Vì sao Tập Cận Bình muốn Thánh Kinh phù với đường lối của Đảng Cộng sản?
Người phụ nữ Trung quốc sung sướng cầm quyển Thánh Kinh trong tay
fr.aleteia.org, Timothée Dhellemmes, 2019-12-23
Trong một cuộc họp ngày 6 tháng 11-2019 vừa qua, nhà cầm quyền Trung quốc yêu cầu các nhà lãnh đạo tôn giáo xem lại các bản văn quy chiếu sao cho phù với “các yêu cầu của thời đại mới”. Theo nhà sử học Yves Chiron, việc thông báo này là sự tiếp nối hợp lý của chính sách trung quốc hóa của Tập Cận Bình.
“Cần phải có một đánh giá đầy đủ về các bản dịch hiện có của tôn giáo cổ điển. Đối với các nội dung không phù hợp, phải sửa đổi và phải dịch lại các văn bản”, chính với các lời này mà Đảng Cộng sản Trung Quốc đã nói với các nhà lãnh đạo tôn giáo trong một cuộc họp được tổ chức vào ngày 6 tháng 11 năm 2019. Kể từ khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân năm 1949, Trung Hoa là nước theo dõi chặt chẽ các tôn giáo, tăng cường sự bóp nghẹt xã hội của Đảng Cộng sản. Nhà sử học Yves Chiron Yves Chiron, tác giả quyển Con đường dài của tín hữu công giáo Trung quốc (La longue marche des catholiques de Chine, nxb. Artège) giải thích với báo Aleteia, “nếu không thể đàn áp được tôn giáo thì Tập Cận Bình tìm cách thay đổi tôn giáo”.
Aleteia: Bằng cách hạn chế tự do tôn giáo, chế độ cộng sản muốn gì?
Yves Chiron: Chế độ cộng sản muốn các tôn giáo phục vụ mục tiêu của Đảng Cộng sản và như thế là xây dựng xã hội chủ nghĩa. Tập Cận Bình biết ông không thể dùng một cuộc đàn áp quy mô để làm biến mất tôn giáo, vì thế ông theo đuổi một đường lối kiểm soát và công cụ hóa đức tin kitô giáo và hồi giáo. Đây là chính sách nhắm đến Giáo hội công giáo, nhưng cũng nhắm đến tin lành và hồi giáo.
“Đối với Tập Cận Bình, các tôn giáo phải thích nghi với văn hóa và các giá trị của Trung Quốc, và từ đó là sự chuyển tiếp các giá trị của chủ nghĩa Mác.”
Đây không phải là một thông báo ngoạn mục nhưng là tiếp nối lô-gích chặt chẽ của một ý đồ chính trị nhằm trung quốc hóa xã hội mà Tập Cận Bình đã tuyên bố nhiều năm trước đây. Khi ông dùng chữ “trung quốc hóa” lần đầu tiên năm 2011, lúc đó là ông muốn áp dụng cho chủ nghĩa Mác. Từ năm 2015, ông tin rằng điều này cũng phải áp dụng cho các tôn giáo có mặt ở Trung Quốc. Đối với ông, các tôn giáo phải thích nghi với văn hóa và các giá trị của Trung Quốc, và từ đó là sự chuyển tiếp các giá trị của chủ nghĩa Mác.
Điều gì sẽ dẫn đến hậu quả cho mối quan hệ vốn đã phức tạp giữa các tín hữu và chế độ?
Đó là một sự kiểm soát liên tục hàng ngày và càng ngày càng chặt chẽ, vừa trên các tòa nhà cơ sở tôn giáo mà còn trên tất cả các hoạt động tôn giáo nói chung. Ở Trung Quốc, không một tờ báo kitô giáo nào, một tạp chí thần học nào được tồn tại. Đôi khi có một số bản tin nhà thờ hoặc chùa, nhưng tất cả đều phải được chế độ kiểm soát.
Nhưng đến lễ Giáng Sinh thì kiểm soát còn gắt gao hơn: chính quyền lên chiến dịch tẩy chay vì họ xem lễ này phản bội với văn hóa Trung quốc, họ cấm trang hoàng lễ Giáng Sinh trong các trường học. Trong nhiều trường học, trẻ em bị phạt khi nói mình sẽ đi lễ Giáng Sinh. Điều này là do một quy định được thông qua hai năm trước, nhà nước cấm trẻ em dưới 18 tuổi đến nhà thờ hay chùa.
Chế độ muốn “dần dần hình thành một hệ thống tư tưởng tôn giáo đặc nét Trung Quốc”. Cuối cùng, mục tiêu là loại tất cả các tôn giáo?
Trong hệ tư tưởng mác-xít, tôn giáo là “thuốc phiện của người dân”, một thượng tầng cấu trúc phải bị loại bỏ. Nhưng chế độ ý thức, trong thực tế không thể loại bỏ tôn giáo ngay lập tức. Không phá hủy tôn giáo, họ tìm cách biến đổi tôn giáo. Chính sách trung quốc hóa này dẫn đến chiến dịch gần đây dán các bích chương trong nhà thờ. Nhà cầm quyền cố gắng chứng minh qua các câu trích dẫn, rằng mười hai giá trị lớn của xã hội chủ nghĩa cũng tương ứng trực tiếp với Thánh Kinh, như thế Thánh Kinh loan báo sứ điệp xã hội chủ nghĩa.
Sự kiểm soát chặt chẽ các tôn giáo của chế độ có từ năm 1949, từ khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung quốc. Quyết định đặc biệt nghiêm trọng này cho thấy chế độ đã bước qua một cấp độ mới?
Theo tôi, đây là sự tiếp nối hợp lý của chính sách mà Tập Cận Bình theo đuổi từ năm 2013. Nhưng trong thập kỷ 1966-1976, thời kỳ được gọi là Cách mạng Văn hóa, tình trạng thậm chí còn nặng hơn. Không có một hình thức thờ phượng nào được cho phép: ngay cả các nhà thờ “chính thức” (của người hồi giáo là những nhà thờ được nhà nước chấp nhận) cũng bị đóng cửa, cũng vậy với các nhà thờ tin lành. Không có một hình thức thờ phượng nào được có mặt ở Trung Quốc. Ngày nay, ngay cả khi tự do tôn giáo bị cản trở nghiêm trọng, các nhà thờ chính thức cũng được mở cửa và tôn giáo không bị cấm.
Có thực sự có một niềm tin tôn giáo ở Trung Quốc không?
Có thể, vì không có một nước nào, ở một thời nào lại có thể ngăn người dân tin. Mục đích của chế độ là về lâu về dài là loại bỏ tôn giáo ở Trung quốc, nhưng dĩ nhiên là họ sẽ không thể nào đạt được.
Vatican đã ký một thỏa thuận năm 2018 công nhận bảy giám mục do chế độ bổ nhiệm. Một số người Công giáo sau đó đã phản đối, đặc biệt là hồng y Giuse Trần Nhật Quân (Joseph Zen Ze-kiun), người đã tố cáo một “sự phản bội”. Liệu lần tấn công mới này của chế độ làm cho ngài có lý?
Các biện pháp khác nhau của chính quyền Trung quốc áp dụng sau thỏa thuận là mâu thuẫn với thỏa thuận này. Mục đích của chế độ vẫn là thực thi quyền kiểm soát nhiều hơn đối với Giáo hội Công giáo, và công cụ hóa giáo điều cho các mục đích chính trị. Rõ ràng, bằng cách ký thỏa thuận này, Đức Giáo hoàng đã cố gắng bảo vệ quyền tự do của Giáo hội và đảm bảo sự liên tục của mình ở Trung quốc, nơi có nhiều giáo phận không có giám mục … Ngài có lý do để ký thỏa thuận này. Nhưng Trung Quốc và Tòa thánh theo đuổi các lợi ích khác nhau. Có thể Vatican ít có khả năng phản ứng với cuộc tấn công mới này của chế độ. Giáo hoàng nhận thức rõ, 11 triệu người công giáo Trung quốc sẽ đi lễ Giáng Sinh trong các điều kiện rất khó khăn. Ngài sẽ không muốn làm cho tình hình xấu thêm.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Xin đọc thêm: Tập Cận Bình muốn viết lại Kinh Thánh để phù hợp với đường lối của Đảng cộng sản.
Năm đàn áp của Trung Quốc không mang lại một hy vọng nào cho Năm mới