Vì sao Tông huấn Amazon yêu quý không là tiếng la-tinh?

334

Vì sao Tông huấn Amazon yêu quý không là tiếng la-tinh?

fr.aleteia.org, Claire Guigou, 2020-02-14

Tông huấn về Amazon thành quả của Thượng hội đồng Amazon được tổ chức từ ngày 6 đến 27 tháng 10-2019 có tên là “Querida Amazonia” là tiếng Tây Ban Nha chứ không phải tiếng la-tinh. Vatican đã bỏ ngôn ngữ của triết gia Cicéron qua một bên sao?

Từ cuối thế kỷ thứ ba trước công nguyên, tiếng la-tinh là ngôn ngữ chính thức của Giáo hội công giáo. Sở dĩ nó được quyết định như vậy là vì vào thời đó tiếng la-tinh được sử dụng rộng rãi trong số các tín hữu kitô. Từ Palestina đến Bắc Phi, những người được rửa tội ai cũng có thể hiểu được ngôn ngữ này. Ngày nay tiếng la-tinh được xem là ngôn ngữ cổ, tuy nhiên ngôn ngữ phụng vụ của Giáo hội và đa số các tông thư, tông huấn đều được thảo bằng tiếng la-tinh trước khi được dịch qua các thứ tiếng khác.

Dù đa số là như vậy… Nhưng Querida Amazonia (Amazon yêu quý) được công bố ngày 12 tháng 2 là một ngoại lệ. Tựa đề không bằng tiếng la-tinh như thường lệ mà bằng tiếng Tây Ban Nha! Theo chuyên gia vatican học  Christophe Dickès thì chọn lựa này của Đức Phanxicô không có gì “ngạc nhiên” vì nó giải thích đặc nét “địa phương” của thượng hội đồng. Nói với Giáo hội hoàn vũ nhưng lại đề cập đến các vấn đề môi sinh và mục vụ đầu tiên hết của vùng Amazon. Với tựa đề này, đây không phải là một thượng hội đồng “thông thường”, nhưng một thượng hội đồng đặc biệt của các Nghị phụ trong vùng.

Querida, không thể dịch được?

Như vậy có gì tốt hơn cho giáo hoàng để tỏ sự gần gũi của mình với phần đất này của thế giới cho bằng tiếng Tây Ban Nha? Và đó là điều dễ dàng nhất cho giáo hoàng Argentina! Mặt khác, sự chú ý dịu dàng này của Đức Phanxicô lại làm cho những người mà tông huấn này muốn gởi đến xúc động. Nữ tu Augusta de Oliveira, thuộc hội dòng có mặt ở Amazon từ hơn 100 năm nay giải thích: “Tựa đề Querida Amazonia đã làm cho trái tim tôi đập  mạnh” và đúng vậy “từ querida có một ý nghĩa rất đặc biệt không thể dịch được.” Theo sơ, nó có nghĩa là tình yêu, là dịu dàng, đam mê, thậm chí là tình cảm của giáo hoàng đối với vùng này. Chúng tôi nghĩ: một tiêu đề bằng tiếng la-tinh sẽ có thể ít ấm áp hơn.

Chúng ta có thể nói thêm, tiếng la-tinh cũng là một dấu ấn văn hóa mạnh mẽ, hơn nữa, nó cho phép Giáo hội la-tinh nổi bật trong một thời gian dài với các Giáo hội phương Đông. Bằng cách chọn tiếng Tây Ban Nha, giáo hoàng người Châu Mỹ La Tinh muốn ít ra trong thời gian soạn tông huấn thoát ra một chút với di sản này. Khi chọn ngôn ngữ Tây Ban Nha là mang thêm chất thơ vào văn bản: không còn là một loạt khuyến dụ, Querida Amazonia nghe như lời tỏ tình và mời gọi người đọc chiêm niệm. Tóm lại, văn bản này thích nghi tuyệt vời với người đọc, thơ văn hơn là các trình bày to lớn.

Không phải là lần đầu tiên

Đây không phải là lần đầu tiên một giáo hoàng sử dụng một ngôn ngữ khác ngoài tiếng la-tinh khi ngài muốn gửi thông điệp đến một dân tộc cụ thể. Chuyên gia Christophe Dickès nhắc lại, Đức Lêô XIII đã chọn tiếng Pháp để nói với người Pháp trong Tông thư Giữa những yêu cầu (Au milieu des sollicitudes) được ký ngày 16 tháng 2 năm 1892. Trong văn bản này, ngài xin người công giáo Pháp công nhận nước Cộng hòa. Gần đây hơn, Đức Piô XI ký tông thư Với nỗi lo lắng cháy bỏng (Mit brennender Sorge) bằng tiếng Đức ngày 10 tháng 3 năm 1937. Trong tông thư này ngài tố cáo chủ nghĩa phát xít và sự không tôn trọng phẩm giá con người. Vậy, khi nào sẽ có một tông thư bằng tiếng Trung hoa đây?

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Xin đọc thêm: Linh mục Thomas Michelet: “Với Đức Phanxicô, Amazon là phòng thí nghiệm truyền giáo”

Các linh mục lập gia đình: Phản ứng khác nhau của các giám mục Pháp về sự im lặng của Đức Phanxicô

“Amazon thân mến”, thành quả suy tư lâu dài của Đức Phanxicô