Ronald Rolheiser, 2020-05-04
Nhà văn Mỹ John Updike sau khi lành một căn bệnh nặng đã viết bài thơ có tựa đề Sốt. Bài thơ kết thúc với câu:
Nhưng có một sự thật đã được biết từ lâu, rằng một số bí mật ta chẳng biết khi khỏe mạnh.
Thực chất chúng ta đã biết điều này, nhưng đó là sự thật cá nhân, không phải là cái gì chúng ta có được trong lớp học, từ cha mẹ hay từ người cố vấn, ngay cả từ giáo lý tôn giáo cũng không. Những người này chỉ đơn thuần nói đó là thật, hiểu biết tự chính nó không mang đến khôn ngoan. Như nhà thơ Updike nói, khôn ngoan là qua trải nghiệm cá nhân khi bệnh nặng, khi mất mát lớn hay khi sỉ nhục trầm trọng.
Nhà văn, nhà tâm lý học người Mỹ James Hillman (1926-2011) theo thuyết bất khả tri cũng đi đến kết luận tương tự. Tôi nhớ đã nghe ông trong một cuộc hội thảo lớn, lúc nói chuyện, ông đã thách thức khán giả của mình về tác động này: Quý vị trung thực và can đảm suy nghĩ và tự hỏi: các kinh nghiệm nào trong đời sống quý vị làm cho quý vị sâu sắc hơn, mang đến cho quý vị cá tính? Trong hầu hết trường hợp, bạn sẽ phải công nhận đó là những chuyện sỉ nhục hoặc lạm dụng bạn phải chịu đựng, một kinh nghiệm về bất lực, thất vọng, bệnh tật hoặc bị gạt ra bên lề. Không phải nhờ những chuyện mang lại vinh quang hay ngưỡng mộ trong cuộc sống mà bạn có được chiều sâu và cá tính, lúc bạn đứng đầu lớp hay lúc bạn là vận động viên ngôi sao. Những điều này không làm cho bạn có chiều sâu. Nhưng đúng hơn là kinh nghiệm bất lực, mặc cảm, là những chuyện làm bạn trở nên khôn ngoan.
Tôi còn nhớ khi còn là sinh viên sắp tốt nghiệp, tôi dự một loạt các buổi diễn thuyết của nhà tâm thần học nổi tiếng người Ba Lan, Kasmir Dabrowski, ông viết một số sách chung quanh khái niệm mà ông gọi là, “sự tan rã tích cực”. Luận điểm thiết yếu của ông đưa ra, bằng cách tan rã chúng ta mới phát triển đến mức cao nhất của trưởng thành và khôn ngoan. Một lần, trong một bài diễn thuyết có sinh viên hỏi ông: “Tại sao chúng ta lớn lên nhờ các kinh nghiệm tan rã như lâm bệnh, gục ngã hay bị sỉ nhục? Sẽ hợp lý hơn không nếu chúng ta lớn lên qua kinh nghiệm tích cực khi được yêu, được khẳng định, thành công, khỏe mạnh và được ngưỡng mộ sao? Có nên rèn luyện lòng biết ơn trong chúng ta và từ lòng biết ơn, chúng ta sẽ trở nên quảng đại và khôn ngoan hơn không?”
Ông trả lời: Về lý thuyết, sự trưởng thành và khôn ngoan nên phát triển từ những kinh nghiệm mạnh và thành công; và có thể trong một số trường hợp, đúng là thế. Tuy nhiên, là bác sĩ tâm thần, tất cả những gì tôi có thể nói là trong bốn mươi năm hành nghề, tôi chưa bao giờ thấy. Tôi chỉ thấy mọi người trưởng thành hơn nhờ kinh nghiệm tan vỡ.
Có vẻ như Chúa Giêsu đồng ý với điều này. Chúng ta lấy ví dụ đoạn Tin Mừng khi ông Giacôbê và Gioan đến hỏi Chúa Giêsu họ có thể ngồi bên tả, bên hữu Ngài khi Ngài vinh quang không. Đáng chú ý là Ngài nghiêm túc trả lời câu hỏi của họ. Ngài không quở trách họ (trong trường hợp này) vì đã tìm kiếm vinh quang cho riêng mình; thay vào đó, Ngài xác nhận lại thế nào là vinh quang và con đường đến đó. Ngài hỏi họ: “Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống không?” Họ ngây thơ trả lời: “Thưa được!” Chúa Giêsu sau đó nói với họ về một điều mà họ còn ngây thơ hơn. Ngài nói với họ, “Chén Thầy sắp uống, anh em cũng sẽ uống; còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Thiên Chúa đã chuẩn bị cho ai thì kẻ ấy mới được.”
Chén nào? Làm thế nào uống chén này lại là con đường đưa đến vinh quang? Và tại sao chúng ta không thể nhận được vinh quang ngay cả khi chúng ta uống chén này?
Chén này sẽ được tiết lộ sau đó, là chén đau khổ, chén sỉ nhục, chén mà Chúa Giêsu uống trong sự thương khó và cái chết của Ngài, chén mà ở Giétsêmani khi hấp hối, Chúa Giêsu đã xin Chúa Cha: “Nếu được, xin Cha cất chén này cho con!”
Về cốt lõi, những gì Chúa Giêsu nói với ông Giacôbê và Gioan là như sau: Không có con đường nào đến với chúa nhật Phục Sinh mà không qua ngày con đường Thứ Sáu Tuần Thánh. Không có con đường đến chiều sâu và khôn ngoan trừ con đường đau khổ và sỉ nhục. Sự kết nối là nội tại, giống như sự đau đớn và rên rỉ của người phụ nữ là cần thiết khi sinh con. Hơn nữa, Chúa Giêsu cũng nói, đau khổ sâu đậm sẽ không tự động mang lại khôn ngoan. Tại sao? Bởi vì, nếu có một mối liên hệ nội tại giữa đau khổ sâu sắc và một cái gì sâu đậm lớn hơn trong đời sống chúng ta, đó là cái bẫy, sự đau khổ trong chua cay có thể dìm chúng ta trong cay đắng, giận dữ, ghen tị và hận thù, nhưng nó cũng dễ dàng làm cho chúng ta chìm đắm trong lòng trắc ẩn, tha thứ, thông cảm, và khôn ngoan. Chúng ta có thể có nỗi đau, và chúng ta không có được khôn ngoan.
Sốt! Triệu chứng chính của việc bị nhiễm Covid-19 là sốt cao. Sốt bây giờ đã bao vây thế giới chúng ta. Hy vọng sau khi nó làm tăng một cách nguy hiểm nhiệt độ cơ thể và tâm hệ, nó cũng cho thấy một vài bí mật được giấu kín của sức khỏe. Đó là những bí mật nào? Chúng ta chưa biết. Chúng chỉ được vén mở bên trong cơn sốt.
Marta An Nguyễn dịch
Bài đọc thêm: Giáo hội là bệnh viện dã chiến