Theo triết gia Roger-Pol Droit, coronavirus là cơn sóng thần tinh thần
rts.ch, Manuela Salvi/mcm, 2020-03-26
Coronavirus được nhìn dưới mắt của triết gia, nhà giáo Roger-Pol Droit
Trong cuộc khủng hoảng như cuộc khủng hoảng chúng ta đang trải qua, triết lý có thể giúp chúng ta nhìn rõ. Theo triết gia Roger-Pol Droit, có thể chưa bao giờ có một trải nghiệm sát gần và toàn cầu với tầm mức lớn lao như vậy. Theo triết gia, đây là cơn sóng thần tinh thần.
Đại dịch coronavirus làm cho hệ thống y tế bị căng thẳng với các nhân viên săn sóc ở tuyến đầu và nền kinh tế thế giới bị đe dọa, thăng bằng xã hội bị xáo trộn và những người yếu nhất bị ảnh hưởng nặng nhất. Làm thế nào chúng ta nghĩ về những gì xảy đến cho mình?
Triết lý có thể giúp chúng ta vượt qua sự đột biến làm bứt hết các chuẩn mực của chúng ta, biến đổi đời sống hàng ngày, thay đổi mối quan hệ của chúng ta với người khác, với không gian, với tự do và với công việc.
Cuộc khủng hoảng cho thấy những gì chúng ta không muốn thấy
Theo triết gia Pháp Roger-Pol Droit, tác giả quyển sách bán chạy “101 kinh nghiệm triết học hàng ngày” (101 expériences philosophiques quotidiennes) thì cuộc khủng hoảng là cơn sóng thần tinh thần: “Bởi vì nó được đo trên thang bậc vừa hoàn vũ vừa rất riêng tư. Có lẽ chưa bao giờ lịch sử sống qua kinh nghiệm của một tầm mức quy mô và ở dưới hình thức này. Đại dịch này không chỉ làm rung chuyển đời sống hàng ngày của chúng ta mà còn làm xáo trộn tư tưởng, tín ngưỡng, xác tín của chúng ta, bằng cách đưa ra những chuyện mà chúng ta không muốn thấy: sự mong manh của đời sống chúng ta, sự tình cờ ùa tới bởi vì không một ai mong chờ điều này. Đây là một kinh nghiệm triết lý tận căn”.
Rất khác với cuộc khủng hoảng năm 2008
Mười mấy năm trước triết gia Roger-Pol Droit đã định nghĩa xã hội đương đại của chúng ta bị ám ảnh phải làm chủ và quyết tâm loại cho bằng được cái gì là tình cờ, loại tình cờ ra khỏi các cuộc hẹn yêu đương, ra khỏi các lựa chọn cá nhân hay nghệ thuật, y khoa, sinh học, tài chánh.
Nhưng tình cờ là một phần của hiện hữu. Khi muốn loại bỏ nó, thì nó lại trở lại dưới dạng con vi-rút khó lường, đã làm cho chúng ta cảm nhận tận trong sâu thẳm mối quan hệ của chúng ta với sự ngẫu nhiên và bấp bênh.
Nhưng nếu nó là một kinh nghiệm tận căn thì cũng nên có sự thay đổi tận căn. Chúng ta có thể hình dung có một trước và một sau coronavirus không? “Không một ai biết. Chắc chắn sẽ có ‘một sau’ rất đau đớn, nhưng tôi cũng dám hy vọng có các hệ quả tích cực. Sự khác biệt giữa đại dịch này với cuộc khủng hoảng năm 2008 hoặc với hàng loạt các vụ tấn công khủng bố, là coronavirus can thiệp vào trong các định chế xã hội, buộc chúng ta phải suy nghĩ về chính cuộc đời riêng của mình, nhưng cũng với đời sống tập thể.”
Marta An Nguyễn dịch
Bài đọc thêm: Roger-Pol Droit: “Tha cảm, chia sẻ cảm xúc không trì hoãn, không suy nghĩ vẫn là một chuyện bí ẩn”