“Tôi thấy thật phi thường khi người này là giáo hoàng của chúng ta”
Báo L’Osservatore romano phỏng vấn điện ảnh gia Martin Scorsese, người thực hiện cuốn phim Thinh lặng (Silence)
fr.zenit.org, Marina Droujinina, Rôma, 2020-01-09
Điện ảnh gia Martin Scorsese ghi nhận: “Khi tôi nghĩ đến Đức Phanxicô, ý nghĩ đầu tiên đến trong đầu tôi là lòng trắc ẩn. Tôi thấy thật phi thường người này là giáo hoàng của chúng ta. Đây đúng là ân phước. Và tôi nghĩ, tôi được ân phước khi gặp ngài”.
Ngày 9 tháng 1 – 2020, ông Andrea Monda, giám đốc báo L’Osservatore romano đã có cuộc phỏng vấn với điện ảnh gia danh tiếng Scorsese: “Bạn hãy đọc các lời của Đức Thánh Cha, bạn sẽ thấy mình đối diện với ngài và thấy đây là người đã nhìn thấy nền tảng thiêng liêng của Giáo hội.”
Ông Andrea Monda cho biết, sau khi gặp Đức Phanxicô năm 2018, ngày 21 tháng 10 vừa qua nhà đạo diễn đã gặp lại ngài thêm một lần nữa: “Họ tiếp tục nói chuyện với nhau như hai người bạn cũ, có thể nhanh chóng hiểu nhau mà không phải cố gắng gì.” Hai người “bắt đầu cuộc nói chuyện đơn giản và sâu đậm, họ nhanh chóng bắt qua đề tài ‘Dostoïevski’, một đam mê chung của hai người.” Ông Andrea Monda nói tiếp: “Sau khi hỏi thăm tin tức bà Helen, vợ của nhà đạo diễn, Đức Phanxicô muốn biết thêm về cuốn phim mới của ông, cuốn Người Irish (The Irishman), ông giải thích đây là cuốn phim nói về thời gian và cái chết, về tình bạn và sự phản bội, về hối hận và tiếc nuối thời gian đã qua.”
“Con đường của Chúa Kitô”
Trong cuộc phỏng vấn, ông Scosese cho biết: “Tôi nghĩ con đường của Chúa Kitô là con đường duy nhất có thể làm cho chúng ta có thể sống sót được. Đó là con đường duy nhất mà tôi thấy cho nhân loại… để có thể thay đổi và tiến hóa một cách hiệu quả, tránh được hủy diệt. Tôi nói điều này không phải về khía cạnh văn hóa, nhưng về khía cạnh thiêng liêng.”
Nhà đạo diễn cho biết: “Lời Chúa dạy đã để một dấu ấn sâu đậm trong lòng tôi từ khi còn rất nhỏ. Và đó là một phần của những gì đã hình thành nên con người tôi, có nghĩa nó là một phần của những gì tôi có ngày hôm nay”.
Ông nói tiếp: “Đối với tôi, nó không bao giờ thực sự là một lựa chọn. Tôi nghĩ, không đơn giản để từ bỏ những gì đã cấu thành nên con người mình về mặt thiêng liêng trong đời sống riêng, và vì thế khó thay đổi đức tin như chúng ta thay áo.”
Ông giải thích, vấn đề tâm linh đã “phần lớn chiếm lĩnh đời tôi và nó có mặt trong phần lớn các phim của tôi.” Đó là, “làm thế nào để hòa giải thế giới bên ngoài trong các bối cảnh của nó với thế giới nội tâm của đức tin: đây là vấn đề luôn đi theo tôi và tôi đã đề cập một cách khác nhau, theo các giai đoạn khác nhau trong cuộc sống của tôi.”
Giáo hội, “một vấn đề tinh thần”
Ông khẳng định, dù Giáo hội công giáo là một “tổ chức rộng lớn, một truyền thống, một công ty, một tổ chức khổng lồ” thì trong bản chất của nó “đây không phải là vấn đề của con người hay của thế giới, nhưng là vấn đề của tinh thần.” Ông nói: “Đó là đá, là nền tảng: thực hành và tích cực sống theo gương Chúa Kitô. Đức Phanxicô cũng lặp lại điều này và xin chúng ta nhận ra nó.”
Ông giải thích: “Trong Giáo hội, tôi đã học từ các linh mục đường phố của địa phận, chúng ta có thể cứng rắn bên ngoài, nhưng tâm hồn chúng ta đầy lòng trắc ẩn và cứng rắn chỉ là một cách để nuôi dưỡng lòng trắc ẩn này – hoặc chúng ta có thể nói, điều răn yêu thương của Chúa Giêsu ở trong tâm hồn chúng ta. Đây là một trong các điều quý giá nhất mà tôi đã nhận được.”
Nhà đạo diễn tin rằng “xưng tội là một trong các khí cụ thiêng liêng cực mạnh nhất mà Giáo hội có được” : “Đây là cuộc xét mình đích thực để biết mình là ai, để biết các hoài nghi, các sợ hãi, các vi phạm và chính việc xưng tội đã mở cánh cửa cho một khả thể khác, đó là thử lại. Ngay cả khi bạn không được tha tội, thì dù sao bạn cũng đã mở một cánh cửa.”
Marta An Nguyễn dịch
Xin đọc thêm: Dựng “Im Lặng”
Linh mục Dòng Tên James Martin khóc khi xem phim «Im lặng»
Đi tĩnh tâm thinh lặng một tuần để đóng vai các nhà truyền giáo Dòng Tên