“Tôi không thích Giáo hội; giáo hoàng yên lành ở Vatican.”
Các nạn nhân điếc của các vụ lạm dụng tình dục ở Argentina đã đến Rôma. Một nạn nhân của Viện Próvolo than phiền: “Tôi không thích Giáo hội; giáo hoàng yên lành ở Vatican.”
Các nạn nhân, gia đình và một trong các luật sư của nạn nhân tại Vatican ngày 20 tháng 2-2020. Hình: Elisabeta Piqué
lanacion.com, Elisabetta Piqué, 2020-02-20
“Tôi không thích Giáo hội. Họ đã lạm dụng rất nhiều và tôi cần họ chấm dứt. Đức Giáo hoàng ở Vatican và không đưa ra bằng chứng. Và điều này phải ngừng. Chúng tôi nói như thế là đủ.”
Trong một cuộc họp báo gây sốc được diễn tả bằng ngôn ngữ dấu hiệu, các âm thanh từ cuống họng, các ánh nhìn nói lên nỗi đau và cơn giận của họ, ba cựu học sinh của Viện Próvolo, ngôi trường đáng buồn dành cho người điếc ở Mendoza và La Plata, bị lạm dụng tình dục đã đến Rôma, trung tâm đạo công giáo để đòi công lý.
Anh Ezequiel Villalonga, 19 tuổi, nạn nhân trẻ tuổi nhất nhóm nói: “Vì sao chúng tôi đến Rôma? Vì chúng tôi muốn chấm dứt lạm dụng đã xảy ra khắp nơi”, nhóm của anh có ông Daniel Sgardelis, 45 tuổi, nạn nhân của Viện Próvolo ở La Plata và cô Claudia Labeguerie, 26 tuổi. Cô là người có vẻ mong manh nhất nhóm, đôi mắt đẫm lệ trước một rừng máy ảnh.
Họ đã tố cáo sự bất động, che giấu và cản trở công lý của Vatican trước các Ủy ban chống tra tấn và Ủy ban bảo vệ quyền trẻ em của Liên Hiệp Quốc tại Geneva. Ông Daniel Sgardelis tuyên bố ở Ủy ban của chống tra tấn bằng ngôn ngữ dấu hiệu: “Trên thế giới, có rất nhiều nước vẫn còn tiếp tục xảy ra những chuyện này và sự im lặng luôn ngự trị.”
Hôm nay họ trình bày trường hợp của mình dưới ống kính của các nhà báo quốc tế. Một trường hợp thậm chí còn xì-căng-đan hơn các trường hợp khác trong những năm vừa qua, vì họ là người bị điếc, vì xảy ra ở Argentina, đất nước của giáo hoàng. Dù các nạn nhân đã xin ngài nghe họ, nhưng họ không nhận một câu trả lời nào vào thời đó.
Đi cùng với họ là các luật sư của họ, những người sống sót, các nhà hoạt động đấu tranh chống các lạm dụng của hàng giáo sĩ (ECA), ba nạn nhân của Viện Próvolo đã tổ chức cuộc họp báo ở trụ sở Hiệp hội Báo chí Nước ngoài (Foreign Press Association). Họ mặc áo mang hàng chữ “Không dung thứ” (Zero Tolerance), một đường lối mà Vatican đã đưa ra cách đây hai mươi năm và theo ông Peter Isley, sáng lập viên tổ chức “Chấm dứt giáo sĩ lạm dụng” (Ending clergy abuse, ECA) thì còn lâu mới được thi hành.
Mặc áo nạn nhân, mang các bích chương có hình các linh mục Nicola Corradi và Horacio Carbacho. Tháng 11 – 2019, linh mục Nicola Corradi, cha xứ người Ý đến Argentina từ năm 1970, năm nay 83 tuổi, cha bị kết án 42 năm tù và cha xứ người Argentina Horacio Corbacho bị kết án 45 năm tù, thời gian lâu nhất cho một linh mục lạm dụng tình dục. Cùng với câu “đừng quên”, lần đầu tiên ba nạn nhân đến Vatican. Tại đây, họ nhắc lại yêu cầu của mình về công lý, với lá cờ Argentina to lớn và một bức ảnh đen trắng cũ của một nhóm học sinh với các linh mục thủ phạm của họ. Và lời buộc tội: “Giáo hoàng Phanxicô đã biết và đã để chuyện này xảy ra cho chúng tôi.”
Tại cuộc họp báo, ông Peter Isely, một người Mỹ sống sót đã làm việc với các nạn nhân từ 25 năm nay, nhắc lại Vatican đã biết từ năm 2010, theo các báo cáo của các học sinh Viện Próvolo dành cho người điếc ở Vérone, trụ sở chính của Viện ở miền Bắc nước Ý, rất nhiều người trong số họ đã bị hãm hiếp, bị tra tấn bởi những người theo lẽ phải chăm sóc họ. Theo ông Peter Isely, trường hợp Argentina chỉ là một trong bao nhiêu trường hợp khác. Rất nhiều vụ các linh mục lạm dụng tình dục vẫn chưa được khám phá: “Và nó sẽ còn nổ bùng. Ở Châu Mỹ La Tinh, ở Phi châu, Á châu, các vụ này chỉ mới bắt đầu.”
Ông Isley tố cáo: “Tháng 10 năm 2015, một người sống sót đã gởi một lá thư với rất nhiều thông tin cho Giáo hoàng. Nhưng ngài đã làm gì? Và điều đáng buồn nhất là Ezekiel vẫn còn đi học vào thời điểm đó. Giáo hoàng biết và không làm gì để ngăn Ezekiel khỏi bị lạm dụng. Đó có phải là vị mục tử không?”, ông vừa nói vừa ôm anh Ezekiel, người trẻ nhất trong ba nạn nhân của Viện Próvolo đang ngồi cạnh ông.
Che đậy khiếu nại
Ông Lucas Lecour, luật sư của các nạn nhân và là chủ tịch của Xumec, một hiệp hội dân sự theo dõi việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền, nói rằng ông từng là luật sư biện hộ cho các nạn nhân trong các phiên tòa xử tội diệt chủng và chống lại nhân loại: “Tôi đã chứng kiến nhiều câu chuyện khủng khiếp, nhưng không có chuyện nào so sánh với sự lạm dụng và tra tấn mà các nạn nhân của Viện Próvolo đã bị”.
Luật sư Sergio Salinas cùng làm việc với luật sư Lecour đã trực tiếp tố cáo hai đặc phái viên của giáo hoàng điều tra về vụ Próvolo linh mục Dante Simón và giám mục Alberto Bochate, phụ tá giáo phận La Plata, họ không bao giờ cung cấp cho tòa các thông tin quan trọng, bất chấp các yêu cầu của công tố viên.
Ông tố cáo: “Có 199 người điếc ở Viện Próvolo có thể là các nạn nhân mà chúng tôi không biết gì vì Vatican giữ các thông tin này, tên, ảnh, địa chỉ của họ. Chẳng hạn, có một người bạn nói cô bị lạm dụng bởi một linh mục, nhưng không phải là linh mục Corradi hay linh mục Corbacho: Vatican có thể cho chúng tôi biết linh mục đó là ai, cung cấp cho chúng tôi thông tin này nhưng Vatican không làm”.
Ông nói tiếp: “Khi chúng tôi nói có 199 người là vì có một danh sách của Viện Próvolo gởi công tố viên, trong đó có tên 230 người điếc. Trong số này họ tuyên bố có 31, trong đó có 24 nạn nhân. Chúng tôi làm một lần cho tất cả để đến bù thiệt hại cho các nạn nhân.”
Khi trả lời các câu hỏi của những người được gọi là “sống sót”, luật sư Salinas báo trước với báo chí, các nạn nhân sẽ không nói đến các sự việc và trong những ngày này với chuyến đi đầu tiên của họ, họ “rất nhạy cảm với mọi thứ ở trên bề mặt.”
Tuy nhiên, họ đã dũng cảm trả lời nhờ thông dịch viên, ông Sgardelis nói: “Chúng tôi cần một đạo luật buộc Vatican không được che đậy thêm. Tất cả những người điếc luôn phải chịu sự lạm dụng từ các linh mục và chúng tôi cần điều này phải thay đổi.” Ông Sgardelis nói, với cô Labeguerie, “những chữ không đủ mô tả những gì cô ấy đã chịu đựng.” Tôi cần giáo hoàng chấm dứt chuyện này, để đưa ra bằng chứng và các hình ảnh, ông tự hỏi “còn im lặng bao nhiêu lâu nữa?” Cô Claudia Labeguerie tự hỏi: “Giáo hoàng biết các thủ phạm đã bị tù nhưng ngài không làm gì. Tôi muốn biết vì sao không có chuyện gì được làm. Vẫn còn rất nhiều lạm dụng, rất nhiều nạn nhân và cần phải thay đổi luật”.
Anh Ezequiel Villalonga cho biết: “Tôi muốn nói với giáo hoàng, chúng tôi có sức lực tiếp tục chiến đấu để có được công lý”. Chỉ khi đến tuổi trưởng thành Ezequiel mới học ngôn ngữ dấu hiệu để diễn tả, khi ở trường công giáo Próvoto anh không được học ngôn ngữ này.
Anh Ezequiel Villalonga chưa biết Đức Phanxicô có gặp các nạn nhân không nhưng anh hài lòng vì đã thắng kiện: “Tôi đã chờ rất lâu (…) và tôi đã khóc rất nhiều. Nhưng ở tòa tôi khóc vì vui và tôi ngừng xem tôi là nạn nhân.”
Dù có sự mong chờ sẽ có một cuộc gặp với các nạn nhân của Viện Próvolo ở Vérone, nhưng cuối cùng không có. Vào thời đó, các nạn nhân xin gặp giáo hoàng nhưng không được trả lời, họ nói qua trung gian của sứ thần. Luật sư Lecour giải thích: “Từ một tháng nay chúng tôi đã gởi tin, có một sự thật công khai là chúng tôi đã đến Rôma, Bộ Ngoại giao đã biết, và thật khó để giáo hoàng không biết.”
Ba nạn nhân mong được gặp Đức Phanxicô, họ sẽ ở Rôma từ ngày 20 đến 22 tháng 2, ngày kỷ niệm một năm cuộc họp chưa từng có của các chủ tịch Hội đồng giám mục thế giới về lạm dụng tình dục đã được Đức Phanxicô triệu tập tháng 2 năm 2019.
Các nạn nhân mong Đức Phanxicô giữ lời hứa để không còn trường hợp lạm dụng nào của các giáo sĩ.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Cô Claudia Labeguerie, anh Ezequiel Villalonga và ông Daniel Sgardeli tại Liên Hiệp Quốc ở Geneva ngày 19 tháng 2-2020 trên đường đến Rôma. Hình afp.com – Fabrice COFFRINI
Xin đọc thêm: Nạn nhân Argentina bị lạm dụng mong gặp Đức Phanxicô
Video cuộc họp báo của các nạn nhân:
A punto de comenzar conferencia de prensa de tres victimas de abusos sexuales, sordos, del Instituto Próvolo en @Stampa_Estera pic.twitter.com/wO61Gtbrhj
— Elisabetta Piqué (@bettapique) February 20, 2020