Ông Andrea Riccardi phác họa vài nét ấn tượng về Đức Phanxicô

277

Ông Andrea Riccardi phác họa vài nét ấn tượng về Đức Phanxicô

lavie.fr, Andrea Riccardi, 2019-12-18

Đức Phanxicô, Hình: Stefano Spaziani

 

Ông Andrea Riccardi là nhà sử học kitô giáo và là nhà sáng lập Cộng đồng  Sant’Egidio tại Rôma năm 1968. Là người thân cận với Đức Phanxicô, ông phác họa vài nét ấn tượng về ngài từ sáu năm nay.

Đức Phanxicô được bầu chọn năm 2013 là một ngạc nhiên cho tất cả mọi người. Việc Đức Bênêđictô XVI từ nhiệm cho thấy chiều sâu cuộc khủng hoảng của Giáo hội. Đức Gioan-Phaolô II đã cầm cự đến cuối cùng dù ngài bị bệnh nặng. Nhưng cũng vì thế mà triều giáo hoàng dường như được đặt ngang hàng với các thể chế thế tục khác. Đối với một số người, đó là sự tiến bộ. Nhưng với một số người khác thì đây là một sự xáo trộn mới. Nếu Đức Ratzinger đã có một hành vi can đảm khi từ nhiệm, thì bầu khí vẫn là bầu khí của một cuộc khủng hoảng. Với việc bầu chọn giáo hoàng Châu Mỹ La Tinh đầu tiên, một cánh cửa hy vọng được mở ra. Sáu năm sau, các hành động quyết định đã được thực hiện. Chưa bao giờ người nghèo được đặt ở trọng tâm Giáo hội như dưới triều giáo hoàng của Đức Phanxicô. Chắc chắn, người nghèo luôn là một phần của cuộc phiêu lưu kitô giáo.

Và ngày nay, Giáo hội là Giáo hội của người nghèo. Giáo hội quan tâm đến thực tế của người di dân và nhìn thấy đây là “dấu hiệu của thời đại”. Đức Phanxicô đã nhấn mạnh đến Lời Chúa, và ngài đã dành một ngày đặc biệt cho Lời Chúa, ngày này sẽ được cử hành vào ngày chúa nhật 26 tháng 1 sắp tới. Giáo hội mời gọi chúng ta yêu Sách Thánh. Và hành động đích thực của Đức Phanxicô là Tông huấn Niềm vui Tin Mừng được công bố vào tháng 11 năm 2013, tông huấn đưa Giáo hội đi ra khỏi chính mình, dấn thân loan báo Tin Mừng và đi gặp giáo dân bên ngoài. Còn hơn là một Giáo hội của những người thiểu số, Đức Phanxicô còn muốn Giáo hội là Giáo hội của người dân. Giáo hội quan tâm đến vấn đề môi sinh, được triển khai trong Thông điệp Chúc tụng Chúa Laudato si’. Một thông điệp hoàn toàn mới.

Một người chiến đấu

Cũng phải nêu lên đây nhiều thay đổi đáng kể. Với bản thỏa thuận của chính quyền Trung quốc về việc bổ nhiệm các giám mục – một thỏa thuận không được mọi người đồng ý, một số người công giáo cho rằng thỏa thuận này đã nhượng bộ quá nhiều. Nhưng thỏa thuận này tái hợp lại đạo công giáo đã bị sứt mẻ và tạo một khả thể Đức Phanxicô có thể đi Bắc Kinh. Ngài luôn bị chỉ trích, những người chỉ trích chống một giáo hoàng quá đổi mới và đường lối quản trị của ngài. Nhất là nơi người công giáo Mỹ. Giữa các khó khăn quản trị guồng máy Vatican và cải cách giáo triều, các xì-căng-đan trong hàng giáo sĩ và việc quản trị của các giám mục, sự bối rối của các giám mục và hồng y trước một vài chọn lựa của giáo hoàng, và nhiều tranh cãi khác, bầu khí cho thấy căng thẳng.

Có phải Đức Phanxicô đã thất bại sau trạng thái ân sủng của thời gian đầu không? Trên thực tế, Giáo hội công giáo đang đi tới. Đức Phanxicô đã triển khai nhiều trực giác của Công đồng Vatican II. Cũng như ngài nói lên sự “trái phép” của vũ khí nguyên tử. Nhưng thực chất, trong thế giới chúng ta, tình trạng khủng hoảng là trạng thái bình thường của Giáo hội, và Giáo hội cũng không phải là thể chế duy nhất trong trường hợp này. Một tình trạng “hấp hối”, một hấp hối không phải là phòng chờ của cái chết, nhưng theo nghĩa Hy lạp của chữ hấp hối, đó là một cuộc chiến đấu. Đức Bergoglio, chứng nhân của hòa bình là người chiến đấu trong một thời buổi phức tạp, cũng như cách Thánh Phaolô đã viết trong thời của ngài.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Xin đọc thêm: Andrea Riccardi: “Đức Phanxicô đã trở thành nhà lãnh đạo không lẩn tránh vào đâu được”