Đức Phanxicô cầu nguyện để xin chấm dứt nạn dịch
vaticannews.va, 2020-03-15
Đức Phanxicô trước tượng Đức Mẹ Bảo vệ người dân La Mã ở Đền thờ Đức Bà Cả (Vatican Media)
Đức Phanxicô cầu nguyện ở Đền thờ Đức Bà Cả và đền thánh San Marcello để xin chấm dứt nạn dịch
Vào khoảng 4 giờ chiều chúa nhật Đức Phanxicô rời Vatican để đến Đền thờ Đức Bà Cả, sau đó ngài đến cầu nguyện trước thánh giá ở nhà thờ San Marcello al Corso, thánh giá đã cứu thành pho Rôma khỏi bệnh dịch.
Chúa nhật thứ ba Mùa Chay, để tỏ lòng gần gũi với người dân Ý đang đau khổ, Đức Phanxicô đến cầu nguyện sốt sắng trước tượng Đức Mẹ Bảo vệ người dân La Mã ở Đền thờ Đức Bà Cả, xin Đức Mẹ che chở đặc biệt trong giai đoạn này.
Ông Matteo Bruni, Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết: “Chiều nay khoảng 4 giờ chiều, Đức Phanxicô đã đến Đền thờ Đức Bà Cả để cầu nguyện với Đức Mẹ. Sau đó ngài đến Đền thánh San Marcello al Corso, nơi có Thánh giá phép lạ mà năm 1522 được người dân Rôma rước đi khắp thành phố trong thời kỳ có bệnh dịch hạch ở Rôma.
Trong lời cầu nguyện của mình, Đức Phanxicô xin cho đại dịch đang hoành hành trên nước Ý và thế giới được chấm dứt; xin cho các bệnh nhân được lành, ngài cũng tưởng niệm nhiều nạn nhân đã qua đời trong các ngày vừa qua, xin cho gia đình, bạn bè của họ tìm được nguồn an ủi và nâng đỡ. Trong ý cầu nguyện của mình, ngài cũng cầu nguyện cho các nhân viên y tế, các bác sĩ, y tá, những người trong giai đoạn này phải làm việc để duy trì sinh hoạt xã hội. Đức Thánh Cha về lại Vatican lúc 17h30”.
Lòng kính mến Đức Mẹ Bảo vệ người dân La Mã của ngài đã thành nổi tiếng: không những ngài có thói quen đến viếng trong các ngày lễ lớn kính Đức Mẹ mà trước và sau mỗi chuyến tông du ngài đều đến dâng chuyến đi của mình cho Đức Mẹ. Năm 1593, giáo hoàng Grégoire I đã mạng tượng đi rước kiệu để xin chấm dứt nạn dịch hạnh và năm 1837, giáo hoàng Grégoire XVI đã cầu xin Đức Mẹ chấm dứt nạn dịch tả.
Chặng đi thứ nhì của ngài cũng rất đáng kể, nhất là trong giai đoạn khó khăn chúng ta đang đi qua này: nhà thờ San Marcello al Corso, nơi có thánh giá cổ bằng gỗ từ thế kỷ 15 được các chuyên gia xem là hiện thực nhất ở Rôma. Thánh giá tồn tại sau vụ hỏa hoạn và được tôn kính vì đã cứu thành phố khỏi nạn dịch hạch. Cây thánh giá đã được Đức Gioan-Phaolô II ôm hôn, đánh dấu cao điểm của ngày tha thứ trong Năm Thánh 2000.
Bắt đầu từ ngày 23 tháng 5 năm 1519, nhiều truyền thống phép lạ được cho là nhờ Thánh giá khi một trận hỏa hoạn giữa khuya đã hoàn toàn thiêu rụi nhà thờ tôn kính giáo hoàng Marcel. Sáng ngày ra, toàn bộ tòa nhà thành tro, nhưng giữa đám tro bụi là thánh giá giữa bàn thờ, dưới chân vẫn còn nguyên một ngọn đèn dầu còn cháy. Hình ảnh này đã làm cho giáo dân rất xúc động, một số người họp nhau lại mỗi chiều thứ sáu để cầu nguyện. Ngày 8 tháng 10 năm 1519, Đức Lêô X cho lệnh xây dựng ngôi nhà thờ này lại.
Ba năm sau vụ hỏa hoạn, thành phố Rôma bị nạn đại dịch hạch. Giáo dân mang thánh giá đi kiệu, dù bị nhà cầm quyền cấm, nhưng họ quá lo cho tình trạng lây lan của bệnh dịch nên họ vẫn đi rước kiệu. Thánh giá được rước khắp các đường phố Rôma đến tận Đền thờ thánh Phêrô. Cuộc rước kiệu kéo dài 16 ngày từ ngày 4 đến 20 tháng 8 năm 1522. Trong tiến trình rước kiệu, bệnh dịch hạch cho thấy các dấu hiệu giảm bớt và mỗi khu phố cố gắng giữ thánh giá cho khu phố mình lâu nhất có thể. Ngày cuối khi thánh giá được đem đến nhà thờ thì bệnh dịch hạch hoàn toàn chấm dứt.
Từ thế kỷ 17, cuộc rước kiệu giữa nhà thờ San Marcello và Đền thờ thánh Phêrô trở thành truyền thống trong các năm thánh. Tên các giáo hoàng khác nhau và ngày năm thánh được khắc sau lưng thánh giá.
Marta An Nguyễn dịch
Xin đọc thêm: Coronavirus: Ngày 19 tháng 3 lễ Thánh Giuse, toàn nước Ý lần chuỗi để cầu nguyện
Chiều nay 15-3, Đức Phanxicô đến Đền thờ Đức Bà Cả để cầu nguyện trước tượng Đức Mẹ, Sức khỏe cho người dân La Mã, sau đó ngài đi bộ đến San Marcello để cầu nguyện trước thánh giá mà năm 1522 được mang đi khắp thành phố để cầu nguyện xin chấm dứt bệnh dịch.
https://business.facebook.com/vaticannews.fr/videos/2908966709124964/
Hình ảnh Đức Phanxicô đến Đền thờ Đức Bà Cả và Đền thánh San Marcello chiều chúa nhật 15 tháng 3-2020. Ngài đi bộ một đoạn đường.