Bà Josianne Gauthier ở Montréal, Canada là chuyên gia ở Thượng hội đồng Amazon

253
Bà Josianne Gauthier ở Montréal, Canada là chuyên gia ở Thượng hội đồng Amazon
presence-info.ca, François Gloutnay, 2019-10-07
Bà Josianne Gauthier đang tham dự Thượng hội đồng Amazon trong cương vị chuyên gia. Hình: Marta Isabel González/CIDSE)
Bà Josianne Gauthier, Cựu phó giám đốc tổ chức Phát triển và Hòa bình hiện đang tham dự Thượng hội đồng Giám mục về Amazon trong cương vị chuyên gia.
Hiện nay bà Josianne Gauthier là tổng thư ký của tổ chức Hợp tác Quốc tế Phát triển và Tương trợ (CIDSE), bà ở trong danh sách ngắn ngủi các chuyên gia quốc tế được Đức Phanxicô mời tham dự, cùng với 184 nghị phụ họp tại Rôma từ ngày 6 tháng 10 đến chúa nhật 27 tháng 10 để tìm “các đường hướng mới phát triển hình ảnh Giáo hội ở vùng Amazon và để đối diện với các tình trạng bất công của vùng này”.
Trong số các chuyên gia có mặt ở Rôma có ông Ban Ki-Moon, cựu Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, ông Carlos Alfonso Nobre, giải Nobel Hòa bình năm 2007, ông ở trong Nhóm chuyên gia liên chính phủ về biến đổi khí hậu (GIEC).
Bà Josianne Gauthier, 45 tuổi là luật sư, từ hai năm nay bà sống ở Bruxelles. Bà điều khiển tổ chức Hợp tác Quốc tế Phát triển và Tương trợ, một nhóm tổ chức công giáo hoạt động cho công bằng xã hội. Tổ chức Phát triển và Hòa bình là thành viên sáng lập tổ chức Hợp tác Quốc tế Phát triển và Tương trợ.
Tài liệu làm việc
Bà khuyên nên đọc Tài liệu làm việc Instrumentum Laboris – được chuẩn bị cho các hồng y và giám mục tham dự thượng hội đồng. Bà cho biết: “Tài liệu này giới thiệu rõ ràng và đầy đủ về nhiều thách thức và mối đe dọa mà vùng Amazon và Giáo hội ở Amazon phải đối diện”. Bà cũng cho biết các thách thức khác “cũng cần được các hồng y, giám mục phát triển đến nhiều hơn”, các ngài sẽ bỏ phiếu cho các đề xuất khác nhau vào cuối cuộc họp.
Bà mong các nghị phụ “sẽ đặt vấn đề về mô hình tăng trưởng, di sản của một hệ thống thuộc địa”. Bà cũng mong cuộc họp này sẽ kết thúc trong tinh thần “ý thức trách nhiệm toàn cầu kể cả với Giáo hội để có các hành động cụ thể mang tính chất chính trị”.
Bà cho biết: “Chúng ta cần đặt câu hỏi về vai trò của chúng ta trong việc duy trì hệ thống bất công này, làm cho vùng đất này và các dân tộc sống ở đó phải khóc.”
Bà Josianne Gauthier cũng hy vọng các cuộc thảo luận sẽ vượt ra ngoài vùng Amazon và quan tâm đến các “thay đổi cần thiết trong hành vi của chúng ta, trong chính mối quan hệ của chúng ta với tài nguyên, trong phương thức sản xuất và trong các lựa chọn tiêu dùng của chúng ta”.
Phụ nữ trong Giáo hội
Phần thứ ba trong tập Tài liệu Làm việc dày 60 trang là khám phá các con đường mới cho Giáo hội ở Amazon. Có rất nhiều vấn đề về vai trò lớn dần của người bản địa, phụ nữ và giáo dân trong Giáo hội địa phương.
Bà Josianne Gauthier mong các người tham dự có được một “ngôn ngữ cởi mở, công bằng, khách quan và rõ ràng với các quyền của phụ nữ, với sự đóng góp và vai trò của họ trong Giáo hội”.
Theo bà thượng hội đồng này là “lời mời gọi thay đổi hình ảnh Giáo hội để Giáo hội đại diện cho dân Chúa và những người tạo nên Giáo hội mỗi ngày.
Bà nói tiếp: “Cá nhân tôi, là giáo dân dấn thân trong Giáo hội từ lâu, tôi hoàn toàn đồng ý với ý tưởng để phụ nữ và giáo dân có một cương vị lớn hơn trong Giáo hội. Tôi tin vấn đề này được thảo luận trong bối cảnh đặc biệt của vùng Amazon cũng sẽ có tiếng vang trong Giáo hội trên toàn thế giới”. Bà cho rằng, “đây cũng là vấn đề công lý và nhân phẩm”.
Ba người Canada khác cũng tham dự vào Thượng hội đồng Amazon là Giám mục
Lionel Gendron, giáo phận Saint-Jean-Longueuil, hồng y Marc Ouellet, bộ trưởng bộ Giám mục và hồng y Dòng Tên Michael Czerny, thư ký đặc biệt của thượng hội đồng và là thành viên trong ủy ban soạn thảo tài liệu cuối cùng.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Xin đọc thêm: Amazon, phòng thử nghiệm cải cách của Đức Phanxicô