Michel Houellebecq: Tôi không tin những tuyên bố kiểu ‘sẽ không bao giờ có chuyện trở lại như cũ’.

139

Michel Houellebecq: Tôi không tin những tuyên bố kiểu ‘sẽ không bao giờ có chuyện trở lại như cũ’.

franceinter.fr, Augustin Trapenard, 2020-05-04

Michel Houellebecq là nhà văn. Đây là lần đầu tiên ông tuyên bố từ khi có đại dịch. Trong bức thư này, ông bác bỏ ý tưởng có sự ra đời một thế giới mới sau cuộc khủng hoảng coronavirus. Bản văn và bài đọc được nhà báo  Augustin Trapenard ghi lại theo nguyên bản.

Phải thừa nhận, hầu hết các e-mail được trao đổi trong những tuần gần đây đều có ý xem người mình đối thoại còn sống hay không. Nhưng sau khi được xác nhận, chúng ta đều cố gắng nói một cái gì đó cho thú vị, nhưng chẳng dễ dàng gì vì đại dịch này đã thắng thế, vừa đáng sợ vừa nhàm chán. Một loại vi-rút thông thường, rõ ràng là chẳng oai phong gì với loại cúm trong bóng tối, với các điều kiện sống còn chưa được biết, với các đặc điểm mơ hồ, đôi khi lành tính đôi khi ác tính rùng rợn, thậm chí còn không lây truyền qua đường tình dục: vậy thì con vi-rút này có gì mà hấp dẫn. Dù cho nó cướp đi hàng ngàn sinh mạng mỗi ngày trên thế giới, dù sao thì nó cũng tạo ấn tượng tò mò. Bên cạnh đó, các đồng nghiệp quý của tôi (một số, hẳn nhiên có thể ước tính được) đã không nói gì nhiều về nó, họ thích nói về việc dỡ bỏ cách ly; ở lãnh vực này thì tôi cũng muốn đóng góp thêm một số ý kiến của tôi vào ý kiến của họ.

Frédéric Beigbeder (từ Guéthary, Pyrénées-Atlantiques). Một nhà văn dù sao cũng không tiếp xúc với nhiều người, ông sống ẩn dật như ẩn sĩ với các quyển sách của ông, cách ly chẳng thay đổi gì nhiều với ông. Hoàn toàn đồng ý với anh, Frédéric, vấn đề thay đổi đời sống xã hội như không có gì. Chỉ có một điểm mà anh quên, một nhà văn cần phải đi (có lẽ vì đời sống nông thôn, anh ít bị cấm).

Cách ly này dường như là cơ hội lý tưởng để giải quyết cuộc cãi vã lâu đời giữa Flaubert-Nietzsche. Ở đâu đó (tôi quên mất ở đâu), văn hào Flaubert nói rằng người ta chỉ nghĩ và viết khi ngồi. Triết gia Nietzsche chống lại và giễu cợt (đâu đó tôi cũng quên rồi), thậm chí còn cho Flaubert là người hư vô (vì thế từ thời điểm đó ông bắt đầu dùng từ này nhiều lần): chính ông đã thai nghén tất cả tác phẩm của mình khi đi bộ, tất cả những gì không được hình thành khi đi bộ đều bằng không, ngoài ra ông lại là một vũ công của thần Dionysian, v.v. Không nghi ngờ gì thiện cảm thái quá đối với Nietzsche, nhưng tôi cũng phải công nhận, trong trường hợp này, ông có lý. Nếu trong ngày không để nhiều giờ đi bộ với tốc độ nhanh thì cố gắng viết khi mình không có khả năng là điều không nên khuyến khích: căng thẳng thần kinh tích tụ không giải quyết được gì, tư tưởng và hình ảnh tiếp tục đau đớn quay trong cái đầu khốn khổ của tác giả chỉ làm cho họ mau cáu kỉnh, có thể điên lên được.

Điều duy nhất thực sự quan trọng là nhịp điệu cơ học, cơ học của việc đi bộ, tuy không phải là lý do đầu tiên để có các ý tưởng mới (dù điều này có thể xảy ra nếu đi bộ thêm), nhưng nó làm dịu các xung đột gây ra bởi cú sốc của các tư tưởng được sinh ra tại bàn làm việc (và đây là lúc Flaubert không hoàn toàn sai); khi ông nói với chúng ta về các khái niệm ông triển khai về các sườn đá của vùng nội địa Nice, trên đồng cỏ của Engadine, v.v., Nietzsche vớ vẫn một chút: ngoại trừ khi viết cẩm nang hướng dẫn du lịch, các phong cảnh bên ngoài ít quan trọng hơn phong cảnh nội tâm.

Nữ văn  sĩ Catherine Millet (bình thường ở Paris nhưng may mắn khi có lệnh phong tỏa bà ở Estagel, vùng Pyrénées-Orientales). Đối với bà, tình huống hiện tại thật khó chịu để bà suy nghĩ khởi đi từ tác phẩm“Khả năng của một hòn đảo” của tôi, đoạn nói về “dự đoán.”

Vì vậy, tôi nghĩ dù sao có độc giả cũng là điều tốt. Bởi vì tôi đã không nghĩ đến việc tạo kết nối, khi nó khá rõ ràng. Bên cạnh đó, nếu tôi suy nghĩ lại chuyện này, thì chính xác đó là những gì tôi đã nghĩ trong đầu vào thời đó, về sự tuyệt chủng của nhân loại. Nó chỉ là một bộ phim lớn. Một cái gì đó khá thê lương. Các cá nhân sống biệt lập trong các ốc đảo của họ, không tiếp xúc thể lý với đồng loại, chỉ cần một vài trao đổi bằng máy tính, rồi thì cũng giảm.

Nhà văn Emmanuel Carrère (Paris-Royan; dường như ông tìm được lý do hợp lệ để di chuyển). Những cuốn sách thú vị sẽ được sinh ra, lấy cảm hứng từ thời kỳ này? Ông tự hỏi.

Tôi cũng tự hỏi. Tôi thực sự đã tự hỏi mình câu này, nhưng thực chất tôi không nghĩ vậy. Về bệnh dịch hạch chúng ta đã có nhiều chuyện để nói, qua nhiều thế kỷ, bệnh dịch hạch đã được các nhà văn quan tâm rất nhiều. Ở đó, tôi có các nghi ngờ. Đã vậy, nửa giây tôi cũng không tin các tuyên bố kiểu “sẽ không bao giờ có chuyện trở lại như cũ.” Ngược lại, mọi thứ sẽ vẫn giống hệt nhau. Tiến trình của nạn dịch này quá bình thường. Phương Tây không phải là vĩnh cửu, quyền năng thần thánh, khu vực giàu có nhất, phát triển nhất thế giới; đã hết, tất cả, đã hết từ một thời gian, nó cũng không còn là tin sốt dẻo. Nếu chúng ta quan sát vào chi tiết, Pháp khá hơn Tây Ban Nha và Ý một chút, nhưng kém hơn Đức; đó cũng không phải là một bất ngờ lớn.

Ngược lại, coronavirus phải là kết quả chính cho các tiến độ đột biến nào đó đang diễn ra. Từ không ít năm gần đây, toàn bộ các phát triển công nghệ, cho dù là nhỏ (video theo yêu cầu, thanh toán không tiếp xúc) hoặc lớn (làm việc trực tuyến, mua sắm qua internet, phương tiện truyền thông xã hội) đều đã có hệ quả chính yếu (cho mục tiêu chính nào?) giảm tiếp xúc vật liệu, và nhất là giảm tiếp xúc giữa con người. Dịch coronavirus tạo một lý do tuyệt vời để đối diện với xu hướng nặng nề này: một sự lỗi thời nào đó như tấn công các mối quan hệ của con người. Điều này làm cho tôi nghĩ đến một so sánh sáng giá mà tôi thấy trong một văn bản chống-sinh đẻ nhờ trợ giúp y khoa (anti- PMA) được một nhóm các nhà hoạt động có tên “Những con tinh tinh của tương lai” (tôi phát hiện nhóm này trên Internet; tôi chưa  bao giờ nói rằng Internet chỉ tuyền nhược điểm). Vì vậy, tôi trích dẫn họ: “Trước đây, việc sinh con là miễn phí và tình cờ, dường như cũng vô lý như đi quá giang xe mà không có mặt bằng web.” Đi chung xe, thuê chung nhà, chúng ta có các chuyện không tưởng mà chúng ta xứng đáng, tốt, chúng ta cứ tiếp tục. Như thế cũng sẽ sai lầm không kém khi chúng ta nói chúng ta khám phá lại thảm kịch, cái chết, cái hạn chế, v.v… Xu hướng trong hơn nửa thế kỷ nay, được nhà báo Philippe Ariès (1914-1984) mô tả kỹ lưỡng, đó là che đậy cái chết càng nhiều càng tốt; tốt, cái chết chưa bao giờ kín đáo nhiều như vậy trong vài tuần vừa qua. Mọi người chết một mình trong bệnh viện hoặc trong phòng nhà hưu dưỡng, chúng ta chôn họ ngay lập tức (hoặc chúng ta thiêu, thiêu hợp thời hơn), không mời ai, trong bí mật. Chết không có một chút bằng chứng, các nạn nhân được gom lại trong thống kê tử vong hàng ngày, và sự lo lắng lan rộng trong dân chúng khi tổng số tăng lên một cái gì đó có tính cách trừu tượng một cách lạ lùng.

Một con số khác sẽ trở nên rất quan trọng trong các tuần này, đó là độ tuổi của người bệnh. Cho đến tuổi nào thì nên săn sóc, nên cấp cứu? 70, 75, 80 tuổi? Rõ ràng, nó phụ thuộc vào mình sống ở khu vực nào trên thế giới; nhưng dù sao, chúng ta chưa bao giờ thấy một lặng yên sỗ sàng như vậy, thực tế là cuộc sống của tất cả mọi người không có giá trị như nhau; rằng từ một độ tuổi nhất định (70, 75, 80?), nó có một chút gì đó giống như bạn đã chết.

Tất cả các xu hướng này, như tôi đã nói, đã tồn tại trước khi có coronavirus; chúng chỉ thể hiện với một sự hiển nhiên mới. Sau thời gian cách ly, chúng ta sẽ không tỉnh thức để xây dựng một thế giới mới; thế giới này cũng vậy, tồi tệ hơn một chút thôi.

Marta An Nguyễn dịch

Bài đọc thêm: Adam Tooze: “Quy mô của cuộc khủng hoảng ngày càng trầm trọng trước mắt chúng ta”