Lời cảnh báo của Đức Phanxicô: “Diệt chủng do vi-rút”
“Diệt chủng do bệnh vi-rút”: Lời cảnh báo của Đức Phanxicô với các chính quyền chủ trương ưu tiên cho kinh tế hơn là cho sức khỏe người dân.
lanacion.com, Elisabetta Piqué, 2020-03-29
Đức Phanxicô trong buổi Kinh Truyền Tin ở Thư viện Vatican ngày chúa nhật 29 tháng 3.
Hôm qua, trong bức thư viết tay gởi cho ông Andrés Gallardo, chủ tịch Hội đồng các Chánh án và Thẩm phán về các Quyền xã hội Liên Mỹ ở Buenos Aires, Đức Phanxicô cảnh báo “sự diệt chủng vì vi-rút” có thể xảy ra nếu các chính quyền đặt ưu tiên kinh tế hơn sức khỏe con người.
Trong thư, ngài nghĩ đến các chính quyền “đã có các biện pháp mẫu mực đặt ưu tiên bảo vệ người dân. Đúng là các biện pháp này ‘làm phiền’ cho những người buộc phải tôn trọng, nhưng luôn vì lợi ích chung và về lâu dài đa số người dân chấp nhận, họ phản ứng với một thái độ tích cực.” Ngài khen các chính quyền “đã chứng tỏ cho thấy ưu tiên của họ trong các quyết định, người dân là trên hết”. Và đó là điều quan trọng vì chúng ta tất cả đều biết, bảo vệ người dân là cả một thảm họa kinh tế. Ngài cảnh báo: “Thật đáng buồn nếu điều này trở thành ngược lại, như thế kéo theo cái chết của nhiều người dân, một cái gì như diệt chủng do vi-rút.”
Ngày thứ sáu Đức Phanxicô cũng cho biết ngài có cuộc họp với Bộ Phát triển Nhân bản Toàn diện để suy nghĩ về “tình hình hiện nay và hậu đại dịch.” Ngài cho biết, “phải chuẩn bị cho các hệ quả, nhất là các hệ quả phải đối diện: nạn đói, đặc biệt là với những người không có việc làm thường xuyên (các băng đảng… vv.), bạo lực, sự xuất hiện của những người cho vay nặng lãi, các tội phạm không còn nhân tính.”
Trong phần đầu bức thư, trả lời cho một e-mail ông Gallardo gởi cho ngài ngày thứ năm, với tư cách là Chủ tịch Ủy ban Thẩm phán Liên Mỹ, ông liên lạc thường xuyên với Đức Phanxicô, ông cho báo La Nacion biết, ngài rất quan tâm đến tình trạng hiện nay. Ngài viết: “Tất cả chúng ta đều quan tâm đến sự tăng trưởng về địa lý của đại dịch.” Dù ngài cảm thấy đầy hy vọng trước “phản ứng của rất nhiều người, bác sĩ, y tá, thiện nguyện viên, các tu sĩ nam nữ đã liều mạng sống của mình để chữa trị và để bảo vệ những người khỏe mạnh để họ không bị lây.”
Chiến tranh đã đủ
Trên một vấn đề khác, cũng trong buổi Kinh Truyền Tin được truyền hình ngày chúa nhật,
Đức Phanxicô chuyển lời kêu gọi ngưng bắn trên toàn cầu và ngay lập tức của ông Antonio Guterres, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc dù đang trong tình trạng khẩn cấp đối phó với dịch bệnh Covid-19, ngài nói: “Tôi kết hiệp với tất cả những ai chấp nhận lời kêu gọi này, tôi mời gọi tất cả mọi người ngưng mọi hình thức thù địch hiếu chiến, thiết lập các hành lang nhân đạo, mở con đường ngoại giao, quan tâm đến những người ở trong tình trạng bấp bênh nhất.”
Ngài xin: “Cùng dấn thân chống nạn dịch có thể làm cho mỗi người thấy nhu cầu cần phải tăng thêm tình huynh đệ vì tất cả là thành viên của cùng một gia đình.” Đặc biệt ngài nêu lên việc cam kết để vượt qua sự canh tranh giữa các nhà lãnh đạo quốc gia và các thành phần khác vì lý do: các xung đột không thể nào giải quyết bằng chiến tranh! Cần phải vượt qua sự đồi kháng và đối lập bằng đối thoại và xây dựng để tìm hòa bình.”
Vào ngày thứ sáu 27 tháng 3, Đức Phanxicô đã cử hành một buổi cầu nguyện đặc biệt tại Quảng trường Thánh Phêrô trống vắng giáo dân, họ bị cách ly ở nhà. Ngài đã có lời kêu gọi đặc biệt cho các tù nhân, ngài tố cáo: “Tôi đọc một bản báo cáo của các ủy ban nhân quyền, nói về vấn đề nhà tù quá tải có thể trở thành một thảm kịch. Tôi xin các nhà cầm quyền quan tâm đến vấn đề trầm trọng này và có các biện pháp cần thiết để tránh các thảm kịch trong tương lai.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Xin đọc thêm: “Nạn dịch coronavirus không có biên giới”