Bertrand Vergely: “Khả năng kinh ngạc là đau với cuộc sống và yêu nó hơn”

238

Bertrand Vergely: “Khả năng kinh ngạc là đau với cuộc sống và yêu nó hơn”

lavie.fr, Alexia Vidot, 2020-05-12

“Chúng ta có quyền hạnh phúc trong một thế giới không hạnh phúc không?”, triết gia, thần học gia chính thống giáo Bertrand Vergely đặt câu hỏi. Ông khám phá cho chúng ta thấy về sự kinh ngạc và trở về với những gì mà trong cuộc sống hàng ngày có thể làm cho nó trở thành một đức tính tốt.

Có phải coronavirus là trọng tâm tất cả sự chú ý của chúng ta trong nhiều tuần nay, đã giết chết khả năng kinh ngạc của chúng ta không?

Bertrand Vergely: Để trả lời câu hỏi này, chúng ta phải bắt đầu lại bằng định nghĩa khái niệm về kinh ngạc. Kinh ngạc trước hết có thể xem như một đối tượng. Nhiều người sẽ nói với bạn những gì làm họ kinh ngạc: một buổi sáng mặt trời mọc hay một buổi chiều hoàng hôn, nụ cười trẻ con hay gương mặt của người thân yêu… Kế đó là kinh ngạc trước một thái độ, cụ thể là ngưỡng mộ. Tất cả đều đẹp, nhưng điều làm tôi quan tâm là trong ý nghĩa triết lý sâu đậm của nó. Và điều này liên kết đến ba yếu tố: không có gì xảy ra như dự trù, và chúng ta hoàn toàn bị lạc hướng; chúng ta thay đổi, đi từ tình trạng hoạt động qua tình trạng thụ động, từ nam tính qua nữ tính, từ phát ra qua tiếp nhận; như thử chúng ta đi du lịch và khám phá những chuyện bất ngờ.

Để ngạc nhiên, đó là nhận các thông tin mới, là tấm gương của một chuyện mới mẻ không hy vọng sẽ gặp.

Chúng ta không bị lóa mắt hay say sưa ngưỡng mộ trong tình trạng hòa làm một với đối tượng, nhưng chúng ta ngạc nhiên với điều bất ngờ này, nó đã chờ ở đó và bây giờ chúng ta sống.

Kinh ngạc trong nghĩa này là nhận các thông tin mới, là tấm gương của một cái gì đó không hy vọng sẽ gặp. Theo tôi, dường như bây giờ chúng ta dự phần vào năng lực của sự kinh ngạc. Chúng ta không dự trù mình sẽ bị kẹt hai tháng ở nhà: chúng ta bị đặt không đúng chỗ. Chúng ta thích ứng với hoàn cảnh ngược với lòng mình. Và trong dịp này, các điều tuyệt vời đã xảy ra.

Ông đã trải nghiệm nó?

Đáng lý tôi đi Nga, Québec (Canada) và Macédoine để diễn thuyết. Tất cả đều bị hủy bỏ. Hơi tàn bạo, tôi phải chấp nhận… Nhưng thời gian bắt buộc phải nghỉ này lại cho tôi có thì giờ – xa xỉ làm sao! để suy ngẫm. Để quay về với Tin Mừng mà tôi nghĩ tôi đã biết rõ, nhưng vẫn còn rất nhiều điều để nói với tôi, để dạy tôi. Khả năng này, không những chỉ sống trong một trạng huống không tính trước, cũng không dễ chịu cho mấy, đã rút ra cho tôi một điều tốt mà tôi không ngờ: đúng, nó làm tôi kinh ngạc. Cũng như hai chuyện ngạc nhiên tốt đẹp của cuộc khủng hoảng đối với nước Pháp, một nước mà theo Tổng thống Macron là nước “bướng bỉnh”: đó là họ vâng lời và đoàn kết tập thể qua việc mỗi tối họ vỗ tay cám ơn các người chăm sóc lúc 20 giờ.

Tôi không che mặt. Tôi sáng suốt. Nhưng sự sáng suốt này làm cho tôi mạnh, bám rễ vào Chúa nhiều hơn.

Có phải đây là bằng chứng của một sự lạc quan ngây ngô sẽ che đi tình trạng bi thảm đang diễn ra không?

Người lạc quan là trong tính toán. Họ xóa cái ác  bằng cách làm cho cái ác ít ác hơn. Họ phủ nhận cái ác bằng cách tối đa hóa cái tốt. Khi họ mất thị lực, họ tự nhủ: “Tôi cũng có thể bị mất tay, mất chân, mất thị lực như vậy cũng còn tốt hơn.” Lý luận một cách toán học quá thì không tốt vì nó biện minh cho chuyện bê bối. Như thế là tôi không lạc quan! Mọi thứ là xấu và nghiêm trọng, không có chuyện giảm thiểu cái xấu và sự nghiêm trọng. Do đó, Covid-19 gây ra nỗi kinh hoàng – tôi đặc biệt nghĩ đến những người đã chết một mình, những người bị cô lập, các phụ nữ và trẻ em bị đánh đập, v.v.! Tôi không che mặt. Tôi sáng suốt. Nhưng sự sáng suốt này làm cho tôi mạnh, bám rễ vào Chúa nhiều hơn. Cùng một lúc, tôi vừa cảm nhận bi kịch, vừa cảm nhận ý nghĩa của điều kinh ngạc. Và nếu tôi có cả hai cảm giác, chắc chắn vì chúng ta đang kinh ngạc, nhưng từ một lực bên trong, lực ngạc nhiên cho chúng ta động lực để tiếp tục sống. Và đó là kinh ngạc: là đau với cuộc sống vốn đã xấu và yêu nó hơn. Đúng, có bất hạnh, nhưng cũng có lý do để vui mừng. Đúng, có thảm kịch, nhưng cũng có lý do để hạnh phúc. Một vài người hỏi tôi: “Chúng ta có quyền hạnh phúc trong khi thế giới bất hạnh không?” Nhưng đây còn hơn cả một quyền, đây là nghĩa vụ!

Như thế khả năng kinh ngạc không phải là cái nhìn ngây ngô và ngây thơ về sự tồn tại, nhưng là khả năng vượt lên bất hạnh có phải không?

Đúng và vì thế nó khác với kinh ngạc của trẻ con, trẻ con cái gì cũng thích thú, cũng bất ngờ, cũng dễ chinh phục. Chúng ta lấy ví dụ của nhà thần nghiệm người do thái Etty Hillesum (1914-1943). Năm 1943, cô vào trại tập trung Westerbork ỏ Hòa Lan. Chung quanh cô, hàng trăm đàn ông, phụ nữ, trẻ con chết hàng loạt. Cô biết cô cũng sẽ chết vì sự man rợ của Đức quốc xã. Dù vậy cô không tuyệt vọng, cô từ chối giết mình về mặt thiêng liêng, cô viết trong quyển Nhật ký: “Cuộc sống thật đẹp. Tôi nói rằng cuộc sống là đẹp.”

Ngày 1 tháng 9 năm 2006, bà Christiane Singer (1943-2007) biết mình bị ung thư và chỉ còn 6 tháng để sống, bà viết trong quyển sách Đoạn cuối của một hành trình dài (Dernier fragment d’un long voyage, nhà xuất bản Albin Michel): “Bổn phận tối hậu của chúng ta là không bao giờ được buông sợi chỉ kỳ diệu. Nhờ sợi chỉ này, tôi sẽ sống dậy từ những mê lộ đen tối nhất.” Một bài học vô cùng cao cả: khi giai đoạn thử thách đến, kinh ngạc không phải là phi lý, nhưng là thiết yếu. Cho đến cùng, bà Christiane Singer nỗ lực để không chìm vào trạng thái chán nản, nhưng luôn ở trong trạng thái kinh ngạc. Để chống lại xung năng của cái chết ở thời điểm nó tàn phá nhất. Cho đến cùng và dù đau đớn thể xác khủng khiếp, bà vẫn sống một cách tuyệt vời, một khả năng kinh ngạc trước cuộc sống. Những người như vậy là những kỳ quan của thế giới: họ làm thay đổi bộ mặt thế giới.

Khi chúng ta để cho cuộc sống có một cơ hội, khi đó điều kỳ diệu sẽ xảy ra: đời sống bắt đầu lên tiếng lại.

Nhưng chúng ta tất cả không có sinh lực của các phụ nữ vĩ đại này, một năng lực anh hùng!

Tuy vậy tất cả chúng ta được gọi để theo gương họ… Khi một tấm ngói dù lớn hay nhỏ rơi xuống, chúng ta có hai cách để phản ứng. Chúng ta có thể có phản ứng tức giận ngay vì mình bị thương, bị đau vì những chuyện đang xảy ra. Trái tim chúng ta cứng lại. Chua cay, chúng ta có thể đóng lòng lại. Chúng ta giận Chúa, giận người khác và giận cuộc sống. Rất con người, nhưng quá trình này là quá trình đi lui và trẻ con, phá hủy và tự tử. Nhà văn Albert Camus (1913-1960) đổ tội cho chủ nghĩa hư vô: có quá nhiều đau khổ trên thế giới, vậy cuộc đời không có ý nghĩa, nó phi lý – tất cả đều sập bẫy. Hoặc chúng ta có một mức độ trưởng thành và nhờ vào bản năng sinh tồn cực mạnh, chúng ta quyết định, đến một lúc phải cởi mở và cùng hoạt động song song: “OK, tôi có vấn đề nhưng tôi không muốn đổ cho Chúa, cho người khác, cho thế giới.” Bạn cho cuộc sống một cơ hội và khi đó phép màu xảy ra: cuộc sống bắt đầu lên tiếng lại. Đây là cả một phiêu lưu về mặt thiêng liêng trong thử thách, và đây là một cuộc đấu tranh nội tâm thực sự, vì ma quỷ muốn bạn ngã và bạn đổ tội.

Làm thế nào để quay về với sự cứu rỗi này?

Con đường thứ nhất: không bao giờ chịu đau khổ một mình. Căn bản là phải biết nói, dám nói, “tôi không được khỏe” với ai đó. Bởi vì khi lời nói được trao đổi, bạn có thể tái lập lại cho mình một khả năng sống, tìm năng lực để thay đổi bối cảnh và ý thức được chuyện thiết yếu: “Các chuyện đã xấu như vậy, tôi không làm cho nó xấu thêm!” Chỉ khi đó bạn mới tìm phương cách để đi tới. Đây chính xác là cơ chế của các thánh vịnh. Thánh vịnh thường bắt đầu với lời văn buồn bã: “Lạy Chúa, con kêu lên Chúa, con đang tuyệt vọng, con nghèo khổ, con bất hạnh, con cô đơn. Xin Chúa đến giúp con, con sắp đắm chìm, con sắp chết, con thất bại…” Rồi, vừa đi, vừa nói, họ không còn ở trong bất hạnh. Họ khám phá các sức mạnh thần thánh, luôn ở đó và chỉ muốn hành động, chỉ muốn chúng ta cần đến Chúa. Không có Chúa, không có sự hợp tác của Ngài, họ không thể loại bỏ cái ác đang gặm nhắm họ. Và công việc này là của con người, là công việc của lời nói ở chiều sâu, ở tâm hồn hoán cải. Vào cuối thánh vịnh, người viết thánh vịnh kết thúc bài hát của mình trong hân hoan: “ Công trình Ngài, lạy Chúa, quả thiên hình vạn trạng! Chúa hoàn thành tất cả thật khôn ngoan! Con hết lòng tạ ơn Chúa!”

Và đó là ân sủng: một khoảng không gian không bị lên án.

Như thế đây là vấn đề về ý chí con người và ân sủng của Chúa?

Điểm làm đảo lộn đời sống đi từ tiêu cực đến tích cực là cú hích bên trong – chỉ có bạn là người duy nhất có thể làm. Có ngày bạn sẽ tự nhủ: “Tôi quá chán, khi nào cũng ở trong tình trạng nổi loạn, suy thoái tinh thần, buồn bã, v.v.. Tôi không chịu đựng được nữa. Chán ngấy quá rồi, stop, đủ rồi! Tôi đi tới, tôi muốn chuyện khác, tôi muốn sống.” Khi quyết định không muốn buồn nữa thì niềm vui sẽ đến và nó càng đến thì bạn càng ít cảm thấy buồn. Có sự cộng hưỏng trên trời khi bạn nói những câu như vậy – nó lây lan với với tất cả ý nghĩa tốt của chữ này! Và hành động có ý chí này một khi bạn đã quyết định, đã bắt được sợi dây kinh ngạc kỳ diệu này thì nó sẽ không buông bạn nữa, nó mở ra cánh cửa nội tâm dù bạn đang ở trong bất cứ ngõ cụt nào. Và đó là ân sủng: một không gian không bị lên án. Sức mạnh thần linh ở khắp nơi, luôn hiện diện, cả ở tận cùng bệnh viện, trong nhà tù, trong trại tập trung và ngay cả trong địa ngục, nó cũng tạo các cánh cửa để mở ra. Ở trong bóng tối là ánh sáng. Cả một hy vọng! Trong tận sâu thẳm lòng chúng ta, chúng ta biết sự sống cơ bản là mở ra, ngay cả trước khi mọi thứ tồn tại và nó đáng sống cho đến cùng.

Chúng ta không biết tất cả điều này, một lời chúng ta có thể tóm gọn trong năm chữ “Tất cả là ân sủng!”, lời có thể khó nghe…

Thật vậy, có một cách nói về điều kinh ngạc có thể hoàn toàn lạc lõng, ngây ngô, khó chịu, thậm chí là nổi loạn. Phải có lòng khiêm nhường, lắng nghe, tế nhị, một tinh tế nào đó. Và điều tinh tế đầu tiên là phải hiểu, mỗi việc có thời của nó. Một thời để im lặng – như thế mới có thể lắng nghe người đang ở trong đường cùng –, một thời để nói. Một thời để đến với người khác trong cơn giận, trong tuyệt vọng, trong bất hạnh của họ và một thời để giúp họ thấy những chuyện tốt đẹp nảy sinh từ trong thử thách của họ. Tất cả đều mong manh, như bình thủy tinh có thể bể dễ dàng. Nhưng tôi tin, có một từ không bao giờ sai khi nói: “Hãy tin tưởng!” Tôi rất thích hình ảnh Chúa Giêsu ngủ trên thuyền khi cơn bão đang hoành hành trên hồ Tibêria. Các môn đệ hoảng sợ thức ngài dậy: “Các con lo lắng về điều gì?”

Marta An Nguyễn dịch

Bài đọc thêm: Bertrand Vergely, chứng nhân của Chúa sống động trong thế giới này

Gilles Lipovetsky: “Chúng ta ở trong Kỷ nguyên bất an”

Gaël Giraud: “Đại dịch cho thấy sự mong manh của chúng ta”

Axel Kahn: “Chưa bao giờ có sự sống mà không có virus”