Các câu tweet của Đức Phanxicô tháng 1-2020
Hôm nay lễ nhớ Thánh Gioan Bốt-cô #JeanBosco, là người cha, người thầy của tuổi trẻ, ước mong tấm gương thánh thiện của ngài hướng dẫn chúng ta, nhất là các bạn trẻ thân yêu thực hiện được các dự án tương lai, đón nhận kế hoạch của Chúa cho từng người. Tweet của Đức Phanxicô 2020-01-31
Xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng, gởi cho chúng ta một tiên tri – họ có thể là người bạn, là cha giải tội, là con chúng ta, là mẹ chúng ta – người nhắc nhở chúng ta khi chúng ta có cảm giác mọi thứ dường như hợp pháp vì chúng ta đã đánh mất ý nghĩa về tội. Tweet của Đức Phanxicô 2020-01-31
“Anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em” (Mc 4, 24). Chúng ta hãy xin Chúa ban ơn đừng sợ thập giá, chúng ta xin ơn chịu một vài sỉ nhục, vì đây là cách Ngài đã chọn để cứu chúng ta. Bài giảng tại Nhà nguyện Thánh Marta. Tweet của Đức Phanxicô 2020-01-30
Các Mối Phúc là “thẻ căn cước” của tín hữu kitô. Đó không phải là niềm vui thoáng qua, nhưng là hạnh phúc biết cách cùng sống với đau khổ. Tweet của Đức Phanxicô 2020-01-29
Tin Mừng sẽ không được tiếp tục rao giảng với các nhà truyền giáo nhàm chán và chua chát. Không. Tin Mừng sẽ chỉ được tiếp tục rao giảng với các nhà truyền giáo vui vẻ, đầy sức sống. Tweet của Đức Phanxicô 2020-01-28
Nếu chúng ta đánh mất ký ức, chúng ta phá hủy tương lai. Kỷ niệm Lò Hơi Ngạt, sự tàn ác không thể kể xiết mà nhân loại phát hiện 75 năm trước đây là lời nhắc nhở chúng ta phải dừng lại, giữ im lặng và ghi nhớ. Chúng ta cần ghi nhận để không trở nên dửng dưng. Tweet của Đức Phanxicô 2020-01-27
Chúng ta hãy tạo một khoảng không gian cho Lời Chúa! Mỗi ngày chúng ta đọc một đoạn Thánh Kinh. Chúng ta sẽ thấy Chúa gần gũi với mình, Ngài soi sáng bóng tối trong chúng ta, với tình yêu, Ngài đưa chúng ta ra khơi. Chúa nhật Lời Chúa. Tweet của Đức Phanxicô 2020-01-26
Lời Chúa an ủi và khích lệ, tạo hoán cải và lay động chúng ta, Lời Chúa giải thoát chúng ta khỏi sự tê liệt của tính ích kỷ; bởi vì Lời Chúa có sức mạnh để thay đổi cuộc sống, để chuyển từ bóng tối ra ánh sáng. Chúa nhật Lời Chúa. Tweet của Đức Phanxicô 2020-01-26
Chúng ta cần Lời Chúa để lắng nghe giữa hàng ngàn lời nói mỗi ngày, chỉ duy Lời Chúa không nói với chúng ta về chuyện này chuyện kia, nhưng về Đời sống. Chúa nhật Lời Chúa. Tweet của Đức Phanxicô 2020-01-26
Chúa ban cho chúng ta Lời của Ngài để đón chúng ta như bức thư tình Ngài viết cho chúng ta, để chúng ta cảm thấy Ngài ở bên cạnh mình. Tweet của Đức Phanxicô 2020-01-26
Từ Tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất kitô hữu, chúng ta sẽ học cách trở nên hiếu khách hơn, trước hết là giữa kitô hữu với nhau và cũng giữa các anh em thuộc các tín ngưỡng khác nhau. Tính hiếu khách nằm trong truyền thống các cộng đồng và gia đình kitô. Tweet của Đức Phanxicô 2020-01-25
Kinh thánh là câu chuyện tình yêu tuyệt vời giữa Thiên Chúa và nhân loại. Trọng tâm là Chúa Giêsu: câu chuyện của Ngài dẫn đến sự thành tựu tình yêu của Chúa dành cho con người và cũng là câu chuyện tình yêu của con người với Chúa. Tweet của Đức Phanxicô 2020-01-25
Năm nay, tôi muốn Thông điệp dành Ngày Thế Giới Truyền thông Xã hội dành cho chủ đề kể chuyện. Để không bị lạc hướng, chúng ta cần cảm hứng sự thật từ những câu chuyện tích cực và xây dựng để giúp chúng ta tìm được cội nguồn của mình và sức mạnh để cùng nhau đi tới. Tweet của Đức Phanxicô 2020-01-24
Sự hiếu khách trong đại kết đòi hỏi sự sẵn lòng lắng nghe các kitô hữu khác, chú ý đến những câu chuyện cá nhân của họ về đức tin và lịch sử cộng đồng của họ. Tweet của Đức Phanxicô 2020-01-23
Năm nay, lòng hiếu khách là chủ đề tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất của các tín hữu kitô. Tweet của Đức Phanxicô 2020-01-22
Nhờ Bí tích Rửa tội, kitô hữu chúng ta được Chúa xức dầu và đây là món quà thuần túy. Hôm nay chúng ta xin Chúa Thánh Thần để chúng ta biết trung tín gìn giữ món quà này. Đây là sự thánh thiện kitô giáo. Tweet của Đức Phanxicô 2020-01-21. Bài giảng ở Nhà nguyện Thánh Marta.
Là tín hữu kitô, không phải là bảo vệ chính mình với một ý thức hệ để tiến về phía trước. Là tín hữu kitô, là được tự do, vì chúng ta tin tưởng, vì chúng ta dễ bảo theo Lời Chúa. Tweet của Đức Phanxicô 2020-01-20
Chúng ta xem đoạn Tin Mừng hôm nay (Ga 1, 29-34), Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian. Đúng, chúng ta vẫn là những kẻ có tội khốn khổ, nhưng chúng ta không phải là nô lệ, chúng ta là con của Chúa! Tweet của Đức Phanxicô 2020-01-19
Người có đức tin cảm thấy mình rất cần Chúa và, trong sự thấp bé của mình, họ hoàn toàn phó thác vào Ngài. Tweet của Đức Phanxicô 2020-01-18
Chúa Giêsu nhìn người bại liệt và Ngài đi vào điểm chính: “Tội của con đã được tha”. Sức khỏe cơ thể là ơn mà chúng ta phải trân trọng, nhưng Chúa dạy chúng ta cũng phải trân trọng sức khỏe tâm hồn, sức khỏe thiêng liêng. Tweet của Đức Phanxicô 2020-01-17
Chúa động lòng trắc ẩn, Ngài để tâm đến các vấn đề của chúng ta. Chúng ta thường nên lặp lại lời cầu nguyện đơn sơ này: Lạy Chúa, con là kẻ có tội, xin Chúa dủ lòng thương xót con. Tweet của Đức Phanxicô 2020-01-16
Cầu xin Chúa Thánh Thần làm sống lại trong mỗi chúng ta lời kêu gọi trở thành các nhà truyền giáo can đảm và vui vẻ. Tweet của Đức Phanxicô 2020-01-15
Chúa Giêsu có thẩm quyền vì Ngài nhất quán giữa những gì Ngài dạy, Ngài hành động và lối sống của Ngài. Thẩm quyền phản ánh trong sự nhất quán và chứng từ. Tweet của Đức Phanxicô 2020-01-14. Bài giảng ở Nhà nguyện Thánh Marta ngày 14-1-2020
Trong đời sống kitô, biết chưa đủ: không đi ra khỏi mình, không gặp gỡ, không thờ phượng, chúng ta không biết Chúa. Đời sống kitô là câu chuyện tình yêu với Chúa. Tweet của Đức Phanxicô 2020-01-13
Trong ngày lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, chúng ta xem lại bí tích Rửa tội của chúng ta: giống như Chúa Giêsu là Con yêu dấu của Chúa Cha, chúng ta cũng vậy, được tái sinh từ nước và từ Chúa Thánh Thần, chúng ta là con yêu dấu của Thiên Chúa, là anh chị em của nhiều anh chị em khác. Tweet của Đức Phanxicô 2020-01-12
Khi thờ phượng, chúng ta để Chúa biến đổi mình bằng tình yêu của Ngài, rọi sáng các tối tăm của chúng ta, cho chúng ta sức mạnh trong yếu đuối, can đảm trong thử thách. Tweet của Đức Phanxicô 2020-01-11
Thờ phượng là gặp Chúa Giêsu mà không kèm theo một lô điều kiện nhưng với mong muốn duy nhất là ở với Ngài. Khi chúng ta thờ phượng, chúng ta để Chúa Giêsu chữa lành và thay đổi chúng ta. Tweet của Đức Phanxicô 2020-01-11
Thánh Gioan nói với chúng ta về nền tảng của tình yêu: chúng ta yêu thương được vì Chúa đã yêu thương chúng ta đầu tiên. Xin Chúa Thánh Thần cho chúng ta sức mạnh và niềm vui yêu thương anh em mình, thể hiện được tình yêu mà chúng ta dành cho Chúa. Tweet của Đức Phanxicô 2020-01-10
Hy vọng không phải là chuyện không tưởng và hòa bình luôn là chuyện khả thể. Tweet của Đức Phanxicô 2020-01-09
Nếu chúng ta không có bình an trong lòng thì làm sao thế giới có được hòa bình? Chúng ta phải biết ở trong Chúa và muốn ở trong Chúa thì phải yêu thương; yêu thương trong những chuyện nhỏ. Tweet của Đức Phanxicô 2020-01-09
Thờ phượng là mang đời sống chúng ta dâng cho Chúa để Chúa đi vào đời sống chúng ta. Là để sự an ủi của Chúa đến với thế giới và để chúng ta được tràn đầy tình dịu dàng của Chúa. Tweet của Đức Phanxicô 2020-01-08
Thờ phượng là đi ra khỏi cảnh nô lệ lớn nhất, cảnh nô lệ vào chính mình. Thờ phượng là đặt Chúa vào trọng tâm để chúng ta không còn chú tâm vào mình. Tweet của Đức Phanxicô 2020-01-08
Tôi đặc biệt nghĩ đến các anh em Giáo hội Đông phương, công giáo và chính thống giáo hôm nay mừng lễ Chúa Giáng Sinh. Tôi xin chúc tất cả có được ánh sáng và bình an của Chúa Kitô, Đấng Cứu Chuộc. Tweet của Đức Phanxicô 2020-01-07
Bao nhiêu người sống mà không biết chuyện gì đang xảy ra trong trái tim họ. Chúng ta cùng xin ơn được ở lại trong Chúa và phân biệt Thần Khí của Chúa và tinh thần thế gian, để trái tim chúng ta là điểm gặp gỡ giữa Thiên Chúa và chúng ta. Tweet của Đức Phanxicô 2020-01-07
Thờ phượng là đi vào điều thiết yếu: đó là cách để khử độc nhiều chuyện vô ích, những thứ làm tê liệt trái tim và chai cứng tâm trí. Tweet của Đức Phanxicô 2020-01-06
Tin Mừng hôm nay (Mt 2: 1-12) dạy chúng ta, khi con người không tôn thờ Thiên Chúa thì sẽ tôn thờ bản ngã của mình. Đó là một rủi ro nghiêm trọng: chúng ta sử dụng Thiên Chúa thay vì phục vụ Ngài. Tweet của Đức Phanxicô 2020-01-06
Đây là ý nghĩa của lễ Giáng Sinh. Nếu Chúa tiếp tục đến giữa chúng ta, nếu Ngài tiếp tục ban Lời của Ngài là để mỗi chúng ta có thể đáp trả lời kêu gọi này: trở nên thánh trong tình yêu. Tweet của Đức Phanxicô 2020-01-05. Đức Phanxicô trong giờ Kinh Truyền Tin.
Chúng ta phải tin người khác cũng cần hòa bình như mình. Chúng ta không có hòa bình nếu chúng ta không mong muốn hòa bình. Chúng ta cùng cầu xin Chúa ơn hòa bình. Tweet của Đức Phanxicô 2020-01-04
Danh Ngài là Cứu rỗi. Chúng ta phải làm chứng cho điều này: Ngài là Đấng Cứu rỗi duy nhất. Tweet của Đức Phanxicô 2020-01-03
“Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11, 28). Thông điệp Ngày Thế Giới Trẻ Người Bệnh lần thứ 28. Tweet của Đức Phanxicô 2020-01-03
Chúng ta hãy xin ân sủng này: sống một năm với khát khao quan tâm đến người khác, chăm sóc người khác. Tweet của Đức Phanxicô 2020-01-02
Từ khi sinh ra, Chúa Giêsu được phản ảnh trong khuôn mặt của Mẹ mình. Với Mẹ, Ngài nhận được sự âu yếm đầu tiên, trao nhau những nụ cười đầu tiên. Với Mẹ, Ngài mở đầu cuộc cách mạng dịu dàng. Giáo hội nhìn theo gương Chúa Hài đồng được mời gọi để theo Ngài. Tweet của Đức Phanxicô 2020-01-02
Hôm nay, chúng ta cầu khẩn Mẹ Thiên Chúa, Đấng họp chúng con lại thành một cộng đồng tín hữu. Lạy Mẹ, xin khơi dậy hy vọng nơi chúng con, mang cho chúng con sự hiệp nhất. Mẹ là Mẹ của cứu rỗi, chúng con xin giao phó năm nay cho Mẹ, xin Mẹ gìn giữ chúng con trong trái tim Mẹ. Tweet của Đức Phanxicô 2020-01-01
Trong cơ thể Mẹ, Thiên Chúa và nhân loại đã hợp nhất không bao giờ rời xa nhau nữa. Nhân loại của chúng ta sẽ luôn ở trong Thiên Chúa và Mẹ Maria sẽ luôn là Mẹ Thiên Chúa. Tweet của Đức Phanxicô 2020-01-01
Chúng ta bắt đầu năm dưới dấu hiệu của Mẹ Maria, người phụ nữ dệt nhân tính của Thiên Chúa. Sự tái sinh nhân loại bắt đầu từ phụ nữ. Nếu chúng ta muốn dệt nhân tính nhân loại ngày nay, chúng ta phải bắt đầu lại từ phụ nữ. Tweet của Đức Phanxicô 2020-01-01
Marta An Nguyễn dịch