Argentina: Đức Phanxicô nạn nhân của sự phân cực hóa xã hội

118

Argentina: Đức Phanxicô nạn nhân của sự phân cực hóa xã hội

cath.ch, Jacques Berset, 2020-03-02

Linh mục Andrés Swinnen, người kế vị Đức Bergoglio Giám tỉnh Dòng Tên Argentina | ©

Được bầu làm giáo hoàng bảy năm trước ngày 13 tháng 3 năm 2013, Đức Hồng y Jorge Mario Bergoglio không chỉ có bạn bè trong giáo triều la mã hay các giám mục, các hồng y bảo thủ. Đáng ngạc nhiên hơn, ngài không được mọi người ở quê nhà đồng ý. Đứng trước Đức Phanxicô, xã hội Argentina – cũng như một bộ phận giáo sĩ – bị chia rẽ sâu sắc, đặc biệt vì lý do chính trị và ý thức hệ.

Linh mục Andrés Swinnwn, người kế vị Đức Phanxicô làm Giám tỉnh Dòng Tên ở Argentina cho biết: “Xã hội Argentina bị phân cực, và Đức Phanxicô bất đắc dĩ bị lôi kéo vào cuộc xung đột này.”

Trong một cuộc phỏng vấn với báo Công giáo Thụy Sĩ cath.ch vào giữa tháng 2 năm 2020 tại Cordoba, thủ đô cũ của Argentina nằm ở phía trung-bắc Argentina, Cha Swinnen muốn lưu ý, hình ảnh của Đức Phanxicô ở Argentina rất khác với hình ảnh chiếm ưu thế trong phần còn lại của thế giới. 

Ngài “rất thông minh, nhưng cũng đầy tham vọng…”

“Đức Bergoglio  được bổ nhiệm làm Giám tỉnh Dòng Tên Argentina ngày 31 tháng 7 năm 1973, chức vụ ngài đảm trách trong vòng sáu năm (đặc biệt đây là những năm đen tối của chế độ độc tài quân sự, đã làm cho gần 30.000 người bị “mất tích” và 1,5 triệu người phải lưu vong), ngài là người rất thông minh, có năng lực làm việc cao, người liên quan đến nhiều người, và người nhiều tham vọng…”

Đức Phanxicô đã công nhận điều này trong cuộc phỏng vấn nổi tiếng với tạp chí Dòng Tên Ý Văn minh Công giáo (La Civiltà Cattolica) được đăng vào tháng 9 năm 2013 trong 14 ấn phẩm khác nhau của Dòng Tên. Linh mục giải thích lý do vì sao từ lâu nhiều tu sĩ Dòng Tên ở Mỹ Latinh cho Đức Phanxicô là người bảo thủ, thậm chí cực kỳ bảo thủ, và chính Đức Phanxicô công nhận đó là “lỗi của mình.” Khi đó ngài là Giám tỉnh rất trẻ, – mới 36 tuổi! – ngài công nhận cách ra quyết định độc đoán và nhanh chóng của ngài làm ngài gặp nhiều vấn đề nghiêm trọng, “nhưng tôi chưa bao giờ là người bảo thủ.”

Hình ảnh Đức Phanxicô ở các khu dân cư nghèo. Đây là khu Villa Unión trong giáo phận Gregorio de Laferrere | © Jacques Berset

Một giáo hoàng “theo chủ nghĩa Peron”

Cha Swinnen, 80 tuổi, tu sĩ Dòng Tên người gốc flamand biết rõ về Đức Mario Mario Bergoglio. Vào Dòng Tên năm 1957, một năm trước Đức Phanxicô, Đức Phanxicô vào ngày 11 tháng 3 năm 1958. “Khi đó cha 21 tuổi, một người thông minh sắc sảo!”

Linh mục Swinnen nhớ lại, nếu bây giờ những người ủng hộ Tổng thống tân-tự do Mauricio Macri – bị đánh bại trong cuộc bầu cử tổng thống Argentina ngày 27 tháng 10 năm 2019 – cáo buộc Đức Phanxicô là người thân “Kirchner” thì họ quên Hồng y Jorge Bergoglio, khi còn là Tổng Giám mục của Buenos Aires đã không nhân nhượng với Tổng thống Nestor Kirchner và sau này là vợ ông, bà Cristina, người kế vị ông. Các điểm ngài không nhân nhượng: hôn nhân đồng tính, thay đổi giới tính cho người chuyển giới và tự do phá thai.

Tuy nhiên, rõ ràng đối với nhiều người ở Argentina, Đức Phanxicô có cảm tình với một loại chính phủ có khuynh hướng xã hội, theo truyền thống của chủ nghĩa Peron lịch sử được khai sinh năm 1945 với chính phủ đầu tiên của Tướng Juan Domingo Peron. Lúc đầu, ông gần với học thuyết xã hội của Giáo hội. Vợ ông, bà Eva, với người Argentina bà có tên “Evita” đóng một vai trò quan trọng trong việc cổ động cho phụ nữ, cho những người “không có áo”, những người thiếu thốn nhất trong xã hội. Và Đức Phanxicô có liên quan đến phong trào thanh niên trẻ Peron.

Bức tranh tường bà Evita Peron, hình ảnh người mẹ bảo hộ của tầng lớp lao động Argentina | © Jacques Berset

“Người Argentina tự cho mình là cái rốn vũ trụ”

“Vấn đề là những người ở Buenos Aires, nhưng cũng với tất cả người dân Argentina, họ đều cho mình là cái rốn vũ trụ! Khi Đức Phanxicô nói với Giáo hội hoàn vũ, họ nghĩ ngài đặc biệt nói đến họ.”

Tất cả tùy thuộc vào những gì báo chí và các phương tiện truyền thông bảo thủ chính của quốc gia đăng, nhóm Clarín hay nhật báo bảo thủ La Nacion, điều này ảnh hưởng lớn đến nhận thức của công chúng. Rõ ràng Đức Phanxicô nằm trong tầm ngắm của tầng lớp giàu có và của giới tinh hoa đảng tân-tự do vì các quan điểm của ngài luôn bảo vệ những người yếu thế.

Các gia đình nghèo bị đuổi ra khỏi nhà, họ sống trong các túp lều thô sơ trong vùng  Costanera, Trelew | © Jacques Berset

Linh mục Swinnen lấy làm tiếc: “Các phương tiện truyền thông chính thống giải thích mọi thứ theo tiêu chuẩn đảng phái: Đức Phanxicô theo ‘Kirchner, vì bà  Cristina Kirchner cười sau buổi tiếp kiến với Đức Phanxicô, ngài “chống Macri” vì ông Mauricio Macri ra khỏi Vatican với bộ mặt nghiêm nghị… Tất cả đều như vậy ở Argentina: đất nước bị phân cực sâu xa, các cử chỉ của Đức Phanxicô đều được nhìn dưới góc cạnh này…” Nhưng điều chắc chắn nhất, đó là những người khiêm hèn nhất, những người nghèo trong các khu phố nghèo đều mừng vì “giáo hoàng của họ” quan tâm đến những người thiếu may mắn và sống ở vùng ngoại vi.

Ý thức hệ và chính trị là hàng đầu

Bà Romina Maccarone trong ban biên tập của Radio María Argentina ở Cordoba phân tích: “Trong thời gian đầu khi Đức Phanxicô ở Vatican, cả nước hân hoan: một giáo hoàng Argentina, một giáo hoàng của chúng tôi! Nhưng rất nhanh sau đó, ý thức hệ và chính trị lấn chiếm hàng đầu, vì chúng tôi sống trong một xã hội rất phân cực.”

Bà Radio María Argentina, ban biên tập Radio María Argentina, Cordoba | © Jacques Berset

Nhà báo từ 20 năm nay, bà “Romy” xác nhận vấn đề Đức Phanxicô là vấn đề “phức tạp” ở Argentina. Bà cho biết, ngược với giới truyền thông chính thống, đài phát thanh của bà thích ứng với Thông điệp Chúc tụng Chúa Laudato si của Đức Phanxicô. Và chúng ta nên nhớ, Đức Jorge Bergoglio không chờ lên đứng đầu Giáo hội toàn cầu mới lên tiếng bảo vệ người nghèo của các khu phố nghèo hay người dân bản địa. Phần dân số này luôn bị các chính phủ bỏ rơi, dù bất cứ chính phủ nào, người nghèo dưới mắt họ là “rác”.

Đức Jorge Bergoglio biết “mùi của đàn chiên

Dưới khía cạnh linh mục “truyền thống”, ngài sống khổ hạnh, luôn mặc áo cũ, mang giày mòn, đi xe buýt hoặc tàu điện ngầm cùng với dân chúng. Như người chăn chiên, ngài biết mùi đàn chiên của mình.

Đức Tổng Giám mục Gustavo Gabriel Zurbriggen, giáo phận Deaùn Funes, ở vùng Sierra, Cordoba cũng nói với chúng tôi như vậy.

Đức Giám mục Gustavo Gabriel Zurbriggen cùng với giáo dân ở giáo phận Deán Funes | © Jacques Berset

Trong tầm ngắm của các phương tiện truyền thông thống trị

Theo Giám mục Zurbriggen, nếu Đức Phanxicô không được giới truyền thông thống trị đánh giá cao, là do ngài luôn đứng về phía người nghèo, tố cáo sự bất công của chủ nghĩa tư bản tân-tự do, chắc chắn điều này không làm giới thượng lưu hài lòng. “Đức Gioan-Phaolô II đã nói điều này trong các tông thư của ngài, nhưng ngài trí thức hơn. Phong cách của Đức Phanxicô thì bình dân hơn, dễ tiếp cận hơn … Các phương tiện truyền thông lớn nhanh chóng đặt ngài vào ô “peron”. Ai cũng đặt câu hỏi, vì sao ngài đã đến thăm các nước láng giềng mà chưa về Argentina. Điều này đã làm cho dân chúng  thất vọng.

Ở giáo phận bên cạnh Cruz del Eje, Đức Giám mục Hugo Ricardo Araya cho biết, trong lòng người dân, Đức Phanxicô rất được yêu mến: “Chúng tôi thấy trong nhà của họ, hình Đức Phanxicô ở bên cạnh hình Đức Mẹ.” Ngài cũng nêu lý do các phương tiện truyền thông lớn “ở trong tay những người quyền lực, những người kích động sự chia rẽ bằng cách cáo buộc Đức Phanxicô là người thân cựu chính quyền “Kirchner”, trong khi chắc chắn ngài sẽ thấy mình gần với “Peron” đánh dấu một thời cựu lãnh đạo Argentina gần với học thuyết xã hội của Giáo hội.

Đức Tổng Giám mục Hugo Ricardo Araya, Giáo phận Cruz del Eje | © Jacques Berset

Không thích kiểu “giám mục hoàng tử”

Đức Giám mục Araya nêu lên, sự đối lập với Đức Bergoglio không phải là mới: nó đã có từ khi ngài là Tổng Giám mục của Buenos Aires, trong giới chính trị cũng như trong hàng ngũ các giám mục. Các “giám mục hoàng tử” không thích ngài gần gũi với người nghèo và không thích ngài tố cáo tham nhũng. “Nhóm giám mục thiểu số này có một tầm nhìn khác về Giáo hội và thế giới.” Một số người trong số này hoài cổ về một chế độ độc tài quân sự đẫm máu, mà dưới mắt họ đã cứu Argentina khỏi chủ nghĩa cộng sản…

Đức Tổng Giám mục Araya kết luận: “Đến ngày ngài qua đời, cũng các phương tiện truyền thông bây giờ đang chỉ trích ngài, khi đó họ sẽ dệt vương miện, họ sẽ không ngần ngại ca tụng: một nhân vật vĩ đại, một người Argentina cao cả… Người dân Argentina, những người ở trong lãnh vực rất bảo thủ cũng như trong nội bộ Giáo hội là như thế!”

Các giám mục thù nghịch với Đức Phanxicô

Phân tích này được khoảng mười mấy giám mục Argentina đồng ý, tháng 2 – 2020, báo Công giáo Thụy Sĩ đã gặp các giám mục ở Rawson, trong giáo phận Comodoro Rivadavia, cách thủ đô Buenos Aires hơn 1.100 cây số về phía nam. Đức Giám mục Esteban Maria Laxague, giáo phận  Viedma tại Patagonia nói với chúng tôi: “Ngày nay một thiểu số các giám mục bảo thủ vẫn còn thù nghịch với Đức Phanxicô, họ nhớ thời độc tài quân sự, vì theo họ, đó là một xã hội trật tự gần như ổn định.”

Bài phóng sự này được thực hiện vào tháng 2 năm 2020 do Cơ quan Tương trợ Công giáo Quốc tế (Aide à l’Eglise en Détresse) tổ chức, trong chuyến thăm các dự án được cơ quan hỗ trợ ở Argentina.

Marta An Nguyễn dịch

Xin đọc thêm: Mười điểm nổi bật về truyền giáo theo Đức Phanxicô