Hai ông cháu Norbert và Virginie: “Chân phước Marguerite Bays được vinh danh, không phải chúng tôi!”
cath.ch, Maurice Page và Bernard Hallet, Rôma, 2019-10-12
Hai ông cháu Norbert và Virginie ở quảng trường Thánh Phêrô ngày 12 tháng 10-2019, hôm trước ngày phong thánh chân phước Marguerite Bays. | © B. Hallet
“Tôi chết điếng người khi thấy cháu Virginie lúc đó 22 tháng bị xe máy kéo cán lên”. Ông Norbert Baudois, 87 tuổi đang ở quảng trường Thánh Phêrô để dự lễ phong thánh chân phước Marguerite Bays ngày mai 13 tháng 10-2019, ông xúc động nhớ lại tai nạn ngày 6 tháng 3 năm 1998 khi ông xin chân phước Marguerite Bays cứu cháu mình khỏi chết. Hai ông cháu là khí cụ của phép lạ mở đường cho việc phong thánh người thợ may của tỉnh La Pierra, Thụy Sĩ.
Với ông Norbert, ngày phong thánh này là ngày đại lễ: “Đây là ngày hoàn tựu. Từ rất lâu Marguerite xứng đáng có ngày này.” Ông đã có mặt ở quảng trường Thánh Phêrô trong ngày ngài được phong chân phước năm 1994.
“Được phép lạ không phải là một chức vụ”
Ông đội chiếc mũ bê-rê trên đầu, tay chống gậy hơi mệt một chút. Ông nhấn mạnh: “Chính Marguerite là người được vinh danh, không phải chúng tôi.” Virginie, cô cháu gái nói thêm: “Tôi là cô gái như mọi cô gái khác. Đây là một phần đời của tôi, nhưng đây không phải là một chức vụ, cũng không phải là một ưu tiên. Tôi là người bình thường. Điều khác biệt là mối liên hệ của tôi với chân phước Marguerite và có thể với đức tin của tôi.”
Dù cô không còn giữ một kỷ niệm nào về sự việc này, nhưng cô rất xúc động khi được dự lễ phong thánh này với người ông yêu quý, cô dịu dàng nắm tay ông. Cô nói: “Tôi không nghĩ chuyện này có thể xảy ra khi ông còn sống. Mọi người nhìn tôi nhưng tôi không muốn xuất hiện”, người phụ nữ có mái tóc vàng nói, cùng đi với người bạn trai đang chờ cô.
“Marguerite là người bạn tâm giao, là đồng minh, là người chị tâm huyết. Tôi nói chuyện mỗi ngày với bà. Trong phòng bà ở La Pierra hay ở Notre-Dame du Bois, tôi cảm thấy có sự hiện diện của bà”
“Tôi chịu trách nhiệm”
Từ ngày đó, không ngày nào là ông Norbert cám ơn chân phước Marguerite mỗi ngày: “Tôi là người chịu trách nhiệm, tôi là người lớn duy nhất lúc đó ở với hai cháu. Hai ngày sau tai nạn, dù Virginie được bình an, tôi đã khóc hết nước mắt.” Bây giờ hàng tuần ông vẫn còn đến La Pierra để cầu nguyện với chân phước Marguerite và hái hoa trong vườn đem đến. “Tôi đi bộ bằng gậy, tôi đến đó bằng xe vì tôi vẫn còn bằng lái.”
Hai ông cháu Norbert và Virginie ở quảng trường Thánh Phêrô. Ông đã đến đây trong lần phong chân phước Marguerite Bays năm 1994. | © B. Hallet
Niềm vui của cả gia đình ở Rôma để dự lễ phong thánh có một chút buồn vì vợ ông bây giờ không thể đi được, bà ở nhà hưu dưỡng. “Chúng tôi đi hành hương với nhau rất nhiều. Khi tôi đi thăm chân phước Marguerite, tôi cầu nguyện với chân phước cho vợ tôi.”
Ngoài hoa cúc được ghim trên ngực, ông Norbert còn mang huy chương “bene merenti” trên áo vét. Trên 60 năm nay, ông hát trong ca đoàn giáo xứ. Ông cũng giữ trong túi chiếc hộp nhỏ đựng thánh tích Marguerite. “Tôi sẽ xin Đức Phanxicô làm phép.”
Cô sẽ nói gì với Đức Phanxicô? Cô Virginie thú nhận, “tôi chưa biết, tôi cũng hơi lo lo một chút.”
Những người có đức tin
Năm 1951 ông Norbert về sống ở Siviriez và ông đã tham dự các buổi lễ lớn năm 1953 khi khai quật mộ của chân phước Marguerite Bays. Hàng chục ngàn người đổ dồn về Glâne, bang Fribourg trong các chuyến xe lửa đặc biệt. Một đám rước lớn với kèn trống, các nhóm của giáo xứ và tất cả các tu sĩ trong vùng đã đi qua làng. Ông Norbert lấy làm tiếc: “Bây giờ thì không còn nhiều, chỉ có 5 hoặc 6 tín hữu họp nhau lần chuỗi ở nhà chân phước Marguerite. Ngày xưa mọi người chen chúc ngoài hành lang và ngay cả bên ngoài. Hồi đó mọi người có đức tin!”
Ngày mai ở quảng trường Thánh Phêrô, hai ông cháu Norbert và Virginie sẽ là chứng nhân đặc biệt cho đức tin này, cho một “vị thánh của chúng ta”.
Marta An Nguyễn dịch
Xin đọc thêm: Marguerite Bays, từ phép lạ ở Thụy Sĩ đến việc phong thánh