Một ly giáo mới? 10 điểm để hiểu cuộc khủng hoảng trong Giáo hội (2-3)

121

Một ly giáo mới? 10 điểm để hiểu cuộc khủng hoảng trong Giáo hội (2-3)

Hồng y trong gió, tranh Laura Zicari, 2010

legrandcontinent.eu/fr, Jean-Benoit Poulle, 2020-01-15

Sự rạn nứt từ trên đỉnh Giáo hội công giáo giữa giáo hoàng danh dự Bênêđictô và Đức Phanxicô đương kim giáo hoàng hôm nay lại nổi lên, đây là dịp để xem lại 10 điểm của một nguy cơ ly giáo nảy sinh trong Giáo hội công giáo.

  1. Ngoài giáo triều, ai thật sự là người chỉ trích Đức Phanxicô?

Hơn cả các chống cự của hàng giáo sĩ, sự phản đối của các nhóm giáo dân công giáo thì khá lớn với giáo hoàng, đó là chuyện mới dưới triều Đức Phanxicô. Trước đây các giáo hoàng cũng bị chỉ trích, nhưng lòng trung thành với ngai Thánh Phêrô rất mạnh. Trong các lĩnh vực rộng lớn của dư luận châu Âu, thường là những người đặc biệt dễ bị tổn thương bởi các luận điểm dân túy mới, những lời kêu gọi chào đón người di cư của Đức Phanxicô không được hiểu cũng không được chấp nhận, dù họ hoàn toàn ở trong tính liên tục của các giáo hoàng trước. Đức Phanxicô, trong mối quan hệ tốt với các nhà chức trách Hồi giáo lớn như Đại học Al-Azhar, cũng bị buộc tội có thái độ hòa giải trước một hồi giáo thắng thế. Các chỉ trích này thường từ các giáo dân ít đi nhà thờ, ít được thông tin đầy đủ về thực tế tôn giáo, nhưng cho rằng mình gắn bó với bản sắc kitô giáo châu Âu.

Bên kìa đại dương, cũng có các chỉ trích tương tự, nhưng họ có địa bàn rộng hơn và được các cấp bậc trong hệ thống nhà thờ truyền tiếp.

Đây là luận điểm của nhà báo Nicolas Senèze (trong tác phẩm Làm thế nào nước Mỹ muốn thay đổi giáo hoàng), người gán cho các giáo dân giàu có ở Mỹ, những người không đồng ý kiến với giáo hoàng vai trò gây bất ổn cho triều Đức Phanxicô, theo nhà báo, chủ yếu là lý do kinh tế: các giáo dân này bị tổn thương vì Đức Phanxicô lên án mạnh mẽ chủ nghĩa tân tự do. Cụ thể là từ bức thư tháng 9 năm 2018 của Tổng Giám mục Carlo Maria Vigano, cựu sứ thần ở Mỹ, ông kêu gọi Đức Phanxicô từ chức. Chúng ta có thể nói ngay: một luận điểm như vậy không có sức thuyết phục.

Cũng có thể có những người công giáo ở Mỹ hoặc ở nơi khác không đồng ý với chỉ trích của Đức Phanxicô về nền kinh tế tự do. Nhưng nhà báo Nicolas Senèze đã cho họ có một ảnh hưởng và một mạng lưới hoàn toàn ngoài tỷ lệ, huy động tất cả các hiệp hội giáo dân công giáo Mỹ như các Hiệp sĩ Colomb để hỗ trợ cho lập luận của ông. Nhưng lập luận sức mạnh tài chánh và ý kiến mà nhà báo Nicolas Senèze gán cho người Mỹ bây giờ lại ở một mức độ khác, lần này là các định hướng tự do ở một mức độ cao hơn trong các tổ chức thế tục hùng mạnh ở Đức, Giáo hội Đức thực sự là một trong các Giáo hội giàu nhất thế giới, và do đó có ảnh hưởng trên Tòa Thánh ngược với tỷ lệ dân số của họ đang giảm.

Tổng Giám mục Carlo Maria Vigano

  1. Vai trò của giáo hoàng danh dự Bênêđictô là gì?

Một yếu tố cuối cùng củng cố cho tính cách chống đối chưa từng có đối với Đức Phanxicô: việc cùng tồn tại hai giáo hoàng ở Vatican, một danh dự, một đương nhiệm. Đức Bênêđictô XVI, trên nguyên tắc rút khỏi tất cả vấn đề công cộng, sống cuộc sống cầu nguyện, không can thiệp vào công việc của giáo hoàng đương nhiệm dù nhiều nơi yêu cầu: đặc biệt ngài từ chối không can thiệp sau thượng hội đồng về gia đình. Bây giờ nguyên tắc này bị phá vỡ, ngài vừa dứt khoát can thiệp: ngài viết lời nói đầu quyển sách của hồng y Sarah; các lần khác, trong một bức thư, ngài giải thích việc mình không đồng ý trao một giải thưởng cho một thần học gia tiến bộ hay viết một bức thư cho hàng giáo sĩ Bavarois về lý do các vụ lạm dụng tình dục, trong đó ngài đưa ra giải thích trước hết là vấn đề thiêng liêng, mà theo ngài là do đã quên ý nghĩa về Chúa.

Nhưng ngài cũng công khai cho thấy mình ủng hộ Đức Phanxicô. Dù sao, vị trí của giáo hoàng danh dự đặt ra các vấn đề giáo luật và giáo điều, nhiều tiếng nói cho rằng bây giờ Đức Bênêđictô XVI phải im lặng hơn.

Cám dỗ về phần giáo dân luôn lớn vì khi nào cũng có yếu tố cảm tính, không hiểu rõ giáo luật, muốn đứng về phía này hoặc phía kia, cho rằng Đức Bênêđictô XVI mới đúng là “giáo hoàng của mình”. Họ cũng có thái độ như vậy trong các cuộc bầu cử chính trị, bên nào thắng thì cũng bị bôi nhọ là có gian lận.

Điều làm cho vụ can thiệp mới nhất của Đức Bênêđictô XVI đáng ngạc nhiên là sự rút lui nửa chừng, khi Giám mục Georg Gänswein giải thích Đức Bênêđictô XVI không muốn mình là đồng tác giả quyển sách, tất cả là do có sự hiểu lầm với hồng y Sarah. Phần lớn quyển sách gần như là của hồng y Sarah và Đức Bênêđictô XVI chỉ viết một chương 7 trang trong quá trình triển khai.

Và cuối cùng vào đầu năm 2020 có tin đồn Đức Phanxicô chuẩn bị từ chức, như thế phải thể chế hóa và phải xem lại quy chế giáo hoàng danh dự. Hiện nay chức vụ giáo hoàng là trọn đời và không giới hạn tuổi, (dù các hồng y cử tri phải dưới 80 tuổi), ngược với giám mục: tất cả các giám mục công giáo phải đệ đơn từ chức khi đến 75 tuổi và chỉ có thể kéo dài một hoặc hai năm trước khi là giám mục danh dự. Và Đức Phanxicô thích nhắc, trước hết ngài là giám mục giáo phận Rôma (ngài đã giới thiệu mình như thế trong buổi chiều được bầu chọn), điều này nói lên, ít nhất là bằng lời, phong cách cai trị mang tích cách đồng nghị cho Giáo hội. Vì thế sẽ không có gì ngạc nhiên khi thấy ngài cải cách các thuộc tính giáo hoàng, khi ngài đưa các thuộc tính này lại gần với các thuộc tính của giám mục, ít nhất là trong một chừng mực nào đó. Trong viễn cảnh này, chức vụ “giáo hoàng danh dự” chưa từng có trong Giáo hội sẽ chỉ còn đơn giản là “giám mục danh dự giáo phận Rôma”.

  1. Và Thượng hội đồng Amazon?

Bề ngoài, Thượng hội đồng Amazon vừa kết thúc vài tháng trước đây có tính cách cách mạng hơn thượng hội đồng về gia đình, và đã được hai phần ba phiếu thuận. Bản tài liệu cuối cùng trình lên Đức Giáo hoàng đề xuất, trong một vài điều kiện, mở ra chức linh mục cho các phó tế vĩnh viễn, trong khuôn khổ một nghi thức mới cho vùng Amazon; và cũng nói đến việc suy nghĩ cho chức phó tế của phụ nữ. Và Đức Phanxicô sẽ quyết định hay không trong tông huấn hậu-thượng hội đồng sẽ được ban hành sắp tới. Dù các thay đổi sẽ rất ngoạn mục, trên thực tế, có thể đó là các cắt đứt đáng kể nhất đã diễn ra.

Một trong các điểm thảo luận gây tranh cải trong lần thượng hội đồng về gia đình (2014-2015) là việc đón nhận những người ly dị tái hôn được rước lễ, mà theo kỷ luật truyền thống họ ở trong tình trạng tội trọng nên không được rước lễ. Từ lâu những người tiến bộ đã đòi hỏi sự hội nhập tốt hơn cho họ và do đó là bỏ kỷ luật này. Nhưng đây lại là điểm chặn, vì theo những người bảo vệ truyền thống, là không thể cải cách được vì kỷ luật là bất biến trong Giáo hội mà Giáo hội được xây dựng trên lời của Chúa Kitô trong Tin Mừng. Đề xuất mở ra cho người ly dị tái hôn chỉ có một đa số rất ít ở thượng hội đồng. Đó là lý do vì sao nó không được giải thích rõ ràng trong Tông huấn Niềm vui Yêu thương mà chỉ ở trong phần chú thích bên dưới trang của tài liệu, “trong một vài trường hợp, sự hội nhập của những người ly dị tái hôn có thể đi đến mức nhận được các bí tích”. Chính sự mơ hồ này đã tạo Dubia nơi các hồng y bảo thủ, họ xin giải thích đoạn này rõ hơn. Hội đồng giám mục Argentina đã hỏi Đức Phanxicô nếu chú thích này có mở cánh cửa rước lễ cho những người ly dị tái hôn không, dù họ vẫn tiếp tục sống chung. Câu trả lời của ngài là ‘mở’ và ngài khen ngợi các giám mục Argentina đã thực hiện sự thay đổi này. Rốt cùng, việc đăng câu trả lời này của Đức Phanxicô, một thư riêng của giáo hoàng, trong Tài liệu chính thức của công báo Tông Tòa (Acta apostolicae sedis), chắc chắn là một sự cắt đức đích thực. Bởi vì chính qua đây, Đức Phanxicô mới thực sự đi theo đường hướng ngược lại của các vị tiền nhiệm ngài, đăng các biện pháp của riêng mình như các hành vi giáo quyền. Phải ghi nhận, trong trường hợp này, điều này không dẫn đến ly giáo hay chính thức cắt đứt.

Như thế có thể nói Thượng hội đồng Amazon là một hiện tượng ngoại vi không? Dù sao đây cũng là một thách đố quan trọng vượt quá các vấn đề đơn thuần địa phương. Vùng Amazon chắc chắn là mẫu “ngoại vi” mà Đức Phanxicô muốn đặt vào trọng tâm chú ý của Giáo hội; nhưng nó chỉ bao gồm vài triệu người công giáo chứ không bao gồm tất cả giáo hữu công giáo.

Việc xuất bản quyển sách của Đức Bênêđictô XVI và hồng y Sarah cũng là sân khấu của các màn chống đối, mang hình ảnh một chạm trán giáo điều giữa hai giáo hoàng, một tình trạng trên nguyên tắc là không hình dung được trong Giáo hội công giáo.

(Còn tiếp)

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Một ly giáo mới? 10 điểm để hiểu cuộc khủng hoảng trong Giáo hội (1-3)