Một ly giáo mới? 10 điểm để hiểu cuộc khủng hoảng trong Giáo hội (3-3)
Hồng y trong gió, tranh Laura Zicari, 2010
legrandcontinent.eu/fr, Jean-Benoit Poulle, 2020-01-15
Sự rạn nứt từ trên đỉnh Giáo hội công giáo giữa giáo hoàng danh dự Bênêđictô và Đức Phanxicô đương kim giáo hoàng hôm nay lại nổi lên, đây là dịp để xem lại 10 điểm của một nguy cơ ly giáo nảy sinh trong Giáo hội công giáo.
- Trọng tâm vấn đề: Giáo hội Âu châu
Cuộc khủng hoảng thể chế này cũng là cuộc khủng hoảng văn hóa. Cuộc chiến tranh giành vị trí của Giáo hội công giáo chứng kiến một thời điểm mạnh mẽ gần đây khi các giám mục Ba Lan đề nghị Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II làm “thánh bổn mạng Âu châu và tiến sĩ Giáo hội”. Cũng như các phân tích khác, việc phục hồi gốc rễ kitô của Âu châu được đặt vào một bối cảnh cho thấy mối quan hệ ngày càng gần gũi hơn giữa Đảng cực kỳ bảo thủ (PiS) và Giáo hội công giáo ở Ba Lan, trên nền tảng “một Âu châu trắng và kitô giáo”. Việc đặt lại quan điểm này tiếp sau Thượng hội đồng Amazon kết thúc ngày 27 tháng 10 và các đề xuất tiến bộ liên quan đến tình trạng độc thân linh mục.
Xung đột chung quanh ký ức của Đức Gioan-Phaolô II là một điểm đặc biệt tế nhị đối với sự hiệp nhất các thành phần công giáo đương đại. Triều giáo hoàng của ngài là tổng hợp cuối cùng giữa giáo hoàng có thể đến gần với đám đông mà vẫn giữ đường lối nhất quán của khuynh hướng bảo thủ. Trong khi Đức Phanxicô, bằng nhiều dấu hiệu khác nhau, đã cho thấy một cách nào đó cắt đứt với di sản của Đức Gioan-Phaolô II. Mong muốn tiếp tục đà của Công đồng Vatican II chẳng hạn, điểm tế nhị trong lễ phong thánh của Đức Gioan-Phaolô II và Đức Gioan XXIII, giáo hoàng mở Công đồng Vatican II: trong bài giảng gần như Đức Phanxicô tập trung vào Đức Gioan XXIII, về sự cập nhật, về tinh thần cởi mở của ngài và chỉ nói vài lời về Đức Gioan-Phaolô II vào cuối bài giảng, một tỷ lệ nghịch với độ dài của triều giáo hoàng các ngài.
Đàng sau các vấn đề với người bản địa Amazon, chúng ta thấy thực tế các Giáo hội Tây phương, đầu tiên hết là Giáo hội Đức. Tình trạng khó khăn của người công giáo Amazon vì thiếu giáo sĩ chắc chắn trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng ơn gọi kéo dài của các xã hội Tây phương; tuy nhiên tình trạng ở Amazon có thể sẽ là tình trạng của Âu châu trong vài năm sắp tới? Các giải pháp thử nghiệm cho Amazon có thể ngày mai là của Đức và sau ngày mai là Pháp mà một vài giáo phận chỉ còn một ít linh mục hoạt động. Các Giáo hội này đúng là bước ngoặt cho toàn Giáo hội công giáo mà một số người kêu gọi, một số người khác sợ hãi.
Ảnh hưởng của Đức trên bờ Amazon tiềm ẩn trong việc tín nhiệm các giáo sĩ nói tiếng Đức từ lâu được yêu chuộng trong các vấn đề Nam Mỹ và các trao đổi cũng đã thiết lập từ lâu (Đức Bergoglio là người nói tiếng Đức giỏi, năm 1986 ngài đã ở Đức để làm luận án thần học dù ngài rất ít đi xa). Một trong các giám chức xuất hiện trên truyền thông trong Thượng hội đồng Amazon là nhà truyền giáo Đức Erwin Kräutler không phải là trường hợp cá biệt.
Do đó thật hợp lý khi nghĩ tình trạng văn hóa bản địa Amazon là một cách nói vòng cho các vấn đề vốn đang nóng bỏng ở Vatican, ở Giáo hội Đức. Như chúng ta thấy, Giáo hội Đức là một trong các Giáo hội giàu nhất thế giới nhờ hệ thống Kirchensteuer (thuế giáo hội bắt buộc cho các tín hữu). Các giám chức của họ, các đầu óc suy nghĩ cho các đột biến hậu công đồng ngày nay vẫn còn một sức mạnh đáng kể trong Giáo hội hoàn vũ. Ngày nay họ chịu áp lực từ các hiệp hội giáo dân công giáo (tập họp lại trong ủy ban Trung ương Công giáo Đức), họ có quan điểm tiến bộ hơn tất cả mọi người về các vấn đề xã hội và họ kêu gọi cải cách ngay lập tức.
Đương đầu với áp lực từ căn cứ của mình, hội đồng giám mục Đức đã cố gắng tự mình tiến lên: họ cố gắng mở ra sáng kiến giao thoa giữa người công giáo và người tin lành luther, trước khi nhắc nhở là phải theo lệnh của giáo triều la-mã. Hồng y Reinhard Marx, chủ tịch hội đồng giám mục Đức cũng đã khẳng định rất thẳng thắn trong lần thượng hội đồng về gia đình: “Chúng tôi không phải là một chi nhánh của Rôma”. Như thường lệ, Đức Phanxicô đã thận trọng xem đây là sáng kiến của một Giáo hội đặc biệt, để Giáo hội Đức đi trong chiều hướng mà ngài khuyến khích bằng các lời nói ẩn ý. Trước Thượng hội đồng Amazon, áp lực của người công giáo Đức tăng lên, với đòi hỏi bỏ bậc sống độc thân của linh mục và mở chức tư tế cho phụ nữ. Vì thế Thượng hội đồng Amazon là câu trả lời vòng cho Giáo hội Đức. Vì thế sự đối lập cũng gặp trong hàng ngũ của những người bảo thủ. Nhưng dường như Đức Phanxicô quyết tâm không tính đến nó.
- Sẽ có ly giáo không?
Như thế hiện nay Giáo hội công giáo ở trong tình trạng ở giữa. Nguy cơ ly giáo chính thức mà chúng ta có thể nghĩ là do phái bảo thủ, những người chỉ công nhận Đức Bênêđictô XVI là giáo hoàng hợp pháp duy nhất là một khả năng không thể có được. Trên thực tế, không bên nào muốn cắt đứt, nhưng mỗi bên đều giả vờ chờ đợi lỗi lầm của đối phương để làm cho điều đó không thể đảo ngược.
Nguy cơ của triều giáo hoàng Đức Phanxicô tế nhị hơn, đó là nguy cơ ly giáo không chính thức, không tuyên bố, thầm lặng. Nguyên nhân trực tiếp là cách cai trị không đoán trước được của giáo hoàng, người làm cho cả người tiến bộ ủng hộ ngài cũng như đối thủ của ngài không biết đường nào mà lần. Sự ly khai thầm lặng này có hai mặt, và trên thực tế đã bắt đầu: một mặt là khối đông người công giáo đòi cải cách đã không đưa vào nề nếp lối sống của họ theo quy tắc của Giáo hội – việc giữ đạo hay đạo đức tình dục – chúng ta thấy họ trong các phong trào chống đối, như hội nghị các người đã rửa tội ở Pháp hay tập thể “Wir sind Kirche” ở Áo; thế hệ sau rón rén rời Giáo hội, thậm chí không còn nhận mình là người công giáo.
Mặt khác, trong một rìa khác của Giáo hội, ít giữ đạo, ít theo luật đạo nhưng không đồng quan điểm chính trị với Đức Phanxicô, xem ngài không còn bảo vệ căn tính kitô hữu, như thế giáo hoàng không còn đại diện cho họ, thậm chí các nhà cầm quyền Giáo hội chung chung cũng bỏ tín hữu kitô. Ngoại trừ một thiểu số rất có ý thức, rất chiến đấu, các giáo dân này gần như không hiểu các lý do giáo điều mà có thể sẽ không đồng ý với Đức Phanxicô (dù họ là những người làm động lực cho các chống đối trong hệ thống phân cấp Giáo hội). Điều đáng chú ý là cả hai vị trí đối kháng này đều xuất phát từ sự đột biến các ứng xử theo cùng một hướng, họ có khuynh hướng thích ứng theo thế giới hiện đại. Ở phía này cũng như phía kia, tầm nhìn của Giáo hội thấy mình bị chính trị hóa, vì nó được xem xét theo các vấn đề thế tục và nhất thời, cũng như khi chúng ta làm với một đảng phái chính trị hay một hiệp hội nhân đạo.
Chắc chắn Đức Phanxicô nhận thức hai mỗi nguy hiểm song song này, ngài không có giải pháp nào khác hơn là tiếp tục đi con đường đã đi: cải cách bằng đường vòng, kết hợp uy quyền cá nhân cao cả của mình với sự khuyến khích của các sáng kiến địa phương, tóm lại là để bảo vệ một Giáo hội theo hình học uyển chuyển, nơi sự hiệp nhất sẽ được káo dài đến cùng cực mà không bao giờ bị phá vỡ chính thức, theo gương của những gì đã được thực hành trong nhiều Giáo hội tin lành. Đây dường như là ý nghĩa của một Giáo hội như “bệnh viện làng quê” mà Đức Phanxicô đã kêu gọi. Đây cũng là một cách táo bạo và nguy hiểm để đạt được sự thống nhất trong đa dạng.
- Tóm lại, chuyện gì đã xảy ra?
Như thế không có sự thống nhất chống đối với Đức Phanxicô, nhưng là một loạt các thái độ khác nhau, từ dè dặt trên một vài hành động của giáo hoàng đến một vài hành động được xem là triệt để mà ngài là người len lỏi bất hợp pháp. Các lý do của các thái độ này, thiêng liêng, giáo điều, giáo luật, bản sắc, kinh tế xã hội hay tình cảm tất cả đều rất đa dạng. Nhìn chung phải phân biệt các quan điểm của các thứ bậc Giáo hội – kể cả Đức Bênêđictô XVI -, những người can thiệp vào các chủ đề cụ thể và dù sao cũng nổi bật về sự thận trọng cao độ của họ, và của những người thuộc tầng lớp giáo dân ít nhiều được thông tin, họ có khuynh hướng nào đó bi kịch hóa các vấn đề. Thực tế là cũng có sự bất mãn như vậy đối với một phần của toàn bộ các quan điểm công giáo tự nó đã có vấn đề. Theo nghĩa này, chúng ta có thể nói, có một tình trạng ly giáo ảo trong Giáo hội công giáo. Ngược lại một ly giáo chính thức thì rất khó xảy ra, vì các thành viên trong cấp bậc Giáo hội biết mỗi bên sẽ mất mát rất nhiều.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Một ly giáo mới? 10 điểm để hiểu cuộc khủng hoảng trong Giáo hội (1-3)
Một ly giáo mới? 10 điểm để hiểu cuộc khủng hoảng trong Giáo hội (2-3)