói về lòng dịu dàng, các Giáo phụ thường liên tưởng đến lòng kiên nhẫn: “Người chậm giận thì hơn trang hào kiệt, người tự chủ hơn kẻ chiếm được thành trì” (Cn 16, 32). Lòng kiên nhẫn giúp chúng ta bình tĩnh chịu đựng các chuyện xấu gây ra cho chúng ta do hoàn cảnh hoặc do người khác, và đặc biệt, phải bền tâm gánh chịu các chỉ trích, lăng nhục, thóa mạ hoặc những lời lẽ cay độc khác. Nghĩa của chữ “kiên nhẫn (patience)” bắt nguồn từ “đau khổ (patir)” và “chịu đựng (soutenir)”. Thánh Gioan Chrysostom nhận xét “người kiên nhẫn như đang ở bến cảng, nơi anh cảm nhận được bình an thâm diệu: thiệt hại mà bạn gây ra sẽ không thể làm cho tảng đá này xúc cảm, những lăng mạ của bạn sẽ không lay chuyển được tháp đài này”. Lòng kiên nhẫn cho tâm hồn năng lượng để đấu tranh và thực hiện những nỗ lực cần thiết cho sự tiến bộ thiêng liêng, mang lại bình an và ổn định.
Lòng khiêm tốn giải nguy
Để chữa trị sự giận dữ, chúng ta cần phải có lòng khiêm tốn. Thánh Gioan Climaque ghi nhận lòng khiêm tốn dẫn đến việc “xua đuổi khỏi tâm hồn tất cả các xung lực của cơn giận dữ.” Và trong tác phẩm Các Danh Ngôn, Thánh Nữ Dorothée thành Gaza thuật lại lời người xưa: “ Lòng khiêm tốn không chọc giận ai.” Dưới cái nhìn này, thì người thóa mạ vô tình đóng vai bác sĩ tâm hồn, như một nhà hiền triết xưa khác nhấn mạnh đến sự liên kết của liệu pháp này:
Nếu một trong các anh em của con xúc phạm con hoặc làm phiền con cách này cách khác, con hãy cầu nguyện cho họ như các Giáo phụ dạy, với ý nghĩ rằng người bạn đang mang lại cho mình lợi ích tuyệt vời và anh là bác sĩ chữa tình yêu lạc thú có trong lòng mình. Vì thế, nó sẽ làm dịu cơn giận của bạn, đức ái chính là cái phanh để chận sự giận dữ.
Khả năng trị liệu của các thánh vịnh
Đọc cao giọng các thánh vịnh cũng là một trợ lực quý giá để giải trừ giận dữ, vì lời thánh vịnh rọi sáng nguồn cơn tức giận đang sôi sục trong chúng ta. Chẳng hạn:
Ngang lưng đầy lửa bỏng, da thịt con không chỗ nào lành.
Bị suy nhược, nát tan, kiệt sức,
tim thét gào và miệng phải rống lên.
Lạy Chúa, ước vọng của con, Chúa đều thấu tỏ,
chẳng có gì con than thở mà Chúa chẳng thấu tường.
Tim hồi hộp, sức con đã kiệt,
mắt cũng chẳng còn sáng tỏ như xưa (Tv 37, 8-11).
Hoặc một thánh vịnh khác:
Dừng cơn phẩn nộ và chớ mãi nổi xung
đừng nổi giận kẻo sinh ra tội lỗi;
bọn gian ác sẽ bị diệt trừ,
Còn người trông đợi Chúa sẽ được đất làm gia nghiệp.
Ít lâu nữa ác nhân sẽ chẳng còn,
đến chỗ xưa cũng không tìm thấy hắn.
Còn kẻ nghèo hèn được đất hứa làm gia nghiệp
và vui hưởng cảnh an lạc chan hòa (Tv 36, 8-11).
Đọc lớn tiếng các thánh vịnh, dù trong phòng riêng hay bên ngoài, sẽ có tác dụng trị liệu đối với những gì đang làm xung động trong lòng chúng ta, vì thánh vịnh là lời của chính Thiên Chúa và cũng là lời con người hướng về Đấng thấu hiểu sự giận dữ. Đọc lớn tiếng một thánh vịnh để thanh lọc ác tính sẽ thấy được hiệu lực tức thì như Chúa muốn. Thánh Basil nói: “Thánh vịnh mang lại thanh thản cho tâm hồn, mang lại bình an, làm bình lặng các náo động và hoang tưởng. Thánh vịnh làm dịu đi bất cứ điều gì làm tâm hồn kích động và sửa dạy những sai lầm.” (Bài giảng về Thánh vịnh).
Để tha thứ cho chính mình và cho người khác
Tại sao tha thứ cần thiết như thế? Vì thù hận luôn ẩn mình trong lịch sử. Để tha thứ trước tiên mình phải làm một danh sách các chữ dùng để tố cáo và nói lên điều gì sẽ được tha thứ. Tha thứ là hoa trái của hành trình nội tâm dai dẳng chứ không phải là một phương thế kỳ diệu. Cao điểm của hành trình này là khả năng sống cả hai tình trạng, giận dữ và yêu thương hòa quyện vào nhau, với những người làm tổn thương chúng ta – dù muốn hay không, dù biết hay không. Hòa giải mình với người khác, giả định rằng chúng ta đảm nhận một phần trách nhiệm hầu như luôn về phía mình khi người anh em giận chúng ta. Tha thứ loại bỏ trả thù và khai trừ căm ghét, nhưng nó không triệt bỏ đau khổ cũng như sự tái xuất hiện lại giận dữ. Mục đích của tha thứ không phải là quên cũng không phải tái lập tương quan; dấu hiệu của tha thứ là thoát khỏi oán hờn và sân hận. Như chúng ta vùa biết, không có một phương thuốc duy nhất cho sự tức giận và tàn ác. Các phương tiện để chế ngự chúng thì rất nhiều. Chúng phụ thuộcvào sự trưởng thành cả về mặt nhân bản lẫn tâm linh, chúng có thể thuần nhân tính, chẳng hạn như gọi chính danh những ham muốn trong lòng; hoặc tâm linh, chẳng hạn như việc đọc cao giọng các thánh vịnh. Tất cả những con đường này là lối mở ra để khám phá các biến động nội tâm và giải thoát cho người không còn khả năng phân định rạch ròi để họ có khả năng chọn điều thiện hảo được khơi nguồn từ Chúa Kitô và được cảm hóa trong Ngài (xem Cl 2, 7). Đừng quên sức mạnh vô hình và nền tảng của lời cầu nguyện: “Bạn có cảm thấy oán giận ai không? Hãy cầu nguyện cho người đó và cơn giận dữ sẽ tan biến”.
Xin hãy đến giúp con và chỉ cho con đường lối của Chúa, để con đi theo Ngài!
Lê Quang Phúc dịch
Xin đọc: Dẫn nhập sách Bảy căn bệnh thiêng liêng
Từ kiêu ngạo đến khiêm nhường. Từ thông minh đến kênh kiệu
Dâm dục: đồi trụy? Khoái lạc và phủ nhận người khác?
Trích sách Bảy căn bệnh thiêng liêng, Sơ Catherine Aubin. Nhà xuất bản: Salvator – Novalis, 2019