Các thần học gia nói về tâm trạng cô đơn (1/5)

238

Các thần học gia nói về tâm trạng cô đơn (1/5)

Trích sách Quả tim thao thức, The restless heart, Ronald Rolheiser  

Giá trị của truyền thống

“Chỉ có hai hay ba câu chuyện nhân loại, và rồi chúng cứ tự lặp đi lặp lại thật dữ dội như thể chưa bao giờ từng xảy ra.” Điều này tóm gọn lại rất đúng giá trị của lịch sử và truyền thống.

Mỗi thế hệ phải đấu tranh với vài vấn đề khởi sinh từ tâm điểm trải nghiệm của nó. Trong vật lộn với những vấn đề này, mỗi thế hệ được thúc giục để nhìn vào chính mình như độc nhất vô nhị, như một cái gì khác với các thế hệ trước, như thể những thấu suốt và quan điểm cũ không thể giúp gì được cho mình. Quan điểm này đặc biệt có mãnh lực quyến dụ vì mỗi thế hệ thực sự là độc nhất và đầy những phức tạp mới mẻ của riêng nó. Tuy nhiên, mỗi thế hệ cũng còn là một phần của câu chuyện nhân loại toàn thể, vì từ buổi bình minh của ý thức, xét đến tận cùng thì, quả tim con người đã phải đấu tranh với những câu hỏi giống nhau. Luôn luôn là những câu hỏi về sự sống và cái chết, ý nghĩa và tuyệt vọng, tình yêu và cô đơn. Chỉ có một vài câu hỏi có ý nghĩa lớn lao, cũng như chỉ có một vài câu chuyện lớn lao.

Bởi vậy, xuyên suốt dòng lịch sử, chúng ta thấy có những tâm trí giống chúng ta, nhiều lúc có những tâm trí vượt cao hơn cũng đã vật lộn với những vấn đề mà chúng ta đang mắc phải. Gặp gỡ những tâm trí này có thể chữa lành và soi sáng nhiều cho trải nghiệm của chúng ta vì thường thường, cách nhìn của họ có thể soi sáng cho đấu tranh riêng của chúng ta để chúng ta hiểu cách thấu suốt mang tính giải phóng và để chúng ta lên tinh thần. Như De Tocqueville đã nói, “những ai lãng quên lịch sử của họ thì số phận sẽ là lặp lại chính lịch sử đó.” Cũng vậy, nếu chúng ta chối từ nhìn vào lịch sử và truyền thống để có được cái nhìn thấu suốt, thì bản án của chúng ta là phải đấu tranh một mình, không có viện trợ đáng giá có thể rất hữu ích cho chúng ta. Câu chuyện của chúng ta đã từng được kể trước đây. Lắng nghe câu chuyện này có thể là một liệu pháp tâm lý trong cuộc vật lộn để đi vào tự do nội tâm và có được một nhận thức hiểu biết.

Là Kitô hữu ngày nay, chúng ta là những người có phúc vì ở trong một truyền thống được rút ra từ kho tàng gần hai ngàn năm đấu tranh tư tưởng và nhận thức thấu suốt. Chúng ta đã nhìn ra các quan điểm của cả Do Thái lẫn Kitô giáo về tâm trạng cô đơn. Giờ đây, chúng ta vẫn còn câu hỏi: Trong suốt gần hai ngàn năm sau thời Chúa Giêsu và các tông đồ, người ta nhìn nhận về tâm trạng cô đơn của con người như thế nào? Các linh mục trong giáo hội và những nhà thần học tiếp sau đã giải đáp vấn đề này như thế nào?

Truyền thống Kitô luôn luôn nhắm đến vấn đề này, thoáng qua cũng như rõ ràng. Như chúng ta sẽ thấy, trong truyền thống Kitô có những nhận thức thấu suốt đáng giá để chia sẻ với chúng ta. Tuy nhiên, cố gắng để có được một cái nhìn tổng thể trọn vẹn về truyền thống Kitô đối với tâm trạng cô đơn, thì đó là một công việc quá khổng lồ. Thay vào đó, tôi mang đến cho các bạn quan điểm của bốn thần học gia, mỗi người giới thiệu một thời đại khác nhau trong lịch sử giáo hội, nhưng lại cùng nhau kết thành một nhịp cầu nối liền một ngàn sáu trăm năm của truyền thống Kitô. Mỗi người nói về chuyện của mình, theo cách riêng của họ. Và mỗi người cũng cho chúng ta các quan điểm để hiểu được tâm trạng cô đơn. Và cùng với nhau họ đem lại một cái nhìn tiêu biểu của Kitô giáo về cô đơn.

Bây giờ chúng ta hãy nhìn Âugutinô  (354-430), Tôma  Aquinô (1224-1274), Gioan Thánh Giá (I542-1818), và Karl Rahner (1904-1984) để xem họ nói những gì về câu chuyện của họ, đặc biệt là những gì liên hệ với đấu tranh để hiểu được và giải phóng chúng ta khỏi tầm hung bạo vô cùng của tâm trạng cô đơn.

J.B. Thái Hòa dịch