Về hận chính mình và mặc cảm tội lỗi

520

Về hận chính mình và mặc cảm tội lỗi

Ronald Rolheiser, 2020-01-27

Gần đây trong chương trình truyền hình đại chúng Đêm Thứ bảy Trực tuyến (Saturday Night Live), một diễn viên hài đã có câu chuyện khá màu mè lém lỉnh để đáp lại câu trả lời của bà nghị sĩ Nancy Pelosi khi bà bị một ký giả cáo buộc bà ghét Tổng thống. Bà Pelosi tuyên bố, là người công giáo la-mã bà không ghét ai, và câu này đã làm cho diễn viên hài châm chọc: “Là người công giáo, tôi biết tôi luôn có một người để tôi ghét – đó là chính tôi.”

Tôi không phải là người dễ bối rối về các lời nói đùa tôn giáo. Hài hước luôn có lợi thế và các diễn viên hài luôn đóng vai trò quan trọng, việc của hề cung đình là làm xẹp bớt những chuyện đang phình lên ghê gớm. Tôn giáo thường là một thách đố của công chính. Thật ra tôi rất thích sự lém lỉnh thông minh này. Dù vậy có một cái gì đó làm tôi dị ứng với loại trò đùa đặc biệt này, vì nó có một vai trò khuôn thước nào đó mà tiếc thay ngày nay lại rất phổ biến, mọi người thuộc mọi tôn giáo (chứ không đặc biệt với công giáo la-mã) đều đổ lỗi vì giáo dục tôn giáo mà họ hận chính mình và có mặc cảm tội lỗi.

Có đúng như vậy không? Giáo dục tôn giáo của chúng ta có là nguyên do sâu xa cho các đấu tranh của chúng ta với sự thù hận chính mình và mặc cảm tội lỗi không?

Rõ ràng giáo dục tôn giáo của chúng ta có một vai trò nào đó ở đây, và sẽ quá là đơn giản (và cũng không đặc biệt hữu ích) để đổ lỗi cho tất cả về chuyện này, hoặc là phần lớn cho giáo dục tôn giáo của chúng ta. Các tâm lý gia và các nhà nhân chủng học bảo đảm với chúng ta vấn đề hận chính mình và mặc cảm tội lỗi mông lung thì vô cùng phức tạp, hơn nữa chúng ta cũng thấy vấn đề này nơi những người thuộc các tôn giáo khác và ở cả những người không có tôn giáo. Các đấu tranh chống thù hận chính mình và mặc cảm tội lỗi không phải là một hiện tượng đặc biệt nơi người công giáo la-mã, nơi người tin lành, nơi người thuộc giáo phái phúc âm, nơi người hồi giáo hay do thái giáo; đây là một hiện tượng chung, đa số chúng ta thấy nơi những người nhạy cảm. Hơn nữa cuộc đấu tranh này không phải lúc nào cũng không lành mạnh.

Ngược với những người không nhạy cảm về mặt đạo đức, bất cứ ai nhạy cảm đều hay tự kiểm, lo lắng xem mình ích kỷ hay rộng lượng, thường xuyên xem lời nói và hành động của mình có làm tổn thương người khác, có xúc phạm đến mối quan hệ của mình với Chúa hay không. Sống trong tình trạng lo âu này chính xác là đấu tranh chống hận chính mình và mặc cảm tội lỗi; và vì thế, ở một mức độ nào đó thì đây là đấu tranh lành mạnh. Khi chúng ta lo lắng tự kiểm thì ít nguy hiểm hơn là xem người khác, xem ơn của cuộc sống, xem sự tốt lành của Chúa như một chuyện đương nhiên phải có. Sự nhạy cảm về mặt đạo đức là một đức tính, cũng như nhạy cảm về thẩm mỹ, nó giúp chúng ta sợ hãi một cách lành mạnh, để không phớt lờ và vô cảm vẽ râu trên bức tranh Mona Lisa.

Dĩ nhiên có một số yếu tố không lành mạnh. Như nhà phân tâm học Freud đã dạy chúng ta, lương tâm không nói cho chúng ta biết cái gì đúng, cái gì sai, lương tâm chỉ cho chúng ta biết những gì chúng ta cảm nhận trong các hành động của mình. Và khi chúng ta có mặc cảm tội lỗi về những gì chúng ta vừa làm hay chúng ta bỏ qua một bên, chắc chắn những cảm nhận này thường bị ảnh hưởng mạnh bởi các chuẩn mực xã hội và đạo đức đã được cha mẹ, thầy giáo, văn hóa và giáo dục tôn giáo áp đặt trên chúng ta. Giáo dục tôn giáo và đạo đức để chúng ta đấu tranh với một mặc cảm tội lỗi sai lầm.

Nhưng dù điều này được chấp nhận, vẫn còn nhiều nguyên do sâu xa hơn mà chúng ta đấu tranh với lòng thù hận chính mình và mặc cảm tội lỗi mông lung và vì sao chúng ta không bao giờ cảm thấy tốt đủ.

Nếu chúng ta có thể nhìn đời mình qua một video thì chúng ta sẽ thấy không biết bao nhiêu lần, bằng cách này cách kia, chúng ta nói mình không tốt, không đầy đủ, không đáng yêu, không đáng quý, không có giá trị. Chúng ta sẽ thấy không biết bao nhiêu lần chúng ta xấu hổ vì quá nhiệt tình và điều này, tôi nghĩ hơn tất cả các yếu tố khác đã làm chúng ta có mặc cảm tội lỗi mông lung và cay đắng mà chúng ta thường cảm thấy đối với người khác.

Điều này bắt đầu từ chiếc ghế trên cao, khi còn rất nhỏ, trong năng lượng mù quáng của mình, chúng ta ăn uống quá nhiệt tình và cha mẹ nói chúng ta đừng ăn như heo. Cũng vậy, khi còn nhỏ, với niềm say mê và với thức ăn đầy ắp, chúng ta vừa hét vừa ném thức ăn xuống sàn, và mọi người nói chúng ta phải ngừng, phải im lặng, năng lực tự nhiên là không lành mạnh. Rồi đến tuổi đi nhà trẻ, chúng ta thường xấu hổ vì quá năng nổ. Cuối cùng, mọi thứ chuyển qua sân chơi, lớp học, trong vòng gia đình khi sự độc đáo và quý giá của chúng ta thường không được công nhận và coi trọng cho đủ, chúng ta thường bị bỏ qua, bị chèn nén, bị đối xử bất công, bị bắt nạt, bị mặc cảm thấp kém và thất bại, và một cách tinh tế hoặc không quá tinh tế, chúng ta cho mình không đủ tốt. Điều này khi lớn lên, chúng ta xem mình là người bị bỏ rơi, chúng ta ghen tương khi thấy đời sống người khác có vẻ phong phú hơn chúng ta, vì sự cay đắng chưa được nói lên mà chúng ta nuôi dưỡng do các bất toàn của riêng mình, và cho mặc cảm tội lỗi mà chúng ta cảm nhận do các phản bội của chính mình.

Đây không phải chủ yếu là do giáo dục tôn giáo của chúng ta mà chúng ta ghét chính mình và bị ám ảnh bởi mặc cảm tội lỗi mông lung.

Đúng, hầu hết người công giáo chúng ta ghét chính mình. Đáng tiếc thay, nó mà khác đi, thì mọi người cũng sẽ khác đi.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Xin đọc thêm:  Con đường nhỏ

Không đầy đủ, tổn thương và hòa giải