Hướng đến một con đường thiêng liêng cho tâm trạng cô đơn (2/8)
Trích sách Quả tim thao thức, The restless heart, Ronald Rolheiser
Hướng đến hành động mạo hiểm hơn, yếu mềm hơn, cho người khác khoảng không gian tự do hơn, vui thú hơn, cống hiến cao cả hơn.
2- Mềm yếu
Một trong những trở lực lớn nhất đối với tình mật thiết là khuynh hướng tin rằng người khác sẽ yêu chúng ta vì chúng ta hấp dẫn và mạnh mẽ. Vì thế, trong cuộc đời, chúng ta thường cố gắng gây ấn tượng với người khác để họ thích chúng ta hơn là cho họ thấy con người thật của chúng ta, mềm yếu, dịu dàng, và đáng yêu. Chúng ta luôn luôn cố gắng gây ấn tượng đặc biệt kỳ lạ để cho người khác phải yêu chúng ta.
Giống như dân thành Babel, chúng ta luôn luôn cố gắng xây các ngọn tháp càng ngày càng cao để áp đảo người khác, để họ phải yêu chúng ta. Việc chối từ không chấp nhận tính mềm yếu này, là một trong những nguyên do lớn nhất của cô đơn. Vì không chấp nhận chính mình mềm yếu, chúng ta thường không tận hưởng tình bằng hữu và mật thiết với người chung quanh, thay vào đó, chúng ta dùng tài năng, thành tựu, sức mạnh như vũ khí để chắn đỡ bản thân khi đối diện với người khác. Trong vòng thân thuộc gia đình, bạn bè chúng ta, tài năng, sức mạnh, sức hấp dẫn, thông minh, hóm hỉnh, quyến rũ, khả năng nghệ thuật cũng như cơ bắp, không còn là tặng vật đẹp đẽ làm phong phú cuộc sống như thiên chức định sẵn của chúng, thay vào đó chúng trở nên vũ khí của chiến tranh, đối tượng của ghen tỵ, và là mãnh lực tạo ra ghen tương, chia rẽ chúng ta với người khác. Trong cộng đoàn, gia đình, và bạn bè, chúng ta liên tục phô trương sức mạnh, tài năng và thành tựu của mình, như một cuộc diễn hành quân sự với đầy đủ vũ khí chiến tranh. Điều ngạc nhiên là khi đã làm xong, chúng ta lại tự hỏi tại sao kết cục, chúng ta bị xa lánh, và rồi mỗi người cứ mãi lảm nhảm loại ngôn ngữ lạ lẫm của riêng mình.
Chúng ta chỉ có được tình mật thiết và tình yêu khi không còn biểu dương tài năng và biết từ bỏ khuynh hướng xây tháp Babel mới. Chỉ khi đó, chỉ khi chúng ta trở nên mềm yếu và để cho người khác thấy được chúng ta cùng chia sẻ sự mong manh như họ, thấy được rằng sức mạnh, tài năng, và thành tựu của chúng ta không phải là những mối hại mà là tặng vật đẹp đẽ làm phong phú đời sống của họ, chỉ khi đó người khác mới đến với chúng ta trong tình bằng hữu và mật thiết đích thực. Trong biến chuyển để tránh “tha hóa”, một trong những điều đầu tiên mà chúng ta phải học là phải biết mạo hiểm để trở nên yếu mềm hơn.
Tuy nhiên, tính mềm yếu này không nên bị nhầm lẫn với yếu đuối. Yếu mềm thật sự không có nghĩa biến mình thành tấm thảm bị người khác dẫm lên, một người nhu nhược, không danh dự, lạc lối và để mọi người thấy rõ hết tất cả các lỗi lầm và yếu đuối của mình. Tính yếu mềm cũng không được nhầm lẫn với ý niệm “cứ khai ra hết” hay bất cứ dạng nào theo kiểu tự lột trần tâm lý. Đúng hơn, yếu mềm có nghĩa là đủ mạnh mẽ để biểu lộ chính con người thật của mình, với tất cả sức mạnh và yếu đuối, không thêm không bớt. Yếu mềm có nghĩa là đủ mạnh để có thể biểu lộ chính mình mà không cần những chống đỡ giả dối, không cần phô trương giả tạo về sự khả tín của chúng ta. Tóm lại, yếu mềm là đủ mạnh để chân thành và dịu dàng với người khác. Cũng như Chúa Giêsu, con người yếu mềm là con người quan tâm người khác đến mức để chính mình trở nên yếu chỉ vì lòng quan tâm đó mà thôi. Bất cứ lúc nào chúng ta cảm nhận thấy mình hụt hẫng vì thiếu tình mật thiết trong đời sống, bất cứ lúc nào chúng ta cảm thấy cuồng hoảng và tha hóa, chúng ta nên xem lại chúng ta có biết mềm yếu hay không. Có thể chúng ta đã không mềm yếu đủ để được yêu.
- Khoảng không gian tự do
Biến chuyển từ tha hóa đến hội nhập còn tùy thuộc mỗi người chúng ta có tạo được một “khoảng không gian tự do” trong các mối quan hệ của mình, một ý thức tự do dành cho người khác.
Như đã thấy, một trong những mối nguy của tâm trạng cô đơn là do chúng ta quá cô đơn, quá cần tình cảm đến tuyệt vọng, và rồi có xu hướng chiếm hữu quá đáng, đòi hỏi quá đáng trong các mối quan hệ của mình, làm cho người khác cảm thấy ngột ngạt do tính chiếm hữu và đòi hỏi của chúng ta. Tôi chắc rằng tất cả chúng ta đều có trải nghiệm về hai điều này. Ví dụ, trong các mối quan hệ thương yêu nhất của mình, tất cả chúng ta đều có ý hướng tự nhiên muốn chiếm hữu, ghen tỵ với người khác, đòi hỏi người khác một sự độc quyền quá mức là người đó chỉ được yêu thương chúng ta mà thôi. Ngược lại tất cả chúng ta đều có trải nghiệm sự chiếm hữu quá đáng từ người khác, những đòi hỏi quá mức về thời gian và độc quyền, những ghen tương, khó tính của người ta, những điều cho chúng ta cảm giác ngột ngạt.
Bởi vậy, trong các mối quan hệ, chúng ta cần tôn trọng tự do của người khác để tạo cho họ khoảng không gian tự do: một khoảng trời tự do ở đó họ cảm thấy mình được yêu mà không bị bóp nghẹt; một khoảng không gian tự do mà họ cảm thấy mình được tự do phát triển theo thiên hướng nội tại của mình.
Đây có lẽ là điều khó làm nhất trong bất kỳ mối quan hệ nào. Tâm hồn chúng ta tự động vươn ra cố để chiếm lấy những gì nó mong mỏi. Vấn đề nảy sinh là dù vui thích khi được yêu, nhưng lại không vui thích khi bị chiếm hữu. Có lẽ dấu ấn lớn nhất chứng minh sự trưởng thành chính là khả năng biết yêu thương người khác mà vẫn để họ được tự do thật sự. Chính điều đó, chứ không phải những hành động tình dục, mới tạo thành tình yêu cao cả. Một nhà hiền triết vô danh đã nói: “Nếu con yêu điều gì đó, hãy để nó tự do. Nếu nó quay lại, nó là của con. Nếu nó không quay lại, thì nó chưa từng và chẳng bao giờ là của con cả.” Thật đúng làm sao và cũng khó thực hiện làm sao!
Tuy nhiên, không nên nhầm lẫn tạo một khoảng không gian tự do cho người khác với việc tùy tiện và hờ hững trong quan hệ. Khoảng không gian tạo nên do lãnh đạm, tách biệt và xa cách đơn giản chỉ là khoảng không gian trống rỗng, không thể làm nền tảng cho tình yêu. Để người khác được tự do không có nghĩa là chúng ta không quan tâm. Chúng ta phải quan tâm, và quan tâm thật nhiều. Thật vậy, chính bởi vì chúng ta quan tâm thật nhiều, nên mới không áp đặt, xâm phạm lên tự do của người khác, tôn trọng đến mức chúng ta không quan tâm đến những đau đớn mà mình có thể phải chịu.
Có một ẩn dụ dễ thương mà chính xác đến kinh ngạc về những gì xảy đến trong một mối thân tình tốt đẹp. Một tình thân tốt đẹp có thể so sánh với hai con nhím trong cơn bão tuyết. Bất cứ lúc nào chúng ở quá xa nhau, chúng đều cảm thấy lạnh. Nhưng khi đến gần nhau quá, thì những chiếc gai của chúng sẽ làm tổn thương nhau. Chúng bắt buộc phải giữ một cân bằng rất tinh tế giữa khoảng cách và gần gũi.
Đời sống gia đình và cộng đoàn cũng đòi hỏi sự tinh tế này, một cân bằng khó đạt được. Chúng ta cần phải gần gũi nhau nếu không sẽ cảm thấy lạnh lẽo. Nhưng cũng không bao giờ nên gần nhau đến mức chiếm hữu quá đáng và bắt đầu bóp nghẹt tự do của người khác.
Thoát được tha hóa hay không tùy thuộc vào khả năng tạo cho người khác một khoảng không gian tự do, trong đó chúng ta có thể sống cách sáng tạo giữa áp lực gần gũi và giữ một khoảng cách cần thiết.
J.B. Thái Hòa dịch
Xin đọc thêm: Lời nói đầu sách Quả tim thao thức
Hướng đến một con đường thiêng liêng cho tâm trạng cô đơn (1/8)